Những thí nghiệm khoa học trên chuyến bay vũ trụ Xô – Việt năm 1980 do Việt nam đề xuất

Năm 1978 đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam do TBT Lê Duẩn dẫn đầu sang Liên Xô ký Hiệp định hợp tác toàn diện Liên Xô – Việt Nam. Trong quá trình hội đàm TBT Đảng CSLX Leonid Bregnhiev đề xuất với TBT Lê Duẩn mời Việt Nam tham gia Chương trình hợp tác nghiên cứu sử dụng không gian vũ trụ vào mục đích hòa bình của các nước XHCN do Viện Hàn lâm Khoa học LX chủ trì, gọi là Chương trình Intercosmos

Thực hiện sáng kiến đó, Chính phủ Việt Nam đã giao nhiệm vụ cho Viện Khoa học Việt Nam tham gia Chương trình Intercosmos và thành lập Ủy ban Nghiên cứu Vũ trụ Việt Nam do Viện sĩ Trần Đại Nghĩa làm Chủ tịch, VS Nguyễn Văn Hiệu làm Phó Chủ tịch. Trong khuôn khổ Chương trình Intercosmos, năm 1980 đến lượt phi công vũ trụ Việt Nam bay lên vũ trụ cùng với phi công vũ trụ Liên Xô. Để tổ chức chuyến bay vũ trụ Xô – Việt  Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo chuyến bay do Phó Thủ tướng Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Trưởng ban, và hai Phó Trưởng ban, gồm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Vũ Xuân Chiêm phụ trách tuyển chọn và huấn luyện phi công vũ trụ, và VS Nguyễn Văn Hiệu phụ trách tổ chức các thí nghiệm của Việt Nam sẽ thực hiện trên tàu vũ trụ.

Trong chương trình khoa học của chuyến bay vũ trụ Xô – Việt thí nghiệm quan trọng nhất là chụp ảnh đa phổ lãnh thổ Việt Nam bằng máy chụp ảnh đa phổ 6 kênh MKF-6 (do CHDC Đức chế tạo) khi tàu vũ trụ bay trên lãnh thổ Việt Nam. Phi công vũ trụ Phạm Tuân là người thực hiện việc chụp ảnh bằng máy ảnh đa phổ MKF-6 này.

Muốn xác định ảnh hưởng của lớp khí quyển và tìm ra quy trình giải đoán chính xác những bức ảnh chụp bằng máy MKF-6 trên tàu vũ trụ, cần phải tiến hành thí nghiệm đồng thời cả trên tàu vũ trụ, trên máy bay, và nghiên cứu thực địa trên mặt đất. Cục Đo đạc và Bản đồ quân sự được giao nhiệm vụ chụp ảnh đa phổ bằng máy MKF-6 trên máy bay, còn Viện Khoa học Việt Nam chịu trách nhiệm điều tra thực địa trên mặt đất tại những vùng được chụp ảnh đồng thời từ vũ trụ và từ máy bay. Trên cơ sở đối chiếu kết quả chụp ảnh từ vũ trụ, máy bay và kết quả điều tra thực địa, các nhà khoa học ba nước Liên Xô, Việt Nam và CHDC Đức đã thiết lập được quy trình giải đoán ảnh chụp bằng máy MKF-6 từ vũ trụ.

Phạm Tuân ở trong không gian trong vòng 7 ngày, 20 giờ và 42 phút, thực hiện tổng cộng 142 vòng quỹ đạo quanh Trái Đất. Trong toàn bộ thời gian này, ngoài nhiệm vụ chụp ảnh đa phổ lãnh thổ Việt Nam, Phạm Tuân còn phải tiến hành các thí nghiệm về hòa tan các mẫu khoáng chất trong tình trạng không trọng lực, cũng như tiến hành các thí nghiệm về cây trồng trên bèo hoa dâu. Chuyện mang bèo đi là do các nhà Sinh học VN trong Chương trình Intercosmos đề xuất. Bèo hoa dâu dễ sinh sôi nảy nở, hút khí cacbonic, sản sinh ra oxy. Trên vũ trụ có rất nhiều tia phóng xạ có tác động lên con người, lên sinh vật, có thể tạo nên đột biến sinh học, việc mang bèo hoa dâu lên cũng là để phục vụ mục đích nghiên cứu này. Cũng trong Chương trình Intercosmos, Viên Y học Quân sự Việt Nam dựa trên kết luận của các nhà dược lý, dược liệu và giải phẫu bệnh lý đã từng nghiên cứu về đinh lăng, đề xuất dùng nước sắc rễ đinh lăng để giúp tăng sức đề kháng, sự dẻo dai của cơ thể cho phi công vũ trụ trong quá trình luyện tập. Các tác giả Ngô Ứng Long và Xa-va-ép (Liên Xô) đã cho thấy rõ tác dụng của đinh lăng đối với các nhà du hành vũ trụ khi tập luyện trong tư thế tĩnh, đầu dốc ngược.

Cũng theo tài liệu của Ủy ban Nghiên cứu Vũ trụ Việt Nam, trong thời gian ở trên vũ trụ Phạm Tuân cùng với phi công vũ trụ Liên Xô Gorbatko còn tiến hành hàng chục thí nghiệm khoa học có giá trị nữa, như:

Các thí nghiệm vật lý và công nghệ vũ trụ

– Thí nghiệm “Hồ quang”

Mục đích của thí nghiệm là nghiên cứu cơ chế một số hiện tượng thường xảy ra ở các lớp khí quyển tầng cao, làm cho khí quyển ở đó phát ra ánh sáng, như các hồ quang đỏ ở vùng xích đạo, hiện tượng lục quang, và sự phát sáng của khí quyển ở các vùng vĩ tuyến trung bình. Thí nghiệm  do các nhà khoa học Bulgary đề xuất, dùng điện quang kế do họ chế tạo.

– Thí nghiệm “Phân cực”

Dùng thiết bị do Liên Xô chế tạo, các phi công vũ trụ tiến hành đo độ phân cực của ánh sáng mặt trời do khí quyển phản xạ lại. Mục đích của thí nghiệm là nghiên cứu ảnh hưởng của khí quyển, của mây, cũng như của cảnh quan lên tính chất phân cực của ánh sáng mặt trời. Các kết quả thí nghiệm sẽ được so sánh với tính toán lý thuyết và sẽ góp phần vào sự hiểu biết các quy luật về sự thay đổi các tính chất của ánh sáng khi đi qua khí quyển. Cần phải nắm vững các quy luật này mới có thể nghiên cứu được tài nguyên thiên nhiên trên mặt đất bằng phương pháp chụp ảnh đa phổ từ vũ trụ. Thí nghiệm do các nhà khoa học Liên Xô đề xuất. Các cán bộ Vật lý Lý thuyết Việt Nam và PGS Phan Anh (nay là GS TSKH ở ĐHQG Hà Nội) đã tham gia vào việc tiến hành tính toán và so sánh lý thuyết với thực nghiệm.

– Thí nghiệm “Hạ Long-1”

Tiến hành nuôi đơn tinh thể bán dẫn phát quang GaP bằng lò “tinh thể” trong điều kiện không trọng lượng để nghiên cứu ảnh hưởng của trọng trường, từ đó tìm kiếm những phương pháp tạo ra các đơn tinh thể GaP hoàn hảo trong phòng thí nghiệm trên mặt đất dùng làm các linh kiện quang điện tử chất lượng cao. Thí nghiệm do các cán bộ Viện Vật lý Việt Nam và GS Trần Xuân Hoài đề xuất. Quá trình chuẩn bị thí nghiệm được tiến hành ở Liên Xô với sự giúp đỡ của các nhà khoa học Liên Xô.

– Thí nghiệm “Hạ long-2”

Tiến hành nuôi các đơn tinh thể bán dẫn nhiệt Bi2 (Te, Se) (Te, Se)3 và (SB, Bi)2. Te3 bằng lò “tinh thể” trong điều kiện không trọng lượng để nghiên cứu ảnh hưởng của trọng trường. Từ đó tìm ra phương pháp chế tạo các đơn tinh thể hoàn hảo để sử dụng trong các thiết bị làm lạnh bằng bán dẫn. Thí nghiệm do các cán bộ Vật lý Việt Nam và GS Trần Xuân Hoài đề xuất. Quá trình chuẩn bị thí nghiệm được tiến hành ở LX và CHDC Đức với sự giúp đỡ của các nhà khoa học nước bạn.

– Thí nghiệm “Mô phỏng”

Trong quá trình chuẩn bị thí nghiệm “Hạ Long – 2”, các cán bộ Việt Nam đã cùng với các nhà khoa học CHDC Đức đề xuất một phương pháp đo sự phân bố nhiệt trong các lò nuôi đơn tinh thể. Trong thí nghiệm “Mô phỏng” sẽ áp dụng phương pháp đó để xác định bằng thực nghiệm sự phân bố nhiệt trong lò “tinh thể” khi làm việc trên trạm quỹ đạo “Chào mừng”. Các kết quả thu được sẽ cho phép sử dụng tốt hơn lò “tinh thể” trong việc nuôi các đơn tinh thể. Phương pháp thí nghiệm “Mô phỏng” cũng sẽ được áp dụng cho các lò nuôi đơn tinh thể khác trong các phòng thí nghiệm trên mặt đất.

Ngoài ra hai nhà du hành vũ trụ còn tham gia các thí nghiệm sinh – y học vũ trụ như: (i) Thí nghiệm “vấn đáp” để đánh giá mức độ thích nghi của con người với các điều kiện vũ trụ. (ii) Thí nghiệm “Người thao tác” sử dụng máy “Stredes” do các chuyên gia Bungary ở Trung tâm nghiên cứu vũ trụ Bungary và Viện nghiên cứu không quân Bungary chế tạo, nhằm đánh giá khả năng lao động trí óc của con người trong điều kiện không trọng lượng. (iii) Thí nghiệm “giải trí” Đài TH TW của Việt Nam đã chuẩn bị một chương trình giải trí bao gồm các tiết mục ca múa nhạc, các phong cảnh đẹp VN ghi trên băng từ gửi lên vũ trụ. Kết quả của thí nghiệm “giải trí” sẽ được ghi vào sổ thí nghiệm “vấn đáp”. (iv)Các Thí nghiệm về “Cảm thụ quan” tiến hành theo chương trình nghiên cứu sinh – y học vũ trụ của Liên Xô và Bungary, nghiên cứu ảnh hưởng của yếu tố vũ trụ đối với vị giác (tiến hành trên máy “nếm điện” do các chuyên gia Ba Lan chế tạo), và thính giác (tiến hành trên máy “Elba” do CHDC Đức chế tạo, – đo mức độ tiếng ồn và đặc trưng tần số của tiếng ồn).

Sau khi Chuyến bay Vũ trụ Xô – Việt kết thúc tốt đẹp, chương trình nhánh Intercosmos Việt nam cũng được nghiệm thu. Trưởng Ban Nghiệm thu là GS Nguyễn Văn Đạo (sau này là VS Viện Hàn Lâm Khoa học Tiệp khắc), đánh giá chương trình đã được hoàn thành xuất sắc. Với tư cách là một thành viên Ban Nghiệm thu tôi có trách nhiệm báo cáo lại trung thực để các thế hệ nhà khoa học hiện nay và cả mai sau cùng biết.

Người viết: Giáo sư: Nguyễn Văn Ngọ

 

Chú thích các ảnh từ trên xuống (nguồn ảnh từ Internet):

 Anh hùng Phạm Tuân và Anh hùng Viktor Gorbatko: 1- Trước chuyến bay 1980; 2- Làm việc trên trạm vũ trụ; 4- Sau chuyến bay; 5- Gặp nhau sau 35 năm tại Hà Nội (2015).

Ảnh 3: Anh hùng Phạm Tuân chụp ảnh đa phổ lãnh thổ Việt Nam từ vũ trụ

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.