Chiến thắng Điện Biên Phủ: Sức mạnh Việt Nam, tầm vóc thời đại
Bảy mươi năm trôi qua, những giá trị lịch sử sâu sắc và tầm vóc thời đại to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn vẹn nguyên, đã, đang và tiếp tục làm tăng thêm niềm tự hào dân tộc, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân không ngừng phấn đấu dưới lá cờ vẻ vang của Đảng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân trong công cuộc đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.
Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954- 7/5/2024), chiều ngày 16/4/2024, Đảng bộ Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức Hội nghị chuyên đề "Chiến thắng Điện Biên Phủ- sức mạnh Việt Nam, tầm vóc thời đại".
Quang cảnh Hội nghị chuyên đề "Chiến thắng Điện Biên Phủ- sức mạnh Việt Nam, tầm vóc thời đại". Ảnh: HL
Hội nghị chuyên đề với sự tham dự của Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Vusta Phạm Quang Thao cùng hàng trăm đại biểu là cán bộ, đảng viên thuộc Cơ quan Vusta, các Hội thành viên, các Tổ chức khoa học công nghệ trong toàn hệ thống.
Báo cáo viên tại Hội nghị là Đại tá, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lịch sử Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng Học Viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhận định, chiến thắng Điện Biên Phủ là một bản hùng ca bất hủ, thắng lợi rực rỡ của dân tộc Việt Nam anh hùng và cũng là thắng lợi chung của các dân tộc bị áp bức trên thế giới, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn cầu, cổ vũ và góp phần quan trọng vào phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội của nhân loại.
PGS, TS Nguyễn Mạnh Hà cho biết, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Lần đầu tiên trong lịch sử, một dân tộc bị áp bức đã đánh bại cuộc xâm lược của một đế quốc hùng mạnh, đã giành lại độc lập cho dân tộc, đem lại ruộng đất cho dân cày, đưa lại quyền dân chủ thực sự cho nhân dân”. “Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới”. Chính những điều đó đã khẳng định Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 có giá trị lịch sử sâu sắc và mang tầm vóc thời đại to lớn.
Đại tá, PGS, TS Nguyễn Mạnh Hà, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lịch sử Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng Học Viện CTQG Hồ Chí Minh – Báo cáo viên tại hội nghị. Ảnh: HL
Đại tá, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà cũng đã nêu bật 5 chủ đề quan trọng về chiến thắng Điện Biên Phủ cách đây 70 năm.
Khía cạnh thứ nhất, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tạo cơ sở căn bản cho việc ký kết Hiệp định Geneva về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương”
Trong cuộc chiến tranh ở Triều Tiên và ở Đông Dương, đế quốc Mỹ và thực dân Pháp ngày càng thất bại nặng nề trên chiến trường, ngày 25-1-1954, Hội nghị tứ cường gồm Anh, Pháp, Mỹ và Liên Xô khai mạc tại Berlin (Đức) đã đi đến nhất trí triệu tập Hội nghị Geneva (Thụy Sĩ) để bàn giải pháp hòa bình cho Triều Tiên và đình chiến ở Đông Dương. Tuy nhiên, sau hơn hai tháng hội nghị vẫn không triệu tập được.
Ở Đông Dương, được sự giúp sức của Mỹ, thực dân Pháp đề ra và thực hiện Kế hoạch Navarre nhằm xoay chuyển tình thế, giành thắng lợi quyết định về quân sự trong vòng 18 tháng, làm cơ sở thực hiện “một giải pháp chính trị thích hợp để giải quyết chiến tranh” và hy vọng tìm “lối thoát danh dự” cho nước Pháp. Tuy nhiên, Kế hoạch Navarre đã sớm bị đảo lộn, bước đầu phá sản bởi những hoạt động quân sự của quân và dân Việt Nam.
Đặc biệt, ngày 13-3-1954, ta mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, làm cho tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của Pháp có nguy cơ bị tiêu diệt, cùng với đó là sức ép từ nhân dân tiến bộ thế giới lên án cuộc chiến tranh của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ ở Đông Dương, ngày 26-4-1954, Hội nghị Geneva đã được triệu tập, ban đầu bàn về vấn đề hòa bình ở Triều Tiên, thì chiều 7-5-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Ngay ngày hôm sau (8-5-1954), trước tác động to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ, chương trình nghị sự về giải quyết chiến tranh Đông Dương đã được đặt trên bàn hội nghị và hội nghị bàn về đình chiến ở Đông Dương bắt đầu.
Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu không chỉ có ý nghĩa quân sự mà còn có ý nghĩa chính trị vô cùng to lớn, tạo ra thế mạnh của ta trên bàn đàm phán, đẩy Pháp vào thế bất lợi. Với chiến thắng này đã tạo cơ sở căn bản đưa đến thành công của Hội nghị Geneva.
Ngày 21-7-1954, Pháp và các nước tham gia Hội nghị đã ký Hiệp định Geneva đình chiến, lập lại hòa bình cho 3 nước Đông Dương: Việt Nam, Lào và Campuchia. Lần đầu tiên, Chính phủ Pháp và mỗi nước tham gia Hội nghị Geneva cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, tuyệt đối không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Các bên tham chiến ngừng bắn, lập lại hòa bình trên toàn Đông Dương, thực hiện tập kết, chuyển quân theo khu vực và thời gian quy định. Việt Nam sẽ thống nhất đất nước bằng một cuộc tổng tuyển cử tự do vào tháng 7-1956 dưới sự kiểm soát của một Ủy ban quốc tế.
Đánh giá về tác động to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ đối với việc đàm phán và ký Hiệp định Geneva, Phó giáo sư, tiến sĩ người Mỹ C.Lentz đã nhấn mạnh: “Trận Điện Biên Phủ đã làm thay đổi thế giới. Quân đội nhân dân Việt Nam đã đánh bại thực dân Pháp. Chiến thắng góp phần khích lệ và củng cố vị thế Việt Nam trong các cuộc đàm phán ngoại giao, ký kết Hiệp định Geneva chấm dứt 8 năm chiến tranh, giải tán Liên bang Đông Dương và thừa nhận chế độ Cộng hòa dân chủ ở miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 17”.
Khía cạnh thứ hai, Chiến thắng Điện Biên Phủ chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp ở Đông Dương, mở đầu quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới
Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa của thế kỷ 20”, mà còn đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa kiểu cũ của chủ nghĩa đế quốc, mở đầu quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ giáng một đòn chí mạng vào nền móng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đánh sập thành lũy của chủ nghĩa thực dân cũ ở vị trí xung yếu nhất, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.
Các Đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: HL
Với thất bại nặng nề trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương lần thứ hai, trực tiếp là trận “Tổng giao chiến” ở Điện Biên Phủ, Kế hoạch Navarre bị phá sản thảm hại, buộc thực dân Pháp phải kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương kéo dài trong gần 9 năm. Quân đội viễn chinh Pháp phải rút khỏi Việt Nam, Lào, Campuchia, chấm dứt sự thống trị ở 3 nước Đông Dương. Chính từ thất bại nặng nề này, Chính phủ Pháp phải xem xét lại vị thế và các chính sách của mình đối với các nước vốn là thuộc địa cũ, buộc phải trao trả độc lập cho nhiều nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi.
Với chiến thắng Điện Biên Phủ-đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Việt Nam trở thành nước tiên phong, là biểu tượng sáng ngời trong phong trào giải phóng dân tộc, đánh đổ chủ nghĩa thực dân cũ, mở ra một trang sử mới cho nhân loại, góp phần thay đổi cục diện thế giới. Đúng như đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài gian khổ, anh dũng của quân và dân ta chống thực dân Pháp và sự can thiệp của đế quốc Mỹ.
Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của Chủ nghĩa Mác-Lênin trong thời đại ngày nay: Chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại; cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công” và “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”.
Trên phương diện quốc tế, Chiến dịch Điện Biên Phủ có một ý nghĩa rất lớn và đã đi vào lịch sử nhân loại, bởi đây là lần đầu tiên quân đội của một nước từng là thuộc địa ở châu Á đánh bại đội quân hiện đại và tối tân của một cường quốc châu Âu, được hỗ trợ bởi đế quốc Mỹ trong một chiến dịch quân sự lớn. Kết cục chiến dịch này được xem là một thảm họa bất ngờ đối với thực dân Pháp và cũng là một đòn giáng mạnh với thế giới phương Tây, đã đánh bại âm mưu duy trì chế độ thuộc địa ở Đông Dương của Pháp và buộc Pháp phải đàm phán, ký kết Hiệp định Geneva về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Đúng như đánh giá của nhà báo, nhà sử học phương Tây Giuyn Roi: “Điện Biên Phủ là nỗi kinh hoàng khủng khiếp, là nỗi thất bại lớn nhất của phương Tây, báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ và sự cáo chung của một nền cộng hòa Pháp”.
Khía cạnh thứ ba, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã khẳng định đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng và sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam
Chiến thắng Điện Biên Phủ có giá trị lịch sử sâu sắc và mang tầm vóc thời đại to lớn, là sự kết tinh của nhiều nhân tố, trong đó, quan trọng nhất là sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu đã khẳng định đường lối chính trị và đường lối quân sự đúng đắn, sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đó là đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh, đã phát huy cao độ truyền thống yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam với ý chí quyết chiến, quyết thắng, “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, “quyết tử để cho Tổ quốc quyết sinh”, quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.
Đặc biệt, khẳng định chủ trương chiến lược và sự chỉ đạo chiến dịch tài tình, sáng tạo trong chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954 của Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh và tài thao lược của Tổng Tư lệnh-Đại tướng Võ Nguyên Giáp với quyết định lịch sử chuyển từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, cùng tinh thần đoàn kết, chiến đấu của quân và dân ta “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” và sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ của các nước bạn bè quốc tế, nhất là nhân dân và lực lượng vũ trang cách mạng Lào, Campuchia đã cùng Việt Nam chung sức, chung lòng, đồng cam cộng khổ, sát cánh bên nhau chiến đấu.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ 34 chiến sĩ với vũ khí thô sơ, gậy tầm vông, giáo mác, dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội ta đã không ngừng lớn mạnh, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng trưởng thành, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông-Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm cho thực dân Pháp và can thiệp Mỹ hoàn toàn bất ngờ trước sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, trước việc “Việt Minh” có đủ lương thực và vũ khí để chiến đấu liên tục trong suốt gần hai tháng trên địa bàn hiểm trở, xa hậu cứ và trước việc xuất hiện của trọng pháo trên trận địa đỉnh núi...
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm tăng niềm tự hào dân tộc, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân một lòng một dạ chiến đấu dưới lá cờ vẻ vang của Đảng vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Chiến thắng Điện Biên Phủ làm sáng ngời chân lý: Một dân tộc đất không rộng, người không đông, kinh tế chậm phát triển, quân đội còn non trẻ nhưng biết đoàn kết chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, biết vũ trang toàn dân, tiến hành chiến tranh nhân dân, được bạn bè và nhân loại tiến bộ trên thế giới ủng hộ, ắt giành thắng lợi.
Khía cạnh thứ tư, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đưa Việt Nam bước sang một thời kỳ mới, miền Bắc quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam thực hiện cuộc đấu tranh để thống nhất nước nhà
Với Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Geneva về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương”, lẽ ra Việt Nam sẽ có hòa bình và tiến hành hiệp thương, tổng tuyển cử thống nhất đất nước vào tháng 7-1956, nhưng do hành động chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta nên những điều khoản hết sức quan trọng trong Hiệp định không thực hiện được.
Chính vì thế, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ không chỉ kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ, gian khổ chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ; chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của Pháp trên đất nước Việt Nam, Lào, Campuchia; bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mà còn mở ra một thời kỳ mới hết sức đặc biệt ở Việt Nam: Đất nước tạm thời chia làm hai miền, cả nước bước vào cuộc trường chinh đầy khó khăn, gian khổ, hy sinh và vô cùng oanh liệt chống Mỹ, cứu nước trong 21 năm để vừa xây dựng, bảo vệ miền Bắc, vừa đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử, một dân tộc bị áp bức đã đánh bại cuộc xâm lược của một đế quốc hùng mạnh, đã giành lại độc lập cho dân tộc, đem lại ruộng đất cho dân cày, đưa lại quyền dân chủ thực sự cho nhân dân. Nhờ đó, đã tạo ra những thay đổi căn bản trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, ngoại giao... cho cách mạng Việt Nam và mở đầu cho một thời kỳ mới, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai để giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Khía cạnh thứ năm, Chiến thắng Điện Biên Phủ là niềm cổ vũ to lớn trong cuộc đấu tranh của các nước thuộc địa, phụ thuộc để giành độc lập dân tộc
Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ đặt dấu chấm hết cho chủ nghĩa thực dân của Pháp tại Đông Dương mà còn trở thành nguồn cảm hứng lớn lao, tác động mạnh mẽ tới phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm thức tỉnh và cổ vũ, động viên các dân tộc bị áp bức trên thế giới vùng lên đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng lớn nhất của quân và dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, tự lực cánh sinh chống Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ. Thắng lợi này đã trực tiếp đưa đến việc ký Hiệp định Geneva về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương”; tạo cơ sở và điều kiện để nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975.
Nguồn: Tạp chí Điện tử và Ứng dụng
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận