Kể lại chuyện Việt nam tham gia hợp tác KHKT ở Hội đồng Tương trợ Kinh tế các nước XHCN (SEV)

GS. Nguyễn Văn Ngọ, nguyên Chủ tịch Hội kể 

Phần 1

Hội đồng Tương trợ Kinh tế các nước XHCN (gọi tắt là SEV) được thành lập tháng 1/1949 ban đầu gồm Liên xô, Albania, Ba Lan, Bulgaria, Hungary, Tiệp Khắc, Romania, sau đó thêm Đông Đức (1950), Mông cổ (1962), Cuba (1972), và cuối cùng là Việt nam (1978). Mục đích thành lập là để SEV là đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế giữa các nước XHCN, như: phân công sản xuất theo chuyên ngành, đẩy mạnh mua bán và trao đổi hàng hóa, phát triển công, nông nghiệp, giao thông vận tải và hợp tác khoa học kỹ thuật.

 

Mông Cổ, Cuba, và Việt Nam là 3 thành viên kém phát triển trong khối, được hưởng quy chế riêng ưu đãi họ, và tất nhiên do đó làm tăng gánh nặng cho 6 nước XHCN Đông Âu (Ba Lan, Bulgaria, Hungary, Tiệp Khắc, Romania, Đông Đức). Thực ra, Mông Cổ với dân số chỉ 1 triệu người và đã được LX viện trợ đều đều từ trước, khi gia nhập không làm tăng gánh nặng cho khối SEV. Việc bổ sung Cuba (có 9 triệu dân) vào năm 1972 và Việt Nam (40 triệu dân) vào năm 1978 mới thực sự làm cho gánh nặng nhanh chóng leo thang. Tính đến đầu năm 1987, hỗ trợ kinh tế của SEV cho Cuba đến gần 4 tỷ US$, cho Việt Nam 2 tỷ (50% trông đó là viện trợ quân sự), Mông Cổ chỉ được 1 tỷ. Tất nhiên không phải là của cho không, Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu nhập niken, molybden và đồng của Mông Cổ, đường của Cuba (chiếm đến 80% xuất khẩu của Cuba, với giá cao). Đông Âu cũng đóng góp vào Ngân hàng Hợp tác Đầu tư Quốc tế (thành lập năm1963), để tài trợ cho các dự án đầu tư do hai hoặc nhiều thành viên cùng nhau thực hiện; đối với các thành viên kém phát triển có thể vay với lãi suất dưới 0,5-2%, trong khi các nước Đông Âu phải chịu lãi suất 2-5%. Liên Xô bán nhiên liệu và nhiên liệu cho Cuba, Việt Nam, và Mông cổ cũng lấy giá rẻ hơn khi bán cho sáu nước XHCN Đông Âu. Cho đến năm 1987, nguồn lợi duy nhất Việt nam dành cho các nước Đông Âu chỉ là công nhân XKLĐ. Với LX cũng vậy nhưng số lao động đông hơn (khoảng 100.000 người), chủ yếu làm việc trên đường ống dẫn dầu Hữu Nghị.

Nếu bỏ qua sự đóng góp mà TBT Lê Duẫn đã nói “Ta đánh Mỹ là đánh cả cho Liên Xô, cho Trung Quốc, cho các nước xã hội chủ nghĩa ….” thì đúng là trong khối SEV Việt nam là người bà con nghèo được 9 nước anh em cưu mang.

 

Tuy có những hạn chế như: cơ chế quan liêu, bao cấp. không hoà nhập với đời sống kinh tế thế giới và chưa coi trọng việc áp dụng những tiến bộ của khoa học và công nghệ của phương Tây nhưng sau hơn 20 năm hoạt động, đến nửa đầu những năm 70, tốc độ sản xuất công nghiệp các nước trong khối SEV đã tăng 10%, sản xuất đạt 33% thế giới. Những thành tựu cụ thể là xây dựng được mạng lưới giao thông đường sắt và mạng lưới điện cho các nước XHCN Đông Âu; thành lập được Ngân hàng Hợp tác Kinh tế Quốc tế, và xây dựng đường ống dẫn dầu “Hữu nghị”, đưa dầu hỏa từ vùng sông Volga của Liên Xô tới các nước Đông Âu.

 

Hội đồng tương trợ kinh tế SEV gồm có 4 ủy ban: Uỷ ban hợp tác về xây dựng kế hoạch, Ủy ban hợp tác khoa học kỹ thuật, Ủy ban hợp tác về vật liệu và vật tư kỹ thuật, và Ủy ban hợp tác về chế tạo máy.

 

Việt Nam gia nhập SEV ngày 29/6/1978 thì sang tháng 7/1978, Trung Quốc chấm dứt ngay toàn bộ mọi dự án tại Việt nam. Dù vậy, đối với giới trí thức Việt nam trong lĩnh vực KH-CN việc được hợp tác trực tiếp với các đồng nghiệp trong khối SEV và tiếp cận những phương tiện, điều kiện làm việc của Liên Xô và sáu nước XHCN Đông Âu là một cơ may lớn. Tôi còn nhớ cái ngày đầu tiên sang Matxcova dự cuộc họp Ủy ban hợp tác khoa học kỹ thuật SEV mở rộng. Trên máy bay đã gặp một số bạn cũ ở Đại học Bách khoa, nhưng khi xuống sắp hàng làm thủ tục nhập cảnh mới thấy hầu như tất cả thầy giáo đứng đầu các ngành của trường đều có mặt ở đây cả. Nhân có anh Phạm Đồng Điện đứng gần ở phía sau, tôi bảo “y như ngày cận Tết chúng mình sáng sớm ra sắp hàng mua gạo ở cửa hàng phố Bạch mai”, mọi người đều cười ồ lên! Tôi rời ĐHBK đã 3 năm, khi gặp lại các anh cùng là tổ trưởng bộ môn như mình hồi mới thành lập trường mọi người đều hồ hởi, tay bắt mặt mừng. Lúc đang chờ vào Hội trường, tôi đang lẩm bẩm “đi, ta đi những trai làng Phù Đổng, còn gì vui hơn ngày ra trận mùa xuân” thì anh em đã bật lên đồng ca cả bài hát!
 

Phần 2

 

Như trên tôi đã nói, nước VN tham gia SEV với tư cách một người “bà con nghèo”, mà trong lĩnh vực Thông tin Liên lạc – Phát thanh Truyền hình thì tình hình còn thảm hại hơn: mặc dầu đã tiếp quản một hệ viễn thông tương đối hiện đại của miền Nam nhưng cho đến 1979 cả nước chưa có tới 80.000 máy điện thoại, Về liên lạc ra nước ngoài khi đó chỉ có sáu kênh vô tuyến nối Việt Nam với Hồng Kông. Trước 1975 một xã có được vài ba chiếc máy thu thanh hiệu Xiong Mao (TQ) hoặc Orionton (Tiệp khắc). Sau ngày 30/4/1975 cán bộ, bộ đội vào Nam công tác đưa ra một số máy thu thanh bán dẫn Nhật như Sony, National, nhưng đấy vẫn là một mặt hàng bị “nhà nước quản lý”, máy ngoài luồng rất khó mua pin. Truyền hình ở miền Bắc đang ở trong giai đoạn phát thử nghiệm, ở miền Nam đài TH Việt nam Cộng hòa có từ 1966, ngoài đài chính ở Sài Gòn, còn có 4 đài địa phương ở Huế, Quy Nhơn, Nha Trang và Cần Thơ, sau 30/4/1975 ta tiếp quản vẫn tiếp tục lên sóng nhưng trao đổi chương trình bằng “xe đò” và hàng không dân dụng!

 

Tôi tham gia công tác hợp tác với khối SEV từ năm 1979 cho đến đầu năm 1991, gần mười năm chia làm 2 thời kỳ:

– Thời kỳ I từ 1979-1987 đơn thuần là hợp tác KHKT trong những đề tài tay đôi, tay ba với các nước trong khối. 

– Thời kỳ II tôi là trưởng đoàn Việt nam trong Văn phòng Điện tử-Thông tin Liên lạc- Phát thanh Truyền hình thuộc Ủy ban hợp tác khoa học kỹ thuật, phụ trách cả về hợp tác KHKT và Kinh tế.

 

Thời kỳ I có hai đề tài lớn đáng nhắc đến ở đây:

 

a) Chương trình trọng điểm quốc gia mang tên “Quy hoạch mạng thông tin điện quốc gia thống nhất” mã số 38-01, triển khai trong 3 năm (1980-83), cơ quan chủ quản là Tổng cục Bưu điện, phối hợp với Bộ Tư lệnh Thông tin (BQP) và Ủy ban PTTH Việt nam, do Phó Tổng cục trưởng TCBĐ Trương văn Thoan chủ trì, có hợp tác với Liên Xô. Tôi chủ trì chương trình nhánh mã số 38-01-03 mang tên “Quy hoạch mạng PTTH Việt nam”. 

 

Đối với ngành PTTH đây là một cơ hội vàng để nắm lấy cung cách quản lý ở cấp quốc gia trong bối cảnh một ngành KT mới, có tốc độ phát triển rất nhanh, và phải chịu những ràng buộc pháp lý rất chặt chẽ cả ở trong nước và trên quốc tế. Khi Ủy ban PTTH VN được thành lập để quản lý nhà nước ngành này, cũng là lúc nó đang ở tình trạng vô chính phủ nhất: huyện nào cũng có đài phát FM, tỉnh nào cũng có đài phát thanh và đang đua nhau mua máy phát hình, về mặt kỹ thuật không ai quản lý tần số, công suất, vùng phủ sóng, cứ lên sóng mà không biết gì về quy định tần số của ITU (International Telecommunication Union,- Tổ chức viễn thông quốc tế thuộc Liên hiệp quốc).

Chương trình nhánh 38-01-03 gồm 3 đề tài về Quy hoạch mạng FM cấp huyện, Quy hoạch mạng phát thanh cấp tỉnh, và Quy hoạch mạng Truyền hình địa phương nhằm mục tiêu cung cấp cơ sở lý thuyết và thực tiễn cho Ủy ban PTTH VN xây dựng kế hoạch phát triển và quy chế quản lý các hệ thống kỹ thuật thuộc ngành PTTH trong cả nước.

Tất nhiên là để có hệ PTvà TH VN sánh vai được với các cường quốc truyền thông thế giới như ngày nay, VOV và VTV về sau còn phải bỏ thêm nhiều công sức NCKH và xây dựng quy hoạch trung hạn (tầm nhìn 10 -15 năm) để được nhà nước duyệt cho đầu tư, nhưng phương pháp luận và những điều hiểu biết thu hoạch được từ 38-01-05 vẫn là những kiến thức rất cơ bản mà giới lãnh đạo ngành rất trân trọng.

 

b) – Đề tài hợp tác Việt-Tiệp “Cải tạo máy phát thanh hiệu suất cao của Harris (USA) để lắp đèn điện tử Tesla vào tầng công suất (1983-85).

 

Như đã nói, tham gia hợp tác KHKT với khối SEV tôi mang mặc cảm một người “bà con nghèo”, lòng đau đáu muốn tìm chút gì đó góp phần vào phát triển chung. Nghĩ kỹ, so với các nước SEV thì trong lĩnh vực TTLL-PTTH chỉ có hai thứ Mỹ để lại ở Việt nam là các nước bạn chưa làm được:

– Hệ máy phát sóng phát thanh công suất lớn, hiệu suất cao, rất nhỏ gọn, theo những nguyên lý điều chế anôt mà các nước XHCN chưa làm được

– Hệ thông tin tán xạ đối lưu.

Vì hệ máy phát sóng hiệu suất cao thể tích gọn Mỹ đưa sang gồm 3 loại theo những nguyên lý khác nhau, Tesla chỉ mới biết trên tạp chí có một loại, do đó khi tôi trình bày trong 1 buổi seminar về 3 loại máy này, có đầy đủ thuyết minh, sơ đồ, ảnh chụp thì các chuyên gia trong Văn phòng Điện tử-Thông tin Liên lạc- Phát thanh Truyền hình hết sức thích thú. Trưởng đoàn LX phân công cho Tiệp khắc hợp tác với VN nghiên cứu thiết kế chế tạo thử loại máy này. Được sự nhất trí của Ủy ban PTTH và Ủy ban KHKT NN Việt nam, đề tài hợp tác Việt-Tiệp “Cải tạo máy phát thanh hiệu suất cao của Harris (USA) để lắp đèn điện tử Tesla vào tầng công suất” với sự tài trợ của chính phủ Tiệp khắc nhanh chóng được ký kết. Tesla đã cử sang 2 đoàn cán bộ: đoàn lãnh đạo cấp cao, được mời đến tham quan cả 5 đài: Quán tre (TPHCM), Thủ Đức (TPHCM), An Hải (Đà Nẵng), An Nhơn (Bình Định), Đồng Đế (Nha Trang) để xem cả 4 loại máy, và đoàn chuyên gia máy phát Tesla Hloubetin sang hợp tác với các chuyên gia VN ở HN và TP HCM thay đèn máy phát công suất vừa (50 kW) ở Đà nẵng, sau đó khảo sát máy phát công suất lớn tại Quán tre.

 

Kết quả khá hạn chế, do đó phía VN quyết định vẫn mua “chui” đèn Harris (vì khi đó Mỹ cấm vận), và cả hai đoàn chuyên gia nhất trí kết luận là ngành công nghiệp điện tử chân không các nước XHCN đã pham sai lầm khi bỏ qua không phát triển các đèn 4 cực (tetrode) công suất lớn! Sai lầm này nay cũng không cần phải khắc phục, vì transístor đã thay thế hoàn toàn đèn điện tử trong các máy phát thanh công suất lớn! 

 

Khúc vĩ thanh của câu chuyện này khá vui: hiện nay các chuyên gia đài TNVN đã giúp hãng Harris (Mỹ) cải tiến để chế tạo máy phát bán dẫn đến 500 kW khai thác ổn đinh ở VN (đài VN2), còn Tesla tiếp tục sản xuất đèn ba cực chân không 250 kW để làm máy phát công suất tương tự theo công thức “đoạn đầu bán dẫn, tầng cuối điện tử”. Hai hướng kỹ thuật khác nhau, nhưng nói lên sự trương thành và tư duy độc lập của kỹ sư ta.

 

Bước sang thời kỳ II (1979-1987) khi tôi được cử làm trưởng đoàn VN trong Văn phòng ĐT-TTLL- PTTH  thì tình hình khả quan hơn:

 

VỀ ĐIỆN TỬ

 

Về điện tử năm 1979 bộ Quốc phòng cho thành lập nhà máy chế tạo bán dẫn Z 181 (nay là công ty TNHH MTV Điện tử Sao Mai) nghiên cứu, sản xuất các linh kiện bán dẫn xuất khẩu sang các nước Đông Âu (chủ yếu là Tiệp khắc), với sản lượng hàng chục triệu sản phẩm/năm. Dây chuyền kéo đơn tinh thể và chế tạo diod, transistor của Z181 nhập từ Pháp, cho nên sản phẩm rất được các nước Đông Âu ưa chuộng. Hồi đó trong khối SEV chỉ có VN và Rumani nhập dây chuyền SX linh kiện bán dẫn của Pháp, nhưng sản phẩm của Rumani không ổn định, phụ thuộc vào sự có mặt của chuyên gia Pháp, còn sản phẩm của Z181 ổn định vì chuyên gia là một cặp vợ chồng người Pháp gốc Việt về giúp nước!

 

Ngoài ra, còn có nhà máy Viettronics Bình hòa (VBH) mua dây chuyền sản xuất của hãng Thomson – Pháp sản xuất các loại linh kiện điện tử thụ động xuất sang Ba lan, Pháp, Tiệp khắc, Hungary..Nhà máy cũng gởi cán bộ và công nhân sang Tiệp Khắc để thực tập sản xuất lõi sứ điện trở cho điện trở đóng mũ, nhập dây chuyền sản xuất điện trở đóng mũ sản xuất gần 45 triệu chiếc/năm xuất cho Tiệp, và cũng nhập một số đồ gá hàn tụ sứ vuông để sản xuất 10 triệu tụ sứ vuông/năm, xuất sang Tiệp Khắc, Ba Lan, Đông Đức…

 

Từ năm 1988 -1994 các doanh nghiệp thành viên Viettronics đẩy mạnh việc lắp ráp TV, Radio cassette từ bộ linh kiện nhập ngoại, số lượng TV, radio cassette đủ để thỏa mãn thị trường trong nước.

 

VỀ VIỄN THÔNG và TH, 

 

Tháng 7-1980 Liên Xô xây dựng cho Viêt nam Đài Vệ tinh mặt đất Hoa Sen 1 (gần Phủ Lý) cùng với tuyến vi ba (chuyển tiếp qua một trạm ở Phú Xuyên) truyền tín hiệu về Bưu điện Bờ Hồ và Đài THVN ở Giảng Võ. Mùa hè năm 1984, chủ nhiệm Ủy ban PTTH Trần Lâm gặp Bộ trưởng Bộ Bưu điện Liên Xô nhất trí thử nghiệm việc trao đổi chương trình truyền hình giữa Việt nam với Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu. Nhân dịp 30/4 năm 1985 Liên Xô lại tặng nước ta Đài Hoa Sen 2 đặt tại TP HCM, từ đó các đài truyền hình VTV, HTV trao đổi chương trình hàng ngày gần như tức thời.

 

Thông qua trạm Hoa Sen 1, tháng 2 năm 1991 Đài THVN đưa kênh VTV1 lên vệ tinh Gorizont và truyền xuống các trạm TVRO (băng tần C) ở các đài truyền hình địa phương để phát lại. Việc phủ sóng TH toàn quốc được thực hiện!

 

Năm 1991, trước sự sụp đổ chế độ XHCN ở các nước Đông Âu sự tồn tại của SEV không còn thích hợp nữa, hội nghị đại biểu các nước thành viên ngày 28/6/1991 quyết định chấm dứt mọi hoạt động.

 

Sự giải thể SEV là một đòn choáng váng cho công nghiệp điện tử VN vì mất một thị trường lớn, nhưng Z181 và các XN Viettronics cũng đã đủ lớn mạnh để sau vài năm khó khăn lại tìm được đường ra thị trường thế giới

 

Năm 1987, ông Đặng Văn Thân TC trưởng TCBĐ có một quyết định làm thay đổi căn bản ngành viễn thôngViệt Nam. Theo ông Đỗ Trung Tá: “Khi ấy, Liên Xô viện trợ không hoàn lại mười triệu rúp vàng để trang bị mạng thông tin cho Bộ Công an nhưng ông Thân thuyết phục ông Phạm Hùng không nên dùng vì cho dù đó là thiết bị hiện đại nhất của Đông Đức thì công nghệ analog của họ đã rất lạc hậuso với thế giới. Những thiết bị này sau đó được mang tặng Cuba. Trong số mười triệu rúp thiết bị ấy, ông Thân khuyên chỉ nên dùng bốn thứ: pin mặt trời, cột, kèo và xe chuyên dùng”. Thông qua việc hợp tác đầu tư với Úc ông chọn công nghệ viễn thông kỹ thuật số, mở ra một giai đoạn mới của ngành viễn thông VN

 

Năm 1992, TCBĐ đưa ra chiến lược tăng tốc hai giai đoạn: 1993-1995 và 1995-2000 phát triển hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ viễn thông để tạo cơ sở cho Việt Nam tiến tới kết nối Internet

 

Ngày 16-4-1993 Mobifone, mạng di động đầu tiên của Việt nam sử dụng công nghệ số theo chuẩn GSM chính thức đi vào hoạt động.

 

Đầu năm 1989 Hội Vô tuyến-Điện tử Việt nam tổ chức Đại hội lần thứ nhất và đi vào hoạt động chính thức. Năm sau, Hội tổ chức hội nghị khoa học toàn ngành toàn quốc đầu tiên vào tháng 10/1990, lấy tên là Hội nghị Vô tuyến –Điện tử Việt Nam, viết tắt là REV’1990. Ngoài phần báo cáo chuyên môn về KHKT Hội nghị còn có một cuộc triển lãm KHKT và một Hội thảo bàn tròn đánh giá tình hình điện tử nước ta trong giai đoạn từ khi tham gia Chương trình Điện tử hoá của khối SEV cho đến khi khối này ngừng hoạt động, các đại biểu thảo luận sâu về mọi mặt để thống nhất tư tưởng về một Chiến lược phát triển Điện tử-Tin học-Viễn thông của nước ta trong giai đoạn mới

 

Nguyễn Văn Ngọ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.