GS Nguyễn Văn Ngọ, Nguyên Chủ tịch Hội, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Vô tuyến điện ĐHBK HN kể
Năm học 1955-56 tôi học môn Nguyên lý Vô tuyến điện tại Công học viện Nam kinh do thầy Hà Chấn Á dạy theo sách giáo khoa đã dịch ra Trung văn của tác giả V. A. Kotelnikov, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, chủ nhiệm bộ môn Nguyên lý VTĐ, khoa Kỹ thuật VTĐ trường Đại hoc Năng lượng Matxcova (MEII). Năm học 1958-59 tôi lại dạy môn học này cho sinh viên khóa 1 ngành VTĐ trường ĐH Bách khoa, giáo trình soạn theo bản gốc (tiếng Nga) quyển sách giáo khoa nói trên. Từ khóa 2 trở đi môn học này do thầy Phương Xuân Nhàn dạy.
Năm học 1961-62, Viện sĩ V. A. Kotelnikov (Kachennhicốp) sang thăm trường ĐHBK đã bỏ ra một ngày xuống khảo sát bộ môn VTĐ của chúng tôi. Ông xem xét kỹ chương trình học, các giáo trình, các bài thí nghiệm, gặp gỡ các thầy, đặc biệt là thầy Phương Xuân Nhàn mà ông gọi là “người đồng cấp” và tôi, mà ông luôn mồm gọi thân mật là Zav-Kaf (Заведующий кафедрой, chủ nhiệm bộ môn). Cuối cùng ông đánh giá tốt chất lượng giảng dạy của chúng tôi và phát biểu lời khen nồng nhiệt với GS Tạ Quang Bửu. Ngành VTĐ vốn không có trong trường ĐHBK do Liên Xô tặng cho nước VNDCCH nhưng GS Hiệu trưởng Tạ Quang Bửu vẫn quyết định tự thành lập, lấy một tổ 30 sinh viên tuyển cho ngành Điện sang làm sinh viên khóa 1 VTĐ. Việc Viện sĩ V. A. Kotelnikov đánh giá và khen ngợi như vậy làm cho giáo sư rất yên tâm và hài lòng.
Hội nghị Vô tuyến-Điện tử toàn quốc lần thứ 5 họp ở TP HCM (12-11-1994) và Hà Nội (20-1-1995) kiến nghị Trung ương Đảng và Chính phủ cho phóng Vệ tinh địa tĩnh của Việt Nam. Kiến nghị được xem xét và năm 1996, Chính phủ giao cho TCBĐ nghiên cứu tiền khả thi, và ngày 24-9-1998 Thủ tướng ra Quyết định 868/QĐ-TTg thông qua báo cáo tiền khả thi, đồng thời giao VNPT lập Dự án về việc phóng Vệ tinh Việt Nam VINASAT. Hội liền tổ chức cho các tập đoàn công nghệ vũ trụ quốc tế như Alcatel (Pháp), Matra Marconi Space (Anh-Pháp), Loran (USA), Lockheed Martin Telecom (USA), NTT (Nhật), đến Việt nam trình diễn kỹ thuật và trình bày phương án vệ tinh địa tĩnh Việt nam do họ dự thảo.
Trong bối cảnh đó, một đêm cuối tháng 10/1998, tôi nhận được một cuộc điện thoại từ nước ngoài. Đây là cuộc gọi bằng tiếng Nga đầu tiên mà tôi nhận được kể từ khi rời công tác ở Văn phòng ĐT-TTLL-PTTH của Ban Hợp tác KHKT khối SEV năm 1991. Thoạt đầu là một giọng nam trẻ, có vẻ là người gốc Việt. nói rất rõ ràng, dễ nghe rằngViện sĩ V. A. Kotelnikov, Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học Nga muốn nói chuyện với người bạn cũ GS Nguyễn văn Ngọ. Tôi nói là tôi rất hân hạnh được tiếp chuyện người thầy đáng kính, Viện sĩ Kotelnikov. Sau đó là giọng nam trầm, tôi không tin mấy là do chính Viện sĩ nói, vì cụ sinh năm 1908, lúc đó đã 90 tuổi mà tiếng vẫn rắn rỏi, có thể là do người khác nói giúp. Nội dung là nhắc lại những kỷ niệm hợp tác đào tạo LX-VN, chúc mừng VN có những dự án khoa học lớn về CN Vũ trụ và tôi được tham dự, cuối cùng là ngỏ ý Viện Hàn lâm Khoa học Nga muốn đóng góp vào dự án đó. Tôi vốn không du học ở Nga, lại qua 8 năm tiếng Nga cũng đã quên ít nhiều, nhưng cũng đáp lại ngắn gọn là tôi rất hoan nghênh đề xuất của Viện HLKH Nga, đề nghị Viện sĩ cử gửi thư thẳng cho đồng chí Lê Khả Phiêu TBT Đảng CSVN và đồng chí Chủ tịch nước CHXHCN VN, còn Hội VTDT VN với tư cách tư vấn cho Đảng và Chính phủ VN sẽ tìm cách ủng hộ. Sau đó Viện HLKH Nga đã gửi bức thư (bằng cả 2 ngôn ngữ Nga. Việt) cho lãnh đạo cấp cao nước ta do chính Viện sĩ V.A. Kotelnicop ký, có sao gửi cho tôi một bản (xem 3 ảnh kèm theo), đoạn có nội dung quan trọng nhất như sau:
“ ..Rất nhiều biến đổi suốt thời gian qua, nhưng tình cảm. quan hệ của chúng tôi đối với Việt nam không hề thay đổi, đó là tình hữu nghị truyền thống đẹp đẽ. Các học trò và đồng nghiệp đã kể cho tôi nghe về kế hoạch chuẩn bị các đề án vệ tinh, trong đó có dự án thứ nhất, – dự án vệ tinh liên lạc VINASAT.
Toàn bộ các đặc trưng kỹ thuật của vệ tinh (chúng tôi) ở dạng tiên tiến nhất thế giới hiện nay, và các giải pháp kỹ thuật mà các chuyên gia chế tạo đưa ra có thể coi là phương án kinh tế (rẻ) nhất hiện thời. Và theo quan điểm của tôi, có một điểm quan trọng nữa là qua thôngviệc phóng và vận hành khai thác vệ tinh, Việt nam có thể chuẩn bị chuyên gia của mình trên nhiều lĩnh vực của công nghệ vũ trụ …”
Xưa kia, tôi nghĩ rằng Viện sĩ V. A. Kotelnikov là một chuyên gia lý thuyết về khoa học VTĐ, nghiên cứu về những định luật cơ bản trong lý thuyết truyền tin, nhưng từ ngày đi vào công nghệ vũ trụ tôi mới biết cụ đã có đóng góp rất lớn trong việc thiết kế chế tạo những dụng cụ truyền tin và đo lường phục vụ cho các chuyến bay có người (manned flight) lên vũ trụ. Tôi thấy càng kính phục và gần với cụ hơn. Tuy cụ không trực tiếp dạy tôi, nhưng trong thâm tâm tôi cụ vẫn là THẦY. Vì thế lời tôi hứa với cụ qua điện thoại không phải là hứa hão, mà sau đó đã nghiên cứu so sánh các phương tiện phóng vệ tinh lên quỹ đạo địa tĩnh của Liên Xô, Mỹ, và châu Âu.
Kể từ buổi bình minh của kỷ nguyên vũ trụ (cho đến năm 2010), 5.038 tên lửa đã được phóng lên, chủ yếu là của 6 quốc gia: Nga, Hoa Kỳ, Châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, và Ấn Độ. Cả thảy có 47 hệ tên lửa phóng, trong đó có 26 hệ ít nhất cũng đã được phóng trên mười lần. Thành công nhất là hệ Saturn, với 28 lần phóng thành công cả 28. Nhưng đấy là những tên lửa phóng của chính phủ.
Trong thương mại, tên lửa Semyorka của Nga là số một về nhiều mặt: (i) được dùng nhiều nhất, trong 52 năm có 1.698 tên lửa Semyorka được phóng lên,(ii) số lần phóng thành công cao nhất, từ năm 1992 đến 2010 phóng Semyorka 252 lần chỉ thất bại 4 (tỷ lệ thành công 98%). So sánh về tỷ lệ phóng thành công thì sau Semyorka là:
• Delta (Hoa Kỳ): 347 lần phóng với tỷ lệ thành công 96%,
• Ariane (Châu Âu): 193 lần phóng với tỷ lệ thành công 95%,
• Proton (Nga): 351 lần phóng với tỷ lệ thành công 89%, và
• Atlas (Hoa Kỳ): 347 lần phóng với tỷ lệ thành công 88%.
Trong tổng số 5038 lần phóng tên lửa Nga chiếm 60,5%, Hoa Kỳ 30%, phần còn lại do các nước khác thực hiện < 10%. Về tỷ lệ thành công tổng thể, tên lửa Nga ghi được 93%, Hoa Kỳ 90%, châu Âu 92%, Trung Quốc 89%, Nhật Bản 84%, và Ấn Độ 71%.
Cùng với các GS Nguyễn Đình Ngọc, Phan Anh và các chuyên gia chủ chốt của VNPT chúng tôi đã đề xuất một phương án thực hiện dự án VINASAT dùng tên lửa phóng của Nga. Phương án này đã được Bộ Chính trị duyệt nhưng không thực hiện được vì ta không thỏa thuận được về dải tần số dùng cho VINASAT với nước láng giềng. ITU cho vị trí quỹ đạo mới là 1320 Đông, và dự án tiền khả thi phải trình duyệt lại. Ta gọi thầu luôn cả gói (không tách riêng vệ tinh, hệ mặt đất và việc phóng) để công ty ứng thầu lo luôn cả khâu vị trí quỹ đạo.
Nguyễn Văn Ngọ