Hội vô tuyến điện tử Việt Nam- "người bạn tâm giao" của Đài Tiếng nói Việt Nam
Hội nghị phát thanh châu Á tổ chức tại Hà Nội năm 2013. |
Giáp Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015, Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam (REV) tổ chức cuộc gặp mặt tất niên. Nhiều bậc lão thành như Giáo sư Nguyễn Văn Ngọ, Giáo sư Tiến sĩ Phan Anh, nguyên Chủ tịch REV cũng có mặt. Giáo sư Nguyễn Văn Ngọ xúc động nói: “Tôi năm nay 85 tuổi rồi, các anh Phan Anh, Huỳnh Ngọc Ấn, Mai Thanh Thụ và nhiều anh chị em trong Hội cũng ở độ tuổi xưa nay hiếm. Ngẫm lại chặng đường 70 năm của VOV và 50 năm của REV, tôi vô cùng tự hào về sự hợp tác có hiệu quả giữa hai cơ quan, thể hiện sự hoà quyện nhuần nhuyễn cùng dựng xây sự nghiệp phát thanh phát triển bền vững’’.
70 năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các thế hệ lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, nghệ sĩ của Đài đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vẻ vang của mình, xứng danh Đài Anh hùng. Ra đời chỉ 5 ngày sau khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Đài TNVN là cơ quan "báo nói" duy nhất truyền tải thông tin đến triệu triệu người nghe trong và ngoài nước. Giờ đây, VOV đã có cả 4 loại hình báo chí: Báo in, báo nói, báo hình và báo điện tử, phủ sóng rộng khắp năm châu, bốn biển với các chương trình phong phú, kịp thời, chất lượng âm thanh, hình ảnh đạt chuẩn quốc tế. Đội ngũ làm báo, cán bộ công chức viên chức được đào tạo chuyên nghiệp. Đây cũng là điều kiện để VOV trở thành một trong những tổ hợp truyền thông đa phương tiện hàng đầu của Việt Nam khi đất nước bước vào thời kỳ hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.
Các thế hệ Lãnh đạo Đài chụp ảnh cùng Lãnh đạo một số đơn vị Đài TNVN. |
Cũng như Đài TNVN, Hội vô tuyến điện tử Việt Nam cũng được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Trải qua 50 năm qua xây dựng và phát triển, REV có sự hợp tác vô cùng chặt chẽ với VOV, đặc biệt trong việc tổ chức các cuộc hội thảo về khoa học công nghệ, trao đổi kinh nghiệm và thẩm định kỹ thuật. REV không quên được những tình cảm quý báu mà VOV dành cho REV ngay từ những ngày mới thành lập. VOV lúc bấy giờ đã tạo mọi điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực cho REV. Hầu hết các Hội nghị quốc tế về kỹ thuật do VOV tổ chức đều có đại biểu của REV tham dự. Ông Trần Lâm, nguyên Uỷ viên trung ương Đảng, Đại biểu quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban phát thanh-truyền hình Việt Nam, người sáng suốt, quyết đoán, hoạt bát, đã dành cho REV sự quan tâm đặc biệt. Bước vào thời kỳ đất nước đổi mới, nhà báo Phan Quang, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam làm Tổng giám đốc Đài TNVN đến năm 1996, tiếp đó là nhà báo Trần Mai Hạnh, nguyên Uỷ viên trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội về làm Tổng giám đốc đến năm 2002, rồi Gs.Ts Vũ Văn Hiền, nguyên Uỷ viên trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội, Tổng biên tập Tạp chí cộng sản về làm Tổng giám đốc đến năm 2011, cũng dành những tình cảm nồng ấm cho Hội vô tuyến điện tử. Suốt 20 năm đầu của thời kỳ đổi mới, mặc dù đất nước gặp rất nhiều khó khăn, tệ quan liêu bao cấp, bảo thủ, lạc hậu kéo dài từ nhiều năm, hậu quả của lệnh cấm vận của Mỹ đối với Việt Nam, đòi hỏi chúng ta phải thắt lưng buộc bụng, triệt để tiết kiệm, tự lực cánh sinh để khôi phục xây dựng đất nước, nhưng VOV và REV vẫn duy trì được mối quan hệ mật thiết để cùng xây dựng và phát triển. Việc phát thử nghiệm sóng cực ngắn FM 100 MHz tại Hà Nội vào những năm 90 đã đánh dấu sự mở đầu cho phát thanh chất luợng cao ở Việt Nam, mở đầu cho những bước đi sau này trong việc phủ sóng FM toàn quốc. Lúc đó, người dân Hà Nội chắc còn nhớ những tấm panô quảng cáo cực lớn mỗi tấm gần 10 mét vuông được đặt tại 39 Bà Triệu, Công viên Thống Nhất, Ngã Tư Sở, ĐạiLa, Trung Tự với dòng chữ : FM 100MHz Âm nhạc và Tin tức 24 giờ. Một dấu ấn nữa trong giai đoạn này là thực hiện kế hoạch truyền dẫn phát sóng từ năm 1995 đến năm 2000 và sau năm 2000 do Phó Tổng giám đốc Huỳnh Ngọc Ấn trực tiếp chỉ đạo thực hiện. Thời gian này, Đài TNVN đã thực hiện truyền tín hiệu lên Vệ tinh kỹ thuật số, thông qua đầu thu tín hiệu số TVRO và DTH cùng với hai phương thức là cáp, vi ba đạt mức dự phòng cao 300%. Nhờ đó, Tiếng nói Việt Nam đã truyền đi khắp trong và ngoài nước, khắc phục được đường truyền dẫn bằng Viba Bắc Nam hay bị gián đoạn. Đồng thời, VOV xây dựng hai đài phát thanh sóng trung lớn tại khu vực Nam Bộ và Bắc Bộ với tổng công suất gần 4000 KW, góp phần nâng tỷ lệ phủ sóng của Đài TNVN từ 25% lên 65%. Sở dĩ đạt được kết quả đó, VOV và REV đã phải vượt qua bao rào cản để lựa chọn thiết bị, cấu hình, thiết bị, công nghệ, nhà thầu, bảo đảm hài hoà giữa các yêu cầu kỹ thuật hiện đại, thiết bị, cấu hình mới nhất, không để tình trạng quá phụ thuộc vào một hãng cung cấp thiết bị, tăng cường tính độc lập tự chủ cao.
Các đại biểu dự Hội nghị về chuẩn kỹ thuật phát thanh số DAB+ tại Hà Nội. |
Mười năm đổi mới tiếp theo 2005- 2015 đòi hỏi đổi mới toàn diện, thay đổi hẳn về chất. Gs.Ts Vũ Văn Hiền cùng tập thể lãnh đạo Đài đưa ra bốn ưu tiên là: Phát triển về lượng và chất các Hệ phát thanh đối nội và đối ngoại, đặc biệt quan tâm đến các thứ tiếng dân tộc thuộc Hệ VOV4, phát thanh trên Internet; rà soát sắp xếp lại phủ sóng phát thanh, tăng cường phủ sóng FM, thử nghiệm phát thanh số chuẩn HD Radio, đổi mới công nghệ sản xuất chương trình phát thanh; thay đổi bộ máy tổ chức, nghiên cứu khoa học, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công nhân, viên chức đảm bảo tính chuyên nghiệp, đề nghị Nhà nước cho Đài TNVN được thực hiện cơ chế tài chính tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo NĐ 43/CP nhằm nâng cao chất lượng toàn diện cả nội dung, kỹ thuật, quản lý và ổn định đời sống cán bộ, công nhân, viên chức, đầu tư cơ sở hạ tầng trong đó có Trung tâm phát thanh quốc gia 58 Quán Sứ, Hà Nội. Thời gian này, REV với chức năng của mình đã tư vấn, phản biện cấp cao cho ngành phát thanh-truyền hình tiến thẳng vào Kỷ nguyên số thông qua quá trình thử nghiệm chọn chuẩn phát sóng mặt đất phát thanh-truyền hình. Năm 2005, VOV thử nghiệm thành công phát sóng số chuẩn DRM máy 200KW sóng trung tần số 729 KHz tại Đồng Hới, Quảng Bình, Đề tài cấp Nhà nước do Kỹ sư, Phó Tổng giám đốc Đoàn Việt Trung chủ trì phối hợp với REV, các Hiệp hội PTTH quốc tế ABU và EBU. Tiếp tục thực hiện lộ trình phát thanh số đã đươc Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2009, Phó Tổng giám đốc Đào Duy Hứa chủ trì đề tài cấp nhà nước về phát thanh số, đã phối hợp với REV, các tổ chức PTTH quốc tế ABU và EBU, Đại học công nghệ Hà Nội, thử nghiệm thành công phát sóng số FM chuẩn HD Radio cả 2 tần số FM/AM tại Hà Nội.
Thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên, kỹ thuật viên, nghệ sĩ ngày hôm nay vô cùng tự hào với truyền thống vẻ vang của Đài TNVN. Chúng ta cũng tự hào khi được làm việc trong cơ quan truyền thông đa phương tiện, nơi tạo ra nhiều chương trình đa dạng, hấp dẫn với công nghệ hiện đại, con người làm việc chuyên nghiệp. Qua các thời kỳ, lại xuất hiện nhiều cây bút sắc sảo, những bàn tay vàng cần mẫn của những người làm công tác kỹ thuật, những nhà quản lý giỏi, những nhà nghiên cứu khoa học, các ca sỹ, nghệ sỹ nổi tiếng... suốt đời vì sự nghiệp phát thanh. Trong thành công chung của Đài TNVN, chúng ta không thể quên được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban ngành trung ương, của nhân dân dành cho Đài TNVN, trong đó có "người bạn tâm giao" REV, người luôn đồng hành với chúng ta kể cả trong những lúc khó khăn, gian khổ nhất. Chúng ta gặp họ, biết họ trong công sở, trong đời sống hàng ngày, thấp thoáng trong chuyên mục “VOV: Người và nghề’’ của báo điện tử Đài TNVN. Tất cả đều phấn khởi làm việc vì sự nghiệp chung - phát thanh Việt Nam, cùng tiến bước trên con đường mới với một niềm tin theo Đảng./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận