Thiết lập quan hệ hợp tác giữa Hội VT-ĐT Việt Nam (REV) và Hiệp hội Điện tử - Thông tin - Truyền thông Nhật Bản (IEICE)
Trong nhiệm kỳ VI (2014-2018), ngoài việc duy trì tốt các hoạt động truyền thống của Hội, nhất là các hoạt động hàn lâm, Ban chấp hành Hội VT-ĐT VN đã chú ý duy trì và phát triển mới những hợp tác với các hội nghề nghiệp quốc tế. Hội đã có quan hệ mật thiết với nhiều tổ chức nghề nghiệp ĐT-VT trên thế giới. Chẳng hạn, với Tổng hội IEEE từ năm 1996, với Hội IEEE/ComSoc từ năm 1999, qua những hoạt động khoa học và đào tạo đã mang lại nhiều kết quả tốt cho Hội VT-ĐT VN nói chung và các hội viên nói riêng.
Hiệp hội Điện tử - Thông tin – Truyền thông Nhật Bản (IEICE, ieice.org) được thành lập vào năm 1911. Đến nay IEICE có hơn 31.000 hội viên với 6 Hội chuyên ngành (Societies) và 10 chi hội (Regional Sections) ở các vùng địa bàn:
Sơ đồ tổ chức Hiệp hội IEICE (nguồn: ieice.org)
Hội Khoa học Kỹ thuật (IEICE-ESS, ieice.org/ess/) với 15,98% số thành viên của Hiệp hội IEICE, có hơn 20 ban kỹ thuật thuộc 3 phân hội:
Phân hội Hệ thống và xử lý thông tin (SSP) với các ban kỹ thuật Mạch và hệ thống (CAS), Công nghệ thiết kế VLSI (VLD), Xử lý tín hiệu (SIP), Khoa học và ứng dụng các hệ thống toán học (MSS);
Phân hội Âm học và siêu âm với hai ban kỹ thuật Siêu âm (US) và Âm học kỹ thuật (EA);
Phân ban Lý thuyết thông tin và ứng dụng với ban kỹ thuật Công nghệ thông tin (IT);
15 ban kỹ thuật độc lập còn lại không thuộc vào một phân hội nào, do giao thoa chung với các ngành hoặc được thành lập do nhu cầu phát triển khoa học và công nghệ, như Độ tin cậy (R), An toàn thông tin (ISEC), Hệ băng thông rộng (WBS), Công nghệ hệ thống giao thông thông minh (ITS),…
Hội Lý thuyết phi tuyến và ứng dụng (IEIECE-NOLTA, ieice.org/nolta/ hoặc ieice.org/nls/) gồm hai ban kỹ thuật Các bài toán phi tuyến (NLP) và Khoa học truyền thông phức hợp (CCS). Đây là hội nhỏ nhất trong IEICE, chiếm chỉ 0,69% số hội viên IEICE (khoảng 2000 người).
Hội Truyền thông (IEICE-CS, ieice.org/cs/) gồm 21 ban kỹ thuật có định và 6 ban kỹ thuật đặc biệt tùy theo thời kỳ. Đây là hội có số lượng hội viên lớn nhất trong Hiệp hội IEICE, chiếm 31,34%. Mốt số ban kỹ thuật tiêu biểu như An-ten và truyền dẫn (AP), Kiến trúc internet (IA), Điện tử vũ trụ - hàng không và dẫn đường (SANE), Viễn thông vệ tinh (SAT), Vô tuyến thông minh (SR), v.v.
Hội Điện tử (IEICE-ES, ieice.org/es/) là hội đứng thứ ba, chiếm 17,85% số lượng hội viên của IEICE. Hội IEICE-ES có 15 ban kỹ thuật cố định và một số ban kỹ thuật đặc biệt theo từng thời kỳ. Một số ban kỹ thuật tiêu biểu như Thiết bị cơ điện tử (EMD), Thiết bị điện tử (ED), Vi sóng (MW), Mạch và thiết bị tích hợp (ICD), Linh kiện và vật liệu cấu kiện (CPM), Lý thuyết điện từ (EMT), Thiết bị và vật liệu silicon (SDM), Điện tử phân tử hữu cơ (OME), Điện tử quang (OPE), Công nghệ mô phỏng điện tử (EMT), v.v.
Hội Thông tin và hệ thống (IEICE-ISS, ieice.org/iss/) cũng là hội lớn tương đương với IEICE-CS, chiếm 31,43% số lượng hội viên của IEICE. Hội IEICE-ISS có 23 ban kỹ thuật cố định và một số nhóm đặc biệt theo từng thời kỳ. Một số ban kỹ thuật tiêu biểu như Hệ thống máy tính (CPSY), Cơ sở lý thuyết tính toán (COMP), Trí tuệ nhân tạo và xử lý dựa trên tri thức (AI), Khoa học phần mềm (SS), Kỹ thuật dữ liệu (DE), Kỹ phần mềm dự trên tri thức (KBSE), Xử lý tiếng nới (SP), Xử lý ảnh y tế (MI), An toàn thông tin và hệ thống truyền thông (ICSS), Hệ thống tài cấu hình (RECONF), Tính toán dịch vụ (SC), Robot mạng đám mây (CNR)...
Nhóm Kỹ thuật truyền thông con người (IEICE-HCG, ieice.org/hcg/) gồm 9 nhóm nhỏ, chiếm 2,61% số thành viên của IEICE. Đó là các nhóm như Khoa học truyền thông con người (HCS), Xử lý thông tin con người (HIP), Kinh nghiệm media và môi trường ảo (MVE), Công nghệ thông tin thân thiện (WIT), v.v.
Phân bố thành viên trong IEICE (nguồn: ieice.org, 3/2018)
Phân bố thành viên trong IEICE (nguồn: ieice.org, 3/2018) Hiệp hội IEICE có tạp chí khoa học được đưa vào hệ thống ISI (SCIE). Mỗi hội chuyên ngành đều có tạp chí khoa học bằng tiếng Nhật. Có 4 tạp chí chuyên ngành bằng tiếng Anh thu hút nhiều bài báo khoa học từ các nước và ngay trong Nhật. Đó là các tạp chí truyền thống và nay đã xuất bản Online, IEICE Transactions on: Fundamentals of Electronics, Communications and Computer Sciences (IEICE Trans. A, http://search.ieice.org/ess/, ISSN: 1745-1337); Communications (IEICE Trans. B, http://search.ieice.org/cs/, ISSN: 1745-1345); Electronics (IEICE Trans. C, http://search.ieice.org/es/, ISSN: 1745-1353); and Information and Systems (IEICE Trans. D, http://search.ieice.org/iss/, ISSN: 1745-1361).
Hiệp hội IEICE tổ chức hoặc bảo trợ nhiều hội nghị khoa học toàn quốc Nhật Bản và quốc tế. Nhiều hội nghị khoa học quốc tế lớn về điện tử, công nghệ thông tin – truyền thông được IEICE đăng cai và thu hút nhiều nhà khoa học và doanh nghiệp lớn trên thế giới đến trao đổi, triển lãm sản phẩm…
Về hợp tác quốc tế, IEICE có hợp tác chặt chẽ từ lâu với IEEE trong tất cả các lĩnh vực. IEICE có 10 chi nhánh trong Nhật và 12 văn phòng chi nhánh quốc tế ở nước ngoài, đó là các IEICE Sections tại Bangkok, Beijing, Europe, Indonesia, Korea (Communications), Korea (Electronics), Korea (Information), Malaysia, Shanghai, Singapore, Taipei và Vietnam. Số hội viên nước ngoài của IEICE khoảng 3200 người, trong đó tập trung chủ yếu ở Đông Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia,…).
IEICE Vietnam Section được thành lập cuối vào năm 2012 và được công nhận chính thức từ 1/4/2013. Hai nhiệm kỳ đầu (4/2013 – 3/2017) do PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình làm đại diện với gần 40 hội viên tại Việt Nam. Hiện nay IEICE Vietnam Section do PGS.TS Trần Xuân Tú làm đại diện (từ 4/2017-). Một trang giới thiệu về hoạt động của IEICE Vietnam Section được kèm theo bài viết này.
Như vậy, IEICE là một hiệp hội lớn, nhiều lĩnh vực chuyên sâu đều có những hội, phân hội và ban kỹ thuật chuyên môn phụ trách trong nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu phát triển, thúc đẩy hợp tác hàn lâm – doanh nghiệp và có quan hệ quốc tế rộng rãi.
* * *
Thiết lập hợp tác với IEICE là mong muốn của REV từ lâu, nhưng trước năm 2010 cộng đồng nghiên cứu ĐT-VT tại Việt Nam chưa có những kết nối hiệu quả. Trước đó, đã có những hợp tác ban đầu giữa các nhà khoa học Việt Nam trong REV và Trường ĐHBK Hà Nội với IEICE để tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ IX về Công nghệ thông tin và viễn thông năm 1997 (APSITT’97, http://www.ieice.org/cs/in/APSITT97/apsitt97.html), nhờ sự cố gắng của GS Nguyễn Văn Ngọ, GS.TSKH Phan Anh, PGS.TS Phạm Minh Hà và nhiều nhà khoa học khác. APSITT’97 mang đến cơ hội mới và khả năng mở rộng hợp tác với IEICE.
Vào cuối năm 2009, các nhà khoa học Nhật Bản là thành viên IEICE thuộc Ban kỹ thuật điện tử (ED, VLD) thông qua Công ty thiết kế điện tử RENESAS của Nhật Bản đặt tại Việt Nam đã liên hệ với Trường ĐHBK TpHCM và Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN đồng phối hợp tổ chức một hội nghị quốc tế lấy tên viết tắt là ICDV (International conference on Integrated Circuits and Devices in Vietnam). ICDV được tổ chức lần đầu tiên tại Trường ĐHBK TpHCM vào tháng 10/2010 với sự tham gia của hơn 40 nhà khoa học Nhật Bản từ IEICE-ES/ED&VLD và hơn 60 nhà khoa học Việt Nam. Sau đó, IEICE-2011, 2012, 2013, 2014, 2015 và 2017 lần lượt được tổ chức tại Hà Nội (Trường ĐHCN, ĐHQGHN), Đà Nẵng (Trường ĐHBK Đà Nẵng), Tp Hồ Chí Minh (Trường ĐHBK TpHCM), Hà Nội (Trường ĐHCN, ĐHQGHN), Tp Hồ Chí Minh (Trường ĐHKHTN TpHCM) và Hà Nội (Trường ĐHCN, ĐHQGHN). Hội VT-ĐT Việt Nam là đồng tài trợ kỹ thuật cho ICDV từ năm 2013. Hội nghị khoa học quốc tế ICDV được đổi tên từ “Integrated Circuits and Devices in Vietnam” sang “IIntegrated ntegrated CCircuits, ircuits, DDesign, and esign, and VVerificationerification“ từ năm 2013 và vẫn giữ tên viết tắt ICDV. Từ năm 2015, ICDV được tổ chức hai năm một lần. Hội nghị ICDV lần thứ VIII sẽ được tổ chức vào năm 2019.
Hiệu trưởng Trường ĐHCN-ĐHQGHN, Đồng chủ tịch Hội nghị quốc tế ICDV-2013 phát biểu khai mạc tại Tp Hồ Chí Minh. REV là một cơ quan bảo trợ kỹ thuật.
Bên cạnh ICDV, hoạt động của nhóm vi sóng (IEICE-MW) với các nhà khoa học Việt Nam và Thái Lan đã được đẩy mạnh, đã tổ chức các phân ban kết hợp với ICDV từ năm 2014. Nhóm an-ten (IEICE-AP) cũng có những hoạt động chung với các nhà khoa học Việt Nam là hội viên của REV, đã tổ chức các hội thảo khoa học tại ĐH Lê Quý Đôn và một số địa điểm khác tại Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh.
Những hoạt động phối hợp kể trên đã giúp cho IEICE hiểu về REV và các hoạt động nghiên cứu, đào tạo về ĐT-VT và máy tính tại các cơ sở hàn lâm của Việt Nam. Vào cuối năm 2014, tại Hội nghị ICDV-2014, Chủ tịch REV đã đặt vấn đề với IEICE xem xét thiết lập hợp tác với REV. Năm 2015, tại hội nghị các đại diện vùng và quốc tế của IEICE tại Kyoto, Chủ tịch REV đồng thời là đại diện IEICE Vietnam Section đã chính thức đặt vấn đề với IEICE xem xét thiết lập hợp tác và tiến tới ký MOU với REV.
Văn phòng IEICE, Ban đối ngoại IEICE đã cẩn trọng nghiên cứu đề xuất của REV, sau đó đề nghị cung cấp những thông tin cơ bản về REV và các hoạt động học thuật từ trước đến nay. Hội VT-ĐT Việt Nam có quy mô còn nhỏ, hoạt động chưa bao quát các lĩnh vực như IEICE, chưa có những ban kỹ thuật hay nhóm chuyên môn để IEICE có thể giao cho hợp tác trực tiếp.
REV hiện đang có ba hướng chính: Điện tử, Truyền thông (viễn thông) và Máy tính. REV chưa tạo được các nhóm chuyên môn hiệu quả ở những hướng này để có thể kết hợp và chia sẻ cùng nhau, và là đối tác của các hội, nhóm trong IEICE hay IEEE. Sau khi xem xét thông tin REV cung cấp, cộng với các hoạt động hợp tác tổ chức các sự kiện học thuật quốc tế giữa IEICE, REV, IEICE Vietnam Section và lực lượng hội viên IEICE tại Việt Nam, Ban hợp tác quốc tế của IEICE đã thông qua quyết định xây dựng hợp tác IEICE-REV. Hai bên đã tích cực chuẩn bị, tập trung vào giảm 50% hội phí cho hội viên hội này tham gia hội kia; hỗ trợ hội viên tham gia các hội nghị, sẽ có quyền lợi như nhau nếu tham gia các sự kiện do IEICE hoặc REV tổ chức hay đồng tổ chức…
Thỏa thuận REV-IEICE đã được Chủ tịch IEICE ký vào ngày 17/7/2018 và Chủ tịch REV ký vào ngày 23/7/2018 tại Tokyo, Nhật Bản. Thỏa thuận hợp tác REV-IEICE được kèm theo bài viết này. Hội VT-ĐT Việt Nam cần tận dụng tốt những thỏa thuận đã ký với các hiệp hội, hội bạn. Cần phổ biến lợi ích hợp tác với mỗi đối tác đến các hội viên, tổ chức các hoạt động hiệu quả để duy trì tốt hợp tác và phát triển hơn nữa theo chiều sâu bằng cách thiết lập các ban, nhóm hay hội đồng chuyên môn theo từng lĩnh vực.
Tokyo, tháng 9 năm 2018
Nguyễn Ngọc Bình
Chủ tịch Hội VT-ĐT Việt Nam nhiệm kỳ VI
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận