ATC 2023: Các xu hướng mới của công nghệ vi mạch bán dẫn
Hội nghị quốc tế về các Công nghệ Truyền thông tiên tiến (International Conference on Advanced Technologies for Communications - ATC) là sự kiện khoa học thường niên thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Việt Nam và quốc tế. Hội nghị ATC 2023 có sự tham gia của 603 nhà khoa học đến từ 18 quốc gia với 151 bài báo tham dự.
- ATC-2021: Chiplet tương lai của ngành công nghiệp bán dẫn thế giới
- ATC 2022 - Những tiến bộ trong truyền thông không dây B5G / 6G
- 408 nhà khoa học đến từ 22 quốc gia đóng góp trí tuệ cho ATC 2022
Quang cảnh Hội nghị ATC 2023.
Hội nghị Quốc tế về Công nghệ Tiên tiến cho Truyền thông - ATC 2023, do Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam (REV), Viện Kỹ thuật Điện và Điện tử (IEEE) và Đại học Thông tin và Truyền thông Hàn Quốc-Việt Nam (VKU) đồng tổ chức tại TP. Đà Nẵng.
Hội nghị ATC 2023 bao gồm một loạt các chủ đề quan trọng và có tính thời sự của thông tin và truyền thông hiện nay như vi mạch bán dẫn, mạng sau 5G và 6G. Đây là một diễn đàn mở và thân thiện cho các nhà khoa học và chuyên gia để thảo luận và chia sẻ ý tưởng mới, kinh nghiệm nghiên cứu và phát triển cũng như các kết quả có tính đột phá trong việc phát triển hệ thống, sản phẩm và công nghệ.
Ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch khiêm Tổng Thư ký Hội REV phát biểu khai mạc Hội nghị ATC 2023.
Phát biểu khai mạc Hội nghị ATC 2023, ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch khiêm Tổng Thư ký Hội REV cho biết: Đây là lần thứ hai ATC được tổ chức tại Đà Nẵng, sau 12 năm kể từ lần đầu tiên vào năm 2011 do Đại học Bách khoa Đà Nẵng đăng cai tổ chức từ ngày 2-4/8/2011. Và lần này do Đại học VKU đăng cai. Các trường đại học trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông tại Đà Nẵng liên tục phát triển. Minh chứng rõ nhất là Đại học VKU, từ một trường cao đẳng đã trở thành Đại học trực thuộc Đại học Đà Nẵng, với năng lực và điều kiện đăng cai tổ chức hội nghị khoa học quốc tế đẳng cấp ATC. Ông Hoan nhấn mạnh.
Các đại biểu quốc tế tham dự Hội nghị ATC 2023.
Trao đổi với báo chí, Ban tổ chức, cho biết: Tại phiên toàn thể của ATC 2023, Hội nghị sẽ được nghe báo cáo đề dẫn về các vấn đề và xu hướng phát triển trong lĩnh vực điện tử, truyền thông và các lĩnh vực liên quan do các GS đầu ngành ở Đại học Northumbria, Vương Quốc Anh, Đại học Kyung-hee, Hàn Quốc trình bày. Hội nghị sẽ diễn ra 20 phiên song song với nhiều chủ đề hay và phát triển mạnh hiện nay trong điện tử - truyền thông gồm:
- Xử lý tín hiệu số;
- Truyền thông;
- Vi mạch bán dẫn;
- Hệ thống mạng;
- Điện tử;
- Anten và Truyền sóng;
- Truyền thông không dây sau 5G và 6G.
Cũng trong khuôn khổ của Hội nghị ATC 2023, ngày 21/10/2023, sẽ diễn ra Workshop Công nghệ vi mạch bán dẫn với chủ đề “Các xu hướng mới của công nghệ vi mạch bán dẫn” với phần trình bày của các chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu Điện tử Viễn thông, (ETRI), Hàn Quốc; Cũng trong khuôn khổ của workshop này, các chuyên gia về lĩnh vực vi mạch bán dẫn, đại diện nhà quản lý, cơ sở đào tạo đại học sẽ cùng nhau thảo luận về chủ đề phát triển nguồn nhân lực thiết kế và chế tạo vi mạch bán dẫn cho Việt Nam trong điều kiện hiện nay.
Cùng với sự chia sẽ từ các góc nhìn khác nhau của các chuyên gia sẽ giúp cho các cơ sở giáo dục đại học xây dựng chiến lược và kế hoạch đào tạo vi mạch bán dẫn phù hợp đối với phù hợp với điều kiện hiện tại của mình đáp ứng được nhu cầu nhân lực cho lĩnh vực này trong thời gian tới.
Chia sẻ về ATC 2023, TS. Trần Thế Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường đại học VKU, Trưởng Ban Tổ chức địa phương cho biết: với vai trò, vị thế, trách nhiệm của Trường đại học VKU đối với cộng đồng và sự phát triển khoa học, công nghệ, đào tạo về công nghệ thông tin và chuyển đổi số của Miền Trung - Tây Nguyên và đất nước. VKU là một trong 3 trường đại học công lập lớn trên cả nước và duy nhất tại khu vực Miền Trung-Tây Nguyên đào tạo, nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ thông tin, truyền thông và kinh tế số, việc đồng tổ chức Hội nghị ATC 2023 với Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam và IEEE đã tạo ra một sức hút đáng kể đối với các nhà khoa học trong và ngoài nước so với các Hội nghị khoa học quốc tế khác.
Hội nghị ATC 2023 một lần nữa đã khẳng định được uy tín và chất lượng chuyên môn, là cầu nối giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước cùng nhau đóng góp trí tuệ, khoa học công nghệ trong lĩnh vực điện tử và truyền thông thúc đẩy sự phát triển khoa học trong nước và thế giới. Tại phiên bế mạc, ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch khiêm Tổng Thư ký Hội REV, Trưởng Ban tổ chức Hội nghị ATC đã phát động gọi bài cho Hội nghị ATC 2024 dự kiến được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh.
ATC 2023-Lần thứ 16 đã có 151 bài báo khoa học của hơn 600 tác giả, đồng tác giả trong và ngoài nước. Sau quá trình phản biện nghiêm túc, chặt chẽ và kỹ lưỡng kết quả, có 96 bài báo được lựa chọn để xuất bản trong Kỷ yếu Hội nghị ATC 2023. Toàn văn của tất cả các bài báo này được đăng trên cơ sở dữ liệu của IEEEXplore.
Từ năm 2008 đến nay, ATC đã là sự kiện khoa học hàng năm quan trọng nhất của Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam. ATC luôn hướng tới hai mục tiêu: (1) thúc đẩy một diễn đàn quốc tế trao đổi khoa học và công nghệ giữa các nhà khoa học Việt Nam và trên thế giới trong lĩnh vực điện tử, truyền thông và các lĩnh vực liên quan; (2) thu hút những nghiên cứu chất lượng cao đóng góp cho sự phát triển của Công nghệ thông tin và Truyền thông trong nước và trên thế giới.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận