Sơ lược lịch sử thành lập Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam
Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định thành lập ngày 17/12/1988, đến nay đã gần 35 năm. Để đi tới được quyết định trên, một cuộc vận động thành lập Hội đã được tiến hành từ 28 năm trước đó.
Ngày 26/04/ 1965, Ban vận động thành lập Hội do Tổng Công trình sư Nguyễn Văn Tình (lúc đó là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện) đứng đầu đã tập hợp được một đội ngũ đông đảo các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật về Vô tuyến điện và Điện tử thuộc các lĩnh vực Bưu điện, Phát thanh, Thông tấn xã, Điện ảnh, các Trường Đại học, các Bộ Công nghiệp, Quốc phòng, Nội vụ… cùng tham gia. Ban Vận động lúc đó gồm 10 người là:
1. Tổng Công trình sư Nguyễn Văn Tình (Tổng cục Bưu điện, đã mất)
2. Kỹ sư Nguyễn Cung ( Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, đã mất)
3. Kỹ sư Nguyễn Như Kim (Đại học Bách khoa, đã mất)
4. Kỹ sư Bùi Minh Tiêu (Đại học Bách Khoa, đã mất)
5. Kỹ sư Nguyễn Lại (Cục Điện ảnh, đã mất)
6. Kỹ sư Phạm Văn Bảy (Tổng cục Bưu điện)
7. Kỹ sư Nguyễn Văn Ngọ (Đại học Bách Khoa, đã mất)
8. Kỹ sư Nguyễn Ngọc Ngoạn (Viện Nhiệt đới hóa, đã mất)
9. Kỹ sư Hoàng Sước (Tổng cục Bưu điện, đã mất)
10. Kỹ sư Trịnh Lý Thản (Đài Tiếng nói Việt Nam)
Tuy chưa có quyết định chính thức của Nhà nước, nhưng dựa trên công văn số 1473-DC/VK do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Văn Ngọc ký ngày 25/06/1965, Ban vận động đã tổ chức các hoạt động ngang tầm với một tổ chức Hội thực thụ.
Các đại biểu tham dự Đại hội lần thứ nhất của Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam ngày 03/01/1989 tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội
Hoạt động đầu tiên của Ban vận động thành lập Hội là phát động cuộc thi toàn quốc về “Máy thu thanh bán dẫn đơn giản”. Cuộc thi đã dấy lên một phong trào quần chúng đi vào khoa học kỹ thuật, say mê sáng tạo để tạo ra những sản phẩm tốt nhất phục vụ cho đời sống, trong lúc đất nước còn nghèo, thiếu các phương tiện để truyền bá thông tin.
Ban Vận động cũng đã phối hợp với Uỷ ban Khoa học - Kỹ thuật Nhà nước (tiền thân của Bộ Khoa học và Công nghệ ngày nay) tổ chức 2 kỳ Hội nghị Khoa học toàn quốc về Vô tuyến Điện tử. Hội nghị lần thứ nhất được tổ chức tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, khi Việt Nam chính thức tham gia khối SEV (Hội đồng Tương trợ Kinh tế). Hội Vô tuyến - Điện tử coi đây là Hội nghị khởi đầu cho các Hội nghị khoa học của Hội về sau này.
Sau đó, do hoàn cảnh chiến tranh, với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến” nên các hoạt động của Ban Vận động tạm thời bị gác lại cho đến 17 năm sau.
Ngày 22/06/1982, Ban Vận động họp Hội nghị mở rộng, bầu thêm 11 thành viên mới là các ông: Vũ Đình Cự, Nguyễn Khang Cường, Ngô Bá Duyệt, Đặng Trung Hiếu, Phạm Niên, Nguyễn Ngô Hồng, Hoàng Văn Nghiên, Vũ Duy Phú, Trần Thanh Nhàn, Ngô Đức Thọ, Trần Thức Vân. Ban vận động mới gồm 21 thành viên, bầu ông Nguyễn Lại làm Trưởng Ban.
Mục tiêu của Hội nghị này là vận động cho Hội được chính thức thành lập từ tháng 9/1982, nhưng do thủ tục lúc đó quá phức tạp, ý đồ này không thực hiện được. Sau đó nhiều ủy viên Ban Vận động đã thay đổi công tác hoặc chuyển vào miền Nam.
Tuy vậy, vẫn còn một số cán bộ kiên định của Ban Vận động (Nguyễn Lại, Vũ Duy Phú, Phạm Văn Bảy, Nguyễn Văn Ngọ...) do ông Nguyễn Lại lãnh đạo, tiếp tục kiên trì vận động để đến ngày 17/12/1988 được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định số 313/CT cho phép thành lập Hội.
Đại hội lần thứ I của Hội đã được tổ chức tại hội trường C2 của Đại học Bách khoa Hà Nội, bầu ra Ban Chấp hành đầu tiên gồm 37 người, gồm các nhà khoa học, giảng viên đại học, nhà sản xuất, và nhà quản lý thuộc lĩnh vực Vô tuyến - Điện tử trong cả nước (Xem Phụ lục Kỷ yếu).
Ban Chấp hành đã bầu ra Chủ tịch đầu tiên của Hội là đồng chí Đặng Văn Thân, khi đó là Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, đồng chí Nguyễn Văn Ngọ (lúc đó công tác tại Ủy ban Phát thanh - Truyền hình Việt Nam) là Phó Chủ tịch/Tổng thư ký và hai Phó Chủ tịch khác là Phan Anh (Đại học Bách khoa Hà Nội), Nguyễn Hà Hoạt (Tổng cục Điện tử - Tin học Việt Nam).
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận