Phát thanh số, cơ hội và thách thức đối với phát thanh Việt Nam

Như đã trình bày ở số báo trước, nhờ  sử dụng công nghệ số  mà việc khai thác các mạng viễn thông trở nên hết sức hiệu quả . Với một đường truyền duy nhất, có thể cùng một lúc để truyền cả dữ liệu, thoại và hình ảnh động.

1- Cơ hội
Như đã trình bày ở số báo trước, nhờ  sử dụng công nghệ số  mà việc khai thác các mạng viễn thông trở nên hết sức hiệu quả . Với một đường truyền duy nhất, có thể cùng một lúc để truyền cả dữ liệu, thoại và hình ảnh động. Các thiết bị đầu cuối như máy thu thanh, thu hình… ngoài chức năng thu tiếng nói và thu hình ảnh, còn có thể thu và xử lý các thông tin, dữ liệu khác nhau và ngược lại. Các thiết bị đầu cuối hiện nay không còn đơn thuần là chiếc máy điện thoại truyền thống, mà là các thiết bị đa năng như một máy tính PC. Mạng hội tụ cho phép các tổ chức xã hội có thể quản lý tất cả các hình thức thông tin trong một hạ tầng duy nhất và vì vậy tiết kiệm đáng kể chi phí điều hành và bảo dưỡng. Bằng việc sử dụng IP, các mạng hội tụ sẽ mang lại cho lĩnh vực truyền thông những lợi ích đáng kể trong việc sử dụng có hiệu quả độ rộng băng thông. 

Qua triển khai thực tế, không còn nghi ngờ gì khi khẳng định: chất lượng âm thanh và thu di động của phát thanh số vượt trội so với phát thanh truyền thống. Xu hướng sắp tới của công nghệ không dây và các dịch vụ giải trí di dộng chắc chắn phải đáp ứng yêu cầu tốc độ bit cao, chất lượng thu di động ổn định và tốt bên cạnh giá thành hợp lý. Hiện nay ta có thể thấy rằng khó có thể có một thiết bị di động nào có khả năng cung cấp tất cả các dịch vụ khác nhau mà chỉ dựa trên một công nghệ duy nhất. Đối với liên lạc dạng điểm  tới điểm, mạng điện thoại di động là sự lựa chọn tốt hơn. Nhưng đối với dạng truyền từ một điểm tới nhiều điểm, phát thanh vẫn là giải pháp hữu hiệu nhất. Thêm vào đó, các nhà cung cấp dịch vụ phát thanh có thể dựa trên ưu điểm của phát thanh số là có khả năng truyền các dữ liệu lớn mà không cần thu thêm phí tải dữ liệu. Nó cũng có thể dễ dàng tích hợp với công nghệ viễn thông để đưa ra các dịch vụ tương tác. Công nghệ phát thanh sử dụng các phần mềm có khả năng nâng cấp dễ dàng không quá tốn kém, phát thanh chắc chắn sẽ có một tương lai phát triển tích hợp với nhiều thông tin, dữ liệu. 

Phát thanh đã vượt qua được thử thách khó khăn của thời gian khi truyền hình phát triển mạnh mẽ vào những năm 70 của thế kỷ XX. Nó vẫn còn hấp dẫn đối với các nhà quảng cáo và được công nhận rằng phát thanh có cái gì đó mà các phương tiện khác không thể so sánh được.  Không còn nghi ngờ gì khi khẳng định rằng trong thế kỷ 21 phát thanh sẽ tiếp tục tồn tại trong cuộc chiến với các công nghệ không dây tiên tiến khác. Phát thanh số sẽ tiếp tục phát triển như một phương tiện hữu hiệu nhất và hiệu quả về kinh tế khi nói đến truyền thông từ một điểm tới nhiều điểm – một người nói triệu triệu người nghe. Chắc hẳn phát thanh số sẽ phát triển thành một hệ thống ghép – tích hợp công nghệ phát thanh số với công nghệ viễn thông cho người dùng dịch vụ tương tác di động và với công nghệ Internet cho máy thu tại gia. Bên cạnh đó, phát thanh số sẽ là một chức năng thiết yếu cho nhiều thiết bị khác nhau. Và có lẽ điện thoại di động thu được phát thanh số sẽ thay thế dần các máy thu thanh số bỏ túi. Phát thanh số sẽ tiếp tục phục vụ người nghe với chất lượng âm thanh cao, cũng như cung cấp một môi trường không dây truyền các ứng dụng đa phương tiện một cách hiệu quả về kinh tế, với chất lượng cao và ổn định.

 

 

Thử nghiệm phát thanh số DAB+ tại Việt Nam tháng 7-2013

 

Sự phát triển của công nghệ và thị trường đang đưa ra cho các nhà phát thanh truyền hình hai bước phát triển song song. Một bên là thực hiện chuyển đổi từ công nghệ analog sang số với các tiêu chuẩn quá độ. Bên cạnh đó là phát triển dịch vụ và công nghệ đa phương tiện phục vụ các đối tượng tương lai đặc biệt là các thiết bị di động.

2-Thách thức

– Mặc dù có nhiều ưu điểm hơn so với phát thanh truyền thống, nhưng sau gần 1/4 thế kỷ triển khai, đến nay phát thanh số với các chuẩn khác nhau trên khắp thế giới đã gặp phải những rào cản rất lớn. Nhiều năm trước, khi công nghệ mã hoá tín hiệu ra đời với nhiều ưu điểm vượt trội so với tín hiệu analog, cả thế giới đều lạc quan và cho rằng việc chuyển sang công nghệ số sẽ được triển khai nhanh chóng và như một giải pháp hữu hiệu cho tương lai của phát thanh trên cả phương diện sản xuất chương trình, truyền dẫn phát sóng cũng như thiết bị đầu cuối. Đến nay, nhân loại  đã có được những bước tiến  rất xa  trên con đường số hoá, nhưng vẫn chưa có một mô hình cụ thể và đảm bảo chắc chắn nào cho tương lai  của phát thanh số, đặc biệt là với phát thanh số mặt đất.

– Khi chúng ta đề cập đến phát thanh số thì gần 1/2 dân số thế giới đang sống trong cảnh nghèo đói, không có điện. Nền kinh tế thế giới chưa biết ngày nào vượt qua được thời kỳ suy thoái.  

– Một thực tế không thể phủ nhận là những năm gần đây, người dân sẵn sàng bỏ ra 5-7 triệu đồng để mua một máy thu hình, nhưng ít ai bỏ ra vài trăm ngàn để mua một chiếc máy thu thanh. Trong nhiều năm qua, Việt Nam hầu như không đầu tư vào lĩnh vực này; thị trường máy thu thanh bị bỏ ngỏ, trông chờ vào nhập ngoại hoàn toàn. Các doanh nghiệp Việt Nam  không chú trọng vào lĩnh vực này vì lợi nhuận  thấp.

Thời gian qua, công nghê IT đã làm thay đổi nhanh chóng dây chuyền sản xuất và cả phương tiện nghe nhìn. Do vậy việc lựa chọn công nghệ mới phụ thuộc vào nhiều yếu tố:

Thứ nhất, khi chuyển đổi công nghệ, điều đầu tiên phải quan tâm chính là thính giả, những lợi ích và nguyện vọng của họ. Do vậy việc lựa chọn công nghệ mới không đơn thuần là vấn đề kỹ thuật, đó là bài toán kết hợp giữa kỹ thuật – kinh tế – xã hội. 

Thứ hai, hiện nay là giai đọan hội tụ giữa công nghệ thông tin và điện tử viễn thông, việc lựa chọn công nghệ phải phù hợp với xu hướng phát triển chung trong mối tương quan và phụ thuộc vào một số ngành khác có liên quan. 

Thứ ba, việc ứng dụng công nghệ mới thực chất là sự thay đổi một phần hoặc toàn bộ công nghệ cũ bằng công nghệ  mới hiệu quả hơn. Theo đánh giá hiện nay trong 3 giai đoạn phát triển công nghệ ( tiếp thu – làm chủ – sáng tạo công nghệ ) thì Việt Nam mới dừng lại ở mức mức tiếp thu có nghiên cứu và quan tâm đúng mức đến tác động của sự phát triển công nghệ viễn thông, Internet”.

c- Đề xuất, khuyến cáo

Trên cơ sở phân tích những mặt được, mặt chưa được của quá trình số hoá lĩnh vực truyền thông đại chúng và điều kiện mọi mặt của nước ta, chúng tôi đưa ra một số đề xuất, khuyến cáo trong việc ứng  dụng công nghệ mới đối với Phát thanh Việt Nam thời gian tới nhằm nâng cao khả năng cạnh trạnh của mình như sau:

– Trước mắt, Việt Nam nên tận dụng sự hỗ trợ của các đối tác trong và ngoài nước để triển khai thử nghiệm các chuẩn phát thanh số tương đối phù hợp với điều kiện của phát thanh Việt Nam, như chuẩn HD-Radio và DRM mà chưa nên đầu tư và phát triển ồ ạt phát thanh số tại Việt Nam. Trong giai đoạn thử nghiệm cần chú trọng vấn đề quảng cáo, tiếp thị cho các chương trình phát số thử nghiệm và giải pháp máy thu thanh để đông đảo người nghe có khả năng tiếp cận và đánh giá được chương trình phát số . Trước hết triển khai phát thanh số FM ở các thành phố lớn, phát triển máy thu trên hệ thống xe ô tô. 

– Nghiên cứu triển khai thử nghiệm phát thanh số trên Internet để giảm chi phí đầu tư và mở rộng phạm vi phủ sóng.

– Đối với phương tiện thu-nghe. 

Dây chuyền công nghệ phát thanh là một thể thống nhất, do vậy công nghệ sản xuất chương trình, truyền dẫn và phát sóng và máy thu thanh  phải được đồng bộ với nhau trong quá trình chuyển đổi. Thông qua máy thu thanh, sản phẩm phát thanh đến được với quảng đại quần chúng nhân dân. Mỗi một sự thay đổi, điều chỉnh trong dây chuyền công nghệ này đều liên quan đến hàng triệu con người và liên quan đến cả dây chuyền sản xuất trong lĩnh vực phát thanh. Do vậy phương tiện thu-nghe là một vấn đề hết sức quan trọng. 

Trong thời gian tới phát thanh Việt Nam mà đầu tàu là Đài TNVN cần chủ động trong việc phát triển  phương tiện thu-nghe cho người dân; xây dựng mạng lưới các nhà phân phối để nhanh chóng mở rộng thị trường máy thu trong nước. Bên cạnh các sản phẩm máy thu truyền thống, cần đặc biệt chú ý đến các phương tiện thu đa phương tiện, thu di động cầm tay như điện thoại di động, máy tính giá rẻ…

– Phát triển chương trình cho thu di động. 

Suy cho cùng, thính giả vẫn là cái đích cuối cùng của mọi hoạt động. Công nghệ chỉ là công cụ, chứ không phải là mục đích. Tất cả sự sáng tạo mới trong công nghệ sẽ không có ý nghĩa  nếu không có nhà cung cấp nội dung  hấp dẫn. Do vậy muốn thu hút khán thính giả, tạo lợi thế cho mình, Phát thanh Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn nữa đến chất lượng nội dung chương trình, đặc biệt cần đi sâu vào nội dụng dành cho phương thức truyền thông đa phương tiện.

Chúng ta phải xem việc cung cấp chương trình cho thiết bị cầm tay di động như  một nhiệm vụ có tầm quan trọng chiến lược để thu hút quảng cáo. Truyền thông đa phương tiện khác biệt với phát thanh số hay truyền hình số, đó chính là thiết bị thu. Chưa bao giờ các thiết bị thu lại đã sẵn sàng trên thị trường như hiện nay. Ngay tại thị trường điện thoại di động Việt Nam, đã có rất nhiều model điện thoại di động khác nhau hỗ trợ DVB-H hay S-DMB với giá thành không đắt so với các điện thoại top-ten. Chính vì vậy xu hướng phát triển các chương trình đa phương tiện là tất yếu và được rất nhiều hãng phát thanh truyền hình, các hãng viễn thông quan tâm. 

Các thuê bao điện thoại di động hiện nay được đánh giá là nhóm người tiêu dùng phát triển nhanh nhất trên thế giới và đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Đa số người dùng điện thoại di động là những  người trẻ, ham mê công nghệ, sử dụng nhiều các dịch vụ như nhắn tin-SMS, nhắn tin đa phương tiện – MMS, nhạc chuông và các dịch vụ mới… Họ có cách sống khác so với các khán thính giả  truyền thống của các chương trình phát thanh-truyền hình. Họ thích cái mới, luôn trong trạng thái tương tác và không mệt mỏi trong phát hiện, khám phá những tiện ích mới lạ. Cơ hội làm ăn với công nghệ giải trí mới cho các thiết bị di động là rất lớn .

Hội thảo quốc tế về phát thanh số DAB+ tại Hà Nội tháng 7-2013

 

Với tiềm năng cung cấp dịch vụ mà công nghệ thông tin mang lại, trước mắt Phát thanh  Việt Nam có thể cung cấp các dịch vụ cho di động như : Âm thanh, hình ảnh theo yêu cầu, nhạc chờ, nhạc chuông, trò chơi theo yêu cầu, các video clip, đi tham quan ảo, các dịch vụ cộng đồng như dịch vụ cấp cứu, các thủ tục hành chính công, trường học ảo, phòng thí nghiệm qua mạng, thư viện trên mạng, các phòng học tiếng qua mạng, dịch vụ theo dõi an toàn, đường dây hỗ trợ nóng, chuyên gia trực tuyến, y tế chữa bệnh từ xa, giao thông từ xa, mua bán hàng tương tác, lấy các thông tin in dưới dạng điện tử trên mạng, dịch thuật qua mạng…  Ngoài ra, một trong những dịch vụ được yêu thích là tham gia vào các sự kiện thể thao…

Có một số yếu tố chính phải hết sức quan tâm khi xây dựng nội dung cho các ứng dụng di động. Đó là:

Sự tập trung chú ý của người sử dụng thiết bị di động không cao.
 

Kích cỡ và độ phân giải của màn hình cũng như chất lượng của phần âm thanh trong thiết bị thu thấp.
 

Dung lượng pin hạn chế .
Phong cách sống của nhóm người dùng di động và yêu cầu dịch vụ của họ. 

Trên cơ sở những đặc điểm nêu trên, các chương trình được sản xuất theo phương thức truyền thống không thích hợp cho các ứng dụng di động. Để phục vụ cho việc thu qua thiết bị di động quảng bá hiện nay, chỉ có  cách là tạo ra một dòng nội dung mới, phù hợp với yêu cầu người dùng di động và thích ứng với thiết bị di động như đã nêu trên.

– Trong sản xuất chương trình và lưu trữ.

 

Trong sản xuất chương trình. 

Tiếp tục khai thác các thiết bị âm thanh tương tự hiện có, kết hợp với các thiết bị âm thanh số, cho vài năm tới. Việc sử dụng máy tính trong sản xuất chương trình phát thanh-truyền hình là điều đã rõ ràng, không phải bàn cãi. 

Để  kết nối các phòng thu với bên ngoài, nên đầu tư mới các thiết bị giao tiếp với mạng viễn thông qua vệ tinh, Internet, cáp quang.

Trong lưu  trữ, không nên theo hướng đi tìm vật liệu vĩnh cửu để lưu trữ, mà là đi tìm giải pháp để vĩnh cửu lưu trữ thông tin. Bên cạnh đó, khả năng truy cập, tìm kiếm nhanh chóng, khả năng quản lý chất lượng cũng như việc chuyển đổi từ vật liệu này sang vật liệu khác một cách nhanh chóng, ít tốn kém nhất cần được xem trọng. 

– Trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Để tạo cơ hội phát triển trong tương lai, Đài TNVN cần liên kết với các nhà cung cấp hạ tầng viễn thông để phát triển các loại hình dịch vụ trong tương lại. Mạng Internet đã mang lại cho phát thanh những cơ hội mới- khả năng “phủ sóng” toàn cầu. Phát thanh – truyền hình trên mạng internet có những ưu việt mà phát thanh truyền thống không có được, cho nên sẽ thu hút được nhiều khán thính giả hơn. Số lượng các Đài phát trên Internet trực tuyến tăng rất nhanh. Nếu chỉ tính từ tháng 4 năm 1996 đến nay, có gần 4500 đài mới ra đời ( không tính các đài phát theo yêu cầu). 

Với sự gia tăng nhanh chóng số lượng máy tính cá nhân, kết nối băng thông rộng, cũng như các ứng dụng trên nền IP ngày càng trở nên đa dạng và thân thiện với người sử dụng hơn. Do vậy, các nhà công nghệ đang hướng tới môi trường truyền thông hợp nhất (Unified Communications). Sự hợp nhất được bao gồm sự hợp nhất của các công nghệ truyền thông trên một nền tảng chung và sự hợp nhất của nhiều tính năng, giải pháp phục vụ liên hệ tương tác giữa các cá nhân, giữa các bộ phận trong cùng một tổ chức. Trong điều kiện, khi truyền thông trên nền giao thức IP đang chiếm ưu thế tuyệt đối trên lĩnh vực công nghệ, phát triển nền tảng truyền thông IP hợp nhất là hướng đi đầy triển vọng mà Phát thanh Việt Nam cần phải hướng tới.

 Cần khẩn trương hoàn thiện mạng trao đổi thông tin diện rộng ( cả phần hạ tầng, cả phần cứng, cả phần mềm ) để tạo điều kiện cho việc trao đổi, biên tập tin bài, thông tin khoa học… Sớm phát triển và nâng cấp văn phòng điện tử E-office, tiến tới văn phòng thông minh ( I-office).

 Song song với  việc phát triển, khai thác mạng, cần hết sức quan tâm đến vấn đề an ninh cơ sở dữ liệu. Những năm gần đây đã xảy ra rất nhiều sự kiện liên quan đến bảo mật thông tin và điều nguy hại là không phải đơn vị nào cũng sẵn sàng xây dựng chính sách về an ninh thông tin. Theo các chuyên gia, muốn có an toàn thông tin thì các đơn vị phải kết hợp được 3 yếu tố là công nghệ, con người và quy trình nhưng thực tế là nhiều nơi còn mơ hồ, thụ động trước cả 3 quy trình này. Hiện nay phát thanh Việt Nam nói chung mới chỉ chú trọng chủ yếu vào thiết bị và phần mềm. Do vậy khi công nghệ thông tin càng được ứng dụng rộng rãi thì phát thanh Việt Nam càng phải quan tâm hơn đến việc xây dựng quy trình an toàn thông tin, hệ thống quản lý tổng thể theo tiêu chuẩn ISO 17799. Chỉ sử dụng các hệ thống phòng chống virus có bản quyền hợp pháp. 

– Trong lĩnh vực đa phương tiện

Phát thanh Việt Nam phải chủ động đi vào lĩnh vực truyền thông đa phương tiện kể cả trang thiết bị, kể cả công nghệ sản xuất chương trình, tiến bước vào thị trường này để giành lấy cơ hội. 

Ngày nay các nhà phát thanh truyền hình đang đứng trước thời điểm quan trọng có tính quyết định. Hơn bao giờ hết, khi sự hội tụ diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực viễn thông, thông tin, giải trí; với sự phát triển mạnh của các thiết bị di động đa năng, đa phương tiện, phát thanh truyền hình cho thiết bị di động ngày càng được nói đến như một hướng phát triển tất yếu. Cơ hội làm ăn với công nghệ giải trí mới cho các thiết bị di động là rất lớn. Các hãng điện thoại di động đã chứng minh điều này qua  dịch vụ nhắn tin và các trò chơi đơn giản. Điện thoại di động hiện nay đã có kèm camera và như vậy đã là một bước tiến mới trong việc giúp cho người dùng tự tạo ra các nội dung của mình. Hiện nay một số dịch vụ như các nội dung đa phương tiện đơn giản, dữ liệu tải qua Internet và các thông tin về đời sống đang được người dùng hưởng ứng. Nhiều thuê bao di động đang hướng tới chơi trò chơi trực tuyến và giải trí với video tương tác.

Theo số liệu chúng tôi có được thì hiện nay tại Việt Nam số điện thoại di động và máy tính đã có khoảng 16 triệu chiếc, và với đà phát triển 20% /năm như hiện nay, chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ có 20 triệu điện thoại di động và máy tính . Điều này đặt ra cho lĩnh vực phát thanh-truyền hình phải có sự nghiên cứu để thay đổi công nghệ sản xuất, cũng như truyền dẫn phát sóng các chương trình phục vụ cho số thiết bị nghe nhìn này.

Mỗi hướng phát triển hiện nay của đa phương tiện hiện đều có khả năng cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau với nhiều hơn một phương tiện (văn bản, âm thanh, hình ảnh v.v). Nhưng nếu đánh giá về khả năng tương tác và cung cấp cho các thiết bị di động,  hiện nay chỉ có 2 tiêu chuẩn chính đáp ứng được về mọi mặt, đó là DMB và DVB-H. Còn lại ISDB-T đã dừng lại và MediaFLO mới phát triển. Đối với IPTV thì Việt Nam còn đang là tiềm năng, mặc dù đây được xem là phương thức của truyền thông tương lai.

– Về việc nhận thức và sử dụng thông tin.

Có thể nói, thông tin ngày nay là thành công của mỗi một cá nhân, là sự hưng thịnh của một quốc gia, dân tộc phụ thuộc vào chỗ thông tin được nhận thức và sử dụng như thế nào vào sự phát triển kinh tế-xã hội của mỗi mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. 

Đối với các nước phát triển, không những công nghệ cũ mà ngay các sản phẩm, công nghệ  mới cũng thường được bán ra nước ngoài với sự tiếp thị, quảng cáo hết sức rầm rộ. Đối với họ, quá trình ứng dụng ở nước ngoài  là quá trình thử nghiệm và không những ở ta mà ngay một số nước khác đã có những bài học hết sức bổ ích về vấn đề này. Thực tế cho thấy, một số nước có tiềm năng về kinh tế, có sự phát triển về khoa học kỹ thuật như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thuỵ Điển  …không phải phát minh nào của công nghệ cũng được ứng dụng ngay. Không phải cái gì họ cũng thay mới, cái gì cũng phải dùng loại tối tân nhất, công nghệ mới nhất. Theo chúng tôi, vấn đề không phải là công nghệ mới nhất, thiết bị hiện đại nhất, mà là công nghệ, thiết bị phù hợp nhất mới mang lại hiệu quả thiết thực.Với sự phát triển công nghệ như hiện nay, nếu định hướng không phù hợp, sẽ dẫn đến sự sự lãng phí rất lớn, bởi chỉ sau 12-18 tháng, công nghệ đã lạc hậu, giá thành giảm 30-50%. Do vậy khi đầu tư cần có sự đánh giá một cách thấu đáo, khách quan; có cách nhìn  một cách toàn diện đối với công nghệ mới để tránh ảo tưởng khi đầu tư, gây hoang mang khi thiết bị có sự cố. Trong thực tiễn không có công nghệ nào hoàn hảo về mọi mặt .  

 

Đức Hoàng – Tạp chí điện tử

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.