Ông Đoàn Quang Hoan được bầu vào RRB thuộc ITU lần thứ 2

Ngày 5 tháng 11 năm 2018 tại Dubai, Hội nghị quốc tế của ITU đã bầu ra 12 người trong Ban quản lý Vô tuyến điện đại diện cho 5 khu vực trên toàn thế giới. Ông Đoàn Quang Hoan, nguyên Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện – Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến – Điên tử Việt Nam được bầu vào ban quản lý này, là một trong ba người đại diện cho khu vực Châu Á và Úc. Đây là lần thứ hai ông Đoàn Quang Hoan được bầu vào Ban quản lý Vô tuyến điện quốc tế. Nhân dịp này, GS. Nguyễn Văn Ngọ, nguyên Chủ tịch, Chủ tịch danh dự Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam có bài viết giới thiệu về ITU và Ban quản lý Vô tuyến điện quốc tế.

Ban Quản lý Vô tuyến điện RRB (The Radio Regulations Board) là cơ quan có tầm quan trọng đáng kể trong Liên minh Viễn thông Quốc tế ITU

     1. Sơ lược về lịch sử ITU

Từ năm 1865 đã có tổ chức Liên minh Điện báo (Telegraph) Quốc tế ITU.

Năm 1895 xuất hiện thông tin vô tuyến và năm 1903 Liên minh Điện báo Vô tuyến (Radiotelegraph) quốc tế IRU ra đời. Năm 1912 IRU ban hành Bảng phân bổ tần số đầu tiên (sử dụng cho phạm vi kilohertz).

Năm 1932 ITU được sáp nhập vào IRU và thành Liên minh Viễn thông Quốc tế (International Telecom Union). Năm 1938 cơ quan này mở rộng Bảng phân bổ tần số lên đến 200 MHz.

Năm 1939 Thế Chiến II bắt đầu. ITU ngưng hoạt động cho đến Hội nghị Đại biểu Toàn quyền năm 1947 (họp ở thành phố Atlantic). Hội nghị đã nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đăng ký quốc tế trong việc sử dụng phổ tần số vô tuyến (RF) và thành lập Ban Đăng ký Tần số Quốc tế (IFRB), cơ quan quản lý phổ RF quốc tế và giải quyết các vấn đề phát sinh trên lập trường trung lập: các thành viên của IFRB không phải là đại diện của các quốc gia thành viên hoặc khu vực tương ứng của họ. Mười một thành viên của IFRB được trả tiền từ ngân sách của ITU và hành động độc lập, chỉ đại diện cho chính họ. Ngay cả Tổng thư ký ITU, cũng không có quyền phán quyết nào đối với họ, – quyết định của IFRB là cuối cùng và chỉ thay đổi được bởi quyết định cùa đa số khi tất cả quốc gia thành viên họp Hội nghị Đại biểu Toàn quyền (PP) hoặc Hội nghị Vô tuyến Toàn cầu (WRC). Các nước đang phát triển coi IFRB là một cơ quan trung lập cần thiết để hỗ trợ họ và bảo vệ lợi ích của họ đối với những nước phát triển

  1. Thành lập RRB thay cho IFRB

Sau 18 năm tồn tại, trước sự phát triển như vũ bão của thông tin vô tuyến trên toàn cầu đã xuất hiện những lời chỉ trích cơ quan IFRB vì sự chậm trễ trong thông báo tần số và trong việc Đăng ký Tần số Quốc tế. Một Hội đồng Chuyên gia được thành lập để xem xét các khả năng cải thiện tình hình. Hội đồng đề xuất tách các hoạt động quốc tế ra khỏi các nhiệm vụ nội bộ hành chính trong Ban thư ký IFRB. Trên cơ sở đề xuất này, Hội nghị Đại biểu Toàn quyền bổ sung (APP) họp ở Geneva tháng 12/1992  đã ra quyết định thay thế IFRB bằng một RRB làm việc bán thời gian (Part time) và ủy thác việc điều hành các nhân viên thư ký cho một Giám đốc mới thành lập: Cục Thông tin Vô tuyến (Radiocommunication Bureau, – BR). Đa số các nước thành viên tin rằng việc tổ chức lại như vậy sẽ loại bỏ triệt để tình trạng trì trệ trong quá trình thông báo tần số và giảm đáng kể chi phí ngân sách.

Các thành viên RRB bán thời gian giữ lại chức năng quy định cho các thành viên IFRB trước đây, nhưng được giải phóng khỏi việc điều hành ban thư ký. Họ  không cư trú tại trụ sở ITU ở Geneva, và làm việc mà không có thù lao. Họ ở lại đất nước của họ và chỉ đến Geneva cho các cuộc họp ngắn một vài lần một năm với chi phí đi lại, sinh hoạt và bảo hiểm do ITU chi trả.

Sự thay đổi này có nghĩa là gánh nặng tài chính của việc duy trì các thành viên RRB đã được chuyển về cho các nước thành viên có ứng viên được bầu. Có thể phân biệt hai trường hợp:

  • nếu thành viên RRB là một nhân viên của cơ quan quản lý tại một nước thành viên, cơ quan chủ quản của anh ta phải bảo đảm dành đủ thời gian và nguồn lực cho hoạt động RRB;
  • nếu thành viên RRB là một chuyên gia về hưu có kinh nghiệm, chính phủ nước thành viên phải cung cấp các điều kiện đầy đủ để người này làm việc cho RRB.

RRB bao gồm 12 thành viên được bầu từ các ứng viên mà các nước thành viên đề xuất tại Hội nghị Đại biểu Toàn quyền.

Các nước thành viên đã được phân vào 5 khu vực hành chính. Ứng viên từ mỗi khu vực đều do tất cả đại biểu các nước thành viên ITU bỏ phiếu bầu chọn. Các khu vực hành chính và số lượng thành viên RRB chia cho mỗi khu vực là:

  • Khu vực A (Châu Mỹ): 2 thành viên;
  • Khu vực B (Tây Âu): 2 thành viên;
  • Khu vực C (Đông Âu và Bắc Á): 2 thành viên;
  • Khu vực D (Châu Phi): 3 thành viên;
  • Khu vực E (Châu Á và Úc): 3 thành viên.

Thành viên RRB chỉ có thể phục vụ tối đa hai nhiệm kỳ.

RRB được thành lập để làm cơ quan theo dõi việc tuân thủ các Quy định Radio rất phức tạp, hiện gồm 2197 trang và đặt ra các quy trình kỹ thuật và quy định để đảm bảo tính tương thích, không can nhiễu lẫn nhau của 41 dịch vụ vô tuyến khác nhau trong dải tần số từ 9 kHz đến 275 GHz (với những nghiên cứu lên đến 3000 GHz và thậm chí cao hơn). Tất nhiên Quy định Radio vẫn còn và phù hợp với tiến bộ công nghệ hiện tại – nhờ công việc soạn thảo, hiệu đính, thay đổi và mở rộng tại các kỳ Hội nghị Vô tuyến Toàn cầu WRC liên tiếp. Các hội nghị này chỉ kéo dài một vài tuần và mặc dù việc xem xét đã tiến hành rất cẩn thận vẫn có thể xảy ra sai sót trong các thông báo và Nghị quyết, kéo theo các lời giải thích khác nhau. Ở đây vai trò của RRB như một thông dịch viên độc lập và hòa giải viên, khi mà các quyết định chỉ có thể thay đổi bởi WRC.

Công việc của RRB là không thể có hiệu quả tốt nếu không có sự giúp đỡ của nhân viên BR: chuẩn bị tài liệu, phân tích và cung cấp các giải thích cho các vấn đề được xem xét, và cũng đảm bảo tất cả các hỗ trợ hành chính

Như đã nói RRB đã chứng minh đầy đủ vai trò quan trọng và không thể thiếu của họ. Trong bầu không khí hợp tác và thỏa hiệp phổ biến ở ITU, luôn có thể giải quyết phần lớn các tình huống xung đột khi không có thành phần chính trị nào liên quan. Khi vụ việc bị ảnh hưởng bởi chính trị, RRB thực tế không có phương tiện để hòa giải và giải quyết, nhưng điều này rất hiếm khi xảy ra.

Website của ITU: https://www.itu.int

Người gửi: GS Nguyễn Văn Ngọ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.