Diễn văn của ban chấp hành khóa VI tại lễ kỷ niệm 30 năm hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam

Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bình đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm
Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bình đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm

DIỄN VĂN CỦA BAN CHẤP HÀNH KHÓA VI

TẠI LỄ KỶ NIỆM 30 NĂM HỘI VÔ TUYẾN – ĐIỆN TỬ VIỆT NAM

Tổ chức ngày 24/11/2018 tại Hà Nội

Kính thưa ông Phạm Hồng Hải, Thứ trưởng Bộ TT-TT

Kính thưa ông Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT VN

Kính thưa các quý vị khách quý

Kính thưa các hội viên lão thành của Hội VT – ĐT Việt Nam 

Kính thưa các vị đại biểu đại diện cho tất cả hội viên trong toàn quốc

Hôm nay, chúng ta rất phấn khởi và tự hào tập trung về đây để dự Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hội VT-ĐT VN, với hơn 50 năm truyền thống vẻ vang của Hội.

Lời đầu tiên, thay mặt BCH Hội VT – ĐT VN tôi xin cảm ơn các quý vị khách quý, các quý vị đại biểu đã dành thời gian quý báu đến tham dự buổi Lễ trang trọng này!

Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của Hội, chúng ta thật cảm phục các cụ, các bác tiền bối đã tâm huyết, kiên trì, trách nhiệm và sáng tạo trong quá trình vận động thành lập Hội từ năm 1965 đến 1988 mới có quyết định thành lập Hội do Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng khi đó ban hành vào ngày 17/12/1988.

 Ngày 26/04/1965, Ban vận động thành lập Hội do Tổng Công trình sư Nguyễn Văn Tình (lúc đó là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện) đứng đầu đã tập hợp được một đội ngũ đông đảo các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật về Vô tuyến điện và Điện tử thuộc các lĩnh vực Bưu điện, Phát thanh, Thông tấn xã, Điện ảnh, các Trường Đại học, các Bộ Công nghiệp, Quốc phòng, Nội vụ… Ban vận động khi đó có 10 người như trong Cuốn sách nhỏ có trong tài liệu gửi đến các quý vị.

Hoạt động đầu tiên của Ban vận động thành lập Hội là phát động cuộc thi toàn quốc về “Máy thu thanh bán dẫn đơn giản”.

Cuộc thi đã dấy lên một phong trào quần chúng đi vào khoa học kỹ thuật, say mê sáng tạo để tạo ra những sản phẩm tốt nhất phục vụ cho đời sống, trong lúc đất nước còn nghèo, thiếu các phương tiện để truyền bá thông tin. Ban Vận động cũng đã phối hợp với Uỷ ban Khoa học – Kỹ thuật Nhà nước (tiền thân của Bộ Khoa học và Công nghệ ngày nay) tổ chức 2 kỳ Hội nghị Khoa học toàn quốc về Vô tuyến Điện tử.

Hội nghị lần thứ nhất được tổ chức tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, khi Việt Nam chính thức tham gia khối SEV (Hội đồng Tương trợ Kinh tế). Hội VT-ĐTVN coi đây là Hội nghị khởi đầu cho các Hội nghị khoa học của Hội về sau này. Sau đó, do hoàn cảnh chiến tranh, với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến” nên các hoạt động của Ban vận động tạm lắng xuống ít năm. 

Từ năm 1982, Ban Vận động vẫn kiên trì và mở rộng các hoạt động chuyên môn và tiếp xúc vận động. Ban vận động có thêm 11 thành viên mới, và cử ông Nguyễn Lại làm Trưởng ban, tiếp tục kiên trì vận động để đến ngày 17/12/1988 được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định số 313/CT cho phép thành lập Hội VT ĐTVN.

Đại hội lần thứ I của Hội đã được tổ chức tại hội trường C2 của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đã bầu ra Ban Chấp hành đầu tiên gồm 37 người là các nhà khoa học, giảng viên đại học, nhà sản xuất, và nhà quản lý thuộc lĩnh vực Vô tuyến – Điện tử trong cả nước. Ban Chấp hành đã bầu ra Chủ tịch đầu tiên của Hội là ông Đặng Văn Thân, khi đó là Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, ông Nguyễn Văn Ngọ (lúc đó công tác tại Ủy ban Phát thanh – Truyền hình Việt Nam) là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký và hai Phó Chủ tịch khác là ông Phan Anh (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) và ông Nguyễn Hà Hoạt (Tổng cục Điện tử – Tin học Việt Nam).

Từ đó đến nay Hội đã có sáu kỳ đại hội.

Chúng tôi xin phép được nêu các mốc ĐH trước đây.

Đại hội lần thứ II của Hội đã được tổ chức vào ngày 12/01/1993 đã bầu BCH gồm 52 ủy viên. BCH đã bầu lại ông Đặng Văn Thân giữ chức Chủ tịch và ông Nguyễn Văn Ngọ tiếp tục giữ chức PCT/TTK.

Đại hội lần thứ III của Hội đã được tổ chức vào ngày 14/01/1999 đã bầu BCH gồm 54 ủy viên. BCH đã bầu ông Mai Liêm Trực giữ chức Chủ tịch và ông Nguyễn Văn Ngọ tiếp tục giữ chức PCT/TTK.

Đại hội lần thứ IV của Hội đã được tổ chức vào ngày 28/12/2004 đã bầu ra BCH gồm 52 ủy viên. BCH đã bầu ông Nguyễn Văn Ngọ giữ chức Chủ tịch và ông Phan Anh giữ chức PCT/TTK

Đại hội lần thứ V của Hội đã được tổ chức vào ngày 12/12/2009 đã bầu ra BCH gồm 80 ủy viên. BCH đã bầu ông Phan Anh giữ chức Chủ tịch và ông Nguyễn Hồng Vũ giữ chức PCT/TTK.

Đại hội lần thứ VI của Hội đã được tổ chức vào ngày 05/04/2014 đã bầu ra BCH gồm 77 ủy viên. BCH đã bầu ông Nguyễn Ngọc Bình giữ chức Chủ tịch và ông Nguyễn Hồng Vũ tiếp tục giữ chức PCT/TTK.

Đại hội lần thứ VII đang được tổ chức vào chính những ngày này, chiều hôm qua 23/11, ĐH đã họp phiên trù bị và ngay sau buổi lễ này ĐH sẽ họp phiên chính thức.

Kính thưa các vị khách quý,

Thưa các đại biểu,

Trong số những người tham gia Ban vận động, có bác Nguyễn Văn Ngọ và bác Vũ Duy Phú đã góp nhiều công sức vào xây dựng và phát triển Hội VT – ĐT VN chúng ta trong hơn 50 năm qua. GS Nguyễn Văn Ngọ là Chủ tịch danh dự của Hội từ khóa V, do điều kiện sức khỏe nên hôm nay không thể trực tiếp đến dự buổi Lễ trang trọng này, nhưng bác vẫn luôn theo dõi và góp ý thấu đáo cho công tác chuẩn bị những sự kiện quan trọng của Hội. GS Nguyễn Văn Ngọ có gửi bức Tâm thư đến Đại hội đại biểu lần thứ VII.

Thầy Ngọ đã gần 90 tuổi nhưng luôn tâm huyết và hết mực quan tâm đến từng hoạt động của Hội. Thầy đã và đang viết những bài tư liệu quý về hoạt động của ngành và Hội trong những năm 1960 và cho đến tận ngày nay với những công nghệ hiện đại… Thầy miêu tả những chi tiết quý giá cách đây mấy chục năm mà như mới chỉ xảy ra vừa xong… Những bài viết như tập hồi ký KHCN của Thầy trên FB là những tư liệu quý không chỉ cho Hội chúng ta, mà có thể là tư liệu bổ sung cho lịch sử ngành bưu chính, bưu điện, phát thanh, truyền hình, vệ tinh, vũ trụ, điện tử, viễn thông, CNTT, v.v.

Bác Vũ Duy Phú tham gia Ban vận động từ năm 1982, và là một trong ba người tham gia đủ 6 khóa BCH Hội từ khi thành lập đến nay, bác tích cực tham gia các hoạt động và các sự kiện quan trọng của Hội. 

Hội viên thứ ba tham gia đủ sáu khóa BCH đó là GS TSKH Phan Anh. Thầy Phan Anh vừa từ Hoa Kỳ trở về. Thầy luôn tâm huyết và có nhiều đóng góp trong các hoạt động học thuật và hàn lâm của Hội, đặc biệt Thầy bỏ nhiều công sức để tổ chức các hội nghị quốc gia về Vô tuyến – Điện tử (REV conference) từ năm 1988 và hội nghị quốc tế về các công nghệ tiên tiến cho truyền thông (ATC conference) từ năm 2008 với chất lượng cao, với sự đóng góp lớn của các GS khi đó như GS Nguyễn Đình Ngọc, GS Vũ Đình Cự, GS Trần Thúc Vân, GS Huỳnh Hữu Tuệ, GS Nguyễn Đình Thông,v.v. Thầy Phan Anh cũng là TBT Tạp chí điện tử của Hội từ năm 1990 đến tháng 8/2018 với chất lượng khoa học ngày càng nâng cao.

Xin đề nghị Hội trường chúng ta cho tràng pháo tay tôn vinh và cảm tạ những đóng góp to lớn của các hội viên lão thành “Khóa 0” cho sự vận động, thành lập và phát triển Hội VT-ĐT VN trong hơn 30 năm qua!

Kính thưa các vị khách quý,

Thưa các đại biểu,

Về nhiệm vụ, chức năng của Hội. Theo Chỉ thị 35/C’T-TW ngày 11/4/1988 của Tổng Bí thư Đảng khi đó nêu rõ những nhiệm vụ chủ yếu của Liên hiệp Hội và các Hội thành viên là: ”bồi dưỡng và nâng cao liên tục trình độ cho đội ngũ cán bộ Khoa học Kỹ thuật, triển khai ứng dụng và đưa nhanh tiến bộ Khoa học Kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, tư vấn về chính sách Khoa học Kỹ thuật và Kinh tế – Xã hội cho Đảng và Nhà nước’‘. Trong 30 năm qua, Hội VT-ĐT VN luôn cố gắng làm tốt vai trò của mình trong các mặt hoạt động của Hội. Các bản Điều lệ của Hội được các kỳ đại hội sửa chữa và thông qua luôn bám sát và đáp ứng yêu cầu của Nhà nước về một tổ chức Hội nghề nghiệp. Đặc biệt là các hoạt động sau:

Thứ nhất, Phổ biến có hệ thống các kiến thức cơ bản về vô tuyến, điện tử và ứng dụng kỹ thuật tin học cho cán bộ khoa học kỹ thuật thuộc các ngành khác, cho quần chúng rộng rãi yêu thích vô tuyến điện tử, nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển vô tuyến, điện tử, kỹ thuật tin học ở nước ta;

Thứ hai, Tổ chức thông tin khoa học, tổ chức các lớp chuyên đề, các cuộc hội thảo để trao đổi kinh nghiệm và giới thiệu những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, các hội nghị khoa học, nhằm nâng cao trình độ nghề nghiệp và cập nhật kiến thức cho hội viên;

Thứ ba, Giúp đỡ hội viên phát huy sáng kiến, sáng chế, phát minh, nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết trong khai thác và sản xuất của ngành vô tuyến điện tử ở nước ta, tạo điều kiện cho việc đưa nhanh các sáng kiến, sáng chế và các tiến bộ khoa học kỹ thuật về vô tuyến – điện tử vào phục vụ sản xuất và đời sống;

Thứ tư, Tư vấn khoa học kỹ thuật về vô tuyến điện tử cho các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước, các ngành, các địa phương; và

Thứ năm, Liên hệ với các hội KHCN khác trong nước, và các hội cùng ngành ở nước ngoài để trao đổi về học thuật và kinh nghiệm hoạt động.

Trải qua 30 năm xây dựng và hoạt động, bám sát các nhiệm vụ đã nêu, Hội VT-ĐTVN với sự tham gia của một đội ngũ đông đảo cán bộ khoa học, kỹ thuật đã dần lớn mạnh và trở thành một Hội nghề nghiệp có uy tín ở trong nước và quốc tế, góp phần không nhỏ cho sự nghiệp phát triển công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước.

Chúng ta tri ân và bầy tỏ lòng biết ơn tới các cụ, các bác hội viên lão thành đã qua đời, đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Hội trong 6 nhiệm kỳ qua. Đặc biệt, các bác có công lớn với Hội như Thiếu tướng GS Nguyễn Đình Ngọc, Thiếu tướng TS Nguyễn Thế Hiển, GS Nguyễn Đình Thông, nguyên Chủ tịch Chi hội Chuyên gia Điện tử Nguyễn Xuân Bá, PGS TS Hoàng Sước, v.v.

Trong Ban Chấp hành Hội VT-ĐTVN các nhiệm kỳ vừa qua, có 4 UVTW Đảng, Bộ trưởng và hàm Bộ trưởng, 2 anh hùng thời kỳ đổi mới, mốt số đại biểu quốc hội, 8 thiếu tướng và nhiều đại tá, 8 giáo sư và nhiều phó giáo sư, 6 TSKH và nhiều TS, nhiều cán bộ cấp tổng cục, tổng giám đốc, cục trưởng, vụ trưởng, nhiều cán bộ quản lý và nhà doanh nghiệp có tên tuổi. Ngoài ra, một số nhà khoa học của Hội tham gia các ủy ban chuyên môn quốc tế như ITU, ASEAN IVO… ; hoặc là cố vấn quốc tế cho các tổ chức nghiên cứu ở các nước tiên tiến; hoặc tham gia những vị trí chủ chốt trong nhiều hội nghị khoa học và sự kiện khoa học quốc tế về điện tử – truyền thông và máy tính. Đặc biệt, Hội chúng ta vinh dự có hai anh hùng thời kỳ đổi mới: bác Đặng Văn Thân (Chủ tịch Hội khóa I và II) và bác Thái Minh Tần (UV BCH khóa III, IV, V).

Hôm nay, Hội VT-ĐTVN cũng rất vinh hạnh được đón tiếp các nguyên ủy viên đại diện cho BCH các khóa trước đây, trong đó Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục bưu điện, nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT TS. Mai Liêm Trực (là Chủ tịch khóa III).

Chúng ta được tiếp đón các bác đã tham gia 5 khóa BCH như bác Phạm Ngọc Giai, các bác đã tham gia 4 khóa như bác Bùi Duy Cường, bác Nguyễn Hà Hoạt, bác Mai Thanh Thụ; các bác đã tham gia BCH 3 khóa như bác Thái Minh Tần, bác Nguyễn Quốc Trung; và nhiều quý vị nguyên lãnh đạo cấp cao khác của Chính phủ và các đơn vị quân đội, an ninh quốc phòng từng tham gia BCH của Hội về dự.

Nhân đây, chúng tôi cũng xin phép nêu: BCH khóa VI hiện nay có những ủy viên tích cực và nhiệt huyết tham gia công tác BCH nhiều nhiệm kỳ: có 3 ủy viên tham gia liên tục cả 6 nhiệm kỳ như đã nêu; có 2 ủy viên tham gia 5 nhiệm kỳ đó là PGS TSKH Nguyễn Hồng Vũ (là PCT/TTK khóa V và khóa VI) và bác Thái Thanh Long (người đã thiết kế biểu tượng của Hội); có 5 ủy viên tham gia 4 nhiệm kỳ đó là PGS TS Nguyễn Hữu Xý, PGS TS Ngô Thái Trị, PGS TS Lê Mỹ Tú, KS Vũ Huy Quang và KS Nguyễn Minh Đức; cùng nhiều ủy viên khác đã tham gia BCH liên tục 3 khóa IV, V, VI. Một số ủy viên BCH khóa VI có điều kiện về sức khỏe, thời gian và nhiệt huyết sẽ tiếp tục tham gia BCH khóa VII với tinh thần “trách nhiệm, hiệu quả, chuyên nghiệp và vì sự phát triển của Hội”!

Một lần nữa, xin nhiệt liệt chào mừng các vị khách quý, các cựu ủy viên BCH và tất cả các quý vị đại biểu có mặt tại buổi lễ kỷ niệm 30 năm Hội VT-ĐTVN!

Kính thưa các vị khách quý,

Thưa các đại biểu,

Về cơ cấu tổ chức. Hiện nay Hội VT-ĐTVN có 4 tổ chức hội thành viên, 19 Chi hội trực thuộc trong cả nước, và một số tổ chức pháp nhân do Hội thành lập theo đúng quy định chung.

Đặc biệt, Hội được phép xuất bản Tạp chí Điện tử từ năm 1990 với những ấn phẩm phục vụ hữu ích cho cộng đồng điện tử, truyền thông và máy tính như “Điện tử ngày nay”, “Điện tử tiêu dùng”, “Computer Fan” (Người hâm mộ máy tính).

Từ năm 2010, Tạp chí điện tử của Hội có thêm ấn phẩm chuyên về nghiên cứu khoa học với tên gọi tiếng Anh là REV Journal on Electronics and Communications, viết tắt là JEC. Đây là ấn phẩm tạp chí chuyên ngành chất lượng cao về Điện tử – Truyền thông xuất bản bằng tiếng Anh để có thể đáp ứng cho việc giao lưu Khoa học – Công nghệ giữa các nhà khoa học kỹ thuật Việt Nam và thế giới, giúp công bố ra quốc tế các công trình nghiên cứu khoa học của các học giả, các nhà nghiên cứu, và các nghiên cứu sinh trong quá trình làm luận án tiến sĩ.

Việc đảm bảo chất lượng cho Tạp chí JEC được thực hiện qua sự hợp tác với IEEE Communications Society (IEEE-ComSoc) và IEEE Vietnam Chapter. Ban Biên tập và đội ngũ phản biện của Tạp chí được lựa chọn theo tiêu chuẩn quốc tế và nhận được sự hợp tác của nhiều nhà khoa học hàng đầu trên thế giới.

Bên cạnh sự đóng góp quan trọng của Tổng biên tập GS TSKH Phan Anh, Hội VT-ĐTVN cũng xin cảm ơn và ghi nhận về những đóng góp lớn và bền bỉ của Phó TBT Nguyễn Minh Đức, GS TSKH Nguyễn Xuân Quỳnh, PGS TS Ngô Thái Trị, GS TSKH Huỳnh Hữu Tuệ, Cố PGS TS/ Phó TBT Hoàng Sước, Cố GS TSKH Nguyễn Đình Ngọc, Cố PGS TS Kiều Vĩnh Khánh, Cố GS TSKH Vũ Đình Cự, Cố GS TSKH Nguyễn Đình Thông và nhiều nhà khoa học lão thành, cũng như các nhà khoa học trẻ trong nước và ở nước ngoài cho TCĐT và cho những hoạt động hàn lâm của Hội.

Còn nhiều và rất nhiều những hoạt động hàn lâm về khoa học, đào tạo nhân lực mà Hội VT-ĐTVN đã thực hiện trong 30 năm qua như trong cuốn sách nhỏ đã gửi tới các quý vị. Đặc biệt, Hội đã 21 lần tổ chức Hội nghị quốc gia về Điện tử – Truyền thông – CNTT gọi tắt là Hội nghị REV-ECIT, 11 lần tổ chức Hội nghị khoa học quốc tế ATC được cộng đồng khoa học đánh giá cao, Hội đồng chức danh GS nhà nước đánh giá công trình tốt đến 1 điểm (cao nhất) đối với các bài báo khoa học đăng trong tạp chí JEC hoặc trong các Kỷ yếu hội nghị REV-ECIT và ATC của Hội. Chính những hoạt động hàn lâm đó đã góp phần nâng cao tầm và vị thế của Hội VT-ĐT VN ở trong nước và vươn ra hợp tác quốc tế với các hội nghề nghiệp ở các nước như IEEE (Hoa Kỳ), Alcatel Espace (Pháp), EADS (Châu Âu), Lockhead Martin (Hoa Kỳ), IEICE (Nhật Bản), KICS (Hàn Quốc), ECTI (Thái), v.v.

Chúng tôi cũng muốn nêu thêm rằng: trong 30 năm qua, Hội đã thu hút được sự hợp tác của nhiều nhà khoa học nước ngoài. Đặc biệt, có sự tham gia và đóng góp trực tiếp của các nhà khoa học người Việt từng giảng dạy, nghiên cứu ở nước ngoài như các GS: Huỳnh Hữu Tuệ, Nguyễn Đình Thông, Đào Trọng Tích, Vương Thanh Sơn, Vương Thanh Xuyên, Đặng Lương Mô, v.v. Hôm nay, dù rất bận rộn, nhưng GS Huỳnh Hữu Tuệ đã từ Canada xa xôi trở về tham dự sự kiện đặc biệt này của Hội.

Kính thưa các vị khách quý,

Thưa các đại biểu,

Trong hoạt động của một hội nghề nghiệp KHCN toàn quốc, không thể không nhắc tới hoạt động Tư vấn khoa học kỹ thuật về ngành, lĩnh vực chuyên môn của hội cho các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước, các ngành, các địa phương.

Trong công tác tư vấn, phản biện, Hội VT-ĐTVN đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư ký hợp đồng, mời thẩm định những dự án lớn như: Dự án vệ tinh VINASAT-1; Dự án Trung tâm Kỹ thuật Truyền hình; Chiến lược Phát triển Đài Truyền hình Việt Nam; Chiến lược Phát triển Công nghệ Vũ trụ đến năm 2020; Chiến lược phát triển ngành Phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, vv

Hội cũng hỗ trợ các cơ quan hữu quan xây dựng các đề án kinh tế kỹ thuật của từng công trình cụ thể và cử chuyên gia tham gia việc gọi thầu, chấm thầu thiết bị. Hội đã tham gia ”Tổ công tác viễn thám liên ngành” của Chính phủ để xây dựng định hướng chiến lược phát triển công nghệ vũ trụ ở Việt Nam trong đó có đề án ”Xây dựng trạm thu ảnh vệ tinh mặt đất” được Chính phủ duyệt và triển khai thực tế…

Nhiều hoạt động tư vấn đã được Hội triển khai như được nêu trong cuốn sách nhỏ gửi tới các vị khách quý và các quý vị đại biểu. Chúng tôi xin nêu một số tư vấn điển hình nữa như: năm 2005 – Thẩm định “Dự án khả thi Phóng vệ tinh viễn thông Việt Nam VINASAT, Tư vấn “Đề án khả thi Xây dựng Trung tâm thiết kế CHIP”; năm 2006 – Thẩm định dự án “Phủ sóng phát thanh cho các vùng lõm, vùng sâu, vùng xa”; năm 2007 – Tham gia Ban soạn thảo “Luật Tần số vô tuyến điện”, Đóng góp ý kiến cho dự thảo “Luật Viễn thông”, vv.

Hội VT-ĐTVN cũng đã nêu nhiều khuyến nghị đến Chính phủ. Năm 2009 – Khuyến nghị về phát triển thông tin, định vị trên biển, đặc biệt nhấn mạnh công tác thông tin, tìm kiếm, cứu nạn tàu, thuyền đánh cá xa bờ của ngành thủy sản Việt Nam. Năm 2010 – Định hướng phát triển công nghiệp điện tử Việt Nam, phục vụ cho việc sản xuất các thiết bị Điện tử, Truyền thông và CNTT giai đoạn 2011 – 2020, và Nhà nước chú trọng việc xây dựng và phát triển các trung tâm, phòng thí nghiệm thiết kế điện tử, vi điện tử. Năm 2011 – Hội thảo chuyên đề cấp quốc gia về thông tin và định vị trên biển vì sự nghiệp an ninh- quốc phòng và phát triển Kinh tế biển Việt Nam (REV-COMNAVI năm 2011).

Năm 2012 với hàng loạt khuyến nghị như: Khuyến nghị về an toàn thông tin Việt Nam, trong đó có thành lập cơ quan An toàn thông tin quốc gia, chỉ đạo tất cả Bộ, Ngành, địa phương, và đơn vị trong toàn quốc, có khả năng điều động và tập trung lực lượng nghiên cứu, có trách nhiệm đối phó với mọi hoạt động tấn công mạng ngành và mạng quốc gia, rồi Khuyến nghị về tổ chức nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các thiết bị phần cứng của riêng mình để sử dụng trong các hệ thống thông tin bảo mật, đồng thời nghiên cứu tạo ra các thuật toán riêng cho an toàn thông tin của VN, được nhúng trong các thiết bị phần cứng do Việt Nam tự chế tạo; vv

Qua đó cho thấy: những tư vấn hay khuyến nghị của Hội VT-ĐTVN có tính cấp thiết và thực tiễn cao từ cách đây hàng chục năm mà ngày nay vẫn còn nguyên giá trị!

Kính thưa các vị khách quý,

Thưa các đại biểu,

Hội VT-ĐTVN có được những thành tựu như ngày nay là nhờ nhiều yếu tố, trong đó yếu tố con người là quan trọng nhất. Từ Ban vận động cho đến Đại hội VII hiện nay luôn có những con người tâm huyết, dốc lòng cho sự phát triển của Hội. Thay mặt BCH khóa VI, chúng tôi bầy tỏ sự trân trọng, ngưỡng mộ, tôn kính và cảm ơn các thế hệ của Hội VT-ĐTVN, đặc biệt là các Chủ tịch Hội: bác Đặng Văn Thân (Khóa I, II), bác Mai Liêm Trực (Khóa III), bác Nguyễn Văn Ngọ (Khóa IV) và bác Phan Anh (Khóa V) cùng nhiều nhà khoa học, kỹ sư, hội viên và cộng đồng điện tử, truyền thông, CNTT trong cả nước và quốc tế. Hội VT-ĐTVN cũng rất tự hào khi hai nguyên Chủ tịch của Hội là GS Nguyễn Văn Ngọ và GS TSKH Phan Anh đã được Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam (VUSTA) tôn vinh là “Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu”.

Trong 30 năm qua, Hội VT-ĐTVN luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, của các cấp lãnh đạo liên quan như Ban đối ngoại TW, Bộ Nội vụ, Bộ TT-TT, Bộ KH&CN, Liên hiệp các hội KH&KT VN, vv. Đặc biệt, Hội đã ký hợp tác dài hạn với Trường ĐHCN-ĐHQGHN và Cục TSVTĐ trong phối hợp hiệu quả nhiều hoạt động. Hội cũng được nhiều cơ quan hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ và hiệu quả như VOV, VTV, Trường ĐHBKHN, Trường ĐHKHTN-ĐHQGHN, Viện ĐT-TH&TĐH (VIELINA), Trường ĐHBKHCM, Học viện CNBCVT, Trường ĐH HH Hải Phòng, Trường ĐHSPKT Hưng Yên, Trường ĐHGTVT, Trường ĐH TTLL, và nhiều tổ chức phát thanh, truyền hình và KHCN ở các địa phương như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Tây Ninh, Đà Nẵng, Huế, Nam Định, Thanh Hóa, Ninh Bình, Quy Nhơn, Nghệ An, Khánh Hòa, Hà Nam, Sơn Tây, v.v.

Nhân dịp này, thay mặt Hội VT-ĐTVN, chúng tôi xin chân thành cảm ơn các cấp lãnh đạo, các đơn vị, các địa phương và các cá nhân trong cả nước và nước ngoài đã luôn động viên, hỗ trợ và khích lệ kịp thời các hoạt động đa dạng của Hội VT-ĐTVN trong suốt 30 năm qua. Hội VT-ĐTVN cũng bầy tỏ sự cảm ơn tới các hội nghề nghiệp bạn như Hội Tin học Việt Nam (VAIP, cùng tuổi, cùng ngày sinh), Hội Internet Việt Nam (VIA), Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT VN (VINASA), Hiệp hội doanh nghiệp điện tử VN (VIE), Hội Truyền thông số VN (VDCA), Hội An ninh thông tin Việt Nam (VNISA) và nhiều hội KH&CN cùng các doanh nghiệp liên quan đã luôn hợp tác và phối hợp tốt trong các hoạt động của Hội và cộng đồng.

Chúng tôi cũng tự nhận thấy Hội vẫn còn những khiếm khuyết cần khắc phục và vươn lên, đặc biệt là hướng tới một hội nghề nghiệp chuyên nghiệp cao như mô hình của IEEE hay IEICE, v.v. Với sự cố gắng tiếp tục của mỗi hội viên và sự giúp đỡ của các cơ quan các cấp, của các quý vị cùng toàn thể cộng đồng, chúng tôi tin rằng Hội VT-ĐTVN sẽ tiếp tục đạt được những thành tích tốt đẹp trong những năm tới. 

Kính thưa các vị khách quý,

Thưa các đại biểu,

Việt Nam chúng ta đang tích cực và cố gắng bắt nhịp để tiến nhanh hơn nhờ trào lưu cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tiến tới nền sản xuất thông minh, tự động hóa cao độ, lấy CNTT-TT với AI, IoT, BigData… làm nền tảng nhằm tăng năng suất lao động, làm ra những sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Chúng ta vui mừng khi Thủ tướng, PTT Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ TT-TT mới đây đã phát biểu về kế hoạch sẽ triển khai mạnh mẽ việc nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và sản xuất nhiều mặt hàng mang nhãn hiệu Việt Nam. Trong đó, Hội VT-ĐTVN rất tâm đắc với kế hoạch xây dựng và phát triển nền công nghiệp điện tử, viễn thông, CNTT của VN để VN tự sản xuất được các thiết bị CNTT-TT của mình, các thiết bị điện tử dân dụng cho 90 triệu người dân VN sử dụng mà lâu nay chúng ta phải nhập khẩu nguyên chiếc hoặc nhập khẩu kinh liện về lắp ráp là chính, chứ chưa có nhiều sản phẩm tự mình thiết kế và sản xuất lấy.

Ban chấp hành nhiệm kỳ tới của Hội VT-ĐTVN, ngoài các đơn vị truyền thống về quản lý, nghiên cứu, ứng dụng và dịch vụ VT-ĐT như VOV, VTV, các trường/viện… sẽ có hơn 20% ủy viên từ các doanh nghiệp lớn tham gia như Viettel, VNPT, CMC, Mobifone, TC Group HCMC, VTJ, OSB, v.v. sẽ tạo đà và môi trường thuận lợi cho hợp tác hàn lâm – doanh nghiệp, cũng như thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Hội được Bộ TT-TT giao cho.  

Hội VT-ĐTVN với trách nhiệm là một trong các hội nghề nghiệp thuộc lĩnh vực TT-TT sẽ tiếp tục phát huy truyền thống 30 năm với nhiều kết quả trong tư vấn, phản biện, khuyến nghị với Chính phủ và các cấp về phát triển ngành điện tử, truyền thông và CNTT, luôn sẵn sàng nhận các nhiệm vụ, sự chỉ đạo và đặt hàng tư vấn của Chính phủ và các cơ quan để cùng các hội nghề nghiệp và những đơn vị bạn góp phần vào phát triển KHCN, vào công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) và vào nền sản xuất công nghệ cao của nước nhà.

Một lần nữa, chúng tôi xin cảm ơn các vị khách quý, các vị đại biểu và toàn thể hội viên của Hội cùng cộng đồng điện tử, truyền thông và CNTT đã hỗ trợ, giúp đỡ chúng tôi trong hơn 30 năm qua. Chúng tôi cũng mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ của Đảng, Chính phủ, các cơ quan và các đơn vị cùng cộng đồng đối với Hội VT-ĐTVN nói riêng và các hội, hiệp hội KHCN nói chung.

Xin kính chúc các vị khách quý, các vị đại biểu luôn dồi dào sức khỏe, có nhiều thành tựu trong công việc và niềm vui trong cuộc sống!

Xin cảm ơn sự chú ý lắng nghe của các quý vị!

BAN CHẤP HÀNH HỘI VT-ĐT VIỆT NAM

(ngày 24/11/2018, NN Bình)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.