Những Người Bách khoa đã đi xa – PGS Ngô Đức Dũng

GS Nguyễn Văn Ngọ, nguyên Chủ tịch Hội, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Vô tuyến điện Đại học Bách khoa Hà nội thời kỳ 1958-1975 kể

Nhân dịp 15/10/2016 kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường Đại học Bách khoa, tôi viết mấy bài về những người đã xây dựng ngành Vô tuyến điện của trường từ những ngày đầu mà nay không còn nữa: người anh cả Nguyễn Như Kim (Chủ nhiệm khoa), và các PGS Bùi Minh Tiêu, Kiều Vĩnh Khánh, Hoàng Ninh. Lúc ấy tôi vẫn mừng là trong những vị “khai quốc công thần” ngày xưa nay vẫn còn mấy cây cổ thụ: Phan Anh, Ngô Đức Dũng, Trần Đức Hân, Phương Xuân Nhàn, Nguyễn Đức Phong.

 

Thật không may, chỉ một tháng sau, ngày 16/11/2016  PGS Ngô Đức Dũng đã ra đi!

Ngô Đức Dũng là sinh viên khóa 1 ngành VTĐ, sau khi học xong 3 năm được lấy lên bộ môn VTĐ làm việc để bồi dưỡng thành CBGD cùng với các anh Nguyễn Đức Phong, Phan Anh, Kiều Vĩnh Khánh, Nguyễn Văn Thuyên, Nguyễn Huy Viễn  (khác với mấy người bạn cùng lớp là anh Trần Đức Hân, Trương Văn Cổn, Hoàng Gia Khánh, Phạm Trung Tâm, được cử sang học tiếp hai năm nữa ở khoa Pадиотехниka trường ĐH Năng lượng Matxcova МЭII rồi mới trở về bộ môn VTĐ làm việc).

 

Học trung học phổ thông ở Hà nội trước 1954, Ngô Đức Dũng đã có trình độ tiếng Pháp tốt do đó vào đại học anh học tiếng Nga cũng nhanh, vì thế đã phụ giúp tôi dịch quyển sách giáo khoa Liên xô “Thiết bị Phát xạ Vô Tuyến Điện” của tác giả C.A. Drôbôv dày 673 trang, được NXB Giáo dục xuất bản năm 1962. Khi nhận tiền nhuận bút, tôi chia cho anh theo phần lao động đã đóng góp, nhưng anh một mực chối từ, nói là để mừng anh chị sinh cháu trai đầu lòng. Bản chất Ngô Đức Dũng là như vậy, luôn nhiệt tình giúp thầy giúp bạn hết mình: khi căn nhà 2 tầng của bố mẹ anh bị nhà nước lấy mất tầng trên, dồn bà mẹ, em gái, và vợ chồng con cái anh xuống tầng 1, anh đã nhanh trí mách và vận động cho anh Nguyễn Đức Phong bạn học cùng lớp và là CBGD cùng bộ môn xin thuê luôn tầng 2 (khi đó CBGD trường ĐHBK đang được ưu tiên nhất định trong việc thuê nhà ở), kết quả là gia đình anh Phong ở đấy cho đến ngày miền Nam giải phóng và anh được điều động vào chi viện cho trường ĐHBK TP Hồ Chí Minh.

 

Khi còn trẻ, Ngô Đức Dũng dong dỏng cao, nét mặt thanh tú, hiền hậu. Anh họ Ngô nên thời sinh viên các bạn học gọi chệch sang là “ngố”, nghe nói rằng để “cù” anh em đôi lúc anh cũng giả ngố, nhưng tôi chưa thấy anh “ngố” bao giờ. Cái tôi biết rõ là anh không bao giờ thể hiện ra mình “khôn” hơn người, nhất mực khiêm tốn và nhường nhịn. Trong công tác chuyên môn cũng như khi đi làm lao động chân tay, khi các bạn nhận những phần việc khác rồi thì anh nhận phần còn lại, không so đo, tính toán dại khôn. Có lẽ vì thế mà trong lĩnh vực chuyên sâu anh đi vào “Điện tử công nghiệp”, môn học mà khi đi thực tế toàn đến những xí nghiệp chẳng dính dáng gì đến nghề Vô tuyến, Viễn thông, Phát thanh, Truyền hình, chỉ có dây chuyền sản xuất của họ sử dụng đến thiết bị điện tử, tin học, tự động học, ví dụ như nhà máy phân đạm, nhà máy xi măng, v.v… Muốn hiểu thiết bị điện tử công nghiệp trong một dây chuyền trước hết phải tìm hiểu rõ về ngành công nghiệp sử dụng nó.

 

Vì lý do thành phần gia đình (thực ra cũng chỉ là tiểu tư sản) nên suốt thời gian trai trẻ không được cử đi thực tập sinh, nghiên cứu sinh ở nước ngoài bao giờ, anh Ngô Đức Dũng tự học và nghiên cứu khoa học, trở thành PGS chủ nhiệm bộ môn “Điện tử Công nghiệp” của trường ĐHBK Hà Nội, và đã được tôn vinh thành chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực điện tử công nghiệp ở nước ta.

 

 Tuy là thế, nhưng khi xã hội có nhu cầu PGS Ngô Đức Dũng vẫn hành nghề Vô tuyến Truyền thông được. GS Phan Anh kể lại rằng vào những năm 1990 -1992, khi nhu cầu phát triển các đài phát truyền hình ở các địa phương tăng cao,  anh Dũng đã tham gia trong nhóm  cán bộ giảng dạy của Khoa Vô tuyến Điện tử – Thông tin lúc đó gồm  mấy anh em là Kiều Vĩnh Khánh, Phan Anh, Nguyễn Khuyến đi xây dựng Truyền hình địa phương cho một số tỉnh như Phú Yên, Khánh hòa. Bản thân tôi, khi tổ chức các cuộc trình diễn kỹ thuật của các tập đoàn Công nghệ Vũ trụ Pháp hoặc châu Âu ở Hà nội vẫn mời các PGS Phương Xuân Nhàn, Ngô Đức Dũng đến giúp phiên dịch tiếng Pháp.

 

PGS Ngô Đức Dũng cũng là một cán bộ hoạt động tích cực trong các tổ chức hội nghề nghiệp. Khi Hội Vô tuyến-Điện tử Việt nam chưa có quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cho phép thành lập, các anh Phan Anh, Ngô Đức Dũng, Hoàng Văn Nghiên, Quách Tuấn Ngọc, Nguyễn Minh Hiển có sáng kiến xin phép chính quyền TP Hà nội cho thành lập Hội Vô tuyến-Điện tử Bách khoa. Hội này ra mắt vào tháng 5/1988, do anh Phan Anh làm Chủ tịch, anh Ngô Đức Dũng làm Phó Chủ tịch. Đến ngày 17/12/1989 Hội Vô tuyến-Điện tử Việt nam (REV) ra đời, Đại hội I của REV kết nạp Hội VT-ĐT Bách khoa làm Chi hội đầu tiên của mình. Phan Anh được bầu làm Phó Chủ tịch, Ngô Đức Dũng làm ủy viên BCH Hội Trung ương, kiêm Chủ tịch Chi hội Bách khoa. Chi hội Bách khoa do anh Ngô Đức Dũng làm chủ tịch đã hoạt động rất sôi nổi, đem lại nhiều đóng góp cho cộng đồng, trong đó có việc liên kết đào tạo nhiều thế hệ công nhân Vô tuyến điện giữa Trường ĐHBK và Hội VTĐT VN.  

 

Về cuối cuộc đời công tác, PGS Ngô Đức Dũng có đi làm chuyên gia giáo dục ở Algerie một nhiệm kỳ. Đi cho “biết đó biết đây” thôi, hồi đó đi chuyên gia châu Phi chủ yếu là để mang ngoại tệ về cho nhà nước, chỉ dành được khoảng 20% khoản lương do bạn trả cho sinh hoạt cá nhân tại chỗ và gửi về gia đình. Đó cũng là một cống hiến nữa của những thầy như Bùi Minh Tiêu, Kiều Vĩnh Khánh, Ngô Đức Dũng.

 

Sau khi về nước, PGS Ngô Đức Dũng tiếp tục giảng dạy và thường được các trường đại học ở phía Nam mời vào thỉnh giảng. Dù đã gần đến tuổi nghỉ hưu nhưng PGS Ngô Đức Dũng vẫn hết lòng vì các thế hệ sinh viên của Bách Khoa. Anh thường thức rất khuya để chấm bài và trong một đêm cuối năm 2000, anh đã bị đột quỵ trong một lần thức đọc thiết kế tốt nghiệp cho sinh viên.

 

Trong 16 năm sau đó, dù được gia đình tận tình săn sóc anh hồi phục và duy trì được cuộc sống, nhưng không còn khả năng làm việc. Nhớ thầy, PGS Ngô Đức Dũng thỉnh thoảng gọi điện thoại cho tôi, anh em trò chuyện, nhưng sức khỏe anh kém dần, có lần tôi lên thăm anh còn gượng ngồi tiếp chuyện, nhưng sau đó ít lâu gọi đến thì người nhà đã phải tiếp hộ điện thoại!!

 

Năm 2015, trong một cuộc họp quốc tế tại Hà nội, tôi may mắn được gặp trưởng nam của PGS Ngô Đức Dũng, anh Ngô Việt Khôi, lúc bấy giờ đã là Country Manager tại Việt Nam của một công ty Bảo mật lớn trên thế giới. Anh chủ động gặp tôi, tự giới thiệu và hai bác cháu đã cùng ăn trưa để ôn lại những kỷ niệm về bố cháu.

 

 Ngày 16/11/2016 được người bạn thân Đào Đức Thành báo tin dữ PGS Ngô Đức Dũng đã đi xa, hai vợ chồng tôi tuổi cao, sức yếu không đi tiễn đưa được, nay viết lại mấy dòng nầy coi như nén tâm nhang viếng hương hồn người bạn mà chúng tôi hết sức yêu quý và kính trọng.

 

PS. Theo tôi biết PGS Ngô Đức Dũng cũng có một số đóng góp KHKT trong lĩnh vực quốc phòng, nhưng vì tính khiêm tốn và cẩn trọng anh không nói ra.

 

Nguyễn Văn Ngọ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.