GS Nguyễn Văn Ngọ sưu tầm và giới thiệu
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập trường Đại học Bách khoa tôi lần lượt đăng (hoặc đăng lại bài của tác giả khác) về một số thầy giáo có công trong việc xây dựng ngành Vô Tuyến Điện từ những ngày đầu mới thành lập trường, nay đã quá cố. Bài nầy nói về thầy Bùi Minh Tiêu do cố đại tá Đỗ Đức Dục, nguyên Tham mưu phó Tổng cục Kỹ thuật QĐNDVN, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 2 viết và đăng trong Nội san của Chi hội Chuyên gia VTĐT lâu năm.
Nói đến anh Tiêu tôi muốn nói đến người bạn cùng gắn bó với tôi suốt cuộc đời. Trong thời gian 1962-1964, anh là thầy của tôi ở lớp Vô Tuyến Điện tại chức ban đêm khóa 1 Bách khoa Hà nội.
Giữa năm 1962 nhân buổi đến thăm anh tại căn nhà ổ chuột cạnh nhà ăn tập thể Bách khoa, tôi bộc lộ ý muốn nâng cao trình độ hiểu biết về VTĐ, để trên cương vị chủ nhiệm quân giới của Bộ Tư lệnh Phòng không đáp ứng được yêu cầu về quản lý chỉ đạo trang bị kỹ thuật điện tử ngày càng nhiều của đơn vị. Anh thủ thỉ với tôi “mình vừa dạy xong khóa 1 chính quy về VTĐ, trường đang mở lớp VTĐ tại chức ban đêm cho cán bộ các cơ quan trung ương và Hà nội. Cậu muốn học thì học ngay khóa này. Cậu chỉ học 2 năm, không phải học các môn cơ bản vì đã học xong đại học..”. Thế là mấy tháng sau tôi trở thành học trò của bạn.
Anh Tiêu sinh ngày 10-01-1922 cùng tuổi với tôi. Anh ở trong một gia đình công chức, bố người Bắc mẹ người Huế, giống hệt tôi. Không rõ vô tình hay hữu ý mà anh khai quê hương tôi là quê anh. Trước khi tôi viết bài nầy, chị Châu vợ anh còn nói “anh Tiêu nói anh ấy không biết quê ở đâu chỉ ghi theo quê anh Dục ở xã Dục tú, Từ Sơn, Bắc ninh”.
Hai gia đình tuy ở không xa nhau trong thành phố Huế, nhưng đến tháng 9-1941 hai chúng tôi mới gặp nhau ở lớp Tú tài phần thứ nhất trường Khải Định Huế rồi sau đó ít lâu vào hướng đạo trong toán Tráng sinh (routier) Tây Kết. Học xong Tú tài toàn phần, tôi ra Hà nội học lớp Kỹ sư Công chính thì anh phải vào quân đội Pháp học trường võ bị ở Tong (Sơn Tây) vì gia đình vào làng Tây. Khi Nhật đảo chính Pháp anh bỏ hàng ngũ quân đội về với tôi ở Hà nội. Tôi được đi thực tập kỹ sư ở Chợ Lớn, tôi đưa anh cùng đi. Từ cuối tháng 3-1945 đến cuối tháng 9-1945 hai anh em sống đạm bạc với phụ cấp ít ỏi của một học sinh-kỹ sư của tôi. Ngoài giờ làm việc tôi thường hay trao đổi với anh về thời cuộc. Chẳng bao lâu chúng tôi may mắn cùng tham gia cướp chính quyềnở Sài Gòn rồi tham gia chiến đấu những ngày đầu của Nam bộ kháng chiến
Ngày 22-10-1945 hai chúng tôi trở về Huế. Ngày hôm sau tôi vào ngay bộ đội giải phóng. Anh Tiêu muốn vào nhưng không được. Tôi ở bộ đội Huế cho đến cuối tháng 3-1946 được gọi về Hà nội học nốt những tháng cuối cùng của khóa kỹ sư công chính. Anh Tiêu vẫn ở Huế chưa biết xoay xở thế nào. Tháng 8-1946 anh Tiêu lại ra Hà nội ở cùng tôi trong Việt nam Học xá. Anh xin đăng ký vào trường thú y . Hồi nầy tôi không có phụ cấp gì của chính quyền cách mạng cả, tôi đành vay mượn người quen sống kham khổ nuôi nhau qua ngày chờ lúc ra trường sẽ thanh toán. Những ngày trước kháng chiến toàn quốc, hai chúng tôi không chỉ căng thẳng về tinh thần mà cả về vật chất.
Cái gì phải đến đã đến. Kháng chiến bùng nổ, chúng tôi sát cánh bên nhau trong số 30 người còn lại của khu học xá, chiến đấu ở Bạch mai thuộc Liên khu 2 của mặt trận Hà nội. Có những ngày chúng tôi được điều lên đầu phố Huế giáp với Nguyễn Du tìm Pháp để đánh. Sau đó toàn bộ anh em chúng tôi được Bộ Quốc phòng điều đi huấn luyện dân quân du kích chung quanh Hà nội. Nhóm chúng tôi có 6 người trong đó có anh Tiêu và tôi đi khắp các phủ huyện ở Bắc ninh huấn luyện cho các làng xã chiến đấu. Dân quân du kích đươc huấn luyện thực hành tác chiến giữ làng, ngay sau đó đã rất có kết quả. Một điều bất ngờ đối với chúng tôi là làng Đình Bảng được anh em chúng tôi nghiên cứu xây dựng thành làng kháng chiến kiểu mẫu vào tháng 3-1947 lại là làng kháng chiến đầu tiên xây dựng theo mô hình đó trong cả nước
Giữa tháng 4-1947 chúng tôi được Bộ Quốc phòng điều lên Việt Bắc nhận nhiệm vụ mới. Anh Tiêu và tôi xung phong vào Nha Nghiên cứu Kỹ thuật cục Quân giới để nghiên cứu về vũ khí mới. Anh Tiêu đi về cơ khí, tôi về xạ thuật (balistique). Gần suốt cuộc kháng chiến chống Pháp hai chúng tôi ở Nha NCKT sau đổi thành Viện nghiên cứu quân giới. Những vũ khí mới mà Việt nam ta nghiên cứu chế tạo thành công trong hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn ở núi rừng Việt Bắc đã làm cho đế quốc Pháp kinh hoàng (Badôca, A.T, S.K.Z, v.v..) anh Tiêu đã góp phần đáng kể trong lĩnh vực cơ khí.
Tháng 4-1953 anh Tiêu được đi học ở Trung quốc tại trường Đại học Thanh hoa (Bắc Kinh) về VTĐ. Đến 1959 thì về Bách khoa dạy ngay khóa 1 VTĐ. Hồi này khóa 1 vừa học xong phần khoa học cơ bản và kỹ thuật cơ bản. Các môn anh Tiêu tham gia giảng dạy ở Bách khoa thì nhiều nhưng chủ yếu là 3 môn: Kỹ thuật Xung (lớp tại chức khóa 1 học môn KT Xung với anh Tiêu là chính), Lý thuyết truyền tin, và Kỹ thuật số. Anh Tiêu có viết và xuất bản thành sách giáo khoa về hai vấn đề sau. Khi đi học ở Đại học Thanh hoa anh Tiêu là người đã trưởng thành, đã có thực tế công tác, do đó khi giảng dạy anh hay ứng dụng lý thuyết vào thực hành.
Về lề lối làm việc anh đọc nhiều nhưng đọc có chọn lọc. Trước một vấn đề anh hay lật ngược lại, suy xét trên nhiều mặt, anh không phải là người dễ tin mà thường có nghi ngờ khoa học (doute scientifique). Có người bảo anh là gàn nhưng không phải, vì tin phải có cơ sở khoa học.
Thẳng thắn, thủy chung với bạn bè, độ lượng với cấp dưới, với sinh viên, anh được nhiều người mến. Mặc dầu không có cương vị to tát trong đời “bán phổi”, cao nhất là tổ trưởng bộ môn nhưng anh là người có uy tín trong ngành VTĐ.
Trước khi nghỉ hưu anh được đi làm chuyên gia ở châu Phi giảng dạy VTĐ ở trường Đại học Brazzaville (Congo) trong 2 năm 1994, 1995. Về nước vừa củng cố xong hậu phương thì ngả bệnh. Nhiều năm trước đấy anh đã bị hen nặng. Ngày 20-04-1996 thì hôn mê. Đúng ngày này 36 năm về trước anh đã xây dựng gia đình. Ngày 12-11-1996 anh mất trong niềm thương tiếc của gia đình và đồng đội, đem theo những nỗi buồn riêng mà sinh thời anh chỉ bộc lộ với một vài người thân.
Đỗ Đức Dục
Hà nội ngày 07-11-1998
Phần Bổ sung của GS Nguyễn Văn Ngọ:
Thầy giáo Bùi Minh Tiêu được phong học hàm Phó Giáo sư năm 1980. Khi xét các công trình NCKH của ông, Hội đồng Chuyên ngành đánh giá cao 3 công trình sau đây: (i) “Thông tin nhiều đường”, thiết kế – chế tạo ra một hệ thống 8 đường ( dùng đèn điện tử) hoàn chỉnh dùng cho giảng dạy trong PTN Kỹ thuật Xung-Số, đồng thời giúp Đài TNVN phục hồi hệ thông tin 8 đường bán dẫn hóa DM 400 điều chế Delta do Hungari sản xuất bị ngâm nước trong một trận lụt lớn; (ii) tham gia tổ nghiên cứu mang mật danh GK, có nhiệm vụ “nghiên cứu, thí nghiệm nhằm phát hiên tính năng, cơ chế các loại bom, mìn, thủy lôi của địch, trên cơ sở đó đề xuất các biện pháp rà phá hoặc làm tê liệt các vũ khí nói trên, phục vụ cho việc giải tỏa, khai thông luồng lạch song, đường sắt, đường bộ”. Cống hiến quan trọng nhất của các thầy giáo bộ môn VTĐ Bùi Minh Tiêu và Đào Đức Thành là sử dụng kiến thức về Mạch Xung-Số đọc được mạch logic trong đầu điều khiển nổ MK-42 của thủy lôi Mỹ, từ đó tìm ra cách vô hiệu hóa nó; (iii) tham gia tổ nghiên cứu của bộ Quốc phòng, cùng với các thầy giáo trường ĐH Tổng hợp (Đàm Trung Đồn, Nguyễn Hữu Xý) khai thác xác máy bay khu trục Mỹ F111 do bộ đội phòng không của ta bắn hạ được để tìm hiểu chương trình bay của nó, độc lập với tổ chuyên gia do Liên xô cử sang làm cùng nhiệm vụ. Tổ chuyên gia Việt nam đã đi đến kết quả cuối cùng trước, được tổ chuyên gia Liên xô thừa nhận.