Bác Nguyễn Văn Khang sinh năm 1921 tại xã Thịnh Quang, tỉnh Thái Bình, là học sinh khóa 1940 – 1942 trường Kỹ nghệ Thực hành Hà nội (nguyên là trường Chuyên nghiệp Hà nội thành lập năm 1898 theo Quyết định của phòng Thương mại Đông Dương, năm 1931 đổi tên thành Trường Kỹ nghệ Thực hành Hà Nội), sau khi tốt nghiệp được nhận vào làm việc ở đài VTĐ Bạch Mai của chính quyền thuộc địa.
![]() |
Bác tham gia Mặt trận Việt Minh từ tháng giêng năm 1945. Khi Cách Mạng tháng 8 thành công, dưới sự chỉ đạo của kỹ sư Nguyễn Văn Tình, nguyên Giám đốc Sở VTĐ Đông Dương và bác Nguyễn Văn Cung, Cán sự Kỹ thuật Đài Bạch mai, bác đã tham gia cải biên những máy phát tín lấy được của Sở VTĐ Đông Dương thành những máy phát thanh công suất nhỏ để phát sóng loan báo ra toàn thế giới những sự kiện lịch sử xẩy ra ở cả 3 miền của nước VNDCCH vừa được thành lập.
Sau đó, Bác gia nhập Việt nam Giải phóng quân Quân khu Hoàng Diệu (tức Đặc khu Hà nội) làm chiến sĩ tình báo. Năm 1946 bác được gọi lên công tác ở Cục Quân báo, và năm 1947 chuyển về phòng 5 (tình báo) Quân khu Tây Bắc.
Năm 1950 Bác trở về với nghề thông tin vô tuyến tại Cục Thông tin Liên lạc Bộ Quốc phòng, được điều xuống Sư đoàn 312 và tham gia Chiến dịch Hòa Bình, Chiến dịch Thượng Lào, Chiến dịch Điện Biên phủ.
Năm 1954 hòa bình lập lại, Bác chuyển ngành về Đài Truyền thanh Hà nội, và năm 1958 được trường Đại học Bách khoa xin về Bộ môn Vô Tuyến điện để cùng bác Nguyễn Dực xây dựng Xưởng Thực tập. Hồi đó mỗi khóa sinh viên VFĐ chỉ khoảng 30 người, mà có đến 2 thầy hướng dẫn thực tập đều là cựu sinh trường Kỹ nghệ Thực hành Hà nội đã qua gần 20 năm hành nghề là một tỷ lệ vàng. Giáo trình phỏng theo trường Kỹ nghệ Thực hành và Ecole Universelle (trường hàm thụ quốc tế Paris), dạy theo phương châm “Vừa Học Vừa Làm” sinh viên k1 và k2 VTĐ đã có sản phẩm trưng bày ở “Triển Lãm 10 năm Xây dựng nước VNDCCH” và làm tặng phẩm cho các đoàn quốc tế đến thăm cuộc triển lãm.
Tân dụng cơ hội công tác ở một trường đai học lớn, bác Khang đăng ký xin học tại chức khóa 1 (hệ ban đêm) và tốt nghiệp kỹ sư năm 1964. Trong hồi ký của mình bác kể lại những kỷ niệm ngọt ngào về tình cảm của các bạn cựu sinh K1 và K2 VTĐ sau khi tốt nghiệp và trưởng thành thành CBGD đã rất trân trọng và tận tình giúp đỡ bác trong học tập để trở thành một kỹ sư tốt nghiệp loại Giỏi.
Với tư cách là kỹ sư, Bác xin trở lại Cục Truyền thanh, khi đó đang có vai trò rất quan trọng trong thông tin đại chúng thời chiến. Về hưu năm 1978 khi Cục Truyền thanh đã chuyển về Ủy ban Phát thanh Truyền hình Việt nam, bác liên hệ với các GS Nguyễn Văn Ngọ, Phan Anh trong Hội đồng Khoa học của Ủy ban, khi đó cũng đang tích cực vận động cho sự ra đời của Hội Vô tuyến-Điện tử Việt nam và hăng hái tham gia một số hoạt động của Ban Vân động thành lập Hội (Vd. cuộc thi lắp máy thu thanh đơn giản dùng transístor).
Cuối năm 1989, Hội VT-ĐT VN thành lập, bác Khang dự Đại hội lần thứ nhất và trở thành Hội viên chính thức. Ngày 01/02/1991 bác dự Đại hội thành lập Chi hội Chuyên gia Điện tử lâu năm và tham gia Chi hội. Năm 1992 bác cùng các đồng nghiệp cũ trong cục Truyền thanh tích cực vận động thành lập Chi hội Truyền thanh-Phát thanh-Truyền hình, sau đại hội thành lập Chi hội được bầu vào thường vụ Ban Chấp hành Chi hội. Mãi đến những năm đã ngoài tuổi 80 bác vẫn tích cực tham gia công tác Chi hội.
Hàng năm Bác Khang đã tham dự hầu hết các Hội nghị Toàn quốc REV-ECIT do Hội VT-ĐT VN tổ chức và Hội nghị Quốc tế ATC do Hội IEEE-ComSoc và Hội VT-ĐT VN đồng tổ chức luân phiên tại Hà nội, Hải Phòng, Đà nẵng,TP HồChíMinh, nêu cao một tấm gương không ngừng học hỏi cho các thế hệ kỹ sư kế nghiệp mình.
Bác Nguyễn Văn Khang đã vĩnh biệt chúng ta ngày 1 tháng 12 năm 2017.
GS Nguyễn Văn Ngọ, Nguyên Chủ tịch Hội VTĐT VN, Chủ nhiệm BM Kỹ thuật Vô tuyến điện đầu tiên của ĐHBK HN