Những người bạn Việt kiều thân thiết của Hội

Viết về Lịch sử Hội không thể không nhắc đến những người bạn Việt kiều đã có những đóng góp rất quan trọng trong sự phát triển Hội những năm qua về nhiều mặt, trong số đó có những người nay không còn nữa.

Lời tựa

Viết về Lịch sử Hội không thể không nhắc đến những người bạn Việt kiều đã có những đóng góp rất quan trọng trong sự phát triển Hội những năm qua về nhiều mặt, trong số đó có những người nay không còn nữa.

Những người bạn mà Hội sẽ mãi ghi nhớ trong Lịch sử phát triển của mình có thể kể đến là GS Nguyễn Đình Thông (Việt kiều Úc, đã mất), GS Đặng Lương Mô (Việt kiều Nhât), GS Đào Trọng Tích (Việt kiều Mỹ, đã mất) và người bạn thân của ông là GS Maurice Bellanger (Pháp) mà thông qua ông cũng đã trở thành người bạn thân thiết với Hội, GS Lê Ngọc Thọ và GS Vương Thanh Sơn (Việt kiều Canada), GS Vương Thanh Xuyên (Việt kiều Mỹ)… Cuối cùng, một người bạn đặc biệt – GS Huỳnh Hữu Tuệ (Việt kiều Canada) là người đã mang tâm huyết, trí tuệ đóng góp cho đất nước trong suốt mấy chục năm qua và đã có công lớn trong việc xây dựng và phát triển Hội.

Trong bài viết này, tôi xin được nhắc đến hai người bạn mà theo tôi là thân thiết, gắn bó nhiều nhất với Hội cũng như với cá nhân tôi, đó là Giáo sư Nguyễn Đình Thông – Việt kiều tại Úc và Giáo sư Huỳnh Hữu Tuệ – Việt kiều tại Canada.
                                                   
PHẦN I
                             

GIÁO SƯ NGUYỄN ĐÌNH THÔNG

                  
GS Nguyễn Đình Thông, ảnh chụp năm 2007 tại Việt Nam 

 

Tôi được gặp anh Thông lần đầu tiên là tại Đại học Bách khoa Hà Nội, vào thời gian sau khi nước ta vừa trải qua những năm tháng chiến tranh và đất nước vừa được thống nhất. Lúc này, anh Thông đang sống và làm việc với cương vị Giáo sư tại một Đại học ở New Zealand, giảng dạy trong lĩnh vực Điện – Điện tử.

Anh có một người anh trai là anh Nguyễn Đình Tùng – cán bộ ngành Điện lực ở Hà Nội, đó là lý do mà anh đã về thăm lại đất nước ngay sau khi cuộc chiến vừa kết thúc.

Là một Việt kiều yêu nước, chuyện về thăm gia đình của anh Thông còn một mục đích nữa là mang về một cái gì đó để đóng góp cho đất nước sau chiến tranh. Có lẽ vì anh cũng là một thầy giáo, một chuyên gia trong lĩnh vực Điện tử nên anh hiểu cái gì là quý đối với những người thầy giáo và những cơ sở giảng dạy lĩnh vực này ở một đất nước vừa trải qua chiến tranh, vì thế anh đã nhắm tới Đại học Bách khoa Hà Nội và đưa về cho Khoa Vô tuyến Điện tử của trường một số tài liệu chuyên môn để giảng dạy và đặc biệt là  đã mang theo rất nhiều linh kiện điện tử phục vụ cho công tác thí nghiệm và nghiên cứu khoa học để  tặng Khoa. Đó là món quà vô cùng quý giá đối với Khoa Vô tuyến – Điện tử chúng tôi lúc bấy giờ, do TS Hoàng Ninh làm chủ nhiệm Khoa. 

Nhiều năm trôi qua, tôi đi tu nghiệp, “thực tập sinh cao cấp”ở nước ngoài. Trởvề Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1987, tôi giữ trách nhiệm Chủ nhiệm Khoa Vô tuyến Điện tử – Thông tin và được gặp lại anh Thông trong một lần anh về thăm đất nước và tới thăm trường. Lúc này anh đã chuyển về Úc và giữ trách nhiệm Chủ nhiệm khoa Điện – Điện tử của Đại học Tasmania.

Chúng tôi đã trở nên thân thiết hơn khi anh kể lại lai lịch chuyên môn của mình từ một chuyên gia trong lĩnh vực Anten (cùng chuyên môn như tôi) rồi chuyển sang các lĩnh vực khác của thông tin để kịp thời đáp ứng các yêu cầu phát triển rất nhanh của ngành Điện tử – Viễn thông. Mỗi lần về nước, anh lại đem đến cho chúng tôi nhiều tài liệu quý cho giảng dạy. Khoa tôi đứng ra tổ chức những buổi seminar để anh thuyết trình không chỉ giành cho cán bộ giảng dạy trong Khoa mà còn cho các cán bộ chuyên môn ở các cơ sở ngoài trường để nắm bắt những kiến thức mới, cập nhật trong lĩnh vực Viễn thông, Xử lý tín hiệu và Kỹ thuật máy tính. 

Sau này, tôi được GS Nguyễn Văn Ngọ cho biết cụ thân sinh ra anh Thông cũng là một nhà giáo và GS Ngọ, thời niên thiếu, chính là một trong những học trò của cụ.

 Hội Vô tuyến Điện tử được thành lập cuối năm 1988, thời gian đó anh Thông cũng đang có mặt ở Hà Nội và anh đã rất vui khi được biết thông tin này.Anh cho biết ở Úc có Hội Kỹ sư Úc bao gồm nhiều lĩnh vực và anh cũng là Hội viên. Chúng tôi đã bàn với nhau về việc hợp tác, lúc đó cũng chưa hình dung ra là sẽ hợp tác gì vì thi thoảng anh mới về, nhưng sau này chuyện đó đã trở thành hiện thực.

Năm 2001, tôi chuyển công tác về Đại học Quốc gia Hà nội, đảm nhận công viêc đầu tiên là tổ chức Trung tâm Nghiên cứu Điện tử Viễn thông tại Khoa Công nghệ và giữ trách nhiệm Giám đốc Trung tâm. Còn về phía Hội, tôi vẫn giữ trách nhiệm Phó Chủ tịch phụ trách Khoa học Kỹ thuật, là người chịu trách nhiệm chính việc tổ chức các Hội nghị khoa học toàn quốc REV định kỳ 2 năm một lần của Hội. Năm ấy khi gặp lại anh Thông trở về VN, thật vui mừng, chúng tôi đã nhanh chóng thỏa thuận với nhau về chuyện cộng tác trên cả phương diện chuyên môn tại Trung tâm Nghiên cứu và trên cả phương diện hoạt động của Hội mà chủ yếu là trong việc tổ chức các hội nghị khoa học REV. Cần nói thêm rằng việc TS Trịnh Anh Vũ, cán bộ của Trung tâm được anh nhận làm Thực tập sinh khoa học tại Đại học Tasmania và việc anh Nguyễn Quốc Tuấn,  được anh nhận hướng dẫn khoa học cho đề tài NCS là nằm trong số những kết quả bước đầu của sự hợp tác nói trên mà sau này sự hợp tác đó còn được phát triển lên các mức cao hơn đối với Trường Đại học Công nghệ. Anh được Đại học Công nghệ mời làm Giáo sư thỉnh giảng của trường, mỗi năm về nước lại giảng một chuyên đề nào đó cho học viên cao học và làm việc cùng các NCS .

 

Kỷ niệm với anh Thông trong một chuyến đi thăm Đài PT-TH Lạng Sơn cùng các cán bộ của khoa Điện tử Viễn thông, trường ĐHCN – Ảnh chụp tại Lạng Sơn,  tháng 11 – 2007

Trở lại phía hợp tác với Hội. 

Năm 2002 là năm sẽ diễn ra Hội nghị khoa học toàn quốc REV lần thứ 8 (REV’2002). Anh Thông cũng đồng tình với chúng tôi về chủ trương nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp để dần đưa các hội nghị REV lên tầm quốc tế. REV’2002 là bước chuyển biến từ hội nghị KH dùng ngôn ngữ tiếng Việt lên hội nghị dùng ngôn ngữ tiếng Anh. Ban Chương trình HN đã được hai anh Nguyễn Đình Thông và Huỳnh Hữu Tuệ (lúc đó anh Tuệ cũng đang làm việc tại Khoa Công nghệ theo lời mời của Chủ nhiệm Khoa, GS Nguyễn Văn Hiệu) hỗ trợ rất hiệu quả trong việc xét duyệt các báo cáo để tránh những sơ suất về nội dung chuyên môn cũng như về Anh ngữ.

Tiếp theo hai hội nghị REV’2004 và REV’2006 lần nào anh Thông cũng trở về VN tham dự: đóng góp báo cáo, chủ trì phân ban chuyên môn và thuyết trình những Tutorial miễn phí trong khuôn khổ hội nghị, với những chủ đề “nóng” về chuyên môn do anh đề xuất để giúp đào tạo các cán bộ nghiên cứu trẻ. 

Các hội nghị REV từ 2002 đến 2006 đều sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh nhưng sự tham gia của khách nước ngoài vẫn ở mức khiêm tốn vì dù sao thì REV vẫn chỉ là hội nghị mang tầm quốc gia của VN. Anh Thông đã nhận xét như vậy và bàn với chúng tôi về việc cần nhanh chóng đưa REV trở thành Hội nghị quốc tế . 

Hội nghi quốc tế lần thừ nhất ATC’2008 do REV và IEEE ComSoc đồng tổ chức tại Hà nội, và do trường Đại học Công nghệ đăng cai đã thành công với sự đóng góp không nhỏ của anh Thông. Tại hội nghị này, ngoài báo cáo khoa học, anh Thông còn tham gia cuộc thảo luận Panel Discussion về chủ đề Thông tin di động băng rộng, trong đó anh đã trình bầy về chủ đề WiMax được nhiều người quan tâm. Với các ATC tiếp theo, anh Thông luôn có mặt và là thành viên trong Ban Liên lạc quốc tế (International Liaison Committee) để vận động các học giả các nước thuộc khu vực Châu Á, châu Úc tham gia hội nghị.

Anh Thông đã ra đi đột ngột tại thành phố Đà nẵng ngày 13 tháng 5/2014 trong lần anh về dự Hội nghị ComManTel’ 2014 tại Đại học Duy Tân Đà Nẵng do Hội Vô tuyến Điện tử VN đồng tổ chức mà bản thân anh cũng là thành viên Ban tổ chức của hội nghị này.

Trong email gửi anh ngày 12/5/2014 được trích dẫn dưới đây tôi không biết rằng lúc đó anh đã đang ở trong tình trạng nguy kịch tại Bệnh viện thành phố:

 

“Chào anh Thông. Tôi nhận được báo cáo của Ban tổ chức ComManTel 2014 về kết quả của hội nghị này tại ĐH Duy Tân – Đà Nẵng, tôi biết là đã có sự đóng góp của anh trong đó.

Năm nay trường ĐH Công nghệ tổ chức kỷ niệm thành lập trường vào giữa tháng 10 cũng trùng vào dịp ATC 2014 của REV tổ chức tại Hà nội (do Học viện BCVT đăng cai). Tôi vẫn còn giữ trách nhiệm Steering Chair của Hội nghị này nên muốn mời anh nhân dịp về dự lễ kỷ niệm của ĐHCN thì tham dự ATC luôn. Nếu anh đồng ý thì tôi sẽ đề nghị BTC mời anh tham gia vào việc xem xét bài vở cho Hội nghị. Đồng thời với tư cách Steering Chair tôi muốn mời anh tham dự hội nghị như một trong những thành viên sáng lập của ATC.”

Tôi chưa nhận được hồi âm của anh, nhưng chỉ sau đó một ngày thì Trường Đại học Công nghệ gửi đi tin buồn GS Nguyễn Đình Thông đã vĩnh viễn ra đi.

Tin đó đến với tôi quá đột ngột. Tôi đã viết vội đoạn văn sau đây gửi qua email về cho các đồng nghiệp ở trong nước để chia sẻ lòng tiếc thương lớn lao đối với Anh. Đoạn văn đó đã tóm lược những nét chính về những đóng góp của Anh  trên mảnh đất quê hương, được đăng lại trên website của REV như dưới đây:

 

“Đột ngột quá. Không thể tin là anh Thông đã ra đi. 

Không ngờ rằng cuộc gặp mặt với Anh tháng 4 vừa rồi ở Đại hội VI của Hội Vô tuyến Điện tử VN và ở Đại học Công nghệ sau đó lại là cuộc gặp lần cuối của tôi với Anh .

Đối với ĐH Quốc gia, anh Thông là GS Việt kiều Úc đã cộng tác với trường từ

lúc còn là Khoa công nghệ, với Trung tâm nghiên cứu Điện tử Viễn thông và làm việc với tư cách là Giáo sư mời của Đại học Công nghệ từ nhiều năm nay; đã tham gia giảng dạy cho nhiều lớp sinh viên đại học, cao học; đã và đang tận tụy hướng dẫn nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh của trường ĐHCN thực hiện các công trình nghiên cứu; đã giúp ĐHCN xây dựng những đề án mang tầm quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo. 

Đối với Trường Đại học Bách khoa Hà nội, anh Thông là vị GS Việt kiều Tân Tây Lan có mặt rất sớm, từ sau những ngày thống nhất đất nước (1975) để giúp trường mà cụ thể là khoa Vô tuyến Điện tử lúc đó trong việc tổ chức giảng dạy, nghiên cứu với rất nhiều sách vở, tài liệu và linh kiện điện tử mang từ nước ngoài về cung cấp cho Thư viện và các phòng thí nghiệm của Khoa.

Đối với Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam, anh Thông là một Hội viên danh dự đặc biệt, đã có nhiều đóng góp cho REV và cho Liên hiệp các Hội KHKT VN,được Liên hiệp hội VN tặng thưởng huy chương. 

Anh Thông là người đã đóng góp nhiều công sức cho việc tổ chức các Hội nghị khoa học của REV, nhất là từ các hội nghị REV 2002, REV 2004, REV 2006 như diễn giả của các chuyên đề, các báo cáo mời. 

Đặc biệt, anh Thông là một trong những thành viên sáng lập của Hội nghi quốc tế ATC do REV khởi xướng năm 2008 và là người tích cực cổ vũ cho Hội nghị từ phía nước ngoài.

Đối với ICT VN, anh Thông đã có những đóng góp nhất định cho việc xây dựng

và phát triển ngành qua các ý kiến đóng góp, tư vấn ở nhiều phương diện và với nhiều đối tượng trong ngành ICT.

Với tư cách là người bạn, người đồng nghiệp đã từng cộng tác với anh Thông từ khi ở Đại học Bách khoa Hà nội, ở Trung tâm Nghiên cứu Điện tử Viễn thông – ĐHQG Hà Nội và nhiều năm ở Hội Vô tuyến Điện tử VN,  tôi muốn bầy tỏ lòng tiếc thương vô hạn đối với Anh, một Việt kiều yêu nước hiếm có đã đem bầu nhiệt huyết của cả cuộc đời và của những năm tháng cuối đời  mình phục vụ cho đất nước và cuối cùng  đã yên nghỉ trên mảnh đất của tổ quốc thân thương mà anh luôn hướng về trong những năm tháng ở hải ngoại. 

 

PHẦN II
GIÁO SƯ HUỲNH HỮU TUỆ

 

 

Năm 1981, thời gian tôi đang giảng dạy tại Khoa Vô tuyến Điện tử, Đại học Bách khoa Hà nội và chờ chuyến đi thực tập sinh cao cấp ở nước ngoài thì anh Hoàng Nghiên, (Chủ nhiệm khoa lúc đó) cho người mời tôi đến Văn phòng Khoa tiếp khách, với lời giới thiệu ngắn về khách là một vị Giáo sư Việt kiều từ Canada về, đến thăm trường. Đó là lần đầu tôi gặp anh Tuệ tại căn phòng khách nhỏ trên tầng 4 của nhà C9, nơi tọa lạc của Khoa Vô tuyến Điện tử. Cùng đi với anh để giới thiệu và dẫn đường có anh Nguyễn Thúc Loan, TSKH tốt nghiệp ở Liên xô về lĩnh vực Điều khiển tự động.

Biết anh là một nhà khoa học tầm cỡ, chúng tôi tranh thủ hỏi anh về một số xu hướng chuyên môn và về kinh nghiệm đào tạo cán bộ trên đại học ở nước ngoài.  Có một câu nói của anh đã gây ấn tượng mạnh cho tôi là “cán bộ khoa học cần được đào tạo từ lúc còn trẻ, những sáng tạo có được thường là ở độ tuổi không quá 30, còn trên tuổi đó có chăng cũng chỉ như là … vét đĩa”. 

Thời gian đó tôi đang phải chờ Bộ ĐH đàm phán để gửi đi Liên xô làm Thực tập sinh bậc 2 mà thực chất là để làm luận án Tiến sĩ khoa học. Câu nói đó của anh Tuệ còn như một lời khuyên và lời cảnh báo khiến tôi liên hệ ngay tới bản thân và đã nhanh chóng chấp nhận đề xuất của Bộ ĐH chuyển hướng đi Ba Lan, sau khi đã có hơn một năm chờ đợi mà chưa nhận được trả lời từ phía Bộ ĐH Liên xô. Tôi không muốn phí thời gian để phải …“vét đĩa” như lời anh Tuệ đã nói, mặc dù lúc đó Ba Lan vừa trải qua cuộc khủng hoảng chính trị về “Công đoàn Đoàn kết” tình hình kinh tế, xã hội đang rất khó khăn. 

Vào một hôm , tôi tới phòng làm việc của anh Hà học Trạc (Hiệu trưởng) để trao đổi công việc thì được anh Trạc đưa cho một cuốn sách rất dầy bằng tiếng Anh  “Digital Communication by Sattelite” (Thông tin số qua vệ tinh ) trong đó có bút tích của anh Tuệ đề tặng trường. Vào thời gian đó thì Việt Nam bắt đầu tham gia Chương trình Inter-Cosmos của khối SEV do Viện KH VN làm đầu mối, trong đó có mảng nghiên cứu về thông tin vệ tinh. Về phía ĐHBK thì tôi và anh Kiều Vĩnh Khánh được mời tham gia chương trình này, mỗi người chủ trì một đề tài mà Viện Nghiên cứu Bưu điện lại là đơn vị chủ trì. Lúc đó thông tin vệ tinh vẫn còn khá mới mẻ với VN chưa nói đến thông tin số, nên cuốn sách rất quý đối với chúng tôi. 

 

Bẵng đi một thời gian dài, sau chuyến đi thực tập sinh cao cấp và bảo vệ luận án TSKH trở về , tôi nghe nói anh Tuệ vẫn thường hay về nước, giảng dạy các khóa học ngắn bồi dưỡng cho các cán bộ trẻ ở các trường Đại học. Hội Vô tuyến Điện tử VN cũng đã không bỏ lỡ cơ hội, tổ chức những khóa học mùa hè và mời anh Tuệ đến giảng. 

Tôi nhớ một trong những lớp học đó là lớp chuyên đề về công nghệ thông tin CDMA, được hai Trung tâm  của Hội là CST của TS Nguyễn Thanh Tùng và Trung tâm Đào tạo & Tư vấn của anh Phạm Như Thiết phối hợp tổ chức tại số 41 Vũ Thạnh, có đông đảo học viên từ các trường đại học kỹ thuật và các công ty viễn thông đăng ký tham gia.

Mối quan hệ của anh Tuệ với Hội Vô tuyến Điện tử VN dần trở nên gắn bó hơn thông qua những sự việc hợp tác cụ thể từ khi tôi may mắn có điều kiện cùng làm việc với anh, lúc đầu tại Đại học Quốc gia Hà Nội, giai đoạn từ 2001- 2007 và sau nữa là tại Đại học Quốc tế Bắc Hà, giai đoạn từ 2007-2012. Trong suốt thời gian nói trên, ngoài công việc chuyên môn ở trường thì về phía Hội tôi đồng thời giữ các trách nhiệm trong bộ máy lãnh đạo Hội ở cương vị Phó Chủ tịch, rồi PCT/ Tổng Thư ký, rồi Chủ tịch Hội nên rất thuận lợi cho việc kết nối hợp tác giữa anh với Hội. Vấn đề này tôi sẽ nói kỹ hơn ở các đoạn sau. 

Phải nói rằng không có hai anh Nguyễn Đình Thông và Huỳnh Hữu Tuệ tham gia và hỗ trợ thì việc nâng cấp các Hội nghị REV từ một hội nghị quốc gia dùng ngôn ngữ tiếng Việt lên Hội nghị có tầm ảnh hưởng rộng hơn, dùng ngôn ngữ tiếng Anh cũng không dễ đạt tới những kết quả đã có như ngày nay [xem đoạn viết về GS Nguyễn Đình Thông ở trên]. 

Hai mảng hoạt động giữ vai trò quan trọng trong hoạt động khoa học thường niên của Hội những năm sau này là việc tổ chức loạt Hội nghị Quốc tế ATC hàng năm (International Conference on Advanced Technologies for Communications) bắt đầu từ 2008 và việc xuất bản ấn phẩm định kỳ tiếng Anh chất lượng cao JEC của Hội (REV Journal on Electronics and Communications) bắt đầu từ 2011. Có thể nói ở cả hai mảng này thì anh Tuệ đã đóng một vai trò không thể thiếu trong việc tạo dựng, duy trì và phát triển để các hoạt động này đạt được hiệu quả và giành được chỗ đứng như ngày nay [xin xem bài viết “Hội nghị Quốc tế ATC với những bước trưởng thành trong Hợp tác và Phát triển của Hội VTĐT VN” và bài “Tạp chí Điện tử, những bước đường đáng ghi nhớ… Từ Điện tử ngày nay… đến REV JEC”]. 

Ở các hội nghị ATC hàng năm thì anh Tuệ luôn giữ trách nhiệm chủ trì các phiên toàn thể (Plenary Sessions), xuyên suốt từ việc mời các diễn giả là những nhà khoa học có tên tuổi ở nước ngoài trình bầy các báo cáo chủ chốt (Keynote) đến việc điều hành các phiên toàn thể giành cho các báo cáo đó một cách sinh động.

 

 

GS Huỳnh Hữu Tuệ tại hội nghị ATC’2014 , Hà Nội

 

 

GS HH Tuệ trao giải thưởng bài báo xuất sắc tại ATC 2013, Tp HCM

 

Đối với ấn phẩm JEC thì anh là “Kiến trúc sư” và là “linh hồn” cho Tạp chí ở cương vị Tổng biên tập Kỹ thuật (Technical Editor-in-Chief), từ việc góp ý cho thiết kế Tạp chí về hình thức bên ngoài và trình bầy nội dung bên trong, đến việc gọi bài và tổ chức phản biện nhằm đảm bảo chất lượng chuyên môn của mỗi số. Trong suốt 7 năm , kể từ khi chuẩn bị cho việc xuất bản tạp chí năm 2009 – 2010 đến cuối 2016 anh đã đảm nhận trách nhiệm này và qua đó đã góp phần đào tạo được lớp cán bộ trẻ kế cận có đủ năng lực để chuyển giao công việc vào đầu năm 2017 khi anh không có điều kiện ở lại VN lâu hơn, do hoàn cảnh gia đình.  [xem bài “Tiếp tục chặng đường xây dựng và kiện toàn tạp chí JEC”] . 

Trở lại hai giai đoạn mà tôi và anh Tuệ đã có dịp cùng làm việc tại ĐHQG HN và ĐHQT Bắc Hà để nhắc lại đầy đủ hơn về những kỷ niệm và những gì mà anh Tuệ đã đóng góp cho sự phát triển của Hội.

Đầu năm 2001, tôi chuyển công tác từ ĐHBK về ĐHQG Hà Nội theo lời mời của GS Nguyễn Văn Hiệu, Chủ nhiệm khoa Công nghệ – Khoa trực thuộc ĐHQG HN lúc đó do anh Hiệu đứng ra tổ chức với sự hợp nhất một số đơn vị của Đại học Khoa học tự nhiên. Đặt chân về Khoa, tôi gặp ngay anh Tuệ là người được GS Hiệu mời như một GS thỉnh giảng từ Đại học Laval Canada mà như lời anh Hiệu nói với chúng tôi lúc đó là “rất cần có các anh là những người được đào tạo chính quy về lĩnh vực Công nghệ thông tin và Điện tử– Viễn thông để tăng cường đội ngũ cán bộ giảng dạy cho Khoa, vốn phần đông xuất thân từ Vật lý và Toán”. 

Tôi rất mừng và nghĩ ngay đến cơ hội tốt để mời anh Tuệ hợp tác chặt chẽ hơn với Hội. Quả vậy, khi nghe tôi đề xuất mời anh tham gia tổ chức Hội nghị REV dùng ngôn ngữ tiếng Anh thay vì tiếng Việt như trước đây, anh đã hưởng ứng ngay và nhận việc phản biện, hiệu đính một số báo cáo thuộc mảng Xử lý tín hiệu, mở đầu là hội nghị REV’2002.  Anh cũng nhận việc liên lạc để mời một số nhà khoa học, học giả nước ngoài tham gia các hội nghị lần sau.

 

GS Huỳnh Hữu Tuệ tại lễ kỷ niệm 20 năm Khoa Điện tử Viễn thông 

 

Năm 2004 trường Đại học Công nghệ có Quyết định thành lập trên cơ sở của Khoa Công nghệ lúc đó. Tôi thôi giữ trách nhiệm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Điện tử Viễn thông, nhận trách nhiệm xây dựng và phụ trách Bộ môn Thông tin vô tuyến thuộc Khoa Điện tử Viễn thông của Trường. Cũng vào thời gian đó, anh Tuệ được Trường chính thức mời xây dựng và phụ trách Bộ môn Xử lý thông tin.  Chúng tôi lại có điều kiện làm việc trong cùng một đơn vị nên rất thuận lợi cho việc trao đổi. Các Hội nghị REV’2004 và REV’2006 với sự hỗ trợ của anh và anh Thông đã mở rộng tầm của một Hội nghi Quốc gia REV, đưa đến những kết quả khích lệ để sau đó tiến tới việc tổ chức hội nghị Quốc tế ATC . 

 

Quay ngược thời gian một chút để nói rõ hơn về sự kiện mà tôi và anh Tuệ lại cùng làm việc ở một cơ sở mới .

Đầu năm 2005, GS Đặng Hữu , người chủ trì  đề án thành lập trường ĐHQT Bắc Hà đã gặp Lãnh đạo Hội đề xuất mời Hội Vô tuyến Điện tử VN tham gia Hội đồng sáng lập như một thành viên tập thể. Cuộc họp diễn ra tại Văn phòng Hội ở số 65 Lạc Trung có Chủ tịch Nguyễn Văn Ngọ, tôi (PCT/Tổng Thư ký), anh Nguyễn Hữu Xý (PCT, Chủ tịch Hội đồng đào tạo) và một vài anh em khác tham dự đã đồng ý với lời đề nghị và một giao ước là khi trường được thành lập thì Hội sẽ cử 01 đại diện tham gia vào Hội đồng quản trị, đồng thời Hội cũng nhận chủ trì toàn bộ việc xây dựng khoa “Công nghệ thông tin và Truyền thông” của trường.  

 

Ảnh kỷ niệm của các cán bộ Khoa Công nghệ Thông tin – Truyền thông, ĐHQT BH năm 2012 

GS HH Tuệ vừa là Hiệu trưởng, vừa kiêm CBGD của Khoa

 

Năm 2007, Trường ĐHQT Bắc Hà được thành lập, Hội cử PGS Nguyễn Hữu Xý làm đại diện trong HĐQT và tư vấn cho HĐQT mời GS Huỳnh Hữu Tuệ làm Hiệu trưởng. Đồng thời Hội đề cử tôi tham gia công việc của trường với trách nhiệm CN Khoa “Công nghệ thông tin và Truyền thông”, đề cử TS Trần Xuân Nam tham gia trường với trách nhiệm Phó Chủ nhiệm Khoa. Về sau thì TS Trần Xuân Nam còn được trường giao thêm nhiệm vụ Trợ lý cho Hiệu trưởng. Đây chính là dịp mà ba chúng tôi lại có quan hệ công việc rất mật thiết hàng ngày. Ngoài công việc chuyên môn thì chúng tôi cũng hay trao đổi về những việc liên quan đến hoạt động của Hội. Cũng từ đây mà những dự kiến về việc tổ chức Hội nghị Quốc tế ATC và thành lập tạp chí JEC đã được từng bước hình thành và cuối cùng đã trở nên hiện thực. 

Về quá trình hình thành JEC thì phải kể đến giai đoạn có tính quyết định là thời kỳ ở tại ĐHQT Bắc Hà mà anh Tuệ là Hiệu trưởng. 

Nhóm trù bị cho tạp chí được thành lập cuối năm 2009 có tôi, anh Tuệ, TS Trần Xuân Nam, TS Đỗ Đức Dũng (ĐHQT Bắc Hà), và 4 cán bộ trẻ của khoa ĐT-VT,  ĐH Công nghệ là TS Nguyễn Linh Trung, TS Lê Vũ Hà, TS Trần Xuân Tú, TS Trần Đức Tân. Rất nhiều cuộc họp của nhóm trù bị đã diễn ra ở đây vì nơi đây khá trung điểm cho việc gặp gỡ và cũng thuận tiện cho việc chia sẻ thời gian của anh Tuệ.

Lúc đầu, Hội có chủ trương xin bộ Thông tin Truyền thông cấp một giấy phép riêng cho tạp chí JEC với Tổng biên tập là GS HH Tuệ nhưng do quy định của nhà nước, mỗi tổ chức chỉ có thể được cấp không quá 1 Giấy phép nên JEC vẫn thuộc khuôn khổ Giấy phép chung của “Tạp chí Điện tử” và được coi như một ấn phẩm dùng ngôn ngữ tiếng Anh. Đồng thời chúng tôi cũng tìm một thuật ngữ thích hợp đề gọi  Tổng biên tập của ấn phẩm là “Tổng biên tập kỹ thuật” của JEC. 

 

Một buổi làm việc của GS Tuệ với Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam

 

Sau nhiệm kỳ 2007-2012 thì anh Tuệ không tiếp tục làm hiệu trưởng tại ĐHQT Bắc Hà nữa mà chuyển về làm việc tại Đại học Quốc tế thuộc ĐHQG Tp HCM. Anh vẫn đảm nhiệm công việc của JEC, đồng thời vẫn tham gia tổ chức các Hội nghị ATC như những năm trước. 

Năm 2013, với đề xuất của anh và cũng do anh làm nòng cốt, Đại học Quốc tế Tp HCM đã đăng ký tổ chức ATC lần thứ 6 tại Tp HCM (ATC’2013) . Hội nghị đã rất thành công về cả hai phương diện tổ chức và nội dung, với số lượng bài tham gia tăng vọt [  ].
                        
Năm 2014, anh Tuệ được mời tham dự chính thức Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam tại Hà nội và được bầu vào Ủy viên ban chấp hành Hội nhiệm kỳ 6, giai đoạn 2014 – 2018. Điều đó đã nói lên mối quan hệ mật thiết và lòng quý mến của Hội đối với Anh vì những  đóng góp to lớn mà anh đã giành cho Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam.  
                                                      

Ngày 25 tháng 10 năm 2017

 

GS Phan Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.