Hội Vô tuyến-Điện Tử Việt nam với Dự án “Vệ tinh địa tĩnh quốc gia VINASAT”

Hội Vô tuyến-Điện tử Việt Nam (REV) và các thành viên của Hội bắt đầu được giới công nghiệp vũ trụ trên thế giới biết đến từ chương trình VINASAT.

Những năm 1991, 1992, khi GS Nguyễn Đình Ngọc tham dự Hội nghị Toàn cầu về An ninh MILIPOL -1991 và Hội nghị châu Âu về Quốc phòng và An ninh trên bộ, trên không EUROSATORY -1992 tại Paris, đã nghe được các chuyên gia của Công ty Công nghệ Vũ trụ ALCATEL ESPACE phát biểu rằng: “Việt Nam là nước lớn cuối cùng chưa phóng vệ tinh địa tĩnh, và chưa có Chiến lược Vũ trụ”.

Trong chuyến thăm Pháp vào cuối năm 1993 của đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ, GS Nguyễn Đình Ngọc (Phó chủ tịch Hội) đã giới thiệu Hội Vô tuyến-Điện tử Việt Nam (REV) với Tập đoàn ALCATEL và thay mặt Hội mời một đoàn chuyên gia của Alcatel sang thăm VN . Trong chuyến thăm đầu tiên của đoàn Alcatel vào mùa hè năm 1994, Hội đã bố trí để  đoàn trình bầy bản dự thảo phương án vệ tinh viễn thông cho Việt Nam trước đông đảo các hội viên là các chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông. Trong buổi hội thảo này, các chuyên gia của REV đã đóng góp nhiều ý kiến rất sâu về chuyên môn, được bạn đánh giá cao. Kết thúc chuyến thăm và làm việc, đoàn đã ngỏ lời mời REV sang thăm Pháp để tìm hiểu về công nghệ vũ trụ và tiếp tục bàn bạc,  hoàn chỉnh đề án vệ tinh viễn thông cho Việt Nam .  

Ngày 26/09/1994 tập đoàn ALCATEL chính thức gửi thư mời GS Nguyễn văn Ngọ và một đoàn chuyên gia trong lĩnh vực Viễn thông – Quảng bá của Hội sang Pháp thăm Alcatel Espace “để thiết lập mối quan hệ nghề nghiệp và cho những lời khuyên góp ý kiến vào bản Dự thảo Đề án Vệ tinh VINALSAT 97 mà Alcatel Espace có dự kiến sẽ đem trình bày ở Hội nghị Vô tuyến-Điện tử Việt nam lần thứ 5, sẽ họp vào 11~12/11/1994”. Thời gian viếng thăm là 07 ngày vào trung tuần tháng 10/1994. (chữ VINALSAT là viết tắt Vietnam – Alcatel Satellite)

GS Nguyễn văn Ngọ đã hội ý với 2 Phó Chủ tịch Hội là các GS Phan Anh và Đỗ trung Tá, thống nhất với nhau về phương án chọn người đi. 

Quan niệm rằng đây là một lần đi để tiếp thu công nghệ cao, chúng tôi đã đến bàn bạc với lãnh đạo Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông VNPT, Đài Truyền hình Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội, cử 5 người có trình độ chuyên môn cao và đúng lĩnh vực công tác tham gia đoàn, gồm: GS Nguyễn Văn Ngọ, GS Phan Anh (Đại học Bách khoa Hà Nội), PGS Nguyễn Cảnh Tuấn (Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện), Kỹ sư Nguyễn Việt Nga (Trưởng Đài phát Mặt đất-Vệ tinh của Truyền hình Việt Nam), và TSKH Phạm Khắc Di (vừa chuyển từ TC Hàng không Dân dụng về, được cử làm trưởng Ban Công tác Đối ngoại của Hội).

Tới Paris, bạn đưa chương trình làm việc, gồm 3 ngày vừa tham quan thắng cảnh Paris, vủa làm việc với Alcatel Telspace (công ty về thiết bị và trạm mặt đất trong hệ thông tin vệ tinh), 3 ngày làm việc với Alcatel Espace, 1 ngày để đi và về giữa Paris – Toulouse – Paris. Tôi nói rằng chúng tôi sang đây để tìm hiểu một công nghệ mới, đi để học chứ không phải chỉ tham quan, vì có học được tốt thì mới hợp tác có hiệu quả với Alcatel trong dự án vệ tinh cho Việt nam được. Vì vậy, tôi yêu cầu 7 ngày là 7 ngày làm việc, không tính thứ bảy, chủ nhật, và xin giảm đến tối đa thời gian du lịch, giải trí, dành thời gian quý báu cho công việc chính. Phía bạn đồng ý, giảm thời gian đi lại bằng cách cho đi Paris – Toulouse  bằng tàu cao tốc TGV chạy đêm, và trở lại Paris bằng máy bay, thời gian giải trí cũng chuyển vào buổi tối (chẳng hạn, cho xuống xóm Monmartre vào Moulin Rouge, rất đắt tiền), ở Toulouse cũng vậy. Tất nhiên là đã đến Paris cũng phải dành 1 buổi để tham quan những thắng cảnh chính bằng tour trên xe bus du lịch (tháp Eiffel. đại lộ Champs Elysées, Khải Hoàn môn, Nhà thờ Đức Bà, Cung điện Louvre, ..) và đến Toulouse không thể không thăm quảng trường Toulouse Capitol, nhà thờ Basilica Saint Sernin,  dòng sông Garonne, cây cầu Neuf , kênh đào Midi, đều ở gần trung tâm thành phố. Bạn còn dành 1 buổi cho đi thăm tòa lâu đài cổ nổi tiếng ở sát biên giới Tây ban nha.  

Tại Paris chúng tôi đến Alcatel Telspace thăm nơi thiết kế, lắp ráp, đo thử trạm thu phát vệ tinh dung lượng nhỏ (VSAT) của Alcatel, một sản phẩm mới mà năm sau (1995) tôi thấy đem trưng bày ở Hội chợ Toàn cầu về Viễn thông (tổ chức 4 năm 1 lần tại Geneve). Ở đây có thể thiết kế, chế tạo loạt nhỏ những vi mạch chuyên dùng đặc biệt. Về các chi tiết mạch vi ba bạn cho xem trọn vẹn quy trình thiết kế bằng phương pháp mô phỏng (simulation) trên máy tính, chế tạo ngay tại chỗ bằng quang khắc và đo tính năng trên băng đo tự động dải tần rộng. Chúng tôi cũng được đưa đến tham quan trạm điều hành vệ tinh của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (European Space Agency, ESA).
  
 

Vệ tinh địa tĩnh quốc gia VINASAT

Đoàn cán bộ của Hội Vô tuyến-Điện tử trong buổi làm việc với ALCATEL ESPACE  tại Toulouse, tháng 10/1994

Ở Toulouse, chúng tôi đến thăm nơi thiết kế, lắp ráp vệ tinh, phòng đo thử không có phản xạ (anechoic chamber) các hệ anten đã lắp trên quả vệ tinh, thăm cơ quan kiểm tra tính năng vệ tinh trước khi đưa lên bệ phóng thuộc Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) . Ở đây có phòng thử  đủ rộng để đưa cả quả vệ tinh vào một môi trường nhân tạo mà mọi thông số đều như trên khoảng không vũ trụ thật.

Alcatel Espace đã mời những chuyên gia giỏi đến thuyết trình, thời gian diễn giảng khá nhiều và đoàn chúng tôi đã nghe chăm chú, hỏi nhiều, đặc biệt là trong buổi trao đổi ý kiến với Tổng Công trình sư dự án VINALSAT (người đứng phía sau đoàn ở trên ảnh). GS Phan Anh tỏ ra quan ngại việc sử dụng các bộ phát đáp băng Ku ở vùng nhiệt đới, vì khi đó số liệu về truyền sóng ở băng tần này tại vùng Đông Nam Á còn rất hiếm.

Buổi họp cuối cùng hai bên hội đàm về nội dung “Bản Ghi nhớ về Hợp tác KHKT giữa Alcatel Espace và REV”, về cơ bản là những điều mà Phó Chủ tịch Hội Nguyễn đình Ngọc đã thỏa thuận với Alcatel năm 1993, nay ký kết chính thức:

    REV giúp Alcatel Espace  tổ chức các buổi trình diễn kỹ thuật ở Việt nam (mời quan khách quan trọng tham gia đông đảo, dịch tài liệu và dịch tại hội trường)
    REV góp ý kiến giúp Alcatel Espace  xây dựng và hoàn chỉnh dần dự án vệ tinh VINALSAT sao cho đáp ứng tốt nhất nhu cầu kinh tế, xã hội của Việt nam
    Alcatel Espace  giúp REV trong vấn đề phổ cập kiến thức về công nghệ vũ trụ và đào tạo cán bộ KHKT về thông tin vệ tinh; vận động Bộ Ngoại giao Pháp cấp học bổng cho 5 kỹ sư viễn thông VN sang học 2 năm cuối bậc đại học ở trường Đại học Hàng không và Vũ trụ Toulouse.  
    Alcatel Espace  cho tư liệu và kinh nghiệm về những vấn đề có tính pháp lý, vd. đăng ký vị trí quỹ đạo và các dải tần cho vệ tinh, thuê bảo hiểm, .. để giúp REV nâng cao trình độ tư vấn và phản biện trong lĩnh vực này 

Ngay sau chuyến đi học tập đầu tiên, GS Nguyễn Văn Ngọ và đồng nghiệp đã tổ chức các cuộc hội thảo, mở lớp chuyên đề, kết hợp với các buổi trình diễn kỹ thuật của các công ty nước ngoài để truyền đạt lại kiến thức cho anh chị em cán bộ trong nước. Riêng năm 1995, ngoài Alcatel còn có các tập đoàn Matra Marconi Space (Pháp-Anh liên doanh), Hughes (Mỹ), Loral Space & Communications (Mỹ), SPAR Aerospace (Canada), NEC (Nhật) đến Hà nội tổ chức trình diễn kỹ thuật và đề xuất phương án vệ tinh địa tĩnh cho Việt nam. Tôi và GS Nguyễn đình Ngọc đã bỏ nhiều thời giờ để tìm hiểu kỹ về lai lịch, khả năng, sản phẩm, và thành tich của từng đối tác. SPAR Aerospace có vẻ yếu nhất trong số đó, NEC khá mạnh nhưng họ mạnh về vệ tinh viễn thám hơn vệ tinh viễn thông, còn lại thì quả là “kẻ tám lạng, người nửa cân”. Tuy vậy mỗi phương án đề xuất đều được xem xét kỹ, điều đó về sau rất bổ ích cho chúng tôi khi làm thẩm dịnh. 

Lockheed Martin khi đó chưa xuất hiện, vì đến 1995 nó mới ra đời qua sự sáp nhập Lockheed với Martin Marietta,  hình thành nên một hãng chế tạo máy bay, vũ khí, tên lửa, vệ tinh và các kỹ thuật tân tiến quốc phòng lớn nhất thế giới (xét theo doanh thu quốc phòng, nó đứng trên Boeing). Như sau nầy sẽ nói, chính Phó Chủ tịch Hội Phan Anh đã đưa Lockheed Martin Global Telecommunications (LMGT) vào Việt Nam. 

Lúc đó là vào năm 1996.  Tuy là một hãng phục vụ cho quân sự và an ninh, quốc phòng nhưng sau khi ra đời , Lockheed Martin đã được chính phủ Mỹ cho phép thương mại hóa một số sản phẩm , trong đó có các vệ tinh viễn thông là những sản phẩm mà tính bảo mật về quân sự không còn là vấn đề thời sự nữa.  Ở thời điểm này, Lockheed Martin đã tiêu chuẩn hóa việc chế tạo các khối cơ bản của một vệ tinh viễn thông và cho phép có thể lắp đặt một vệ tinh với cấu hình tùy chọn trong thời gian ngắn nhất so với nhiều hãng khác. Do được sử dụng những kết quả mới mà Lockheed đã đầu tư nghiên cứu cho quốc phòng nên ưu việt của vệ tinh do  Lockheed Martin sản xuất là về công nghệ thì ở trình độ của thiết bị quân sự nhưng giá thành lại thấp vì không phải chia sẻ chi phí cho nghiên cứu ban đầu.  GS Phan Anh là người đầu tiên đã tiếp cận với Lockheed Martin và nắm bắt được thông tin này. GS Phan Anh đã bàn với tôi và Chủ tịch Đặng Văn Thân mời một đoàn của Lockheed Martin sang thăm Việt nam và làm việc trực tiếp với Hội. Trong đoàn của  LMGT sang làm việc đầu tiên với Hội có ông Kula  là Phó chủ tịch (VP) và một chuyên viên về Công nghệ vệ tinh là  thạc sĩ Le Tuyet Minh. Chuyến thăm và làm việc với Hội lần này đã đặt cở sở cho việc LMGT đưa dự án vệ tinh viễn thông VINASAT vào Việt Nam sau này. 

Trở lại quan hệ với ALCATEL. Kỹ sư Nguyễn Việt Nga sau chuyến đi Pháp, đã đề nghị Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Alcatel Espace  và Hội Vô Tuyến-Điện tử Việt nam thiết kế 2 tuyến lên (uplink) dùng kỹ thuật số đưa các chương trình truyền hình lên vệ tinh. Alcatel Espace  không những giúp thiết kế mà còn giúp vận động Chính phủ Pháp cho Việt Nam vay ODA 35 triệu FF (khoảng 6 triệu USD) để chi cho 2 tuyến lên nói trên. GS Nguyễn Văn Ngọ đã góp phần tích cực vào công trình này, đáp lại phía Alcatel Espace  đã chuyển giao công nghệ cho Hội dưới hình thức giải trình  quy trình thiết kế và tặng sách, báo, video, CD. 

Cũng sau chuyến đi Pháp, PGS Nguyễn Cảnh Tuấn đã cho thành lập ở Viện KHKT Bưu điện một nhóm nghiên cứu về vệ tinh viễn thông và năm 1995 đăng ký với Chương trình Quốc gia về Điện tử-Tin học-Viễn thông đề tài: “Nghiên cứu xây dựng phương pháp thẩm định và kiến nghị với Nhà nước đề án phóng vệ tinh viễn thông riêng của Việt Nam” mã số: KC 01-06. Đề tài đã bảo vệ xuất sắc tháng 8-1998 và bản Tổng kết đề tài là tài liệu tham khảo tin cậy cho VNPT xây dựng dự án khả thi sau này.

Những cán bộ đầu đàn của ngành Điện tử-Viễn thông Việt Nam trong Hội nghị Vô tuyến-Điện tử toàn quốc lần thứ 5 họp ở cả thành phố Hồ chí Minh (11, 12-11-1994) và Hà Nội (20-1-1995) đã đạt được nhất trí cao trong việc kiến nghị Trung ương Đảng và Chính phủ xem xét, phê duyệt cho phóng Vệ tinh địa tĩnh của Việt Nam vào năm 2000. Sau đó, Chủ tịch Hội Đặng văn Thân đồng thời là Chủ tịch Hội nghị gửi “Kiến nghị của Hội nghị Vô tuyến-Điện tử toàn quốc lần thứ 5 trình Trung ương Đảng và Chính phủ” lên các cơ quan hữu quan, kèm theo một bản Đề án sơ bộ do GS Phan Anh soạn thảo. 

Kiến nghị được Văn phòng Chính phủ giao cho các cơ quan Nhà nước hữu quan xem xét nghiêm túc, Hội Vô tuyến-Điện tử đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo bàn luận, giải đáp những câu hỏi do lãnh đạo và chuyên viên các bộ, ngành đặt ra xoay quanh những vấn đề an toàn thông tin, hiệu quả kinh tế, các cách tiếp cận… Đến 1996, Chính phủ chính thức giao cho Tổng cục Bưu điện nghiên cứu tiền khả thi, và ngày 24-9-1998 Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 868/QĐ-TTg thông qua báo cáo tiền khả thi, đồng thời giao Tổng Công ty Bưu chính-Viễn thông Việt Nam (VNPT) làm chủ đầu tư lập Dự án về việc phóng Vệ tinh Việt Nam VINASAT 1 bao gồm: quả vệ tinh và việc phóng lên quỹ đạo, các trạm điều khiển, hệ thống mặt đất phục vụ nhu cầu công cộng, và cũng giao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Đài Truyền hình Việt Nam làm chủ đầu tư các dự án Trạm Mặt đất phục vụ chuyên ngành của mình.

Ngày 3-5-1999, Thủ tướng ra Quyết định số 463/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia Dự án phóng vệ tinh VINASAT 1. Như vậy, nhiệm vụ đề xuất vấn đề của Hội Vô tuyến-Điện tử đã hoàn thành, kể từ 1996 công việc nghiên cứu phóng vệ tinh là việc của các cơ quan Nhà nước. Để thực hiện công việc này Hội đã tập trung vào công tác đào tạo cán bộ cho dự án. Giáo sư Nguyễn Văn Ngọ, GS Phan Anh, PGS Kiều Vĩnh Khánh đã xây dựng giáo trình Thông tin Vệ tinh dùng cho chương trình chính khoá của Đại học Quốc gia và Đại học Bách khoa Hà Nội, đã hướng dẫn hàng chục luận văn tốt nghiệp đại học về thông tin vệ tinh và 5 luận văn thạc sĩ đã bảo vệ thành công.

Hội Vô tuyến-Điện tử và Cơ quan đại diện Alcatel tại Việt nam cũng thông qua Đại sứ quán Pháp ở Hà nội vận động Bộ Ngoại giao Pháp cấp học bổng cho 5 học viên Việt Nam sang Toulouse học 2 năm cuối bậc đại học về Công nghệ Vệ tinh ở trường Đại học Hàng không-Vũ trụ nổi tiếng tại Toulouse. Hội cũng đã tổ chức các lớp ngắn ngày (1 tuần) tại Hà nội mời cơ quan đào tạo của Alcatel (quý I/1997), Lockheed Martin Telecom (1998), Matra Marconi Space (giảng cho cán bộ quốc phòng, tặng lại Hội toàn bộ bài giảng) cử giảng viên chuyên nghiệp sang giảng bài. Cơ quan đào tạo của 2 công ty khai thác viễn thông hang đầu ở Nhật, NTT và KDD cũng đã tặng VNPT quyển Satellite Communications Technology, được VNPT giao KS Nguyễn Đình Lương dịch và xuất bản dưới dạng song ngữ năm 1997. 

Tháng 11-2001 Hội Vô tuyến-Điện tử được Bộ Kế hoạch và Đầu tư mời đến ký hợp đồng thẩm định Dự án VINASAT 1. 

Để thẩm dịnh một dự án về công nghệ cao tầm cỡ lớn như vậy kiến thức sách vở không đủ, còn phải biết thực tế công nghệ, biết thị trường, hiểu luật lệ bảo hiểm, và có những số liệu mà độ tin cậy và độ bền theo thời gian phải đủ lớn. Sau chuyến thăm Alcatel tháng 10/1994, Hội VT-ĐT VN nhờ xây dựng được uy tín và tín nhiệm trong giới công nghiệp vũ trụ thế giới đã có nhiều cơ hội để cử cán bộ ra nước ngoài bổ túc và cập nhật kiến thức về công nghệ vũ trụ. Các giáo sư Nguyễn văn Ngọ, Nguyễn Đình Ngoc,  Phan Anh, cùng một số đồng nghiệp sau đó còn trở lại Pháp và đi Anh, Mỹ, Nhật, Thụy sĩ, tham quan hay dự hội nghị, tranh thủ tích lũy thêm và hoàn chỉnh kiến thức về công nghệ và kinh tế công nghiệp vệ tinh. 

Xét về tác động đến tầm nhìn của chúng tôi đối với những vấn đề lớn của chương trình VINASAT có thể kể những chuyến đi quan trọng sau đây:

•    Năm 1996, các tập đoàn công nghệ thông tin và công nghệ vũ trụ Hoa kỳ thông qua một công ty tư vấn mang tên Barry Research Company mời GS Nguyễn văn Ngọ và PGS Kiều Vĩnh Khánh sang thăm Hoa kỳ. Chúng tôi đã đến thăm Tập đoàn Hughes ở Los Angeles, thăm Hewlett Packard ở San Francisco, thăm Bảo tàng Quốc gia về Công nghệ Vũ trụ  Mỹ và công ty AsiaSpace (thuộc WorldSpace) ở Washington, thăm Văn phòng chính của Loral Space & Communications ở New York, .. Chuyến đi làm 2 chúng tôi nhận ra rằng, về Công nghệ Vũ trụ Hoa kỳ có trình độ cao hơn hẳn châu Âu, và giá vệ tinh viễn thông rẻ hơn.

•    Năm 1997 Matra Marconi Space mời tôi sang thăm cơ sở nghiên cứu và sản xuất vệ tinh ở Pháp (Paris, Toulouse) và Anh (Portsmouth). Mục đich chính của chuyến đi là để tìm hiểu về kỹ thuật bảo mật thông tin của vệ tinh quân dụng. 

ITU dành cho thông tin quân dụng (và thông tin của chính phủ) là băng X với dải tần tuyến lên (uplink) là 7.9 ~ 8.4 GHz, tuyến xuống (downlink) là 7.25 ~ 7.75 GHz. Mỗi quả vệ tinh đăng ký chỉ được phân bổ mấy cặp tần số cụ thể trong các dải đó. Dải thông dành cho mỗi tần số khá rộng để có thể sử dụng những tín hiệu dải rộng, và vì thế tìn hiệu thông tin quân dụng có thể dùng những khóa mã phức tạp hơn tìn hiệu thông tin dân dụng nhiều, nhưng cường độ bức xạ lại bị khống chế chặt chẽ. Dải thông của thiết bị phải thiết kế và chế tạo đúng trong phạm vi tần số mà quả vệ tinh được cấp.

Sau khi đi về tôi báo cáo lại với Tổng cục Bưu điện và Bộ Quốc phòng, với kết luận là nếu VINASAT không đăng ký được băng X thì không thể dùng cho thông tin quân sự, vì bảo mật thông tin phải đi đôi với an toàn mạng, ở các băng tần dân dụng mạng thông tin không đủ độ an toàn. Từ đó Bộ Quốc phòng cũng nhất trí là sẽ không yêu cầu VINASAT phải là lưỡng dụng nữa.

•    Tháng 10 Năm 1997  Lockheed Martin Global Telecommunications (LMGT) mời GS Phan Anh sang Mỹ thăm công ty và dự một lớp đào tạo về Công nghệ Vệ tinh dành cho khách hàng. Nhận thấy lớp đào tạo này tốt, GS Phan Anh thay mặt Hội mời LMGT tổ chức một lớp tại Việt Nam. Lời mời được đáp ứng và năm 1998 lớp học được tổ chức tại Hà nội với tài liệu đã được các chuyên gia của Hội dịch sẵn sang tiếng Việt.

GS Phan Anh là người đầu tiên phổ biến ở nước ta ý tưởng “thông tin di động không phải chỉ thực hiện bằng vệ tinh tầm thấp hay tầm trung (LEO, MEO) mà còn có thể thực hiện bằng vệ tinh địa tĩnh. Tại Hội nghị Vô tuyến Điện tử VN năm 1998 tại Hà Nội GS Phan Anh đã trình bầy bản phân tích với những tính toán sơ bộ để thấy rõ tính khả thi của phương án này.

Năm 2000  LMGT đã  dùng vệ tinh viễn thông Garuda-1của Indonesia (do Lockheed Martin chế tạo và International Launch Services phóng từ sân bay vũ trụ Baikonur lên vị trí 123.1o E quỹ đạo địa tĩnh bằng tên lửa Proton) để triển khai hệ thông tin di động ACeS (Asia Cellular Satellite) phủ sóng gần hết châu Á (Indonesia, Malaysia, Thái lan, Philippin, Sri Lanka, Việt nam, Trung quốc và Ấn độ). Tổ chức điều hành ACeS là một công ty liên doanh gồm LMGT và các công ty khai thác viễn thông của Indonesia, Philippin,Thái lan. Sáu nước đã sử dụng là Indonesia, Malaysia, Thái lan, Philippin, Sri Lanka, Nepal. 

.Nhờ những kiến thức tích lũy được trong 7 năm theo dõi vấn đề, nhờ tư liệu thu thập được từ các tổ chức tư vấn quốc tế và các hội nghị quốc tế về công nghệ vũ trụ và phát huy trí tuệ tập thể  các Giáo sư Nguyễn Văn Ngọ, Nguyễn Đình Ngọc, Phan Anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phản biện dự án được giao. Báo cáo khả thi đã được thông qua cuối năm 2001, nhưng vì sự thay đổi vị trí quỹ đạo sang 132oE, năm 2005 phải thông qua báo cáo khả thi Dự án VINASAT lần thứ hai.

Đầu năm 2008, Vệ tinh VINASAT -1 được đưa vào bãi phóng Kourou ở Nam Mỹ, và đưa lên quỹ đạo địa tĩnh lúc 5 giờ 17 phút ngày 19 tháng 4 năm 2008 (giờ Việt Nam). Như vậy, tính từ Hội nghị Vô tuyến-Điện tử toàn quốc lần thứ 5, lần đầu tiên gửi bản kiến nghị lên Trung ương Đảng và Chính phủ đề nghị “phóng một vệ tinh địa tĩnh quốc gia” (2-1995) đến tháng 19-4-2008 ròng rã mất 13 năm. Trong 13 năm đó, các nhà hoạch định chiến lược phát triển, các nhà khoa học – kỹ thuật, các chuyên gia kinh tế ngành Viễn thông và cả lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước ta đã đầu tư vào đó nhiều công sức và trí tuệ. 

Hội Vô tuyến-Điện tử Việt Nam trân trọng ghi công và kính cẩn nghiêng mình trước GS TSKH Nguyễn Đình Ngọc, PGS Kiều Vĩnh Khánh, PGS TS Nguyễn Bích Lân (Viện KHKT Bưu điện), Thạc sỹ CNVT Lê Tuyết Minh (LMGT) đã có những đóng góp vô giá vào công trình  VINASAT và nay đã vĩnh viễn đi xa!

 

GS Nguyễn Văn Ngọ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.