Nhớ GS Nguyễn Văn Ngọ – Người đặt nền móng cho ngành Vô Tuyến điện Việt Nam

Thật đột ngột và đau buồn khi nghe tin GS Nguyễn Văn Ngọ qua đời.

Mới ngày nào, chúng tôi thay mặt cho Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam (VTĐT) tới chúc mừng thượng thọ GS nhân dịp 90 tuổi, thế mà nay đã thành người thiên cổ. Thay mặt Hội VTĐT VN xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới toàn thể Gia quyến và cầu chúc Cụ yên nghỉ nơi suối vàng.

Đại diện Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam mừng thượng thọ GS tuổi 90

Với 93 năm cuộc đời, trên 70 năm cống hiến cho đất nước, GS đã toàn tâm, toàn ý cho sự phát triển lĩnh vực Điện tử, Viễn thông, Phát thanh, truyền hình và Công nghệ thông tin Việt Nam nói chung cũng như cho Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam nói riêng.

Sinh ra tại Nghệ An – mảnh đất hiếu học, giàu truyền thống cách mạng và được nuôi dưỡng trong gia đình tri thức, với tính cách ham học, chịu khó tìm tòi nghiên cứu, ông đã đạt được kết quả vượt trội so với anh em cùng trang lứa trong các năm học phổ thông.

Có thể nói lĩnh vực Vô tuyến điện đã “vận” vào người Ông. Ngay từ đầu năm 1950, Ông được cử sang công tác tại Thái lan và Lào để xây dựng hệ thống thông tin liên lạc cho Bộ tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Thượng Lào, và tuyến liên lạc VTĐ giữa Trung ương Cục Hải ngoại (Uđon, Thái lan) với Trung ương Đảng ở trong nước.

Năm 1953 ông được gọi về nước để cử đi du học tại trường Đại học Công nghệ Nam kinh Trung Quốc. Tuy được Bộ Giáo dục ra quyết định cho ở lại làm NCS, nhưng đáp ứng lời kêu gọi của trường ĐHBK Hà Nội đề nghị tạm hoãn để về đào tạo khóa 1 ngành Vô tuyến điện.

Ông đảm nhận Chủ nhiệm Bộ môn Vô tuyến điện Đại học Bách khoa Hà Nội từ năm 1958 đến 1976. Sau đó Ông chuyển sang công tác tai Ủy ban Phát thanh và Truyền hình VN, từ năm 1977 đến 1987 là Vụ trưởng Vụ Khoa học – Kỹ thuật đồng thời đảm nhận chức vụ Chủ tịch Hội đồng Khoa học thuộc Ủy ban Phát thanh Truyền hình Việt Nam.

Từ năm 1987 đến năm 1990 là Trưởng đoàn đại diện VN tại Ban Thông tin Liên lạc, Phát thanh-Truyền hình, Hội đồng Tương trợ Kinh tế (khối SEV), Mátxcơva, Liên Xô, rồi Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ Cơ khí & Luyện kim. Ông là Ủy viên Hội đồng Học hàm Liên ngành Điện – Điện tử -Tự động hóa (Từ năm 1990 đến 2000); Giảng dạy tại Đại học Quốc gia Hà Nội (1990 – 2001); Hội viên cấp cao, Ủy viên Ban Chỉ đạo các Hội nghị Truyền thông khu vực châu Á -Thái Bình Dương; Giáo sư thỉnh giảng Đại học Đông Nam Trung Quốc.

GS Huỳnh Hữu Tuệ trao đổi với TS Nguyễn Hữu Lệ và GS Nguyễn Văn Ngọ

Có thể nói cả cuộc đời Ông đã tập trung cho công tác giảng dạy và nghiên cứu, học trò của Thầy đã có mặt trên nhiều lĩnh vực, nhiều người giữ vị trí quan trọng trong các cơ quan, doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu; Các công trình nghiên cứu của Ông cũng để lại nhiều dấu ấn như: các giáo trình về Vô tuyến điện; xây dựng giáo trình rada, điều khiển tên lửa và chống nhiễu góp phần thiết thực đào tạo sinh viên vô tuyến điện phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ; góp phần xây dựng Đài phát thanh sóng trung Mễ trì; xây dựng Quy hoạch phát thanh truyền hình trong quy hoạch tổng thể mạng thông tin Quốc gia; nghiên cứu làm ferit từ cứng để chế tạo loa dùng các nguyên liệu trong nước v.v…

Đối với Hội VTĐT VN, GS Nguyễn Văn Ngọ là một trong số thành viên  tích cực của Ban Vận động thành lập Hội (Ban này đã tổ chức họp trù bị tại Tổng cục Bưu điện Việt Nam  tháng 4/1965 bầu ra 10 ủy viên do Tổng công trình sư Nguyễn văn Tình làm trưởng ban). Sau gần 24 năm hoạt đồng kiên trì, bền bỉ dưới hình thức Ban vận động,  ngày 17/12/1988 Chủ tịch HĐBT ra quyết định số 313/CT cho phép thành lập Hội VT-ĐT Việt Nam.

Đại hội đầu tiên của Hội được tổ chức ngày 3/1/1989 và bầu Tổng Cục trưởng Tổng Cục Bưu Điện Đặng Văn Thân làm Chủ tịch. Chúng ta tự hào là một hội nghề nghiệp đầu tiên tại Việt Nam trong lĩnh vực ICT (tính tới nay là 34 năm ngày thành lập nhưng đã có 57 năm đã hoạt động). Dấu ấn của GS Ngọ đối với sự hình thành và phát triển của Hội thật đáng trân trọng.

GS Nguyễn Văn Ngọ cùng chụp với ông Jang Ho Chung, Chủ tịch LGIC, năm 2004

Bên cạnh việc tham gia Hội với tư cách là nhà nghiên cứu, là chuyên gia, GS Ngọ đã đảm nhận nhiều chức vụ trọng yếu trong Ban chấp hành Hội trong suốt hơn 20 năm, với các cương vị là Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hội (1998-2003); Chủ tịch Hội (2004-2009); Chủ tịch danh dự Hội (2010 đến nay). GS đã dày công phát hiện, đào tạo cho nhiều cán bộ chủ chốt của Hội.

Những năm cuối đời, tuy tuổi cao, sức yếu song Ông vẫn đọc, vẫn viết, vẫn tận dụng các nền tảng của mạng xã hội để trao đổi, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với bạn bè , đồng nghiệp. Nhiều bài viết rất sâu sắc với trí nhớ tuyệt vời đã cung cấp cho các thế hệ sau nhiều thông tin quý giá về kinh nghiệm sống, học tập, nghiên cứu.

Sự đóng góp trong công tác nghiên cứu, giảng dạy và quản lý của GS Ngọ không chỉ được giới khoa học trong nước ghi nhận mà còn được các cơ quan khoa học và công nghệ nước ngoài đánh giá cao, chính điều đó đã và đang để lại tiếng thơm cho Hội VTĐT VN. Có thể nói rằng, cộng đồng ICT nói chung và các thành viên của Hội VTĐT nói riêng khi nhắc tới GS Ngọ đều có chung cảm nhận đó là người Thầy, người đồng chí, người bạn, một con người trí tuệ, bản lĩnh, tin cậy và rất gần gũi. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, GS cũng giữ được bản lĩnh và niềm tin, kiên định mục tiêu và tìm ra những giải pháp sáng suốt để giải quyết công việc,

Dù cho ai cũng hiểu quy luật sinh – tử, song sự ra đi của GS là sự mất mát đau thương không gì bù đắp được đối với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp.

Cầu chúc GS an nghỉ nơi vĩnh hằng. 

                                                                                  Trần Đức Lai

                                                                             Chủ tịch Hội khóa VII

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.