HỘI NGHỊ REV với những nỗ lực không ngừng của Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam

“Hội nghị REV”, cái tên đã trở nên khá gần gũi, quen thuộc đối với nhiều thế hệ cán bộ khoa học kỹ thuật Việt Nam trong lĩnh vực Điện tử – Truyền thông từ hơn hai mươi năm nay. Đây chính là Hội nghị khoa học toàn quốc do Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam phối hợp với các tổ chức Nghiên cứu, Ứng dụng và Quản lý KHKT trong nước tổ chức đều đặn 2 năm một lần vào những năm chẵn, bắt đầu từ năm 1990 và đến nay đã trở thành một Hội thảo Quốc gia được tổ chức hàng năm với sự quan tâm và uy tín cao.

Việc tổ chức các hội nghị khoa học nhằm tập hợp lực lượng và động viên phong trào nghiên cứu khoa học – phục vụ sản xuất  trong nước là chủ trương lớn của Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam ngay từ khi mới thành lập. Hội cũng nhắm một mục tiêu nữa là thông qua các Hội nghị này, với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học sẽ có được những thông tin hữu ích để từ đó đúc rút ra những khuyến nghị gửi lên các cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước, góp phần vào việc xây dựng và phát triển Ngành Điện tử – Truyền thông của đất nước. 

 

REV’1990, sự mở đầu cho tiền đề “đầu xuôi … đuôi lọt” 

Với khí thế hăng hái của toàn Hội sau ngày thành lập (3/1/1989), các Ban bắt đầu triển khai  hoạt động theo từng lĩnh vực. Lúc này ban chấp hành hội được tổ chức thành 3 ban là Ban Thư ký do PCT/Tổng thư ký Nguyễn Văn Ngọ phụ trách, Ban Kinh tế do PCT Nguyễn Hà Hoạt làm trưởng ban và Ban Khoa học Kỹ thuật được hình thành từ Hội đồng Khoa học do tôi (Phan Anh/ PCT) làm trưởng ban. Một đặc điểm của Ban chấp hành nhiệm kỳ 1 là hầu hết các ủy viên đều là cán bộ đương nhiệm, đang giữ các cương vị lãnh đạo tại các cơ quan nhà nước, còn trẻ, sung sức và nhiệt tình công tác hội. Số ủy viên nhiều tuổi cũng chỉ có vài người ở tuổi vừa nghỉ hưu như các anh Nguyễn Lại (Cục phó Cục Điện Ảnh, nguyên Trưởng ban vận động), anh Lương văn Hóa (Cục trưởng Kỹ thuật Thông tấn xã VN). Vì vậy các hoạt động của hội được triển khai khá nhanh và thuận lợi. 

Song song với việc tổ chức một số cuộc hội thảo nhằm đáp ứng kịp thời cho công tác tư vấn, phản biện  xã hội, Ban Khoa học Kỹ thuật đã xúc tiến ngay việc chuẩn bị cho cuộc hội nghị khoa học đầu tiên của hội vào năm  sau, năm1990, lấy tên là Hội nghị Vô tuyến –Điện tử Việt Nam, viết tắt là REV’1990. 

Đây là Hội nghị khoa học toàn quốc được tổ chức lần đầu từ sau ngày Hội chính thức ra đời. REV vừa là tên viết tắt của Hội, vừa là tên viết tắt của hội nghị : “Radio – Electronics of Vietnam”.  Tuy là lần đầu, nhưng để thể hiện tính kế thừa các hoạt động mà ban vận động đã thực hiện từ trước, chúng tôi gọi đây là Hội nghị Vô tuyến Điện tử Việt Nam lần thứ 3, sau  lần 1 và 2 là các hội nghị mà Ban vận động  đã phối hợp với Ủy ban Khoa học – Kỹ thuật Nhà nước tổ chức trong thời gian trước đó. 

Để thu hút đông đảo cán bộ và các đơn vị khoa học kỹ thuật trong nước tham gia, chúng tôi thấy cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các ủy viên Ban chấp hành trong việc liên kết tổ chức sự kiện. Lúc này, Chủ tịch hội – anh Đặng Văn Thân đang là Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện (tiền thân của Bộ Bưu chính Viễn thông và Bộ Thông tin Truyền thông); anh Vũ Đình Cự (ủy viên Ban chấp hành hội) – đương kim  Chủ nhiệm Chương trình KC01; anh Đỗ Trung Tá (ủy viên Thường vụ Hội) vừa là Chủ tịch VNPT vừa là ủy viên của Ban chủ nhiệm KC01; tôi (Phan Anh, Phó Chủ tịch/Trưởng ban Khoa học Kỹ thuật của Hội) đang là Ủy viên Ban chủ nhiệm/ Tổng thư ký Chương trình KC01 nên việc bàn bạc để phối hợp các bên rất thuận lợi. Ngoài ra, một số cán bộ lãnh đạo khác của Hội cũng đang giữ các trách nhiệm quan trọng tại các tổ chức nhà nước có liên quan như anh Nguyễn Hà Hoạt (Phó Chủ tịch Hội) đương kim  TGĐ TCTy Điện tử – Tin học VN (Vietronics); các anh Nguyễn Đình Ngọc, Trần Thúc Vân  (ủy viên BCH Hội) là thủ trưởng hai cơ quan kỹ thuật trọng yếu bên Công An và Quân đội tương ứng là Cục Khoa học Viễn thông-Tin học (V17) Bộ Công An và Viện Kỹ thuật Quân sự, Bộ Quốc phòng nên  đã thu hút được hầu hết các cán bộ KHKT và các đơn vị trong ngành tham gia. 

REV’1990 đã được Hội, Chương trình nhà nước về Điện tử- Tin học- Viễn thông KC01 và Tổng cục Bưu điện VN mà đơn vị thực hiện là Tổng công ty Bưu chính Viễn thông VNPT phối hợp tổ chức vào tháng 10/1990 tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô, kèm theo một cuộc triển lãm Khoa học Kỹ thuật khá phong phú về những thành tựu nghiên cứu khoa học mà các đề tài của chương trình nhà nước đã thực hiện cùng với một số kết quả nghiên cứu ứng dụng của các tổ chức, doanh nghiệp về Viễn thông và Phát thanh Truyền hình trong nước. Kinh phí cho việc tổ chức do 3 bên đóng góp với tỷ lệ 50% là của Hội, Viettronics, và KC01, còn lại là của VNPT, nhưng về nội dung thì Hội là người để xướng, người chủ trì chính trong việc huy động bài và xét duyệt các báo cáo, xây dựng các báo cáo chính và chương trình hội nghị, tổng hợp các ý kiến đóng góp và đúc kết thành những khuyến nghị gửi lên TW Dảng và Chính phủ.  REV’1990 là chuyến “ra quân” đầu tiên và cũng là ‘thử thách” đầu tiên đối với hoạt động KHKT của Hội.

Tuy công việc tổ chức hội nghị được coi là trách nhiệm của Ban khoa học kỹ thuật nhưng những chủ trương lớn chúng tôi đều thông qua Ban Thường vụ và  trao đổi với các đ/c lãnh đạo chủ chốt của hội trong quá trình thực hiện. Đối với một sự kiện quan trọng như thế này thì toàn thể Lãnh đạo Hội mà trực tiếp là Tổng thư ký và các Ban chủ chốt của Hội đều góp sức thực hiện. Truyền thống này vẫn được duy trì trong những năm về sau.

Ngày nay, nếu có nói đến việc tổ chức một Hội nghị khoa học ở tầm Quốc gia hay Quốc tế cho đúng chuẩn mực thì chúng ta cũng không thấy là chuyện gì to lớn, nhưng đối với chúng tôi lúc đó thì không đơn giản : Kinh phí hạn hẹp, phương tiện và trang bị kỹ thuật ít ỏi, trình độ công nghệ về thông tin và máy tính ở VN nói chung và ở các trường đại học nói riêng mới chỉ là bắt đầu. Về phía các tác giả VN thì không ít người còn chưa quen với việc tham gia một hội nghị khoa học chính tắc nên chưa có thói quen thực hiện nghiêm túc những điều mà BTC quy định.  

Về mặt thuận lợi thì chúng tôi đã được VNPT áp dụng chế độ miễn phí đối với mảng thư từ giao dịch của Ban tổ chức theo đường bưu điện nên đỡ được chi phí khá nhiều.

Với những hiểu biết về quy trình tổ chức một hội nghị khoa học chính quy mà tôi đã học được qua những lần  tham dự Hội nghị, Hội thảo khoa học Quốc tế của mấy năm đi thực tập sinh bậc 2 ở nước ngoài, và anh Nguyễn văn Ngọ đã nhiều lần dự các hội nghị của Hội đồng Tương trợ Kinh tế SEV, Tổ chức PT-TH quốc tế OIRT, Tổ chức PT-TH Châu Á-Thái bình dương ABU, chúng tôi đã cùng một số anh em hội viên ở Đại học Bách khoa Hà Nội vận dụng để tổ chức hội nghị trong điều kiện khó khăn của nước ta lúc đó. 

Đất nước còn nghèo, phương châm của Hội là phải khuyến khích, tạo điều kiện cho nhiều người được tham gia nên không được phép yêu cầu quá khắt khe. Vì đây là lần đầu nên mọi hình thức chuẩn bị và nộp báo cáo đều được chấp nhận, quan trọng là nội dung tốt, được Ban chuyên môn xem xét, thông qua.

Khó khăn lớn nhất đối với ban chuyên môn lúc đó là việc biên tập và tổ chức in ấn Kỷ yếu hội nghị vì rất hiếm bản thảo được gửi ở dạng hoàn chỉnh, chỉ có một số ít được đánh máy từ máy chữ còn đại bộ phận là bản viết tay. Hầu như sau khi biên tập anh em chúng tôi phải gõ lại trên máy vi tính và vẽ hình trên giấy can  để làm chế bản in. Nhóm làm chế bản lúc đó là các cán bộ giảng dạy trẻ ở Đại học Bách khoa do anh Quách Tuấn Ngọc phụ trách và có anh Văn Thế Minh trợ giúp. Tôi còn nhớ, nhóm đã phải làm việc cật lực suốt mấy ngày đêm tại nhà riêng của anh Q.T Ngọc ở khu tập thể Giảng Võ để có thể hoàn thành chế bản vào đêm trước hôm giao cho nhà in. Cuối cùng thì mọi việc cũng đã hoàn thành và REV’1990 đã diễn ra rất thành công trong 3 ngày 29-31/10/1990 với đầy đủ lệ bộ như một hội nghị khoa học quốc gia thực thụ , có hơn 300 người tham dự. Hội nghị đã vinh dự được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc đó là Phó Thủ tướng phụ trách Khoa học kỹ thuật đến dự khai mạc và phát biểu.                        

 

Đại tướng Võ nguyên Giáp thăm REV’1990. Đứng cùng hàng, bên phải Đại tướng là GS Nguyễn Văn Ngọ, GS Vũ  Đình Cự ; bên trái là Chủ tịch Hội KS Đặng Văn Thân

 

Tại Hội nghị REV’1990 ngoài các báo cáo chuyên môn về khoa học kỹ thuật còn có một Hội nghị bàn tròn đánh giá tình hình điện tử nước ta trong giai đoạn từ khi tham gia Chương trình Điện tử hoá của khối SEV cho đến khi khối này ngừng hoạt động, và thảo luận để thống nhất về những tư tưởng cơ bản của một Chiến lược phát triển Điện tử-Tin học-Viễn thông của nước ta trong giai đoạn mới.

REV’1990 đã mở đầu thành công cho chuỗi hội nghị REV tiếp theo do hội tổ chức hai năm một lần mà các hội nghị về sau đã đạt được chất lượng mỗi ngày một cao hơn.Thành công của hội nghị – bên cạnh sự nỗ lực của Hội còn có sự hợp tác chặt chẽ và đóng góp hiệu quả của các cá nhân và cơ quan đồng tổ chức  như anh Vũ Đình Cự – Chủ nhiệm KC01 và thư ký chủ nhiệm – bà Nguyễn Khoa Diệu Oanh; của anh Đỗ Trung Tá- Chủ tịch VNPT và Chánh Văn phòng Hoàng Đình Sửu. Về phía Hội không thể không kể đến vai trò của Chủ tịch Đặng Văn Thân và  thư ký riêng của anh, anh Trần Đức Lai ;  của PCT/TTK Nguyễn Văn Ngọ và các Phó Chủ tịch khác cùng với một số Trưởng ban chủ chốt của Hội như các anh Phạm Khắc Di,  Nguyễn Ngọc Cẩn v.v. Về phía tập thể, Hội đã nhận được sự đóng góp nhiệt tình, hiệu quả của các cán bộ giảng dạy trẻ tại Khoa Vô tuyến Điện tử – Thông tin và Khoa Điện tử -Máy tính của ĐHBK Hà nội. 

Cần phải nói ngay rằng từ REV 1990 về sau, qua mỗi hội nghị tính chính quy càng được nâng cao, đặc biệt là nội dung các báo cáo học thuật càng được thẩm định chặt chẽ hơn, vì Hội đồng Học vị và Học hàm Chuyên ngành Điện tử – Viễn thông – Tự động hóa chấp nhận cho tính điểm (1/4, 1/2, 3/4 điểm) các công trình đăng ở Kỷ yếu REV. Đã có lần GS Nguyễn Đình Ngọc kiên quyết “gạt” bài  của một tác giả Nga, mắc dầu Chủ tich khuyên là nên chiếu cố    

 

Đại tướng Võ nguyên Giáp chụp ảnh chung với các đại biểu dự hội nghị REV’1990 Bên phải đại tướng là GS Vũ Đình Cự, tiếp theo là Chủ tịch Hội Đặng Văn Thân

Sự trưởng thành của các Hội nghị REV và Những đóng góp cho sự phát triển Ngành

Thành công của Hội nghị Vô tuyến Điện tử VN lần thứ 3 (REV’1990) đã có tiếng vang nhất định trong giới khoa học kỹ thuật trong nước và đem lại uy tín cho Hội đối với các tổ chức Đảng và Nhà nước. Qua đó, khí thế của toàn Hội đã được nâng lên rõ rệt. Chúng tôi đi tới quyết định sẽ tổ chức hội nghị REV như  một chuỗi hội nghị định kỳ 2 năm một lần vào năm chẵn, còn vào những năm lẻ xen kẽ thì tổ chức các cuộc hội thảo khoa học theo những chuyên đề chọn lọc riêng cho mỗi năm. Như vậy, tiếp theo REV’1990 sẽ là REV’1992, REV’1994, REV’1996, REV’1998 …

 

Hội nghị Vô tuyến Điện tử VN lần thứ 4 (REV’1992) được tổ chức tại Hà nội vào ngày 25-27/11/1992 với mô hình tương tự như REV’90 nghĩa là do Hội, Chương trình KC01 và Tổng cục Bưu điện cùng với VNPT phối hợp tổ chức. Ban tổ chức kỳ này đã rút được nhiều kinh ngiệm của lần hội nghị trước nên nhiều việc đã được cải tiến hơn, đặc biệt là khâu gọi bài, phản biện, biên tập và xuất bản Kỷ yếu. Chương trình hội nghị ngoài những báo cáo chuyên môn trong nước cũng được làm phong phú hơn với những báo cáo mời từ các tác giả nước ngoài, đặc biệt là các chuyên gia ở các viện nghiên cứu của những tập đoàn đa quốc gia quan tâm đến thị trường Việt nam, và tham luận của các tập thể và các cơ quan quản lý ngành. GS Vijay Bhargava, người đã giúp các Chủ tịch IEEE thương thảo hiệp định kết nghĩa với các hội Ấn Độ, Nhật Bản,và Nga, cũng đến dự hội nghị, phát biểu lời chào mừng và giới thiệu về IEEE  

Ban tổ chức đã nêu tiêu chí cho hội nghị lần này với khẩu hiệu : 

”Tập hợp đội ngũ đông đảo hơn, mở cửa ra thế giới mạnh hơn, tiến thẳng đến những cái hiện đại nhất trong lĩnh vực Điện tử -Tin học -Viễn thông’‘. 

Cùng với các phân ban chuyên môn, hội nghị đã hợp tác với Ban Tuyên Giáo Trung ương (do GS Phó Ban Phạm Tất Dong đại diện) tổ chức cuộc thảo luận mở theo hình thức Panel Discussion về chủ đề Đào tạo và qua đó đã rút ra một số nội dung  để khuyến nghị với các cơ quan nhà nước có liên quan về “Đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng đào tạo ngành Điện tử – Viễn thông – Tin học”.

Trong thư gửi Ban Bí thư TW Đảng và Hội đồng Chính phủ, Hội đã đưa một số kiến nghị về các vấn đề sau:

•    Điều chỉnh mục tiêu, nội dung và phương pháp đào tạo, nhất là ở bậc đại học, sau đại học

•    Có chiến lược, chế độ, chính sách đào tạo để bồi dưỡng một đội ngũ cán bộ trẻ, giỏi, phục vụ  yêu cầu phát triển của đất nước trong thời đại “trí tuệ” (lúc đó chưa có từ “kinh tế tri thức”)

•    Cảnh giác với hiện tượng hẫng hụt cán bộ khoa học có trình độ cao ở các Viện, trường Đại học trong vòng mươi năm tới, và hiện tượng chảy máu chất xám.

Thành công của REV’92 là đã tạo được đà cho ngành để có những bước tiến mang ý nghĩa thay đổi về chất trong Viễn thông, Truyền dẫn tín hiệu Phát thanh –Truyền hình, Công nghiệp lắp ráp thiết bị viễn thông và truyền thông đại chúng, trong Tin học văn phòng và Tin học quản lý. Kết quả này đã được nhận định ở các Hội nghị REV tiếp theo.
Trung tuần tháng 10 năm 1994 một đoàn 5 nhà khoa học của REV sang Pháp khảo sát về Công nghệ Thông tin Vệ tinh theo lời mời của Alcatel Espace và Alcatel Telspace. Sự kiện này đã cho chúng tôi kiến thức và dũng khí để tổ chức một Hội nghị REV mang tính lịch sử của ngành VT-ĐT, đó là hội nghị REV’1994

 

Hội nghị Vô tuyến Điện tử VN lần thứ 5 (REV’1994) được tổ chức ở TP Hồ Chí Minh ngày 13-14/11/1994. Thời gian này, anh Nguyễn Bá (ủy viên BCH Hội) đang giữ trách nhiệm Giám đốc Sở Bưu điện thành phố nên đã hỗ trợ rất tốt cho việc tổ chức hội nghị tại địa điểm của Sở bao gồm cả cơ sở vật chất và nhân lực. 

Vì nhiều đại biểu từ Hà nội và các tỉnh phía Bắc không có điều kiện vào Tp HCM tham dự nên chúng tôi đã quyết định lập lại một phiên của Hội nghị tại Hà Nội vào đầu năm sau, ngày 20/1/1995.  Cả hai phiên hội nghị tại Tp HCM và Hà Nội đã khẳng định những thành tích mà ngành đã đạt được như nhận định ở trên, đồng thời kiến nghị với Trung ương Đảng và Chính phủ 3 điểm:

•    Phóng một vệ tinh địa tĩnh riêng của Việt nam.

•    Phát triển Công nghiệp ĐT-VT-TH thành ngành CN có tính đòn bẩy trong nền kinh tế VN.

•    Phát triển viễn thông và truyền thông đại chúng cho vùng núi, biên giới và hải đảo.

Riêng đề xuất “Phóng một vệ tinh địa tĩnh riêng của Việt Nam” đã được hội trình lên lãnh đạo Đảng và nhà nước dưới dạng một bản đề án sơ bộ về cả hai khía cạnh Kỹ thuật và Kinh tế. Hội đã tiếp tục theo đuổi kiến nghị này trong nhiều năm tiếp theo, bao gồm cả việc chuẩn bị cho môi trường trong nước cũng như hợp tác với nước ngoài, cuối cùng đã được Bộ Kế hoạch-Đầu tư mời thẩm định Dự án Khả thi vệ tinh Vinasat-1 trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 

Hội nghị Vô tuyến Điện tử VN lần thứ 6 (REV’1996) sử dụng cầu truyền hình Hà Nội- Tp HCM – Đà Nẵng .

REV’1996 được tổ chức ngày17-18/10/1996 theo một hình thức mở rộng mới, với phòng họp chính và các phân ban chuyên môn được sắp xếp tại cơ sở 18 Nguyễn Du Hà Nội của Tổng cục Bưu điện (nay là cơ ngơi của Bộ Thông tin – Truyền thông),  đồng thời bố trí các phòng họp từ xa tại các Sở Bưu điện TP Hồ Chí Minh và Đà nẵng qua cầu truyền hình dùng cáp quang của VNPT. Nhờ phương thức này đã tạo điều kiện để các đại biểu ở xa có thể theo rõi tiến trình hội nghị, nghe các báo cáo chính và tham gia thảo luận khi cần thiết. 

Hội nghị  đã khẳng định sự tiến bộ của ngành viễn thông Việt Nam và trên cơ sở đó kiến nghị với Đảng và Chính phủ các điểm chính sau đây:

•    Tăng cường cơ sở vật chất và biện pháp quản lý tần số – nguồn lực lớn của quốc gia

•    Tăng cường cơ sở vật chất cho ngành Truyền hình và phát triển dịch vụ Multimedia

•    Khẩn trương nghiên cứu để sớm gia nhập Intemet

Một bước tiến đáng lưu ý trong việc nâng cao hiệu quả hội nhập của hội nghị REV là bắt đầu từ lần này, trong Proceeding đã có cả 2 ngôn ngữ Việt và Anh. Các tác giả nước ngoài viết và trình bầy báo cáo bằng tiếng Anh còn các tác giả Việt Nam có thể viết báo cáo bằng tiếng Anh và trình bầy bằng tiếng Việt (trường hợp GS Nguyễn Văn Ngọ là một ví dụ). Đồng thời tất cả các bài đăng trong Proceeding đều nhất thiết phải có bản tóm tắt nội dung tương đối đầy đủ bằng tiếng Anh, kèm theo bản tóm tắt bằng tiếng Việt, nếu  toàn văn báo cáo viết bằng Việt ngữ. Điều này trước hết nhằm  khuyến khích  các tác giả VN dần nâng cao trình độ tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến trong khoa hoc – kỹ thuật toàn cầu, sau nữa là tạo thuận lợi cho những người tham dự dễ theo dõi các báo cáo và cũng để việc trao đổi thông tin với các tổ chức khoa học kỹ thuật nước ngoài được dễ dàng, hiệu quả hơn.

 

Hội nghị Vô tuyến Điện tử VN lần thứ 7 (REV’1998) và Cuộc thi sáng tạo các sản phẩm Điện tử- Viễn thông- Công nghệ thông tin  toàn quốc lần thứ 1

Hội nghi VTĐT VN lần thứ 7 được tổ chức tại Hà Nội ngày 2~13/12/1998 tại cơ sở của VNPT ở số 54 Huỳnh Thúc Kháng, kề bên Trung tâm Viễn thông Quốc tế VTI. Lần này, ngoài hình thức hội nghị khoa học với những đặc điểm như ở REV’96 còn là dịp tổng kết “Cuộc thi sáng tạo các sản phẩm Điện tử- Viễn thông- Công nghệ thông tin  Việt Nam” do Hội phát động vào đầu năm 1998. Đây là cuộc thi sáng tạo kỹ thuật do REV phát động với ý tưởng tạo một “sân chơi” sáng tạo cho các nhà kỹ thuật bên cạnh “sân chơi” về học thuật là Hội nghị Khoa học cho các nhà nghiên cứu. 

Cuộc thi do Hội Vô tuyến Điện tử VN phát động lần này, tuy là lần đầu nhưng  đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các đơn vị kỹ thuật và doanh nghiệp trong lĩnh vực Điện tử, Truyền thông kể cả ở khu vực nhà nước và khu vực tư nhân như các công ty EMICO, BDC của Đài Tiếng nói Việt Nam,  công ty VTC của Bộ Bưu chính Viễn thông (tiền thân là INTELDICO của Đài Truyền hình VN), công ty Viettronics Đống Đa của Bộ Công nghiệp, công ty Thiết bị Bưu điện, công ty điện tử tư nhân TQT tại Nha Trang, Khánh Hòa, Công ty KASATI của Tp Hồ Chí Minh v.v. Lúc đó, tôi với cương vị Phó Chủ tịch phụ trách Khoa học-Kỹ thuật vừa giữ trách nhiệm Trưởng ban chương trình Hội nghị, vừa là trưởng ban tổ chức cuộc thi nên việc phối hợp 2 hoạt động này cũng có những thuận lợi. Bên cạnh hội nghị, chúng tôi bố trí  một cuộc trưng bầy các sản phẩm Điện tử-Tin học-Viễn thông do các đơn vị dự thi đưa đến. Kết quả cuộc thi và lễ phát giải thưởng được công bố vào phần cuối hội nghị. Trong số sản phẩm dự thi được thưởng Huy chương  có hệ thống máy phát hình công suất lớn và anten băng tần UHF của VTC và của TQT (toàn bộ được các kỹ sư Việt nam tự thiết kế và chế tạo, đạt chỉ tiêu kỹ thuật và độ ổn định cao); anten cho hệ thông tin vi ba của KASATI; an ten thu hình dải rộng toàn băng VHF và UHF của Viettronics Đống Đa v.v. Về danh nghĩa là thưởng huy chương, cũng có đủ các cấp Vàng, Bạc và Đồng, nhưng thực ra chỉ là “huy chương giấy” mà không có hiện vật và tiền thưởng, vì Hội không có kinh phí. Tuy vậy, những cá nhân và đơn vị được giải thưởng vẫn thấy rất vinh dự, tự hào. Có lần tôi tình cờ đến thăm một đơn vị sản xuất của một công ty nọ, nhìn thấy  một tấm Bằng chứng nhận Huy chương do Hội Vô tuyến Điện tử VN cấp cho một sản phẩm được giải, có chữ ký của Chủ tịch Hội và của Trưởng ban tổ chức cuộc thi,  được treo ở một vị trí trang trọng trong cơ quan mới cảm nhận được rõ hơn ý nghĩa của cuộc thi này.

Trở lại hội nghị REV’1998. Tại hội nghị đã có nhiều báo cáo đề cập đến yêu cầu cấp thiết trong việc phát triển một mạng thông tin trên biển để phục vụ cho các ngành Hải sản, Dầu khí, Hải quan, Nội vụ, nhằm tăng hiệu quả kinh tế và phòng tránh hoặc hạn chế thiệt hại do các cơn bão, sóng thần gây ra, không để xẩy ra thảm hoạ như ở cơn bão Linda năm 1997 đã cướp đi trên hai nghìn tầu thuyền đánh cá và sinh mạng nhiều ngư dân đánh cá trên biển xa có tay nghề cao của Việt Nam. Trong hội nghị có sự hiện diện của ông Ratnarah Kularajah và chị Lê Tuyết Minh là các chuyên gia kỹ thuật kiêm nhà quản lý về công nghệ vệ tinh của Lockheed Martin Telecom, những người đã đưa đề án  “Vệ tinh Viễn thông cho VN” mà về sau đề án này đã trở thành hiện thực.

Trong khuyến nghị gửi lãnh đạo Đảng và nhà nước, Hội đã đề cập đến các vấn đề sau:

•    Nghiên cứu Đề án để phát triển một mạng thông tin di động trên biển dùng vệ tinh phục vụ cho các ngành Hải sản, Dầu khí, Hải quan, Nội vụ.

•    Thống nhất việc quản lý nhà nước và chỉ đạo sự phát triển công tác viễn thám,

•    Xây dựng một trạm thu ảnh vệ tinh viễn thám quốc gia

 

Bước chuyển biến căn bản tiếp theo của các Hội nghị REV

Giữa năm 1995, qua tiếp xúc ở một hội nghị quốc tế tại Bangkok tôi được GS Tetsuya Miki, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông (Communication Society) thuộc Tổng hội Điện tử-Thông tin-Truyền thông Nhật bản IEICE và GS. Kenzo Takahashi cũng là thành viên của IEICE đang giảng dạy tại Học viện Công nghệ Châu Á  AIT gợi ý REV nên nhân một sự kiện lịch sử gì ở Việt nam phối hợp với IEICE-CS tổ chức Hội nghị Công nghệ Thông tin Truyền thông Châu Á-Thái bình dương năm 1997 (APSITT 1997) tại Hà nội. Tôi về bàn bạc với PCT/TTK Nguyễn Văn Ngọ và Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà nội – chị Phạm Minh Hà, cùng nhau đăng cai Hội nghị này nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Đại học bách khoa Hà Nội. Đây là lần đầu tiên chúng tôi tổ chức một Hội nghị quốc tế về Thông tin-Truyền thông ở Việt nam, cũng rất nhiều khó khăn, nhưng với sự hợp tác chân tình của GS Tetsuya Miki, GS Kenzo Takahashi và giới Điện tử Viễn thông trong nước, kết quả đã thành công mỹ mãn. Từ hội nghị này chúng tôi bắt đầu nghĩ đến việc REV phải sớm tìm một đối tác để hàng năm đồng tổ chức hội nghị quốc tế. Có một cơ may đã giúp chúng tôi thực tập tổ chức hội nghị quốc tế thêm một lần nữa để khẳng định mình, đó là CAFEO’2000.

 

Sau REV’1998 đáng ra năm 2000 sẽ tổ chức REV’2000, nhưng năm đó Hội đã nhận giúp Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam VUSTA tổ chức Hội nghị Liên đoàn Kỹ sư các nước Đông Nam Á CAFEO lần thứ 18 tại Hà nội vào tháng 11. Tại CAFEO’2000 Hội đã chủ trì phần chuyên môn chung, nhưng trong đó chúng tôi thiết kế riêng một phân ban về Điện tử – Viễn thông. Như vậy, tuy không tổ chức REV’2000 nhưng CAFEO’2000  lại tạo thêm một dịp tập dượt, tạo  bước chuyển tiếp quan trọng để các hội nghị REV tiếp theo có thể chuyển  sang một hình thức mới. Sau những bước tiến triển đạt được tại  REV’96, APSITT 1997, REV’98 và tiếp theo là CAFEO’2000 chúng tôi nhận thấy trình độ và khả năng tiếp cận tiếng Anh cũng như kinh nghiệm tham gia một hội nghị khoa học chính quy đối với  các tác giả Việt Nam mà trong số đó có nhiều người được đào tạo tại các nước xã hội chủ nghĩa trước đây đã được nâng lên rõ rệt, đủ điều kiện để đưa các Hội nghị REV lên một tầm cao hơn.  
    
Các Hội nghi REV từ lần thứ 8 (REV 2002), lần thứ 9 (REV 2004), và lần thứ 10 (REV 2006)  đã được nâng cấp để đạt chất lượng học thuật cao hơn trước, cách tổ chức cũng mang tính chất của hội nghị quốc tế, có sự bảo trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế và nước ngoài như IEEE, IEICE. Đây là giai đoạn phát triển cao và là bước chuyển biến căn bản trong chuỗi các Hội nghị REV mà Hội đã tổ chức. Tại các hội nghị này, toàn bộ các báo cáo đăng trong Proceeding kể cả của người nước ngoài và người Việt đều được dùng tiếng Anh, ngôn ngữ sử dụng trong hội nghị cũng chủ yếu là tiếng Anh. Ngoài chương trình chuyên môn tại các Phân ban, chúng tôi cũng tổ chức các lớp chuyên đề (Tutorial) và mời các nhà khoa học có hiểu biết chuyên sâu về một lĩnh vực chuyên môn của Hội nghị đến thuyết trình cho các đối tượng nghiên cứu sinh, sinh viên các năm cuối như ở các hội nghi quốc tế hiện hành. Ý tưởng tổ chức các lớp chuyên đề này đã được anh Nguyễn Đình Thông bàn bạc với chúng tôi (GS Nguyễn Đình Thông lúc đó là Chủ nhiệm khoa Điện-Điện tử của Đại học Tasmania – Úc, một người bạn thân  của cá nhân tôi và của REV, đã mất tháng 5/2014  sau khi tham dự Hội nghị quốc tế ComManTel tại Đà nẵng do REV bảo trợ). Anh Thông cũng là người đã mở màn cho các Tutorial của REV bằng bài giảng về Wavelet  trong xử lý ảnh – một kỹ thuật mới được phát triển thời kỳ đó. 

Cũng vào thời gian này , anh Huỳnh Hữu Tuệ, GS của Đại học Laval, Canada đang làm việc tại Khoa Công nghệ – ĐHQG Hà Nội đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong việc tổ chức một hội nghị khoa học sử dụng tiếng Anh. Anh Tuệ cũng tham gia nhiệt tình trong việc giúp phản biện các báo cáo, tham gia giảng một số Tutorial cho các Hội nghị REV nói trên.

Nhớ lại, từ năm 1993 anh Huỳnh Hữu Tuệ, đã về nước giảng “Thông tin số”, năm 1995 giảng “Thông tin di động” tại các lớp học hè của REV, anh Vương Thanh Xuyên, chuyên gia về Công nghệ Vệ tinh Hoa kỳ đã giảng chuyên đề về “Thuê kênh Vệ tinh Thông tin sao cho có hiệu quả nhất”. Những sự kiện này đã nói lên khả năng tập hợp nhân tài người Việt ở nước ngoài về giúp nước qua các Hội nghị REV

 

Hội nghị Vô tuyến Điện tử VN lần thứ 8 (REV’2002) được tổ chức ngày 2~3/11/2002 tại khách sạn Horizon Hà Nội là sự kiện mở đầu cho bước chuyển biến căn bản của các Hội nghị REV. Đây  cũng có thể coi là bước tiến quan trọng trong hoạt động tổ chức Hội nghị của Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam.  

REV’2002 có sự tham gia của nhiều khách nước ngoài thuộc các tổ chức kết nghĩa với Hội như IEEE, IEEE ComSoc, Hội Điện tử-Tin học-Viễn thông Nhật IEICE, các bạn bè Việt kiều của hội như GS Đào Trọng Tích, GS Nguyễn Đình Thông, GS Huỳnh Hữu Tuệ và các bạn thân từ các trường Đại học nước ngoài như GS Maurice Bellanger. GS WenXun Zhang (Chương Văn Huân), GS Tetsuya Miki.  Thời gian này, tôi đã chuyển công tác từ Đại học Bách khoa sang Đại học Quốc gia Hà Nôi theo theo lời mời của GS VS Nguyễn Văn Hiệu, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ. Đây cũng là sự thay đổi quan trọng đối với tôi sau hơn bốn chục năm công tác, giảng dạy liên tục tại ĐHBK Hà Nội. Bấy giờ, chỗ dựa đối với tôi trong việc tổ chức REV’2002 là anh em ở Khoa Công nghệ mà trực tiếp là ở Trung tâm Nghiên cứu Điện tử -Viễn thông (đơn vị mới thành lập giữa năm 2001, do tôi làm Giám đốc). Các em Trần Cao Quyền và Lê Quang Toàn là những người đã hỗ trợ tôi rất đắc lực trong công việc của Ban Chương trình và trong việc biên tập, xuất bản Proceeding. Về phía Khoa Công nghệ, chúng tôi đã được anh Hiệu ủng hộ rất nhiệt tình và hiệu quả. Với một số học giả đã nhiều lần sang giúp Hội tổ chức các hội nghị anh Hiệu còn lo cho Hội tiền để thanh toán tiền ở khách sạn 5 sao cho bạn

REV’2002 đã có kiến nghị với các cơ quan Đảng và nhà nước về việc “Đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy ICT” trong tình hình mà sự phát triển của hai mảng Công nghệ thông tin (IT) và Truyền thông (C) đã trở nên gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau, không thể tách biệt.

 

Hội nghị REV lần thứ 9 (REV’2004) và Đại hội nhiệm kỳ 4 của Hội Vô tuyến Điện tử Việt am

REV’2004 được tổ chức ngày 28 -29/11/2004 tại khách sạn Melia, Hà nội theo các thể thức tương tự như  hội nghị REV năm 2002 nhưng lần này số khách nước ngoài tăng lên nhiều, do cách tổ chức mà REV’2002 thực hiện lần trước đã thu hút được sự tham gia của các khách quốc tế cho lần hội nghị này. Số các báo cáo mời được chấp nhận từ các đoàn đại biểu quốc tế do đó cũng tăng theo. Ngoài các đoàn của IEEE, IEEE ComSoc và IEICE còn có các đoàn của Trung Quốc, Hàn Quốc và thêm nhiều khách của các trường Đại học, một số Việt kiều từ Mỹ như các anh Vương Thanh Sơn, Vương thanh Xuyên về dự .  

REV’2004 đã cung cấp những thông tin mới nhất cho các nhà làm chiến lược về xu thế phát triển Mạng, nâng cấp Internet, Thông tin di động, Thông tin vệ tinh, Truyền hình số và sự hội tụ CCM (Computer-Communications -Media) qua 9 báo cáo mời từ 7 đoàn đại biểu quốc tế.

Nhân dịp này Ban chấp hành Hội nhiệm kỳ 3 (1999-2004) đã kết hợp tổ chức Đại hội kết thúc nhiệm kỳ và bầu Ban chấp hành nhiệm kỳ 4 vào một khoảng thời gian xen kẽ của Hội nghị. Việc kết hợp này nhằm tạo điều kiện để các đại biểu ở tỉnh xa về dự hội nghị REV thì tham dự Đại hội luôn cho tiện. 

Ở hai nhiệm kỳ đầu,  Chủ tịch Hội là anh Đặng Văn Thân- Tổng cục trưởng TC Bưu điện. Ở nhiệm kỳ 3, anh Mai Liêm Trực- Tổng cục trưởng TC Bưu điện. rồi Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông kế tục vị trí này. Nhưng đến nhiệm kỳ 4 thì theo chủ trương mới, các đ/c lãnh đạo bên Bộ Bưu chính Viễn thông không trực tiếp tham gia lãnh đạo Hội như trước nữa. Đại hội đã bầu anh Nguyễn Văn Ngọ, người từng giữ trách nhiệm PCT/TTK của 3 nhiệm kỳ trước  vào vị trí Chủ tịch Hội nhiệm kỳ 4, còn tôi , PCT của các nhiệm kỳ 1,2,3 nay giữ trách nhiệm PCT/Tổng thư ký. Ban chấp hành Hội có 55 ủy viên, 7 PCT và 15 ủy viên Thường vụ. Từ đây đã mở ra một thời kỳ mới mà Hội là một tổ chức khoa học “Phi chính phủ” thực sự, và cũng là một cơ quan đối ngoại nhân dân quan trọng. Chẳng hạn, ý định về tổ chức một mạng Thông tin-Truyền thông riêng cả trên không gian vũ trụ, mặt đất, và cáp quang đáy biển cho toàn châu Á do Nhật đề xuất và bảo trợ, ý định tổ chức mạng giao thông Đông Nam Á mà “mọi con đường đều dẫn đến Bangkok” do Thái lan đề xướng đều do Hôi phản ảnh về Ban Đối ngoại TW và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm.

 

Cũng cần phải nói rằng, cùng với việc chuyển cơ quan quản lý nhà nước từ Tổng cục Bưu điện lên Bộ Bưu chính – Viễn thông, với anh Đỗ trung Tá làm Bộ trưởng và anh Mai Liêm Trực làm Thứ trưởng thứ nhất, đã kết thúc khoản VNPT tài trợ 50% kinh phí cho các Hội nghị REV! Anh Ngọ, tôi, anh Nguyễn Hồng Vũ (Phó TTK), và hai anh Thái Minh Tần, Phạm Như Thiết kế tục nhau làm Phó Chủ tịch phụ trách Kinh – Tài của Hội đã ra sức chạy kinh phí cho các hội nghị. Năm đầu tiên (2004) khi VNPT nhả ra, công ty VTC của anh Thái Minh Tần đã tài trợ cho hội nghị 60% kinh phí. Các kỳ hội nghị sau Trung tâm Tư vấn Đào tạo Điện tử cứ ứng tiền ra cho hội nghị thành công tốt đẹp đã, rồi cả năm sau anh Ngọ, tôi và anh Vũ đi “đòi nợ” các cơ quan đã hứa tài trợ, lấy tiền về hoàn lại cho anh Thiết! 

Từ khi đổi sang hình thức ATC-REV như sẽ nói đến ở đoạn sau, gánh nặng kinh tế cho hội nghị đã giảm nhẹ, nhưng cũng không phải là chúng tôi đã không còn gì phải lo toan. Hội nghị tổ chức ra là vì lợi ích của quần chúng trong ngành, trước hết là các hội viên, cho nên không những là phi lợi nhuận, mà phần nào đấy vẫn còn phải bao cấp 

 

Hội nghị Vô tuyến Điện tử VN lần thứ 10 và Cuộc thi sáng tạo các sản phẩm Điện tử- Viễn thông- Công nghệ thông tin  toàn quốc lần thứ 2

Hội nghị REV lần thứ 10 (REV2006) được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Lê Hồng Phong, Hà nội. Tại hội nghị này, số khách quốc tế  tiếp tục  tăng so với hai hội nghị lần thứ 8 và 9. Việc tổ chức cũng đã trở nên chuyên nghiệp hơn. Về nội dung thì có thêm nhiều báo cáo của khách nước ngoài và các Hội Bạn nên chất lượng hội nghị cũng được nâng cao. 

Chúng tôi cũng đưa vào chương trình hội nghị lần này phần “Tổng kết cuộc thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ 2” mà hội phát động vào đầu năm 2006, kèm theo một cuộc trưng bầy các sản phẩm do các các nhân và đơn vị dự thi gửi đến. Những sản phẩm dự thi lần này đã đạt được trình độ kỹ thuật cao hơn,  hàm lượng chất xám nhiều hơn. Một số sản phẩm có thể được coi thuộc loại “công nghệ cao” như Tổng đài điện tử 1000 số của Công ty Thiết bị Bưu điện, và hệ thống “Thông tin bộ đàm số” do nhóm của TS Nguyễn Quốc Trung (ĐHBK Hà Nội) thiết kế, chế tạo, được tích hợp cả 2 mode Số/Tương tự nên khả năng ứng dụng trong thông tin quân sự và an ninh quốc phòng thuận tiện và hiệu quả cao.

  
Qua 3 lần hội nghị  từ 2002 đến 2006, có thể nhận thấy các Hội nghị REV đã dần được quốc tế hóa và đạt đến độ ổn định cả về mặt tổ chức và chất lượng. Chúng tôi cho rằng đã đến lúc có thể thực hiện một bước chuyển đổi quan trọng hơn, đưa  REV vươn hẳn ra Quốc tế.  

Đầu năm 2007, trong một dịp tiếp xúc với Chủ tịch IEEE ComSoc Nim K. Cheung có tôi,  Chủ tịch Nguyễn Văn Ngọ và anh Trần Xuân Nam – Ủy viên ban Đối ngoại, chúng tôi đã đề xuất việc kết hợp giữa REV và IEEE ComSoc để tổ chức Hội nghị Quốc tế tại VN. Đề xuất này đã được ông Nim đem về bàn bạc tại phiên họp lãnh đạo ComSoc ở Hồng Kông, thông qua ban lãnh đạo IEEE ở New York,  và đồng ý thực hiện từ năm 2008. Từ đó , thay vì REV’2008 Hội đã cùng với  IEEE- ComSoc tổ chức Hội nghị Quốc tế ATC, kết hợp với Hội  thảo REV, gọi tắt là ATC/REV và cam kết tiếp tục duy trì hình thức này cho những năm sau. Sự thỏa thuận giữa hai hội đã mở ra thời kỳ phát triển các hoạt động của Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam trên trường Quốc tế. 

ATC/REV là loạt hội nghị “2 trong 1”, trong đó Hội thảo REV với các chủ đề khác nhau mỗi năm nhằm tổng kết và giới thiệu các tiến bộ KHKT mới nhất trên thế giới và trong nước, đồng thời xây dựng những kiến nghị liên quan đến hướng phát triển của ngành để trình lên TW Đảng và Chính phủ. Với hình thức này, bắt đầu từ 2008 đến 2012 đã diễn ra các Hội nghị quốc tế ATC/REV 2008 tại Hà Nội, ATC/REV 2009 tại Hải Phòng, ATC/REV 2010 tại Tp HCM, ATC/REV 2011 tại Đà Nẵng, ATC/REV 2012 trở lại tại Hà Nội. Chúng tôi sẽ trình bầy chi tiết hơn về các hội nghị này trong một bài viết riêng (*).

Sau 5 năm tổ chức kết hợp ATC với REV, từ năm 2013  Hội Vô tuyến Điện tử VN lại  quyết định tách ATC/REV thành 2 Hội nghị riêng để phát huy tính chủ động về mặt tổ chức của Hội nghị REV truyền thống, đồng thời tạo điều kiện tham gia thuận lợi hơn, mở ra một diễn đàn rộng rãi hơn cho các cán bộ khoa học kỹ thuật, các học viên cao học và nghiên cứu sinh ở các cơ sở Khoa học và Đào tạo trong nước. Đây là sự “điều chỉnh thích nghi” của Hội với “Một bước lùi, Hai bước tiến”.

 

REV’2013 là Hội thảo Quốc gia về Điện tử -Truyền thông (KC01-REV’2013) có chủ đề là “Điện tử – Truyền thông với các ngành công nghệ cao” được tổ chức ngày 17-18/12/2013 tại Đại học Quốc gia Hà nội do Trường Đại học Công nghệ đăng cai, với sự hợp tác của Chương trình nghiên cứu trọng điểm quốc gia về Điện tử -Truyền thông và Công nghệ thông tin KC01. Hội nghị cũng được tổ chức nhằm sự kiện kỷ niệm 25 năm thành lập Hội VTĐT VN (1988-2013) nên lễ kỷ niệm trọng thể đã được tổ chức vào buổi cuối của Hội nghị. Nòng cốt cho việc tổ chức hai sự kiện này là các anh chị em hội viên Chi hội Khoa Điện tử Viễn thông trường ĐH Công nghệ mà những người đã bỏ nhiều công sức là anh Trương Vũ Bằng Giang (Chủ nhiệm Khoa) và các anh Phạm Minh Triển, Phùng mạnh Dương.  

 

REV’2014 là Hội thảo Quốc gia về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ Thông tin (ECIT-REV’2014) được tổ chức ngày 18-19/9/2014 tại thành phố Nha Trang – Khánh Hòa, do Trường Đại học Thông tin Liên lạc- Bộ Quốc phòng đăng cai. Tôi không có điều kiện tham dự hội thảo này vì đang ở nước ngoài nhưng phấn khởi trước sự thành công của Hội nghị bởi là người đã cùng anh Nguyễn Hữu Thắng – Phó hiệu trưởng nhà trường  “đặt những viên gạch đầu” cho việc hợp tác tổ chức ở một thành phố miền Trung có khá nhiều trường Đại học quan trọng của đất nước . 
    
Các hội nghị REV tiếp theo sẽ được tổ chức hàng năm, do Hội lựa chọn một trong các cơ sở đào tạo, nghiên cứu trong nước để phối hợp tổ chức. Đây là “sự trở về” của các Hội nghị REV truyền thống nhưng ở trình độ cao hơn, phạm vi hợp tác mở rộng hơn. Từ đây, hy vọng sẽ mở ra thời kỷ mới trong hoạt động Hợp tác- Phát triển của Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam ở cả hai môi trường quốc tế và trong nước.

 

“Cuộc chạy tiếp sức” vẫn đang tiếp diễn và đôi lời bộc bạch 

Các hoạt động của Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam ở nhiều lĩnh vực đã, đang và sẽ vẫn còn tiếp diễn không ngừng. Bài viết này chỉ ghi lại những sự kiện hội nghị, hội thảo REV mà Hội đã thực hiện trong giai đoạn 25 năm qua (từ 1990 đến 2014) mà bản thân tôi đã có điều kiện trực tiếp tham dự. Đây là những thành tựu của tập thể các hội viên Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam, của các ủy viên Ban Chấp hành Hội các khóa, từ khóa 1 đến khóa 5 và nối tiếp là BCH Khóa 6 hiện nay, của các đồng chí lãnh đạo Hội qua các thời kỳ, từ các đ/c Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký và các ủy viên Thường vụ nhưng tôi đã không có điều kiện trích dẫn một cách chi tiết, cụ thể ở mỗi sự kiện.  Những thành tựu này không thể tách rời sự đóng góp của mỗi người. Tôi xin cảm ơn các đ/c Chủ tịch Đặng văn Thân, Mai Liêm Trực, Nguyễn Văn Ngọ là những người đã dẫn dắt Hội qua 4 nhiệm kỳ đầu, cảm ơn các đ/c Phó chủ tịch Hội qua các thời kỳ: các anh Nguyễn Hà Hoạt, Nguyễn Đình Ngọc, Đỗ Trung Tá, Nguyễn Xuân Quỳnh, Nguyễn Minh Đức, Thái Minh Tần, Nguyễn Hữu Xý, Đào Duy Hứa, Trần Quang Vinh, Vũ huy Quang, Nguyễn Hồng Vũ, Phạm Như Thiết, Vũ Đình Thành, Nguyễn Thế Hiển – những người đã cộng tác với tôi trong việc tổ chức các sự kiện khoa học của Hội trong 25 năm qua. Chúng ta cũng tưởng nhớ đến các anh chị trong BCH các khóa đã đóng góp công sức cho việc tổ chức các sự kiện của hội như anh Vũ Đình Cự, Nguyễn Đình Ngọc, Nguyễn Khang Cường, chị Phạm Minh Dương, anh Hoàng Lai Thập nay không còn nữa. Chúng ta cũng tưởng nhớ đến các anh Đào trọng Tích, Nguyễn Đình Thông, những người bạn của REV từ Hoa Kỳ và Úc đã có những đóng góp cho các sự kiện của hội mà chúng ta sẽ không khi nào còn gặp lại. 

Sự nghiệp của Hội là do sự đóng góp của mỗi thành viên qua mỗi giai đoạn .

Đại hội kết thúc nhiệm kỳ 5 vào ngày 5 tháng 4 năm 2014 là  mốc đánh dấu sự đóng góp của một số thành viên trong đó có cá nhân tôi sau 25 năm liên tục hoạt động Hội với các cương vi từ Phó chủ tịch, PCT/Tổng Thư ký và Chủ tịch hội. 

“Cuộc chạy tiếp sức” vẫn đang tiếp diễn. Tôi hy vọng và tin tưởng rằng những người mang tiếp “Bó đuốc” của hội trong cuộc chạy tiếp sức hiện nay, với thể lực và trí lực dồi dào, chắc chắn sẽ  giương cao hơn và “chạy” nhanh hơn.

 

GS TSKH Phan Anh

Tháng 10-2014

 

(*) Xem: “ Hội nghị Quốc tế ATC và những bước trưởng thành trong hoạt động Hợp tác – Phát triển của Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam”

 

Phụ lục  BẢNG TÓM TẮT CÁC KHUYẾN NGHỊ TẠI CÁC HỘI NGHỊ, HỘI THẢO REV 

 

REV’1992

Hà Nội,

25~2711/1992

Đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng đào tạo ngành Điện tử – Viễn thông – Tin học (góp thêm tiếng nói để dẫn đến việc hình thành 6 khoa Tin học đầu tiên ở các trường đại học lớn trong nước)

 

REV’1994

Tp Hồ chí Minh, 11~12/11/1994

– Phóng vệ tinh địa tĩnh của Việt Nam dùng cho cả mục đích dân dụng  và quốc phòng (đóng góp đáng kể để dẫn đến vệ tinh Vinasat 1)

– Phát triển Công nghiệp ĐT-VT-TH thành ngành CN có tính đòn bẩy trong nền kinh tế VN.

– Phát triển viễn thông và truyền thông đại chúng cho vùng núi, biên giới và hải đảo.

 

REV’1996

Hà Nội, Tp HCM 17~18/10/1996

– Đổi mới và hiện đại hoá việc quy hoạch, quản lý và giám sát tần phổ Vô tuyến điện, một tài nguyên quý của quốc gia

– Tăng cường cơ sở vật chất cho ngành Truyền hình và phát triển dịch vụ Multimedia

– Khẩn trương nghiên cứu để sớm gia nhập Intemet

 

REV’1998

Hà Nội,

12~13/12/1998

– Nghiên cứu Đề án để phát triển một mạng thông tin di động trên biển dùng vệ tinh phục vụ cho các ngành Hải sản, Dầu khí, Hải quan, Nội vụ.

– Thống nhất việc quản lý nhà nước và chỉ đạo sự phát triển công tác viễn thám,

– Xây dựng một trạm thu ảnh vệ tinh viễn thám quốc gia (đóng góp nhất định để dẫn đến Hệ thống kỹ thuật hoàn chỉnh giám sát môi trường và tài nguyên thiên nhiên ENRMS)

 

REV’2002

Hà Nội,

2~3/11/2002

Đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy ICT  trong tình hình mà sự phát triển của hai mảng Công nghệ thông tin (IT) và Truyền thông (C) đã trở nên gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau, không thể tách biệt.

 

REV’2004

Hà Nội,

28 ~29/11/2004

Cung cấp những thông tin mới nhất cho các nhà làm chiến lược về xu thế phát triển Mạng, Internet, Thông tin di động, Thông tin vệ tinh, Truyền hình số và sự hội tụ CCM (Computer-Communications -Media), qua 9 báo cáo mời từ 7 đoàn đại biểu quốc tế

REV’2006

Hà Nội,
6 ~7/11/2006

1.Về vấn đề phát triển Công nghệ Vũ trụ ở Việt nam.(hưởng ứng đề tài của Viên Khoa học và Công nghệ Quốc gia, góp phần xây dựng “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020″

2.Về vấn đề cung cấp phương tiện  thông tin cho miền núi và ngư dân đánh bắt  xa bờ

(ATC)/REV’2008

Hà Nội

8 ~9/10 /2008

 

 

 

 

 

Về vấn đề phát triển Thông tin di động và Truy cập vô tuyến băng rộng:

1. Có chính sách tăng cường quản lý nhà nước trong phát triển viễn thông, đặc biệt  với thông tin di động.  Nghiên cứu sắp xếp lại và bố trí hợp lý các doanh nghiệp nhà nước cung cấp dịch vụ viễn thông để tránh đầu tư chồng chéo gây lãng phí.

2. Xây dựng quy hoạch cho thông tin di động và truy cập băng rộng với quan điểm đón đầu về công nghệ .

3. Cần xác định lộ trình và thời gian chấm dứt việc phát truyền hình theo kỹ thuật Tương Tự để thay thế bằng kỹ thuật Số.  Đồng thời có chính sách phát triển công nghiệp nội dung số,

4. Nhà nước cần sớm ban hành Luật Tần Số Vô Tuyến Điện (góp phần đẩy nhanh việc xây dựng Luật Tần số VTĐ và việc thông qua Quốc hội,  Nhà nước ban hành)

(ATC)/REV‘2009

Hải  phòng

8/10 /2009

 

Về công tác thông tin, tìm kiếm, cứu nạn tàu, thuyền đánh cá xa bờ của ngành thủy sản Việt Nam

(ATC)/REV’2010

Tp HCM

20-22/10 /2010

 

Về vấn đề Phát triển Công nghiệp Điện tử :

1. Định hướng phát triển công nghiệp điện tử VN, phục vụ cho việc sản xuất các thiết bị Điện tử, Truyền thông và CNTT giai đoạn 2011 – 2020.

2. Nhà nước chú trọng việc xây dựng và phát triển các trung tâm, phòng thí nghiệm thiết kế điện tử, vi điện tử (vd. Trung tâm ICDREC/ĐHQG Tp HCM).

3.Nâng cao chất lượng đào tạo kỹ sư điện tử ở các trường ĐH có chuyên ngành điện tử, tăng cường các kiến thức về thiết kế

(ATC)/REV’2011

Đà nẵng

3-5/8 /2011

 

Về vấn đề Thông tin, định vị trên biển:

1. Hỗ trợ tích cực cho các hoạt thông tin định vị trên biển vì mục tiêu an ninh, quốc phòng và hoạt động kinh tế.

2. Cung cấp các trang bị và dịch vụ thông tin di động phù hợp cho các hoạt động đánh bắt trên biển .Hỗ trợ cho việc sản xuất các máy thông tin di động trên biển. Hỗ trợ cho các hoạt phủ sóng di động ven bờ và trên các đảo.

3. Hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu và hợp tác với nước ngòai trong việc sản xuất và phóng thử các vệ tinh quan trắc và giám sát của Việt Nam.

 

(ATC)/REV’2012

Hà nội

10-12/10 /2012

 

Về vấn đề An toàn thông tin:

1.Thành lập cơ quan An Toàn Thông Tin Quốc Gia, chỉ đạo tất cả Bộ, Ngành, địa phương, và đơn vị trong toàn quốc, có khả năng điều động và tập trung lực lượng nghiên cứu, có trách nhiệm đối phó với mọi hoạt động tấn công mạng ngành và mạng quốc gia,

2. Xây dựng hướng nghiên cứu về các thông tin ngầm cài trong các sản phẩm mà chúng ta đã và đang sử dụng. Tổ chức nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các thiết bị phần cứng của riêng mình để sử dụng trong các hệ thống thông tin bảo mật. Nghiên cứu tạo ra các thuật toán riêng cho ATTT của ta, được nhúng trong các thiết bị phần cứng do ta tự chế tạo.

3. Các trường ĐH đưa vào chương trình giảng dạy môn học về Mật mã, làm cơ sở để đào tạo cán bộ phát triển kỹ thuật Mật mã vì mục đich ATTT và sớm trở thành một dịch vụ GTGT.

4.Hợp tác trong nước và quốc tế nhằm nắm bắt các kỹ thuật, giải pháp mới, để tăng cường năng lực của Nhà nước VN trong vấn đề ATTT, trong đó việc lựa chọn đúng đối tác có ý nghĩa rất quan trọng

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.