Tình bạn thời đi học

GS Nguyễn Văn Ngọ, nguyên Chủ tịch Hội, Cựu sinh viên Đại học Đông Nam,

GS thỉnh giảng của Đại học Đông Nam, TQ

Tình bạn thời đi học là tình cảm trong sáng giữa thiếu niên, thanh niên những năm cùng học dưới một mái trường; trong tâm trí mỗi người chúng ta đều giữ lại những kỷ niệm hết sức thiêng liêng về những người bạn cũ thuở thiếu thời. Đối với chúng tôi những người đã từng được du học tại nước ngoài, hình như tình bạn dưới mái trường một thời là thứ tình cảm “không biên giới”

 

Thời hoạt động ở Thái Lan tôi đã nghe nói về tình bạn giữa GS Trần Văn Giàu và Hoàng thân nước Thái Pridi Phanomyong (còn gọi là Pridi Banomyong, – 11/5/1900-2/5/1983). Là bạn học thời sinh viên bên Pháp, khi Pridi Phanomyong lên làm Thủ tướng, Trần Văn Giàu đã tiếp xúc, vận động và tranh thủ được sự ủng hộ của Pridi với cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Thủ tướng Pridi không những quyết định tặng Việt Nam một lượng lớn súng đạn và thuốc men, mà còn vận động các thành viên khác của chính phủ Thái như ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ Thông In và Ngài Nai Tiêu (Bộ Ngoại giao) chỉ đạo việc tập kết vũ khí và cử sĩ quan đi áp tải để giúp cán bộ ta chuyển hàng từ kho ra cảng Bangkok một cách kín đáo, an toàn.  Pridi cũng đã làm ngơ cho Trần Văn Giàu lập đến 6 chiến khu của kháng chiền VN trên đất Thái!

 

Theo bình chọn của UNESCO năm 2000 Thủ tướng Pridi Phanomyong là một trong những nhân vật vĩ đại nhất của thế kỷ 20

 

Ở quy mô nhỏ hơn rất nhiều bản thân tôi, năm 2008 khi những bạn đồng học ở khoa VTĐ lên làm Giám đốc Đại học Đông Nam (SEU,Trung quốc) cũng đã ký được với họ Hiệp định Hợp tác Đào tạo trên Đại học, trong 3 năm từ tháng 9/2008 đến 9/2011 gửi 33 NCS (30 người học Thạc sỹ và 3 người học Tiến sĩ) sang học với học bổng toàn phần do Bộ Đại học Trung Quốc cấp. HỌC BỔNG TOÀN PHẦN nghĩa là bao cấp toàn bộ học phí, ăn ở, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội rồi còn được lĩnh thêm (theo thời giá hồi đó) mỗi tháng 1700 RMB hoặc 2000 RMB (tùy theo bậc học thạc sĩ hay tiến sĩ) Năm 2012 đã có 30 thac sĩ tốt nghiệp về nước (trừ 2 trường hợp được cho học bổng để làm tiếp NCS Tiến sĩ). Về Tiến sĩ, đã tốt nghiệp 3 người, còn 2 người gửi đi năm 2012 đang tiếp tục làm tiếp. Việc một trường Đại học Quốc gia ký Hiệp đinh Hợp tác với một hội nghề nghiệp có lẽ cũng hiếm, nếu như không có tình bạn thời đi học! Tất nhiên là đào tạo trên đại học miễn phí cho Hội, bạn cũng đã đi một nước cờ cao: những NCS tốt nghiệp về có việc làm ngay đã ca ngợi hết lời chất lượng đào tạo và tiện nghi sinh hoạt ở SEU, làm cho hầu hết sinh viên được học bổng của Bộ GD-ĐT Việt nam đi học TQ đều ghi nguyện vọng vào học ở ĐH Đông Nam!

 

 

 

Còn nhớ dịp Tết năm 1957, tôi được ĐSQ Việt nam tại Bắc Kinh  cử về Hà nội làm một số việc để kết hợp về thăm gia đình sau 7 năm xa cách (tính từ lúc sang Thái lan công tác). Các bạn cùng lớp đều mừng cho tôi và góp tiền mua trà, thuốc lá để tôi mang về nước làm tặng phẩm. Riêng cậu Zhuang KunJie (庄昆杰, Trang Côn Kiệt) đưa cho tôi một áo măngtô len, bảo “Cho mày mượn về Hà nội diện Tết, khi nào trở lại sang mang trả, kẻo không thấy áo thì bố tao đánh chết!”. Lúc ra ga tiễn, nghe nói Việt nam vừa ra khỏi chiến tranh, đời sống rất thiếu thốn, tàu đã từ từ chuyển bánh mà cậu ta còn lật đật chạy theo, gào lên “Không cần mang áo sang nữa đâu!”. Biết tấm lòng của bạn thế thôi, tôi vẫn mang sang trả.

 

Năm  2000 vợ chồng tôi sang Quảng châu, Hong Kong chơi, vợ chồng Trang cũng tìm đến gặp ở khách sạn. Năm 2002 tôi cùng GS Phan Anh và PGS Ngô Diên Tập sang Thâm Quyến thăm tập đoàn HuaWei, nhân thể cũng đến thăm ShenZhen Guoren Communication Company Ltd., tình cở gặp Trang làm Phó Tổng Giám đốc công ty. Anh mừng rỡ bảo “ chỗ này không đáng cho cậu tham quan, về quê mình xem cái Công viên Khoa học- Công nghệ tư nhân chuyên nghiên cứu thiết kế sản xuất linh kiện vi ba của tớ”. Anh thu vé máy bay của chúng tôi giao cho thư ký đem ra đại lý hàng không hoãn chuyến về VN 3 ngày và mua vé đi Hạ môn (Phúc kiến). Hạ Môn là một trong 5 cảng nhà Thanh phải nhượng quyền theo Hiệp ước Nam Kinh ký năm 1842 sau khi kết thúc Chiến tranh Nha phiến, nay là một đặc khu kinh tế lơn của CHND Trung hoa. Xuống máy bay chúng tôi được trường Đại học Hạ môn đón tiếp, cho đi tham quan vài thắng cảnh rồi cho ôtô đưa về Toàn châu, quê của Trang ở đó anh đã sáng lập 2 công ty: Lake Microwave Co., và Multi Microelectronics Technology Co., Ltd.,

 

 

 

Ngày nay cả tổ hợp công nghiệp ở đó gọi là khu công nghiệp cao tần Lake-Multi-Micro RF Industrial Base, có tổng diện tích trên 73 ngàn mét vuông, với nhiều tòa nhà cao tầng có tổng diện tích xây dựng đển 66 ngàn mét vuông. Tổng số công nhân viên là 400 trong đó trên 25% là nghiên cứu viên.

 

Khi đến trời đã tối, cả nhà Trang ngồi đợi, gồm mẹ, vợ, các con và dâu rể, mọi người tiếp đón chúng tôi thân mật như đón bạn con về chơi hồi còn đi học. Sáng ra vào thăm nơi làm việc (khi đó chỉ mới có Lake Microwave Co.,), thì vẫn những con người ấy, nhưng mặc đồng phục cơ quan, đeo thẻ chức vụ, ông con trai cả là Tổng Giám đốc, cô dâu trưởng là Chánh Văn phòng, cô út là Trưởng ban Đối ngoại, v.v., Tuy là công viên KH-CN tư nhân nhưng có cả một tiếu đội CA vũ trang canh gác, Trang Chủ tịch đi đến đâu cũng thấy lính bồng súng chào!

 

Ở với nhau 2 ngày, Trang luôn hỏi “ bất luận việc công hay việc tư, cậu có cần gì cứ bảo mình, nhưng lúc đó công nghiệp vi mạch/vi ba nước ta chưa có gì không có gì để nhờ anh hỗ trợ được.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.