Sự hình thành và phát triển của Hội Vô tuyến – Điện tử Việt nam Những câu chuyện bây giờ mới kể

GS Nguyễn Văn Ngọ Chủ tịch Danh dự Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam

 

  1. 25 năm hay là 48 năm?

Hội Vô tuyến – Điện tử Việt nam được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định cho phép thành lập ngày 17/12/1988, đến nay vừa tròn 25 năm. Trong thực tế những hoạt động của Hội đã được triển khai 23 năm trước đó. Dựa trên công văn số 1473-DC/VK do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn văn Ngọc ký ngày 25/06/1965, Ban vận động thành lập Hội đã tổ chức những hoạt động ngang tầm với một tổ chức Hội thực thụ cả ở quy mô toàn quốc nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa, lẫn trên trường quốc tế.

Nhỉn ra thế giới, theo dõi các mốc lịch sử của ngành Truyền thông Hoa kỳ ta thấy:

  • Năm 1952 thành lập một tổ chuyên ngành về Hệ Truyền thông trong Nhóm Chuyên gia Vô tuyến -Điện tử (RE Professional Group) Hoa kỳ,
  • Năm 1962 thành lập Tổng Hội Kỹ sư Điện và Điện tử Hoa kỳ (IEEE)
  • Tháng 7/1964 thành lập nhòm Công nghệ Truyền thông trong IEEE,
  • Ngày 1/1/ 1972  chính thức thành lập Hội Truyền thông (Communications Society) trong Tổng hội IEEE,

Tuy vậy năm 2002 Hội IEEE-ComSoc đã kỷ niệm 50 năm ngày thành lập.

Ở nước ta, ngày 15/5/2006  Đai học Quốc gia Hà nội cũng đã trang trọng làm lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập (1906 – 2006), trên cơ sở các mốc lịch sử như sau

  • Tiền thân của Đại học Quốc gia Hà Nội là Viện Đại học Đông Dương (Université Indochinoise) do chính quyền thuộc địa Pháp thành lập năm 1906.
  • Sau Cách mạng tháng Tám 1945, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập Trường Đại học Quốc gia Việt Nam trên cơ sở kế thừa  Viện Đại học Đông Dương.
  • Năm 1956, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập và đặt cơ sở ở địa điểm của ViệnĐại học Đông Dương.
  • Năm 1993 chính phủ Việt Nam trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại 3 trường đại học lớn ở Hà Nội: Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I (cũ) và Trường Đại họcSư phạm Ngoại ngữ Hà Nội thành một cơ sở giáo dục lấy tên Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tuy có một vài ý kiến phản bác nhưng dựa trên tính kế thừa lịch sử, ĐHQG Hà nội đã ra văn bản giải  thích và giữ vững quan điểm của mình.

Cho nên Hội ta gọi là kỷ niệm 25 năm hay 48 năm thành lập cũng chỉ có tính chất tương đối mà thôi  Ta cần đúc kêt nghiêm túc kinh nghiệm hoạt động ở cả hai giai đoạn, vì nhưng nỗ lực và thành tựu của giai đoạn trước đã tỏ ra hết sức bổ ích cho sự phát triển của Hội trong giai đoạn sau.

 

  1. Hội nghị OIRT do Đài Tiếng nói Việt nam đăng cai năm 1962, lần tập hợp đầu tiên những người sau này thành lập Ban Vận động.

 

Chúng ta thường viết trong lịch sử  Hội rằng Ban Vận động đã giúp Đài TNVN đăng cai một Hội nghị Quốc tế về Phát thanh-Truyền hình do Tổ chức Quốc tế OIRT (Organisation Internationale deRadiodiffusion et de Television) tổ chức luân phiên ở thủ đô các nước thành viên. Đúng là có sự kiện đó, nhưng là vào năm 1962  khi chưa có Ban Vận động, mặc đầu những người tham sau nầy là những nhân vật chủ chốt trong việc vận động thành lập Hội.

Hồi đó, số cơ quan thuộc lĩnh vực Vô tuyến-Điện tử ở nước ta còn ít, nên khi có một sự kiện quốc tế quan trọng như vậy Đài TNVN mời lãnh đạo tất cả các cơ quan trong ngành cùng dự. Một điều mà ít người để ý là ở Đài Phát thanh TNVN, – tờ báo nói của Đảng, công tác biên tập là chính, kỹ thuật chỉ là công cụ, mà ở nhiều nước người ta giao cho ngành Bưu điện, trong khi OIRT là một tổ chức KHKT, cả về công nghệ lấy tin, xử lý tin và truyền dẫn phát sóng. Ban đầu anh em ở Đài tưởng rằng đăng cai chỉ có nghĩa là lo Hội trường, tiếp tân, phiên dịch, nhưng khi các báo cáo ùn ùn gửi đến, mới tá hỏa ra là cả Ban Hợp tác Quốc tế lẫn Ban Biên tập Đối ngoại đều không đảm đương được công tác phiên dịch và biên tập cho một Hội nghị quốc tế lớn như vậy.

Trước 1960 tổ chức OIRT đóng trụ  sở ở Bruxelles (Bỉ) và dùng tiếng Pháp làm ngôn ngữ trong các văn bản và hội nghị. Sau khi các nước Tây Âu và Nam tư rút ra đê thành lập tổ chức EBU (European Broadcasting Union), thì OIRT dời trụ sở về Praha (Tiệp khắc) nhưng vẫn tiếp tục dùng tiếng Pháp.Cho nên 2 ngày trước Hội nghị, cán bộ giảng dạy Vô tuyến điện trường Đại học Bách khoa, trường Đại học Tổng hợp, cũng như các kỹ sư tốt nghiệp ở Pháp về đang công tác ở Cục Truyền thanh đã được mời đến làm việc ngày đêm để giúp Đài chuẩn bị cho Hội nghị.

Thực ra báo cáo của các nước khác  đã được Ban Chương trình của Hội nghị xét duyệt và biên tập ở Praha rồi, ta chỉ còn phải dịch các báo cáo của Việt nam ra tiếng Pháp, nhưng lãnh đạo Đài đã yêu cầu dịch ra tiếng Việt tất cả báo cáo của các đoàn bạn để mọi thành viên Việt nam dự Hội nghị đều hiểu được.

Việc dịch các báo cáo của Việt nam ra tiếng Pháp không đơn giản, đặc biệt là báo cáo chính của trưởng đoàn Việt nam. Người chuẩn bị bản gốc cho thủ trưởng là một biên tập viên có uy tín, văn hay và văn phạm Việt trong bài khá chuẩn, rất dễ dịch, nhưng nội dung thì lại không phải là một báo cáo khoa học. Một số đoạn đáng ra phải phê phán về mặt KHKT thì lại nêu ra thành mẩu chuyện thú vị , chẳng hạn “các quán nước nhỏ ở đoạn đường cái gần đài Mễ trì, trước đây đêm đêm sinh viên các trường Tổng hợp, Kiến trúc, Bưu điện ra uống nước chỉ có ngọn đèn dầu leo lét, nay thì cả dãy sáng trưng nhờ điện cao tần từ các anten câu xuống thắp các bóng đèn pin”, hoặc “người dân hào hứng nghe đài đến mức chôn cả mâm thau, nồi đồng để làm dây đất thật tốt cho máy thu galen”.

Tôi đã sửa lại và viết bằng tiếng Pháp nói rằng Đài phát sóng phát thanh Mễ Trì  do Liên Xô viện trợ cho Việt Nam được xây dựng từ 1956 đã phát sóng từ 1958. Đài này có máy phát sóng trung (150 kW), và máy phát sóng ngắn (50 kW), là những máy công suất lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á vào thời điểm đó. Nhờ hiệu suất anten cao và sự lựa chọn chính xác địa điểm đặt đài, nơi có vùng đất lý tưởng đối với sự truyền lan sóng trung, điện trường sóng đất rất mạnh, trong vùng bán kính 2 km nông dân câu điện cao tần từ anten xuống có thể làm sáng được bóng đèn pin, nhưng họ đã không dùng phương thức thắp sang nầy khi biết rằng điều đó làm yếu cường độ điện trường ở vùng xa.

 

Đài phát sóng Mễ Trì

 

Về vấn đề “mâm thau nồi đồng” , tôi khẳng định là từ 1960, giảng viên Kiều Vĩnh Khánh của bộ môn Vô tuyến điện trường Đại học Bách khoa đã lắp máy thu thanh 3 bóng bán dẫn đầu tiên ở Việt nam theo sơ đồ đăng trên tạp chí Radio (Liên xô) và bằng transistor do tạp chí gửi tặng. Sau đó nhiều người đi công tác Liên xô đã mua diode và transistor về, lắp ra khá nhiều máy thu bán dẫn đơn giản như vậy.

Riêng về loa cho máy thu, tháng 9 năm 1959 kỹ sư Đinh văn Khoa (sau nầy là Vụ trưởng KHKT Tổng cục Bưu điện) mang từ Đại học Bưu điện Bắc kinh về một số lượng nhỏ hóa chất để chế thử nam châm Ferit tử cứng. Anh Khoa, anh Kiều Vĩnh Khánh và tôi đã dựa vào hướng dẫn trên tạp chí Điện tử (Trung Quốc) trộn các loại hóa chất, nhở xưởng Cơ khí của trường làm khuôn, mượn máy nén ở khoa Xây dựng để nén, mượn lò ở khoa Luyện kim để nung, tự lắp máy đo cường độ từ trường, và cuối cùng đã làm ra những viên nam châm Ferit đầu tiên ở Việt nam, chất lượng đạt chuẩn để làm loa cho máy thu thanh. Trên cơ sở những thành tích ban đầu, tôi đã đăng ký được đề tài cấp nhà nước, mua sắm được thiết bị, mở phòng thí nghiệm và mời các giảng viên Vật lý chất rắn ở ĐH Bách khoa, ĐH Tổng hợp, và các kỹ sư ở Cục Truyền thanh, ở Nhà máy Thiết bị Bưu điện (thuộc TC Bưu điện) đến cùng tham gia nghiên cứu. Kết quả đạt được là ngoài nam châm Ferit từ cứng chất lượng đồng đều có thể sản xuất loạt lớn dùng làm loa (công chính của giảng viên Kiều Vĩnh Khánh), còn làm ra anten Ferit từ mềm (công chính của giảng viên Đàm trung Đồn) và loa kim hoàn chỉnh sản xuất hàng loạt (công chính của Cục Truyền thanh và Nhà máy Thiết bị Bưu điện).

Trong báo cáo tôi nói là Việt nam Dân chủ Cộng hòa chưa có công nghiệp điện tử, nhưng để phát huy tối đa hiệu quả phát sóng của Đài Mễ trì , chúng tôi đã tự thiết kế và lắp ráp một số máy thu thanh bán dẫn đơn giản cho thính giả Đài TNVN với diode và transistor mua từ Liên xô, và một số linh kiện thụ động tự sản xuất ở trong nước. Cũng với đèn điện tử Liên xô và Trung quốc, chúng tôi đã tự lắp máy tăng âm từ 300 đến 500W cho những mạng truyền thanh hữu tuyến cấp thôn xã để phát lại chương trình phát thanh TNVN.

Việc sửa nội dung báo cáo tôi trực tiếp trình bày với thủ trưởng Trần Lâm, và hứa là đến hôm hội nghị sẽ có hiện vật đưa ra để minh họa. Thủ trưởng rất mừng và nói rằng té ra hội nghị OIRT nây không phải chỉ đối với quốc tế, mà đối vói trong nước Việt nam cũng có giá trị thông tin rất lớn, toàn là tin vui mà Tổng Giám đốc Đài TNVN lại chưa biết!

Khi viết những dòng nói trên vào báo cáo, tôi không thể ngờ rằng chỉ 3 năm sau (khi Ban Vận động đã được thành lập) trong nhân dân đã rộ lên phong trào lắp máy thu thanh bán dẫn đơn giản, không phải với transistor “xách tay” từ Liên xô về, mà gỡ từ các mảng điện tủ trên xác máy bay Mỹ “ từ trên trời rơi xuống”. Dân tộc Việt nam ta quả là thông minh, khi Mỹ chưa ném bom miền Bắc thì chỉ biết transistor p-n-p của Liên xô, nhưng khi thu được transistor Mỹ từ xác máy bay toàn là loại n-p-n, và không có số liệu, đặc tuyến kỹ thuật vẫn cứ sử dụng được. Thậm chí, muốn biết “con” transistor nào là cao tần hay âm tần, chỉ tiêu kỹ thuật cao thấp thế nào, cứ ra chợ trời Hòa bình, các cô bán hang sẽ đọc tên và chỉ dẫn vanh vách!

Chính vì những điều kiện lịch sử lúc đó mà Ban Vận động ngay từ khi mới ra đời đã phát động một cuộc thi toàn quốc về “ Máy thu thanh bán dẫn đơn giản”. Cuộc thi đã hướng dẫn quần chúng đi vào kỹ thuật bán dẫn bằng cách vừa cổ vũ niềm đam mê sáng tạo vừa phổ cập những kiến thức cơ bản về mạch và linh kiện bán dẫn, biến thú vui mầy mò thành hoạt động thực nghiệm dựa trên kiến thức kỹ thuật nhằm tạo ra những máy thu tốt mà rẻ tiền để phục vụ cho việc nghe chương trình phát thanh TNVN.

Bản báo cáo chính của đoàn Việt nam được hội nghị nhiệt liệt hoan nghênh, không phải vì “khách khí” mà là họ thực sự  khâm phục trước những điều mắt thấy tai nghe.

Các kỹ sư VTĐ Việt nam, mỗi người đều đã từng góp một phần nào đó vào các thành tưu chung vừa nêu, nên đều đồng tình với nội dung bản báo cáo và trong trò chuyện với các đại biểu quốc tế đã bổ sung thêm một số tình tiết thú vị.

Ban đầu chúng tôi tưởng là phải giúp phiên dịch trong hội nghị, nhưng Ban thư ký OIRT có một bà phiên dịch cao cấp, có thể  dịch đuổi 6 thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Nga, Tiệp, Phần lan, dân biên tập đối ngoại của Đài phục  đến “sát đất”!

Khoảng vài tuần sau khi hội nghị kết thúc Tổng Giám đốc Trần Lâm cho mời thủ trưởng các cơ quan bạn và những giảng viên, kỹ sư  đã từng giúp đỡ Đài đăng cai hội nghị  OIRT đến liên hoan và rút kinh nghiệm. Trong cuộc họp  đó TGĐ Trần Lâm, Tổng Công trình sư Nguyễn văn Tình, Đại tá Ngô đức Thọ, Chủ nhiệm Khoa Nguyễn như Kim, vốn là những người bạn đã từng chung sống ở Việt bắc trong 9 năm kháng chiến chống Pháp và hợp tác chặt chẽ trong công tác, đã bàn với anh em trẻ chúng tôi về ý tưởng thành lập một hội nghề nghiệp để cùng nhau phát triển ngành. Việc thành lập Ban Vận động manh nha từ đó.

 

  1. Câu chuyện về “5 phút cuối cùng của cuộc chiến”

Ban vận động thành lập Hội do Tổng Công trình sư Nguyễn văn Tình đứng đầu đã tập hợp được một đội ngũ đông đảo các kỹ sư , cán bộ kỹ thuật về Vô tuyến điện và Điện tử thuộc các lĩnh vực Bưu điện, Phát thanh, Thông tấn xã, Điện ảnh , các Trường Đại học, các Bộ Công nghệp, Quốc phòng, Ủy ban KHKT nhà nước… cùng tham gia.

Ngày 26/04/ 1965 Ban Vận động đã họp và bầu ra Ban Trù bị thành lập Hội Vô  tuyến  Điện tử gồm 10 ủy viên sau đây:

  1. Tổng Công trình sư Nguyễn văn Tình,Tổng cục Bưu điện
  2. Kỹ sư Nguyễn Lại, Cục Điện ảnh
  3. Kỹ sư Nguyễn Như Kim, Đại học Bách khoa
  4. Kỹ sư Phạm văn Bảy, Tổng cục Bưu điện
  5. Kỹ sư Nguyễn Cung, Đài phát thanh TNVN
  6. Kỹ sư Nguyễn văn Ngọ, Đại học Bách Khoa
  7. Kỹ sư Nguyễn Ngọc Ngoạn , Viện Nhiệt đới hóa
  8. Kỹ sư Hoàng Sước, Tổng cục Bưu điện
  9. Kỹ sư Trịnh lý Thản, Đài TNVN
  10. Kỹ sư Bùi minh Tiêu, Đại học Bách Khoa

(Thứ tự ghi theo đúng biên bản cuộc họp)

 Trưởng Ban Trù bị (Đợt 2 ) Kỹ sư Trưởng Nguyễn Lại

 

Hai tháng sau, ngày 25/06/1965 Bộ Nội vụ (tiền thân của Bộ Công an ngày nay) ra công văn số 1473-DC/VK do Thứ trưởng Nguyễn văn Ngọc ký, cho phép Ban vận động tổ chức các hoạt động trù bị thành lập Hội.

Xem bức ảnh kèm theo, ta thấy tên Hội là Hội Vô tuyến Điện tử Việt nam và  Ban Trù bị có con dấu riêng

Bảy năm sau, ngày 22/06/1982 Ban Vận động họp Hội nghị lần thứ hai, bầu bổ sung thêm 11 ủy viên Ban Trù bị, danh sách như sau (xếp theo vần ABC, theo học hàm, học vị, chức danh công tác, và tên cơ quan lúc đó) :

  1. GS Vũ đình Cự, Viện Khoa học Việt nam
  2. PGS Nguyễn Khang Cường, Đại học Tổng hợp Hà nội
  3. Kỹ sư Ngô bá Duyệt, Bộ Văn hóa
  4. Viện trưởng Đặng Trung Hiếu, Ủy ban Phát thanh Truyền hình VN
  5. Tổng cục trưởng Phạm Niên, Tổng cục Bưu điện
  6. Kỹ sư Nguyễn ngô Hồng, Tổng cục Bưu điện
  7. PTS Hoàng văn Nghiên, Đại học Bách Khoa Hà nội
  8. PTS Vũ Duy Phú, Ủy ban Khoa học Kỹ thuật nhà nước
  9. Kỹ sư Trần Thanh Nhàn, các Xí nghiệp Sửa chữa Thiết bi Điện tử Hà nội
  10. Đại tá Ngô đức Thọ, Bộ Tư lệnh Thông tin
  11. Trung tá Trần thúc Vân. Viện KT Quân sự

Ban vận dộng mới gồm 21 thành viên bầu  ông Nguyễn Lại làm Trưởng Ban.

Hội nghị lần này bàn bạc và đi đến thống nhất về các biện pháp tích cực nhất để vận động cho Hội được chính thức thành lập từ tháng 9/1982, nhưng do những thủ tục nhà nước lúc đó quá phức tạp, ý đồ này không thực hiện được. Sau đó nhiều ủy viên Ban Trù bị đã thay đổi công tác hoặc chuyển vào Nam.

Sáu năm sau, đến năm 1988 điểm lại cán bộ của Ban Trù bị chỉ còn một nhóm kiên định là các ông Nguyễn Lại, Nguyễn văn Ngọ, Vũ duy Phú, Phạm văn Bảy (vẫn còn hoạt động, nhưng ở trong Nam), và một vài vị tuổi cao đã nghỉ hưu như cụ Nguyễn Cung, đại tá Ngô đức Thọ,…

Đầu năm 1988 anh Vũ Duy Phú và tôi chuyển về công tác ở Bộ Cơ khí – Luyện kim. Khi đó Bộ CK-LK vừa được Chính phủ giao nhiệm vụ quản lỳ nhà nước các ngành Cơ khí, Luyện kim, Hóa chất, Điện tử, Tin học, và Tự động hóa. Bộ trưởng Phan Thanh Liêm là người hiểu rõ vai trò của các hội nghề nghiệp trong việc nâng cao dân trí, nâng cao trình độ nghề nghiệp cho hội viên, và đưa nhanh các tiến bộ KHKT vào sản xuất. Do đó ông ủng hộ nhiệt tình các ban vận động và Bộ làm công văn chính thức đề nghị Ban Tổ chức Chính  phủ cho thành lập 6 hội là:

 

  1. Hội cơ học Việt Nam
  2. Hội KHKT đúc – luyện kim Việt Nam
  3. Hội hóa học Việt Nam
  4. Hội tin học Việt Nam
  5. Hội vô tuyến-điện tử Việt Nam
  6. Hội KHCN Tự động Việt Nam

Bộ Trưởng Phan Thanh Liêm tại ĐH 1

 

Bây giờ, chúng tôi đã có cả  một đội ngũ đông đảo những người nhiều năm lăn lộn vận động thành lập hội nghề nghiệp, đã được chính quyền Bộ ủng hộ, lại được sự ủng hộ và chỉ dẫn tận tình của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt nam cho nên mọi việc tuy thủ tục còn phức tạp nhưng triển vọng thành công đã tới gần. Quý III năm 1988, mọi thủ tục đã hoàn tất, chỉ còn ngồi chờ quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Nào ngờ, bỗng nghe tiếng sét ngang tai!! Bốn hội trong danh sách trên đã có quyết định (chẳng hạn Hội Hóa học Việt nam nhận được quyết định thành lập số 207-CT ngày 11/7/1988), riêng hai hội Tin học và Vô tuyến – Điện tử cấp trên có ý kiến là nên nhập thành một hội và sẽ ra quyết định sau!

Hai ban vận động của 2 hội sôi sục, gặp nhau bàn bạc nhiều lần để tìm những lý do chính đáng giải trình tại sao cần phải lập hai hội riêng biệt. Chúng tôi xin gặp Bộ trưởng Bộ CK-LK, Chủ nhiệm Ủy ban KH&KT nhà nước, Tổng cục Bưu điện, Liên hiệp Điện tử – Tin học, Chủ tịch Liên hiệp hội để trình bày và yêu cầu ủng hộ . Chúng tôi tổ chức các cuộc hội thảo để lấy ý kiến đông đảo quần chúng.

Quần chúng trong ban Vận động thành lập Hội Vô tuyến – Điện tử tỏ  ra chán nản: 23 năm phấn đấu liên tục không mệt mỏi nay trở thành “công cốc” !

Tôi động viên anh em bằng cách dẫn câu nói của danh tướng Nogi thời Minh trị Thiên hoàng: “Trong cuộc chiến ai trụ được 5 phút cuối cùng người ấy sẽ thắng”.

Anh em hỏi, cái 5 phút ấy là bao giờ? Tôi bảo chính là bây giờ đây, xin đừng

bỏ cuộc, bỏ cuộc là thua “khó mấy cũng quyết đấu tranh để dành thăng lợi”.

Theo sự phân công của 2 ban vận  động, tôi đến gặp thứ trưởng Nguyễn văn Hường, chủ nhiệm Văn phòng 10 (Vụ phụ trách về  các vấn đề KHKT của Văn phòng Hội đồng Bộ  trưởng). Anh Hường và tôi là bạn thân hồi du học ở Trung quốc và thời gian cùng giảng dạy ở ĐH Bách khoa. Hơn nữa, chúng tôi là  đồng hương, biết nhau từ trong kháng chiến chống Pháp.

Tôi nói hết mọi lý do đã chuẩn bị  cho anh Hường nghe, cuối cùng nói ở Mỹ ba hội Máy tính, Truyền thông, Bán dẫn là 3 hội riêng rẽ trong Tổng hội Kỹ sư Điện và Điện tử IEEE, như chúng tôi trong Liên hiệp hội, ở  Trung quốc 3 hội Điện tử (CIE, China Institute of  Electronics), Truyền thong (CIC, China Institute of Communications), và Tin học (China Information Processing Society) cũng là 3 hội riêng. Nghe đến đó anh Hường bật dậy “Trung quốc cũng rứa à? Thôi được, sẽ có cách!”

Không biết anh có cách gì mà  ngày 17/12/1988 hai hội nhận được quyết định cho phép thành lập của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cùng lúc, hai hội là “anh em sinh đôi”, Hội Tin học Việt nam nhận quyết định số 312/CT còn Hộ Vô tuyến – Điện tử Việt nam số 313/CT

 

Thứ Trưởng Nguyễn Văn Hường tại ĐH 1

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.