Những Người Bách khoa đã đi xa – PGS Kiều Vĩnh Khánh

GS Nguyễn Văn Ngọ, nguyên Chủ tịch Hội, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Vô tuyến điện Đại học Bách khoa Hà nội thời kỳ 1958-1975 kể

PGS Kiều Vĩnh Khánh sinh năm 1936, là sinh viên tốt nghiệp khóa 1 ngành Vô tuyến điện trường Đại học Bách khoa.

Khóa 1 toàn trường chỉ học 3 năm, cuối năm học 1958-1959 ra trường đến thực tập ở nơi được phân phối công tác. Tháng 10 năm 1961 trường căn cứ vào thành tích học tập và sự đánh giá của cơ quan sử dụng cấp bằng tốt nghiệp cho 633 kỹ sư khóa 1. Riêng ngành VTĐ cho 5 sinh viên sang trường Đại học Năng lượng Mátxcơva (MEI) học tiếp đến hết năm thứ 5, và lấy 5 sinh viên học xong năm thứ ba lên làm việc ở bộ môn VTĐ. Trong 5 người này, ngoài thầy Nguyễn Thượng Thuyên năm 1968 được cử tham gia Quân đội Nhân dân Việt Nam, 4 thầy còn lại đều trở thành những nhà giáo và nhà nghiên cứu phát triển có tên tuổi trong ngành điện tử -viễn thông nước ta, viz. GS TSKH Phan Anh, và ba vị PGS Ngô Đức Dũng, Kiều Vĩnh Khánh, Nguyễn Đức Phong.

Thầy Kiều Vĩnh Khánh là cháu 4 đời của nhà nho Kiều Oánh Mậu (1854-1912), đậu  Phó bảng dưới triều Tự Đức. Cụ Mậu buổi đầu được bổ làm Tri phủ, ít lâu sau bị giáng làm Tri huyện, sau khi thuyên chuyển đến nhiều nơi xin từ quan ra giúp việc tòa soạn báo Đồng Văn ở Hà Nội. Cụ là tác giả quyển sách“Bản triều bạn nghịch liệt truyện” (本朝叛逆列傳), mô tả một số cuộc nổi dậy chống nhà Nguyễn (Phan Bá Vành, Lê Văn Khôi, Cai Vàng, Cao Bá Quát,…), một số cuộc Cần Vương chống thực dân Pháp (Phan Đình Phùng, Nguyễn Thiện Thuật, Ngô Quang Huy,…), và một số cuộc đàn áp nghĩa quân của Hoàng Cao Khải, Nguyễn Thân,…Ngoài ra, cụ còn hiệu đính Truyện Kiều của Nguyễn Du rồi xuất bản với tên Đoạn trường tân thanh. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân, chỉ với bản hiệu đính này cụ đã xứng đáng được xem là nhà khảo chứng văn bản học có uy tín trong văn học cận đại Việt Nam.

Có lẽ là qua di truyền thầy Kiều Vĩnh Khánh cũng thừa hưởng được phần nào tài năng và tính khẳng khái, bất khuất của cụ tổ 4 đời.

Theo sự phân công của bộ môn và qua quá trình đổi mới chương trình giảng dạy ngành VTĐ (sau này đổi thành ngành Điện tử-Viễn thông) thầy Kiều Vĩnh Khánh lần lượt giảng các giáo trình và viết sách giáo khoa về Máy thu VTĐ, Hệ thống viễn thông, Thông tin vệ tinh, và một số chuyên đề. Từ 1959 đến 1976 thầy đã chủ trì 6 đề tài NCKH cấp bộ, và từ 1980 đến năm 2000 chủ trì 4 đề tài cấp nhà nước thuộc các lĩnh vực vật liệu VTĐ, thiết bị thông tin và thiết bị VTTH, xử lý tín hiệu, ứng dụng công nghệ vệ tinh. Bài nầy không chủ trương liệt kê tất cả công trình đó mà chỉ đưa ra một số công trình tiêu biểu, có thể lớn hoặc nhỏ, nhưng minh họa được tài năng và tính cách của thầy.

Ngược dòng lịch sử, ta hãy trở về năm 1962 khi Đài TNVN đăng cai một Hội nghị Quốc tế về Phát thanh-Truyền hình do Tổ chức Quốc tế OIRT (Organisation Internationale de Radiodiffusion et de Television) tổ chức luân phiên ở thủ đô các nước thành viên

Người chuẩn bị báo cáo của đoàn Việt nam do thủ trưởng Trần Lâm đọc là một biên tập viên có uy tín, văn hay và văn phạm Việt chuẩn, bài viết rất dễ dịch, nhưng nội dung không phải là một báo cáo khoa học. Báo cáo nhấn mạnh về phong trào toàn dân dùng máy thu galen để nghe chương trình phát thanh TNVN, có đoạn nêu ra mẩu chuyện thú vị “người dân hào hứng nghe đài đến mức chôn cả mâm thau, nồi đồng để làm dây đất thật tốt cho máy thu galen”. Thực ra, từ cuối năm 1959, hai giảng viên trẻ Kiều Vĩnh Khánh, Phan Anh của bộ môn VTĐ đã lắp được máy thu thanh 3 bóng bán dẫn đầu tiên ở Việt nam theo sơ đồ đăng trên tạp chí Radio (Liên xô) và bằng transistor do tạp chí gửi tặng. Sau đó nhiều người đi công tác Liên xô đã mua diode và transistor về, lắp ra khá nhiều máy thu bán dẫn đơn giản như vậy.

Về loa cho máy thu thanh, tháng 9-1959 kỹ sư Đinh văn Khoa (sau nầy là Vụ trưởng KHKT Tổng cục Bưu điện) mang từ Đại học Bưu điện Bắc kinh về một số lượng nhỏ hóa chất để chế thử nam châm Ferit tử cứng. Các anh Đinh văn Khoa, Kiều Vĩnh Khánh dựa vào hướng dẫn trên tạp chí Điện tử (Trung Quốc) trộn các loại hóa chất, nhở xưởng Cơ khí của trường làm khuôn, mượn máy nén ở khoa Xây dựng để nén, mượn lò ở khoa Luyện kim để nung, tự lắp máy đo cường độ từ trường, và cuối cùng đã làm ra những viên nam châm Ferit đầu tiên ở Việt nam, chất lượng đạt chuẩn để làm loa cho máy thu thanh. Trên cơ sở những thành tích ban đầu ấy tôi đăng ký đề tài cấp nhà nước “Chế tạo Ferit nam châm”, được cấp kinh phí mua sắm thiết bị, mở phòng thí nghiệm và mời các trường, viện, cơ quan sản xuất thiết bị bưu điện-truyền thanh đến cùng tham gia nghiên cứu. Người chủ trì PTN là giảng viên Kiều Vĩnh Khánh, ngày đêm miệt mài nghiên cứu thực nghiệm, nhiều đêm thức trắng để điều chỉnh quy trình gia nhiệt, đã chế tạo ra hàng loạt lớn nam châm Ferit từ cứng chất lượng đồng đều, cung cấp cho Cục Truyền thanh và Nhà máy Thiết bị Bưu điện sản xuất loa kim

Trong báo cáo của thủ trưởng Trần Lâm, tôi viết là VNDCCH chưa có công nghiệp điện tử, nhưng để phát huy tối đa hiệu quả phát sóng của Đài Mễ trì , chúng tôi đã thiết kế và lắp ráp một số máy thu thanh bán dẫn đơn giản cho thính giả với diode và transistor mua từ Liên xô, và một số linh kiện thụ động tự sản xuất ở trong nước. Để thủ trưởng Trần Lâm yên tâm, tôi hứa sẽ đưa hiện vật đến hội nghị để minh họa. Thủ trưởng rất mừng và nói rằng té ra hội nghị OIRT nầy không phải chỉ đối với quốc tế, mà đối vói trong nước cũng có giá trị thông tin rất lớn, toàn là tin vui mà Tổng Giám đốc Đài TNVN lại chưa biết!

3 năm sau, khi Ban Vận động thành lập Hội VT-ĐT Việt nam ra đời, trong nhân dân đã có phong trào lắp máy thu thanh bán dẫn đơn giản, không phải với transistor “xách tay” từ Liên xô về, mà gỡ từ các mảng điện tử trên xác máy bay Mỹ “ từ trên trời rơi xuống”. Ban Vận động đã phát động một cuộc thi toàn quốc về “Máy thu thanh bán dẫn đơn giản”, nhằm  hướng dẫn quần chúng đi vào kỹ thuật bán dẫn bằng cách vừa cổ vũ niềm đam mê sáng tạo vừa phổ cập những kiến thức cơ bản về mạch và linh kiện bán dẫn, thi đua làm thực nghiệm để tạo ra những máy thu tốt mà rẻ tiền nghe chương trình phát thanh TNVN. Người hướng dẫn kỹ thuật và chấm thi không phải ai khác, mà là hai anh Kiều Vĩnh Khánh, Nguyễn Đức Phong.

Những năm 1959-1961 Kiều Vĩnh Khánh nghiên cứu về vật liệu VTĐ, trong đó ngoài ferit từ cứng đã thành công, anh còn tranh thủ nghiên cứu chế tạo ferit từ mềm để làm anten và lõi các cuộn cảm cao tần, và cả tụ điện giải, tụ điện mica. Cuộc đời NCKH của anh tưởng sẽ phát triển theo hướng nghiên cứu vật liệu như các anh Vũ Đình Cự, Nguyễn Xuân Chánh, Đàm Trung Đồn, nếu không có một sự kiện xẩy ra ở Tiểu Ban VTĐ thuộc Ban Kỹ thuật thuộc Ủy ban KHKT nhà nước do Tổng Công trình sư Nguyễn Văn Tình làm trưởng tiểu ban. Hồi đó chúng tôi đang thảo luận phương hướng phát triển công nghiệp điện tử Việt nam thì có tin Hungari muốn cho nước ta một nhà máy sản xuất linh kiện điện tử thụ động (R,L,C, transfo). Toàn tiểu ban chưa ai có khái niệm đúng đắn thế nào là xây dựng công nghiệp điện tử, nhưng khi người ta cho một nhà máy phụ kiện để đảm bảo tính độc lập trong SX thiết bị về sau thì “máu dân tộc” nổi lên đùng đùng, gần như cả tiểu ban cho rằng đây là bạn dồn cho mình nhiệm vụ”gánh nước, bổ củi” trong khi họ tự dành lấy những nhiệm vụ cao cấp, nhiều giá trị gia tăng hơn, và quyết định từ chối phắt, không nhận! Về khoa anh Kim, tôi và anh Tiêu bàn đi bàn lại, phân vân về chuyện này. Chuyện đến tai Kiều Vĩnh Khánh và anh lặng lẽ thu dọn để rút khỏi hướng nghiên cứu vật liệu. Chị Nga, vợ anh Khánh và cùng làm việc trong PTN Vật liệu rất mừng, vì cho rằng anh Khánh đang có dấu hiệu ảnh hưởng về sức khỏe do suốt ngày đêm tiếp xúc với hóa chất. Có lẽ cũng có một phần nào sự thật.

Kiều Vĩnh Khánh quay sang nghiên cứu thiết bị. Những năm 1965-1970 anh chủ trì các đề tài cấp bộ như chế tạo máy thông tin FM, máy thu phát quân sự nhưng không hào hứng lắm vì thiếu môi trường ứng dụng như anh mong muốn. Vừa lúc đó, ở bệnh viện Bạch mai có kỹ sư Nguyễn Nguyên Quýnh tốt nghiệp khóa 5 VTĐ về làm việc ở phòng Vật tư Kỹ thuật. Về bệnh viện Bạch mai đúng lúc bệnh viên đang được trang bị nhiều thiết bị điện tử y tế hiện đại, anh cần sự giúp đỡ của bộ môn VTĐ và tôi đã giới thiệu anh Kiều Vĩnh Khánh. Tất nhiên là Kiều Vĩnh Khánh đã giúp đỡ bệnh viện rất có hiệu quả, nhưng một hôm anh nhận thấy trong một thiết bị điện tử y tế đắt tiền do công ty Nhật cung cấp có một bo mạch lắp sai, dẫn đến kết quả chẩn bệnh sai. Đại diện thương vụ Nhật được mời đến tỏ ý bất bình, nói rằng thiết bị điện tử cao cấp Nhật bản xuất khẩu đã qua kiểm định rất nghiêm khắc, xưa nay quốc tế chỉ khen chứ chưa có ai chê. Kiều Vĩnh Khánh cũng không vừa, yêu cầu cho chuyên gia kỹ thuật đến nói chuyện, nếu không trường ĐHBK sẽ giúp bộ Y tế mời chuyên gia Liên xô sang giám định. Phía Nhật phải điều chuyên gia trong nước sang làm việc với Khánh. Ông chuyên gia già nhã nhặn sau khi xem xét kỹ thừa nhận sai sót và xin gửi bo mạch khác sang đổi. Anh Khánh không chịu, yêu cầu ông ký biên bản thừa nhận sai sót và cam kết đền bù những thiệt hại đã gây ra cho khách hàng. Chuyên gia hỏi muốn đền bù bao nhiêu? Khánh đòi có bo mạch mới và một số phụ tùng dự phòng, trong đó có 1 vidicon thì sẽ cho mang bo mạch lỗi về. Đến đây thì ông chuyên gia phì cười, nhận lời và bảo sẽ gửi sang sớm nhất.

Với vidicon và phụ tùng phía Nhât gửi sang, Kiều Vĩnh Khánh lắp một camera TH, khác với cái mà Hoàng Ninh đã lắp là hoàn toàn bán dẫn hóa. Thì ra sau khi được Bác Hồ khen ngợi trong bộ môn KT VTĐ đã hình thành một nhóm nghiên cứu thiết kế, lắp ráp hệ truyền hình vô tuyến, với hy vọng Bác không đến xem được thì sẽ truyền qua sóng đến nhà sàn của Bác. Đầy tự tin, nhóm này đặt mốc thời gian là sẽ trình diễn tại Đai hội lần thứ 10 của Đảng bộ ĐHBK.

Phó Chủ nhiệm bộ môn Phan Hữu Huân làm nhóm trưởng lo tạo mọi điều kiện vật tư và thiết bị, Kiều Vĩnh Khánh chế tạo camera, Trịnh Duy Thăng, Nguyễn Tiêu chế tạo máy phát, phát sóng trên kênh 3 (chuẩn OIRT).

Đúng ngày 15/8/1969, vào phiên khai mạc Đại hội Đảng bộ Bách khoa lần thứ 10, nhóm nghiên cứu đã trình diễn buổi phát thử VTTH đầu tiên. Để chứng minh “thực sự là Truyền hình Vô tuyến”, anh em đặt máy phát tại tầng 3 nhà C để truyền sóng đến hội trường 250 và đặt 2 máy thu hình lớn tại phòng họp. Chương trình buổi phát hình cũng giống như hôm trình diễn TH cáp, chỉ khác là anh Nguyễn Văn Ngọ thay mặt bộ môn đọc lời chào mừng Đại hội, và MC là sinh viên Bùi Thiên Hương, ái nữ Bí thư Đảng ủy Bùi Nguyên Cát. Kết quả thu chương trình cả về hình ảnh và âm thanh đều đẹp.

Sau đó theo yêu cầu của lãnh đạo bộ Đại học, nhóm nghiên cứu đã phục vụ cuộc học tập chính trị gần 4 tháng của cán bộ tất cả các trường đại học tại các giảng đường lớn ở trường Bách khoa và trường Kinh tế quốc dân, thông qua các máy thu vô tuyến tiếp nhận chương trình phát đi từ hội trường C2 Bách khoa. Nhờ chuẩn bị kỹ nên suốt thời gian phục vụ không xảy ra sự cố kỹ thuật nào làm gián đoạn chương trình, dù chỉ là trong thời gian ngắn. Cuối hội nghị, nhóm nghiên cứu và bộ môn được Bộ Đại học khen. Bộ môn Kỹ thuật VTĐ năm đó được công nhận là tổ Lao động XHCN.

Ngoài đề tài VTTH, Kiều Vĩnh Khánh vẫn tiếp tục giúp đỡ kỹ thuật bệnh viện Bạch mai. Uy tín của anh trong giới Điện tử Y tế ngày càng lớn. Ngày 24-4-2003 anh được bầu vào Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Kỹ thuật Thiết bị y tế (Bộ Y tế), sánh vai cùng với các chuyên gia đầu ngành Y như các vị GS. Vũ văn Đính, Phạm Gia Khôi, Phạm Gia Khải, Hoàng Đức Kiệt, Mai Trọng Khoa,v.v..Nhờ uy tín và sự quen biết các chuyên gia ngành Y, Kiều Vĩnh Khánh đã giúp đỡ một số thầy giáo trường BK và bạn bè ốm nặng tới được các bệnh viện chuyên khoa gặp đúng thầy, đúng thuốc chữa trị chóng khỏi bệnh.

Nguyễn Văn Ngọ, Phan Anh, Kiều Vĩnh Khánh, Trần Thúc Vân là những chuyên gia được Bộ Khoa hoc-Công nghệ và Bộ Kế hoạch-Đầu tư thường xuyên mời thẩm định các quy hoạch 5 năm và các dự án đầu tư lớn của Đài Phát thanh TNVN và Đài THVN. Kiều Vĩnh Khánh nghiên cứu các văn bản trình lên rất kỹ, rất ít khi các quy hoạch và dự án nói trên được thông qua ngay từ lần đầu tiên đưa ra trình bày. Chẳng hạn dự án xây mới trung tâm truyền hình trung ương bằng vốn vay ODA của chính phủ Nhật. Tất nhiên ODA nước nào cho vay thì phải mua thiết bị của nước ấy, nhưng bản kê khai thiết bị do một công ty Nhật cung cấp có tính đóng kín hoàn toàn, nghĩa là thiết bị không tương thích với thiết bị của bất cứ công ty nào khác trên thế giới, kể cả những công ty Nhật khác. Như vậy về mặt thiết bị trung tâm truyền hình trung ương mãi mãi về sau hoàn toàn phụ thuộc công ty này. Kiều Vĩnh Khánh phát hiện ra và chúng tôi không chấp nhận bản dự án. Về sau Đài THVN thương lượng lại với phía Nhật, vẫn là mua thiết bị Nhật nhưng phương án thiết bị mở hơn, có thể mua thiết bị ở nhiều hãng Nhật và một vài thiết bị quan trọng có thể tương thích với phương Tây.

Thầy Kiều Vĩnh Khánh là thế, một con người có tâm, có tài, nhưng không chịu khuất phục trước một sự cám dỗ nào, ứng xử đôi khi quá “cứng”. Những năm cuối đời thầy đau ốm luôn. Thầy có một ít kiến thức y học, có tập thiền, được bạn bè trong ngành y quan tâm chăm sóc, nhưng sau sự ra đi bất ngờ vì tai nạn của người con trai đầu là một giảng viên trẻ ĐHBK mà thầy từng đặt nhiều hy vọng, thầy hụt hẫng hẳn và ra đi vào đầu tháng 11/2011

Nguyễn Văn Ngọ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.