Giáo sư Chương Văn Huân

Người trí thức ngày ngày lao động khổ sai dưới sự giám sát của Hồng Vệ binh, đêm đêm viết công trình khoa học trong túp lều của cố nông, để 10 năm sau công bố ra thế giới.

Chương Văn Huân xuất thân từ một gia đình trí thức truyền thống ở Thượng Hải, sinh năm 1937 vào đúng những ngày quân đội Nhật hoàng triển khai cuộc đại thảm sát man rợ ở Nam kinh.Ông là bạn học cùng lớp với tôi ở khoa VTĐ Công học viện Nam kinh. Ở Hội nghị quốc tế ATC năm 2009 khi GS Huỳnh Hữu Tuệ nghe GS Chương Văn Huân nói vậy có hỏi lại tôi điều đó có thật không, tôi xác nhận là đúng vì ông bạn từ Cao Trung vào thẳng ĐH còn tôi phải qua: 1 năm Trung văn, 1 năm Toán học đại cương và 4 năm công tác trong ngành VTĐ ở VN, Lào, Thái Lan, và dự lớp chỉnh huấn.

Vào nghề sớm nhưng sự nghiệp khoa học của GS Chương Văn Huân bị trắc trở nhiều vì những biến động chính trị liên miên trong nước (TQ). Sau khi tốt nghiệp Nam Công ông được nhà trường giữ lại làm công tác giảng dạy. Không may là thời kỳ đó cả nước TQ đang sôi sục trong cuộc vận động “Đại Nhảy vọt”, ở trường đại học chưa có chế độ học hàm và cũng không yêu cầu thầy giáo phải có công trình NCKH. Ông đành tự đặt vấn đề nghiên cứu là: hệ thống hóa kiến thức để giúp cho việc soạn bài lên lớp và làm các báo cáo ngoại khóa trong bộ môn. Hướng n/c tập trung vào phương pháp luận toán học trong nghiên cứu điện từ trường áp dụng vào kỹ thuật anten và vi ba, kinh phí hoàn toàn tự túc.

Nhưng khó khăn đâu phải chỉ có thế: tiếp theo Đại Nhảy vọt là cuộc Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản long trời lở đất làm cho việc đào tạo đại học bị gián đoạn suốt 10 năm. Trong thời gian đó trên thế giới việc n/c trường điện từ đã chuyển từ giải tích cổ điển sang sử dụng máy tính dựa trên các phương pháp số.

Dẫu bị CMVH đưa về nông thôn “lao động cải tạo” ông vẫn vững tin rằng bất kể chế độ xã hội nào rồi cũng sẽ cần đến khoa học và văn hóa. Vì vậy những năm giữa thập kỷ 70 tuy ngày ngày phải lao động khổ sai dưới sự giám sát và đánh đập của lũ Hồng Vệ binh, nhưng đêm đêm ông vẫn miệt mài viết công trình khoa học dưới ánh sáng tù mù của ngọn đèn dầu nhỏ xíu trong một túp lều của cố nông không đầy 10 m2.

Sau CMVH năm 1982 công trình “无线电工程中的微分方” (DIFERENTIAL EQUATIONS FOR RADIO ENGINEERING) của ông được xuất bản và công nhận là sách giáo khoa (424 trg) sử dụng trong đào tạo NCS các trường ĐH VTĐ cho đến ngày nay. Sau đó, để tổng kết các loại phương pháp số dẫn tới những đáp số giải tích gần giống nhau vào cùng một dạng chức năng thống nhất, năm 1985 ông xuất bản một công trình ngắn gọn bằng Hán ngữ (185 trg) “电磁工程的功能方” (FUNCTIONAL METHODS FOR ELECTROMAGNETIC ENGINEERING). Qua bổ sung và dịch ra tiếng Anh mang tên “ENGINEERING ELECTROMAGNETISM: FUNCTIONAL METHODS” (315 trg, xuất bản tại Anh lần thứ nhất năm 1991, tái bản năm 1993).

Quyển sách nổi tiếng vì được các nhà khoa học trong lĩnh vực Trường Điện từ ở Trung Quốc và trên quốc tế đánh giá cao, đưa GS Chương Văn Huân vào hàng ngũ các chuyên gia hàng đầu thế giới. Ông được mời vào Ban Biên tập nhiều tạp chí chuyên ngành quốc gia và quốc tế, trong đó có “Tạp chí Sóng Điện từ và các Ứng dụng” (Journal of Electromagnetic Waves and Applications) và “Tin nhanh Công nghệ Vi ba và Quang học” (Microwave and Optical Technology Letters). GS Chương Văn Huân là tác giả 380 bài báo và báo cáo tại hội nghị quốc tế, và là:

– Hội viên Hội Toán học TQ, – hội viên cấp Fellow Hội Điện tử TQ (Chinese Institute of Electronics, – CIE),

– Hội viên cấp Fellow Tổng Hội IEEE,

– Thành viên chính thức của Liên minh Khoa học VTĐ Quốc tế URSI,

– GS thình giảng hoặc GD danh dự nhiều trường ĐH danh tiếng trên thế giới, vd: ETH, Thụy Sĩ; ĐH Điện-Truyền thông Tokyo; City University Hong Kong; ĐHBK Montreal; ĐH Syracuse USA…

Với Hội Vô Tuyến – Điện tử VN (REV), GS Chương Văn Huân là thành viên Ban Tư vấn Quốc tế, Ban Chương trình, và tác giả báo cáo mời của hầu hết Hội nghị Toàn quốc REV-ECIT (do REV tổ chức) và Hội nghị Quốc tế ACT (do REV và IEEE-ComSoc đồng tổ chức) trong suốt giai đoạn 2000-2014.

Tác giả: GS Nguyễn Văn Ngọ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.