Trong hai ngày 18/9 và 19/9 năm 2014, tại Trường Đại học Thông tin Liên lạc, Nha Trang, Khánh Hòa đã diễn ra Hội thảo quốc gia 2014 về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ Thông tin (tên tiếng Anh: The 2014 National Conference on Electronics, Communications and Information Technology – ECIT2014).
Hội thảo thu hút sự tham dự của hơn 200 đại biểu là các đại biểu, tác giả và khách mời. Đến dự với Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo Sở Thông tin-Truyền thông tỉnh Khánh Hòa, Trường Đại học Thông tin Liên lạc, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn Thông và Trường Đại học Giao thông Vận tải. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Khánh Hòa cũng đến tham dự và đưa tin về Hội thảo. Đại diện lãnh đạo Hội tham dự Hội thảo gồm Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bình, các Phó chủ tịch Trần Xuân Nam và Trương Vũ Bằng Giang. Trước đó chiều ngày 17/9/2014 lãnh đạo Hội cũng đã có buổi làm việc chính thức với lãnh đạo Trường Đại học Thông tin Liên lạc về các hoạt động hợp tác tổ chức hội nghị, hội thảo và về việc thành lập Chi hội Vô tuyến Điện tử Nha Trang đặt tại Trường.
Đồng chí Đại tá Tống Hùng Dũng, Chính ủy Trường Đại học Thông tin liên lạc phát biểu chào mừng
Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bình phát biểu khai mạc Hội thảo
Hội thảo ECIT là một hoạt động trao đổi học thuật cấp quốc gia do Hội Vô tuyến Điện tử tổ chức theo mô hình kết hợp giữa Hội khoa học với các trường đại học nhằm tạo lập một diễn đàn trao đổi chuyên sâu có chất lượng về các lĩnh vực thuộc chuyên ngành điện tử, truyền thông và công nghệ thông tin. Trong lần tổ chức đầu tiên này, Hội thảo ECIT2014 đã thu hút được sự quan tâm lớn của giới khoa học trong cả nước. Tổng cộng Hội thảo đã nhận được 124 bài báo đăng ký tham dự. Kết thúc quá trình phản biện nghiêm túc bởi một Ban Chương trình gồm các nhà khoa học có uy tín, đã có 67 bài báo (chiếm tỉ lệ 54%) được chấp nhận trình bày thuyết trình miệng (oral presentation) và 18 bài báo (chiếm 15%) được chấp nhận trình bày ở dạng poster. Các bài báo đã bao phủ hầu hết các lĩnh vực liên quan như lý thuyết thông tin, kỹ thuật truyền thông, mạng truyền dữ liệu, kỹ thuật ăng-ten và siêu cao tần, thiết kế điện tử và điều khiển, xử lý tín hiệu, kỹ thuật máy tính và công nghệ thông tin. Để bình duyệt các bài báo Ban Chương trình đã sử dụng 292 lượt phản biện với trung bình 2,5 phản biện/bài báo và đảm bảo mỗi bài báo có tối thiểu 2 phản biện. Ngoài các tiểu ban kỹ thuật, Hội thảo cũng đã tổ chức một tiểu ban chuyên đề trao đổi về kinh nghiệm trong việc xây dựng, tổ chức, và triển khai các chương trình đào tạo về điện tử và truyền thông. Đặc biệt, nhận lời mời của Hội thảo, ông Shozo Fukui là chuyên viên nghiên cứu cao cấp của Viện Quốc gia về Công nghệ Thông tin và Truyền thông (NiCT) của Nhật Bản sẽ đến tham dự và trình bày một báo cáo đề dẫn về công nghệ truyền hình số lai ghép giữa phát hình quảng bá vô tuyến và qua Internet tiên tiến của Nhật Bản với tên gọi “Hybridcast, Now in Japan”. Hội thảo cũng đã thu hút sự đăng ký tham dự của hơn 120 đại biểu là các tác giả, nhà khoa học, cán bộ quản lý, và khách mời.
Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bình đánh giá cao nỗ lực của Ban Tổ chức và Ban Chương trình trong công tác đảm bảo chất lượng chương trình chuyên môn và tổ chức của Hội thảo. Đặc biệt, với vai trò là đơn vị đồng tổ chức và đăng cai Hội thảo, Trường Đại học Thông tin liên lạc đã có nhiều đóng góp trong công tác đảm bảo phục vụ Hội thảo một cách chu đáo, để lại ấn tượng tốt cho các đại biểu trong suốt quá trình tham gia Hội thảo.
Trong khuôn khổ Hội thảo, lãnh đạo Hội cũng đã công bố quyết định thành lập Chi hội Vô tuyến Điện tử Nha Trang với 21 thành viên do TS Nguyễn Tùng Hưng làm Chủ tịch lâm thời. Ban Tổ chức Hội thảo cũng đã trao 2 giải thưởng “Bài báo xuất sắc” của Hội thảo cho các nhóm tác giả của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và Học viện Kỹ thuật Quân sự.
Lễ ra mắt Chi hội Vô tuyến – Điện tử Nha Trang
Lễ trao giải thưởng ” Bài báo xuất sắc của Hội thảo “
Hội thảo kết thúc để lại ấn tượng tốt với các đại biểu tham dự về cả chất lượng chuyên môn và công tác tổ chức.