
BÁO CÁO CÔNG TÁC NHIỆM KỲ VI CỦA BAN CHẤP HÀNH HỘI
(Giai đoạn 2014-2019)
Đối với Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam, nhiệm kỳ VI (2014-2019) là nhiệm kỳ hết sức khó khăn về nhiều mặt, nhưng cũng là thời gian đầy ắp các công việc được triển khai trên các lĩnh vực từ việc kiện toàn lại tổ chức bộ máy, nhân sự, đổi mới phương thức hoạt động cũng như phát triển tổ chức, đội ngũ.
Có được kết quả này là nhờ sự nổ lực của tập thể hội viên, các cán bộ Hội cùng với sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ thường xuyên của các cơ quan chức năng của Đảng, nhà nước, của Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam, sự ủng hộ của các đơn vị, tổ chức trong nước, ngoài nước. Dù khắt khe đến mấy, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng nhiệm kỳ qua, Hội Vô tuyến – Điện tử VN đã hoàn thành tốt những nhiệm vụ đặt ra trong phương hướng hoạt động đã được Đại hội nhiệm kỳ VI thông qua.
Thay mặt cho Ban chấp hành, Đoàn chủ tịch, tôi xin trình bày báo cáo nhiệm kỳ VI của Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam.
Báo cáo gồm 2 phần:
Phần 1: Hoạt động của Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam nhiệm kỳ VI (2014-2019)
Phần 2: Phương hướng công tác nhiệm kỳ VII
PHẦN I
HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI VÔ TUYẾN – ĐIỆN TỬ VIỆT NAM
NHIỆM KỲ VI (2014-2019)
1.1. Công tác tập hợp trí thức, thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng
Xác định rõ vai trò quan trọng của đội ngũ trí thức với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc trong giai đoạn hiện nay; thời gian qua Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam đã triển khai nhiều công việc có liên quan, trong đó có việc đẩy mạnh công tác chính trị, tư tưởng, giúp anh chị em trí thức khoa học và công nghệ trong Hội nhận thức sâu sắc trách nhiệm và bổn phận của mình đối với đất nước, dân tộc. Hội luôn quan tâm tới việc bồi dưỡng chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của người trí thức, đặc biệt là lớp trí thức trẻ; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Hội các cấp, hoàn thiện các nội quy, quy chế hoạt động của Hội.
Là đơn vị mang tính chất tư vấn, phản biện, với số lượng không đông và phân tán, nhưng nhờ có sự phân công nhiệm vụ cụ thể nên đa số anh chị em luôn có tinh thần trách nhiệm và tính cộng đồng cao. Chính đây là điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý và hoạt động của Hội.
Những công việc được giao, đa số các cán bộ chủ trì, các hội viên trong Hội, luôn tự giác làm hết trách nhiệm trong khả năng có thể để đạt quả tốt nhất.
Trong quan hệ với cơ quan cấp trên cũng như cấp dưới, các tập thể và cá nhân đều thể hiện được sự tôn trọng, hợp tác thiện chí. Trong nội bộ thể hiện được tình cảm đồng nghiệp, chia sẻ hoàn toàn tự nguyện, giúp đỡ nhau để hoàn thành nhiệm vụ, động viên nhau khi gặp khó khăn. Đây là một truyền thống, một nét đẹp nhân văn, trí thức và cũng là một điểm mạnh của Hội đã hình thành và duy trì trong suốt 30 năm qua.
Cho đến nay, Hội chưa phát hiện trường hợp sai phạm về nhận thức, hành động trái với pháp luật, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước.
1.2. Công tác xây dựng và phát triển tổ chức
Nhiệm kỳ qua, Lãnh đạo Hội đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo về các mặt của Lãnh đạo Liên hiệp Hội, của Bộ Thông tin và Truyền thông và của Bộ Nội vụ. Hội đã cử cán bộ trong lãnh đạo Hội tham gia vào Đảng ủy của Liên hiệp Hội và Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội KHKT VN. Hội đã xây dựng được mối quan hệ tốt với các cơ quan quản lý cấp trên như: Liên hiệp Hội KHKTVN, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Thông Tin – Truyền Thông … và thường xuyên nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cơ cơ quan cấp trên này. Hội luôn thực hiện đầy đủ quy định về báo cáo hoạt động của Hội với các cơ quan có liên quan.
Hội đã tập trung xây dựng kế hoạch, nội dung hành động song song với việc hoàn thiện các nội quy, quy chế hoạt động của các chức năng lãnh đạo, các ban chuyên môn và kiện toàn lại tổ chức các đơn vị thuộc Hội. Ban Thường vụ Hội đã thông qua đề án cơ cấu lại nhân sự của Tạp chí Điện tử, xúc tiến thành lập Câu lạc bộ các khoa, viện Điện tử – Viễn thông và đề án thành lập Câu lạc bộ Thiết kế Điện tử…
Trong điều kiện hết sức khó khăn, nhưng Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam vẫn phát triển được thêm 5 chi hội mới, đó là:
– Chi hội Vô tuyến – Điện tử tại trường Đại học Giao thông- Vận tải,
– Chi hội Vô tuyến – Điện tử tại trường Đại học Quy Nhơn,
– Chi hội Đài Tiếng nói Việt Nam,
– Chi hội đại học kỹ thuật Nha Trang.
– Chi hội VT-ĐT tại Tp Huế
1.3. Công tác hoạt động Khoa học – Công nghệ
Hoạt động Khoa học – Công nghệ của Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam mà trọng tâm là tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học mang tính chất quốc tế và quốc gia, đó là:
– Hội nghị khoa học Quốc tế về các công nghệ tiên tiến trong truyền thông ATC (The Int’l Conference on Advanced Technologies for Communications),
– Hội thảo khoa học Quốc gia về Vô tuyến – Điện tử – REV (Radio and Electronics Association of Vietnam).
ATC là Hội nghị Quốc tế thường niên về các công nghệ tiên tiến trong truyền thông (The International Conference on Advanced Technologies for Communications) được đồng tổ chức bởi Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam (Radio and Electronics Association of Vietnam – REV) và Hội Truyền thông IEEE/ComSoc (IEEE Communications Society). Hội nghị được tổ chức với hai mục tiêu:
– Hình thành một diễn đàn quốc tế để trao đổi về khoa học, công nghệ trong lĩnh vực điện tử, viễn thông, máy tính và các lĩnh vực liên quan giữa các nhà khoa học của Việt Nam và quốc tế;
– Thu hút các công trình nghiên cứu có chất lượng cao của các nhà khoa học trong và ngoài nước phục vụ đất nước.
Được bắt đầu tổ chức vào năm 2008, Hội nghị ATC đã được tổ chức tại các thành phố khác nhau ở Việt Nam nhằm thúc đẩy hoạt động trao đổi và nghiên cứu khoa học.
Hội nghị sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh.
REV là Hội nghị trao đổi học thuật cấp Quốc gia do Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam tổ chức hằng năm theo mô hình kết hợp giữa Hội với các trường đại học, viện, học viện trong nước nhằm tạo lập một diễn đàn trao đổi chuyên sâu có chất lượng về các lĩnh vực thuộc chuyên ngành điện tử, truyền thông và công nghệ thông tin (ECIT) để tổng kết và giới thiệu các tiến bộ Khoa học Kỹ thuật chuyên ngành mới nhất trên thế giới và trong nước về lĩnh vực Điện tử – Viễn thông. Trong thời gian diễn ra hội thảo, thường kèm theo một trưng bày kỹ thuật về Điện tử – Thông tin với sự phối hợp của một số công ty chuyên ngành có liên quan. Từ năm 20015, hội nghị REV được lấy tên là REV-ECIT.
– ATC 2015 được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh với sự phối hợp của Trường Đại học Bách khoa Tp Hồ Chí Minh và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Hội nghị ATC-2015 đã quy tụ trên 250 đại biểu đến từ gần 30 quốc gia trên thế giới.
Hội nghị REV-ECIT 2015 với chủ đề về “Phát triển công nghiệp điện tử” phục vụ cho công nghệ thông tin và truyền thông. Thông qua các báo cáo, tham luận tại Hội thảo cũng đã rút ra 3 vấn đề có tính chiến lược để kiến nghị lên Đảng và nhà nước.
-ATC 2016 được tổ chức tại Hà Nội trong các ngày 12-14/10/2016 do trường Đại học Công nghệ Đại học Quốc gia Hà Nội đăng cai. Hội nghị đã quy tụ trên 200 đại biểu đến từ 32 tổ chức và quốc gia trên thế giới để cùng nhau trao đổi về những tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực điện tử và viễn thông với các chủ đề đa dạng từ kỹ thuật các mạng không dây (Technologies in Wireless Network) đến y sinh học (Biomedical Engineering), khoa học máy tính và tính toán thông minh. Tại hội nghị đã có 03 tham luận và 86 báo cáo được trình bày.
Hội nghị REV-ECIT 2016 được tổ chức vào 23-25/12/2016 tại Hà Nội. Hội nghị do Viện nghiên cứu Điện tử, Tin học và Tự động hóa (VIELINA) đăng cai tổ chức. Ban tổ chức hội thảo đã nhận được gần 100 bài đăng ký tham luận. Hội thảo lần này có sự góp mặt của đoàn Đại biểu từ trường Đại học Bách khoa thành phố Saint-Peterburg với báo cáo về Công nghệ thông tin siêu rộng của GS Macarov. Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel đã giới thiệu công nghệ và các sản phẩm thương mại của thông tin di động 4G do Viettel sản xuất và đang sử dụng trên mạng 4G hiện nay. Đây là hai chủ đề bên lề hội thảo rất được các đại biểu thích thú và quan tâm.
– ATC 2017 được tổ chức trong 3 ngày từ 18-20/10/2017 tại Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) TP Quy Nhơn. Hội nghị năm nay với chủ đề “các công nghệ tiên tiến áp dụng cho hệ thống thông tin 5G và các hệ thống truyền thông không dây trong tương lai, trong đó nổi bật là ứng dụng liên quan đến công nghệ IoT, BigData…
Hội nghị REV-ECIT 2017 diễn ra trong hai ngày 14 và 15 tháng 12 năm 2017 tại Học viện công nghệ Bưu chính – Viễn thông cơ sở tại Tp Hồ Chí Minh với sự tham dự của Lãnh đạo Bộ TT & TT, các đơn vị quản lý nhà nước và các doanh nghiệp viễn thông. Chủ đề Hội nghị REV-2017 là: Sự kết nối giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học trong sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 và chiến lược phát triển thành phố thông minh của các đô thị Việt Nam.
ATC 2018 đã được tổ chức tại Tp Hồ Chí Minh vào ba ngày 18 đến 20 tháng 10 năm 2018 tại Học viện công nghệ Bưu chính – Viễn thông cơ sở tại Tp Hồ Chí Minh. Đây là hội nghị ATC/REV lần thứ XI.
Hội nghị REV-ECIT 2018 sẽ được tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 07 và 08 tháng 12 năm 2018 do Cục Tần số Vô tuyến điện đăng cai với sự phối hợp của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Đây là hội nghị REV-ECIT lần thứ XXI. Chương trình Hội nghị REV-ECIT 2018 sẽ bao gồm các chủ đề bao phủ toàn bộ các lĩnh vực về điện tử, truyền thông và công nghệ thông tin. Ngoài các phiên kỹ thuật, Hội nghị năm 2018 sẽ tổ chức một Diễn đàn trao đổi về đào tạo, kiểm định chương trình Điện tử, Truyền thông và Công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu nhân lực công nghệ cao.
Nhìn chung, ATC đã trở thành một Hội nghị khoa học có uy tín trên trường quốc tế, được các nhà khoa học trong và ngoài nước biết đến, được IEEE đưa vào danh sách các hội nghị quốc tế quan trọng hằng năm của IEEE. Các báo cáo đăng ở Kỷ yếu của ATC được đưa vào cơ sở dữ liệu của IEEE, được công bố chính thức trên quy mô toàn cầu. Ban tổ chức ATC cũng đã mời được các nhà khoa học đầu ngành trên thế giới tham dự các hội nghị để trình bày các hướng nghiên cứu mới của ngành, tạo cơ hội cho các nhà khoa học trong nước tiếp cận và định hướng cho các hoạt động nghiên cứu, công bố công trình nghiên cứu tại một số Hội nghị quốc tế có chất lượng, giao lưu tiếp cận với các nhà khoa học thế giới để giao lưu, học hỏi, nắm bắt những xu thế phát triển của ngành để phục vụ cho công tác nghiên cứu, sản xuất và đào tạo. Bên cạnh đó việc phối hợp tổ chức Hội nghị giữa Hội Vô tuyến điện tử VN (REV), Hội Truyền thông quốc tế IEEE và một đơn vị đăng cai trong nước (thường là một trường Đại học hay viện trong nước) là mô hình tốt để tổ chức hội nghị quốc tế hằng năm tại VN mà không phải bỏ ra một khoản kinh phí lớn để đi ra nước ngoài.
Việc tổ chức riêng hội nghị khoa học công nghệ REV-ECIT theo các chủ đề nóng của đất nước là một hướng đi đúng tạo thêm môi trường học thuật cho các nhà khoa học, nghiên cứu trẻ trong nước tham gia. Thông qua các báo cáo, tham luận tại Hội nghị cũng đã rút ra được một số vấn đề về chiến lược để kiến nghị lên Đảng và nhà nước. Việc tổ chức hội nghị luân phiên tại nhiều địa điểm khác nhau, với sự cộng tác chặt chẽ của các Trường đại học, học viện lớn trong nước đã có tác dụng khuấy động, thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ đều khắp trong cả nước. Các Websites của ATC/REV và REV-ECIT đã chuyên nghiệp hơn, hoạt động tốt hơn, cung cấp và trao đổi kịp thời các thông tin.
Về chương trình chuyên môn: các chuyên gia, học giả đã đánh giá cao chất lượng khoa học và tính học thuật thông qua các phát biểu đề dẫn, các báo cáo, trao đổi thảo luận của hội nghị REV hằng năm. Các kết quả nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị có thể xem là những định hướng tham khảo gợi mở, không những phục vụ cho công tác nghiên cứu đào tạo mà còn hữu ích cho công tác quản lý về lĩnh vực điện tử, truyền thông và CNTT của Việt Nam trong tương lai.
1.4. Hoạt động phổ biến kiến thức
Hội đã tiến hành phổ biến có hệ thống các kiến thức cơ bản về vô tuyến, điện tử và ứng dụng kỹ thuật tin học cho cán bộ khoa học kỹ thuật thuộc các ngành khác, cho quần chúng rộng rãi yêu thích vô tuyến điện tử, nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển vô tuyến, điện tử, kỹ thuật tin học ở nước ta. Công tác này được thực hiện thông qua các Trường, Khoa, Trung tâm đào tạo và dạy nghề, Hội thảo, hội nghị khoa học, công nghệ chuyên ngành (do REV chủ trì hoặc phối hợp với các đối tác khác). Họi cũng tiếp tục các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Phát thanh – Truyền hình, các lớp nâng cao trình độ, công nghệ mới, các triển lãm KH&CN, trang Web Hội Vô tuyến-Điện tử VN, các tạp chí của Hội v.v…
Từ năm 2010 Hội đã xin giấy phép xuất bản mới cho Tạp chí Điện tử của Hội với 4 kỳ là Điện tử ngày nay, Điện tử tiêu dùng, E-Computer và Journal of Electronics and Communications (JEC). Ấn phẩm Điện tử ngày nay xuất bản không ổn định, do không tạo được thị trường và nhu cầu người đọc trong tình trạng cạnh tranh tràn lan báo giấy và gia tăng tiện ích của báo điện tử. Khó khăn chính là về tài chính, ngân sách của Hội không thể đảm đương mức chi cho mỗi số một tháng với số lượng 1000 quyển. Dù khó khăn, nhưng Ban biên tập đã cố gắng xuất bản ấn phẩm khá đều trong 3 năm gần đây.
Trong nhiệm kỳ này với nỗ lực và tích cực của các nhà khoa học trẻ của các trường đại học đã tiếp tục xuất bản tạp chí khoa học bằng tiếng Anh của Hội – Journal of Electronics and Communications, JEC. Đây là tạp chí chủ yếu dành cho các cán bộ khoa học Việt Nam để công bố công trình nghiên cứu khoa học của mình ra nước ngoài. Bài gửi đăng được một Hội đồng biên tập gồm nhiều nhà khoa học có uy tín của VN và quốc tế thông qua. Tạp chí JEC đã ra được các nhà khoa học trong ngành hoan nghênh, được Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước đánh giá là tạp chí có chất lượng và đạt điểm công trình tối đa 1,0 điểm.
Ấn phẩm Điện tử tiêu dùng có rất nhiều cố gắng, hiện xuất bản thường xuyên, ổn định, đẹp, có chỗ đứng trên thị trường. Về nội dung, chủ yếu là giới thiệu và quảng bá các sản phẩm điện tử cao cấp công nghệ cao với đối tượng trung lưu trở lên.
Trang Web của Hội bước đầu đã có sự thay đổi về hình thức, song về đầu tư, quản lý và nhân sự chưa được đáp ứng nên nội dung còn nghèo nàn, thông tin chưa được cập nhật kịp thời.
Tạp chí điện tử tiêu dùng và Tạp chí tiếng anh JEC đã lấy thu bù chi để duy trì. Riêng với trang Web của Hội, cần tăng cường nhân lực và kinh phí cần thiết để nâng cao chất lượng hơn nữa về nội dung, hình thức, tính phổ câp.
Câu lạc bộ Vô tuyến điện nghiệp dư tại Thành phố HCM đã nhiều năm nay hoạt động có hiệu quả, đã gia nhập và được công nhận là thành viên của tổ chức Vô tuyến điện nghiệp dư quốc tế.
1.5. Hoạt động đào tạo
Hợp tác giữa Hội và Đại học Đông Nam Trung Quốc (SEU) vẫn được duy trì tốt. Tháng 6 vừa qua, nghiên cứu sinh cuối cùng do Hội cử đi đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và trở về nước làm việc.
Các Trung tâm Đào tạo, tư vấn của Hội ở phía Bắc đã phát triển nhiều thể loại đào tạo phục vụ nhu cầu xã hội, đang mở rộng cơ sở và ngành nghề, song do tình hình kinh tế và chính sách, quy định mới nên có nhiều khó khăn.
1.6. Công tác tư vấn, phản biện
– Hội đã thực hiện công tác tư vấn, phản biện thông qua các ý kiến tập hợp được qua các hội nghị REV-ECIT hằng năm và các văn bản yêu cầu góp ý. Đây là hoạt động tư vấn phản biện theo chức năng, nhiệm vụ của Hội. Trong nhiệm kỳ VI các khuyến nghị chính mà các Hội nghị Vô tuyến – Điện tử toàn quốc do Hội tổ chức trong thời gian qua đã đề xuất với các cơ quan của Đảng và Nhà nước đã góp phần cho việc hoạch định chiến lược, chính sách ở tầm vĩ mô như: Phát triển công nghiệp điện tử, Luật An toàn thông tin, Luật An toàn mạng …;
– Nhiều nhà khoa học của Hội với cương vị thành viên của Hội Vô tuyến – Điện tử VN đã tham gia phản biện, tư vấn trong các dự án, đề tài cấp nhà nước;
– Giới thiệu và tham gia Hội đồng nhà nước tuyển chọn giải thưởng HCM và giải thưởng Nhà nước trong lĩnh vực Điện tử, Truyền thông, CNTT;
Qua những hoạt động này, uy tín của Hội VT-ĐT VN nói chung và các nhà khoa học hội viên nói riêng được đánh giá cao không chỉ về trình độ lý luận và chuyên môn mà còn ở sự nghiêm túc, tính công bằng, trung thực trong giới khoa học của ngành cũng như các cơ quan quản lý khoa học.
1.7. Hợp tác quốc tế
Hội có quan hệ mật thiết với IEEE là tổ chức học thuật về điện tử – viễn thông có tầm cỡ lớn nhất thế giới trong các hoạt động học thuật. Về vấn đề này, có vai trò tích cực của các giáo sư uy tín và nhất là các nhà khoa học trẻ trong các trường đại học là hội viên.
Cho đến nay Hội đã ký kết hiệp định hợp tác với 8 tổ chức quốc tế và có quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức khoa học công nghệ lớn khác, như CNES (Pháp), Locheed Martin Telecommunication (LMT-Hoa kỳ), Globalstar, ..
Thông qua kết nghĩa với các tổ chức quốc tế Hội đã được chuyển giao công nghệ, chẳng hạn:
– Với Đại học Đông Nam (Trung Quốc) và các GS Việt kiều, được cung cấp những kiến thức cơ bản vững chắc ban đầu để sau này tiếp tục đi sâu vào các lĩnh vực: xử lý tín hiệu số và xử lý ảnh, truyền tin bằng đường dây điện lực, công nghệ truyền thông đa sóng mang,…
– Với IEEE/ComSoc được cung cấp đầy đủ tư liệu khoa học về ngành truyền thông, được IEEE/ComSoc tiếp tục bảo trợ kỹ thuật cho việc tổ chức các hội nghị Khoa học REV và tiến tới đồng tổ chức Hội nghị Quốc tế ATC;
– Tăng cường được mối quan hệ hợp tác với các chuyên gia Nga trong lĩnh vực An toàn thông tin và các chuyên gia Belarus trong lĩnh vực Công nghệ điện tử, thiết kế Chip;
– Năm 2016-2017 Hội đã ký kết các văn bản hợp tác với Hội VT Hàn quốc (KICS), Thái Lan (ECTI). Năm 2017-2018 Hội đã ký hợp tác với IEICE (Nhật Bản). Hội cũng đang chuẩn bị ký hợp tác với IEEE/ComSoc cho giai đoạn 2019-2022.
Trong những năm qua, Hội cũng đã được mời tham gia tổ chức và đồng bảo trợ một số hội nghị khoa học quốc tế và khu vực. Đã cử đại biểu tham dự, đọc báo cáo tại một số hội nghị quốc tế, điều đó chứng tỏ uy tín của Hội trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.
1.8. Các mặt công tác khác
– Lãnh đạo Hội đã thường xuyên bám sát, tham gia các hoạt động chính trị và các công tác khác của LHH, tham dự các cuộc họp của các chi hội và góp phần chỉ đạo các chi hội hoạt động. Văn phòng Hội duy trì việc sinh hoạt, tổ chức, theo dõi các hoạt động của Hội, giữ mối liên hệ chặt chẽ với các cơ quan quản lý, với LHH, tổ chức chu đáo thăm viếng các hội viên ốm đau và những việc hiếu, hỷ.
– Đã làm thẻ Hội viên và cấp thẻ mới cho Hội viên một số chi hội;
– Chuẩn vị chu đáo cho lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội và Đại hội nhiệm kỳ VII (văn kiện, nhân sự, các cuộc họp của Đoàn chủ tịch, BCH, tổ chức các bộ phận công tác…)
- Trong nhiệm kỳ qua, Hội đã chủ động tham gia các hoạt động của Liên Hiệp Hội như thẩm định một số đề tài cấp NN…Công tác báo cáo, khảo sát thăm dò ý kiến của LHH, của VCCI, của Bộ Nội vụ, triển khai thủ tục tôn vinh Trí thức KH&VN tiêu biểu… đều được thực hiện đúng quy trình và thời gian quy định.
1.9. Đánh giá chung
Trong nhiệm kỳ VI, tiếp tục phát huy những thành tựu của nhiệm kỳ trước, trong điều kiện hoạt động rất khó khăn, nhưng Hội Vô tuyến – Điện tử VN dưới sự lãnh đạo của BCH nhiệm kỳ VI đã đạt được một số kết quả tốt và chuyển biến theo hướng tích cực. Chủ động xây dựng được lực lượng trẻ tại các cơ sở có tiềm năng, huy động và tập hợp được sự tham gia của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực của Hội. Đó cũng chính là kết quả của việc thực hiện những định hướng công tác Hội do Đại hội VI đề ra và được cụ thể hóa bằng những quyết định của hội nghị Ban Thường vụ hằng quý, Ban Chấp hành hằng năm, của Đoàn Chủ tịch thường kỳ.
1.9.1. Những điểm nổi bật trong nhiệm kỳ qua, đó là:
– Duy trì và phát huy tốt các hoạt động hàn lâm và học thuật, tính quốc tế thông qua các diễn đàn, hội nghị khoa học quốc tế và trong nước do Hội chủ trì, ấn phẩm khoa học do Hội phát hành;
– Tạo môi trường sinh hoạt khoa học có tính học thuật cao trên phạm vi rộng nhằm thu hút đông đảo người tham gia, vừa đi vào chiều sâu, ươm và tạo điều kiện tiếp cận và tạo đà cho các nhà khoa học trẻ tài năng của chúng ta vươn ra quốc tế;
– Tăng cường phát triển Hội trong lực lượng trẻ có tri thức và chuyên môn của các trường đại học, viện nghiên cứu, thu hút sự tham gia của lực lượng trẻ vào các mặt công tác của Hội và đưa dần vào các vị trí đảm nhiệm công tác Hội;
– Uy tín của Hội và các thành viên được nâng cao và được khẳng định trong công tác tư vấn, phản biện, tham gia các hội đồng KHCN cấp nhà nước cũng như những đề xuất kiến nghị làm tham mưu cho các cơ quan Đảng, nhà nước ở tầm vĩ mô;
– Tiến bộ trong việc xây dựng tổ chức và quy chế làm việc, tạo được sự đồng thuận trong công tác.
Những kết quả có được trong nhiệm kỳ qua là nhờ tinh thần tích cực, chủ động, nhiệt tình gánh vác công tác Hội của một số Lãnh đạo Hội có tâm huyết cũng như một số đơn vị hoạt động tích cực như chi hội Kỹ sư VTĐT lâu năm, Chi hội Khoa Vô tuyến – Điện tử Đại học công nghệ, Chi hội Phát thanh – Truyền hình, Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Công nghệ Điện tử, chi hội Viện điện tử – tự động hóa (VIELINA),… Văn phòng Hội đã có nhiều cố gắng duy trì và đẩy mạnh một số mặt công tác Hội. Những kết quả có được này cũng không thể tách rời sự chỉ đạo, hỗ trợ của các cơ quan chức năng, các cơ quan quản lý, các tổ chức và đơn vị tài trợ. Xin nhiệt liệt hoan nghênh và chân thành cám ơn những đóng góp quý báu đó.
1.9.2. Những tồn tại, hạn chế:
– Hoạt động của Hội còn thiên về tính hàn lâm, mà thiếu hoạt động liên kết doanh nghiệp và thiếu tính xã hội, nên xã hội ít biết đến Hội;
– Công tác tuyên truyền, quảng bá, phổ cập, về lĩnh vực chuyên ngành của Hội tác động đến xã hội còn hạn chế, chưa chủ động và sáng tạo.
– Hoạt động của một số tổ chức trực thuộc Hội còn yếu, hoạt động của các chi hội địa phương chưa được đẩy mạnh;
– Chưa phát huy được tinh thần tích cực, chủ động của nhiều ủy viên BCH trong hoạt động của Hội;
– Công tác hội viên và dịch vụ chưa bài bản, chưa có cơ sở dữ liệu hội viên
– Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam là một tổ chức xã hội nghề nghiệp nên nguồn kinh phí cho mọi hoạt động đều phải tự thân vận động. Điều này dẫn đến việc xây dựng nguồn lực về tài chính, thu chi của Hội rất khó khăn và khó chủ động. Hiện nay việc huy động nguồn tài trợ rất hạn chế, ngay cả việc thu hội phí cũng không đầy đủ và kịp thời. Do vậy Hội gặp không ít khó khăn trong hoạt động thường ngày cũng như khi tổ chức các sự kiện, tổ chức Hội nghị Hội thảo, xuất bản ấn phẩm…
– Hội cũng chưa có văn phòng làm việc mà phải mượn của một đơn vị khác. Mọi thành viên của Hội hoạt động trên tinh thần tự nguyện mà không có sự bù đắp về vật chất.
*
* *
PHẦN II
PHƯƠNG HƯỚNG CÔNG TÁC NHIỆM KỲ VII (2019-2023)
Tại Đại hội này chúng ta cần đề ra những phương hướng công tác mà rồi đây Ban chấp hành khóa mới sẽ lãnh đạo thực hiện trong nhiệm kỳ VII. Với tinh thần trách nhiệm và các bài học kinh nghiệm hoạt động của Hội trong thời gian qua, từ các thành tựu và những yếu kém, BCH khoá VI đề xuất phương hướng công tác nhiệm kỳ VII để Đại hội thảo luận, thông qua.
2.1. Về tổ chức
- Kiện toàn về tổ chức bộ máy của các cơ quan Hội; đặc biệt cần nâng cao hơn nữa vai trò và trách nhiệm các thành viên trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, các Ban chức năng. Cần tinh gọn bộ máy Hội và của từng tổ chức trong Hội;
- Rà soát, cập nhật, bổ sung các quy chế, quy định làm việc của Hội để các văn bản thực sự có hiệu lực, mang lại hiệu quả trong hoạt động và phối hợp của Hội;
- Rà soát lại hoạt động của các tổ chức trực thuộc Hội, các chi hội, tăng cường mối quan hệ chặt chẽ giữa Trung ương Hội với các chi hội và hội viên. Tổ chức nào không hiệu quả thì xem xét giải thể, sáp nhập. Yêu cầu mỗi Hội viên, nhất là ủy viên BCH, có địa chỉ hộp thư điện tử để có thể thường xuyên trao đổi và cập nhật thông tin của Hội;
– Để nâng cao hơn nữa vị thế của Hội trong tương lai, ngoài công tác học thuật, Hội cần mở rộng sang các lĩnh vực hoạt động mang tính xã hội để lôi kéo các doanh nghiệp điện tử, Phát thanh-Truyền hình tham gia;
- Khuyến khích và hỗ trợ việc thành lập một số Phân hội chuyên ngành, hoặc CLB/Nhóm nghiên cứu và phát triển (ví dụ Nhóm Anten-Truyền sóng- Siêu cao tần, Nhóm Thiết kế điện tử, Nhóm Truyền thông đa phương tiện, Nhóm Xử lý tín hiệu v.v) coi như các phân hội, nhóm hay CLB thành viên của REV để có sự chủ động trong các hoạt động khoa học công nghệ dưới sự bảo trợ kỹ thuật của REV, đồng thời cũng chính là trụ cột cho các nhóm chuyên môn trong quan hệ quốc tế với các hội bạn và các phân ban chuyên ngành tại các hội nghị, hội thảo và tạp chí khoa học JEC;
- Tăng cường lực lượng trẻ trong BCH Hội. Đẩy mạnh công tác phát triển Hội, bao gồm các Chi hội ở một số cơ quan Trung ương và địa phương, các Hội viên tập thể, các hội viên độc lập, chú trọng cả chất lượng và phạm vi hoạt động. Tăng cường mối liên hệ chặt chẽ với các Hội thành viên, các Hội viên tập thể, các tổ chức Hội cơ sở để hỗ trợ hoạt động;
- Nâng cao trách nhiệm và quyền lợi của hội viên, tiếp tục triển khai phát thẻ hội viên trong toàn quốc và thu hội phí. Chú ý thực hiện và đảm bảo những quyền lợi và trách nhiệm của các hội viên các hội quốc tế có ký kết thỏa thuận với REV;
- Xây dựng cơ sở dữ liệu hội viên và quản lý tốt các hoạt động, dịch vụ cho hội viên. Chú ý triển khai miễn giảm hội phí 50% với các hội viên tham gia các hội quốc tế đã ký kết hợp tác với REV (như IEICE, KICS,…), đồng thời miễn giảm hội nghị phí cho hội viên các hội quốc tế đó tham gia các hội nghị khoa học của REV và ngược lại. Cấp và quản lý thẻ hội viên hiệu quả (rà soát hằng năm, truy cập online,…)
- Cố gắng trong việc tạo dựng cơ sở ổn định cho Hội, xây dựng nguồn tài chính đảm bảo cho các hoạt động của Hội (thu hội phí, vận động tài trợ, các nguồn thu từ các hoạt động khoa học công nghệ và các hoạt động khác – Đại hội VI đã đề ra nhưng BCH nhiệm kỳ VI chưa xúc tiến được nhiều). Nên xem xét quy định lại mức hội phí cho phù hợp và thu theo năm.
2.2. Về hoạt động khoa học công nghệ
- Tiếp tục phát huy các hoạt động khoa học công nghệ mang tính học thuật cao, bám sát sự phát triển của khoa học công nghệ về điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin thông qua việc tổ chức Hội nghị quốc tế hằng năm, các hội thảo chuyên ngành và xuất bản tạp chí chất lượng cao bằng tiếng Anh (JEC) với sự hợp tác của các phân hội chuyên ngành.
- Huy động các cán bộ khoa học có uy tín, có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm kết hợp với các cơ sở khoa học tại các chi hội thành viên thực hiện các đề tài khoa học công nghệ do Hội đăng ký với nhà nước và các cơ quan.
2.3. Về hoạt động trao đổi kinh nghiệm và phổ biến kiến thức, xuất bản
– Tiếp tục duy trì, đổi mới nội dung và chất lượng các ấn phẩm và chuyển dần sang phát hành online, coi đây như một công cụ trao đổi kinh nghiệm, phổ biến kiến thức của Hội. Động viên các hội viên, ủy viên BCH viết bài và cung cấp thông tin cho báo;
– Kiện toàn nhân sự lãnh đạo tạp chí, Hội đồng biên tập, ban chuyên môn các ấn phẩm. Tiếp tục xin cấp thẻ nhà báo theo danh sách đã đề nghị và hoàn thiện các thủ tục cho tạp chí và xuất bản (báo in và online);
- Xây dựng website của Hội có nội dung phong phú, phản ảnh mọi hoạt động của Hội, trở thành diễn đàn REV trao đổi thông tin cho các hội viên tiến tới một tờ báo điện tử (Đại hội VI đã đề ra nhưng chưa triển khai được). Nghiên cứu, áp dụng các hình thức xuất bản mới, phi truyền thống, phù hợp với tình hình và xu thế phát triển của xã hội thông ti
2.4. Về công tác đào tạo
- Tiếp tục các hình thức đào tạo do Hội tổ chức và nâng chất lượng đáp ứng yêu cầu xã hội.
2.5. Về tư vấn, phản biện và giám định xã hội
- Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội mà Hội có thế mạnh vì có một đội ngũ đông đảo chuyên gia trong ngành. Huy động các cán bộ khoa học uy tín, có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm tham gia hoạt động tư vấn phản biện;
- Xây dựng những kiến nghị, đề xuất của Hội trình Trung ương Đảng và Chính phủ về các vấn đề cấp bách, mang tính thời sự, những dự báo có tầm quan trọng trong việc hoạch định chiến lược phát triển và ứng dụng ở tầm vĩ mô thông qua các Hội nghị Hội thảo REV-ECIT thường niên và các hội thảo chuyên ngành.
- Tiếp tục tư vấn chính sách KHCN và phát triển ngành theo yêu cầu của các cơ quan và Chính phủ.
2.6. Về quan hệ đối ngoại
- Thực hiện đường lối ngoại giao nhân dân theo sự chỉ đạo của Ban Đối ngoại TW, rà soát lại các biên bản ghi nhớ, biên bản hợp tác để cùng các đối tác triển khai thực hiện. Duy trì và khai thác tốt mối quan hệ với các đối tác truyền thống đã trải qua những hợp tác hiệu quả, tin cậy.
Mở thêm quan hệ hợp tác giữa REV và IEEE Antennas and Propagations, IEEE Microwave Theory and Technique (hiện đã có quan hệ REV với IEEE ComSoc), tăng cường hợp tác với IEEE Vietnam (IEEE ComSoc, IEEE AP v.v), IEICE Vietnam.
- Thiết lập quan hệ hợp tác với các công ty trong nước dưới hình thức phát triển các tổ chức thành viên của REV để hỗ trợ nhau trong chuyên môn. Mở rộng thêm các mối quan hệ quốc tế, phát triển quan hệ với những khối không phổ biến tiếng Anh (khối tiếng Nga, Hán, Hàn, Nhật ngữ), với các tập đoàn xuyên quốc gia. Tìm hiểu xây dựng hợp tác với Hội Truyền thông Điện tử Nga (REAC: Russian Association of Electronic Communications). Rà soát lại văn bản hợp tác với Đại học Đông Nam (Trung Quốc).
BAN CHẤP HÀNH HỘI VÔ TUYẾN – ĐIỆN TỬ VIỆT NAM
PHỤ LỤC
Về Tổ chức, Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam (REV) hiện có:
20 Chi Hội trực thuộc, gồm:
- Chi hội Chuyên gia Vô tuyến – Điện tử lâu năm ;
- Chi hội Phát thanh Truyền hình;
- Chi hội Vô tuyến – Điện tử tại trường Đại học Giao thông – Vận tải;
- Chi hội An Ninh – Mật Mã;
- Chi hội VT-ĐT tại Khoa Điện tử Viễn thông Trường Đại học Công nghệ – ĐHQG Hà Nội;
- Chi Hội VT-ĐT tại Viện Điện tử Viễn thông Trường Đại học Bách khoa HN;
- Chi hội VT-ĐT tại trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng yên;
- Chi hội VT-ĐT tại Viện Điện tử – Tin học – Tự động hóa VIELINA;
- Chi hội Trung tâm Đo lường Đài THVN;
- Chi hội Vô tuyến – Điện tử Tỉnh Ninh Bình;
- Chi hội Vô tuyến – Điện tử Tỉnh Thái Bình;
- Chi hội Vô tuyến – Điện tử Sơn Tây – Hà Nội;
- Chi hội Vô tuyến – Điện tử Tỉnh Nam Định;
- Chi hội Vô tuyến – Điện tử Tỉnh Thanh Hoá;
- Chi hội VT-ĐT Tỉnh Hà Nam tại Trường Cao đẳng Phát Thanh Truyền Hình Phủ Lý;
- Chi hội VT-ĐT tại Tp Đà Nẵng
- Chi hội VT-ĐT tại Tp Huế;
- Chi hội Vô tuyến – Điện tử tại trường Đại học Quy Nhơn ;
- Chi hội Đài Tiếng nói Việt Nam;
- Chi hội Đại học kỹ thuật Nha Trang.
Tham gia với tư cách Hội thành viên:
- Hội Truyền thông – Điện tử Thành phố Hồ Chí Minh (năm 2013 đổi tên từ Hội Vô tuyến – Điện tử thành phố HCM)
- Hội Điện tử & Tin học Hải phòng
- Hội Tin học Viễn thông Tây Ninh
- Hội Vô Tuyến Điện nghiệp dư Việt Nam (thành viên liên đoàn VTĐ nghiệp dư thế giới)
Tổ chức trực thuộc Hội là:
“Tạp chí Điện tử”: thành lập năm 1990, gồm cơ quan chính tại Hà Nội và cơ quan đại diện phía Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh (năm 1995)
Các Viện, Trung tâm do Hội thành lập, trở thành Thành viên của Hội:
- Viện Điện tử – Công nghệ Thông tin IEIT (Tp HCM)
- Liên hiệp điện tử ứng dụng AEU
- Trung tâm Đào tạo liên kết REV
- Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Công nghệ Điện tử
02 Trường Đại học, Cao đẳng, Dạy nghề do Hội sáng lập và hỗ trợ thành lập, trở thành Thành viên của Hội
- Trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh;
- Trường Dạy nghề do Viện IEIT mở các lớp ở Tây Ninh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bình Phước, Phan Rang, Phan Thiết;
01 Tổ chức doanh nghiệp là Thành viên của Hội:
Công ty cổ phần Biển bạc Silver Sea JSC về lĩnh vực thiết bị an toàn điện tử (gia nhập Hội 12/2013)
Hội đã thành lập 11 Ban Công tác và Văn phòng để triển khai các hoạt động theo từng lĩnh vực cụ thể, gồm:
- Ban Kiểm tra
- Ban Khoa học – Công nghệ
- Ban Đào tạo
- Ban Phổ biến kiến thức
- Ban Truyền thông Đại chúng
- Ban Tư vấn
- Ban Tổ chức và Công tác hội viên
- Ban Công tác Đối ngoại
- Ban Kinh tế, Tài chính
10- Ban Công tác phía Nam
11- Ban Hội nghị, Hội thảo
12-Văn phòng Hội