Ngày 01/01/1999 Hiệp định hợp tác giữa IEEE/ComSoc và REV đã được ký . Hiệp định này là một phần không tách rời của hiệp định khung về hợp tác IEEE-REV.
Bài này nói về những bước phát triển của mối quan hệ đầy hiệu quả và ngày càng khăng khít đó và những hệ quả tích cực mà nó mang lại cho REV và giới khoa học công nghệ thông tin-truyền thông nước ta.
Chủ tịch hội IEEE/ComSoc 1996-1997, GS Stephen B. Weinstein thăm REV nhân dịp Triển lãm Quốc tế và Hội thảo về Viễn thông và Máy tính TELECOMP ’97. Sau phiên hội thảo buổi sáng có cuộc gặp mặt chính thức giữa Chủ tịch Stephen B. Weinstein và Chủ tịch Đặng văn Thân, với sự tham gia của các GS Nguyễn văn Ngọ, Nguyễn Đình Ngọc, Phan Anh và Nguyễn Quang A. Chủ tịch Weinstein ngỏ ý muốn thành lập một Chapter IEEE/ComSoc tại Việt nam, chủ tịch Thân cho biết là Luật về Hội tại Việt nam chưa cho phép thành lập Hội nước ngoài, nhưng cá nhân các nhà khoa học Việt nam tham gia Hội khoa học quốc tế thì vẫn được. Sau khi bàn bạc kỹ hai bên nhất trí (tuy không có bản ghi nhớ) là REV sẽ vận động một chi hội (lúc đó dự kiến là Chi hội ĐH Bách khoa) để hội viên tham gia ComSoc với tư cách cá nhân, nhưng có sự hỗ trợ của REV. Chủ tịch Weinstein đề nghị REV cho ngay 1 danh sách 12 người, ComSoc kết nạp miễn phí năm đầu và có sự miễn giảm đặc biệt những năm sau.
IEEE Comsoc Vietnam Chapter mãi đến 30/10/ 2008 mới ra đời do sự sáng lập của PGS TS Trần Xuân Nam với sự hỗ trợ của GS Phan Anh, nhưng trong lúc chờ đợi cả hai bên đều nghĩ rằng việc gì có thể hợp tác được thì cứ làm ngay, cho nên ngày 01/01/1999 đã ký với nhau Hiệp định (agreement) hợp tác giữa IEEE-ComSoc và REV, chủ yếu là trên lĩnh vực bảo trợ và tham gia hội nghị của nhau, đăng bài trên tạp chí của nhau, cho hưởng giá ưu đãi khi hội viên hội này mua ấn phẩm cùa hội kia, tuyên truyền, quảng cáo cho báo và tạp chí của nhau.
Kết quả là, các Hội nghi REV từ lần thứ 8 (REV 2002), lần thứ 9 (REV 2004), và lần thứ 10 (REV 2006) với sự bảo trợ kỹ thuật của IEEE/ComSoc và IEICE-CS (Nhật), về tổ chức đã mang tính hội nghị quốc tế, về nội dung sự tham gia của các báo cáo viên thuộc hội bạn cũng làm cho chất lượng học thuật cao hơn,
Tháng 3 năm 2007,Chủ tịch của IEEE ComSoc Nim Cheung đến thăm lãnh đạo REV, hai bên đã nhất trí hợp tác tổ chức Hội nghị quốc tế hàng năm. Vậy là từ 2008, hàng năm Hội Vô tuyến-Điện tử Việt nam cùng với Hội Truyền thông Quốc tế IEEE/ComSoc tổ chức Hội nghị Quốc tế về các công nghệ tiên tiến trong truyền thông (International Conference on Advanced Technologies for Communications – ATC ) kết hợp với Hội nghị Vô tuyến- Điện tử Việt nam (REV), lấy tên chung là “Hội nghị quốc tế ATC-REV”.
Đây là một dạng Joint-Conference, để hỗ trợ nhau về thông tin và tạo điều kiện thuận lợi cho người dự cũng như báo cáo viên có thể đồng thời tham dự cả hai phần ATC và REV. Tuy vậy mục đích của từng phần có khác nhau:
Chủ tịch Nim Cheung thăm lãnh đạo REV (7/3/2007), nhất trí hợp tác tổ chức hội nghị quốc tế
ATC là hội nghị quốc tế, nội dung gồm những công trình nghiên cứu chưa công bố ở đâu và một số báo cáo then chốt (keynote speech) giới thiệu những ý tưởng mới cũng như xu thế phát triển trong tương lai gần của công nghệ truyền thông trên toàn cầu. Ngôn ngữ sử dụng là tiếng Anh.
REV là hội nghị quốc gia tổng kết những thành tựu khoa học và công nghệ mới nhất của ngành Điện tử – Truyền thông cả trên thế giới (lấy một phần thông tin từ ATC) và trong nước, thông qua hội thảo xây dựng những kiến nghị trình lên TW Đảng và Chính phủ, giúp lãnh đạo đưa ra những chính sách và quyết định chính xác cho sự phát triển ngành. Ngôn ngữ sử dụng là cả tiếng Việt và tiếng Anh (vì cũng có nhiều tác giả nước ngoài đến báo cáo)
Tuy chung địa điểm và tiến hành song song nhưng mỗi phần có chủ đề chính riêng, ban Chương trình riêng, kỷ yếu hội nghị riêng.
Kỷ yếu hội nghị ATC được liệt vào Portfolio Conference của IEEE Communications Society: http://www.comsoc.org/conferences/portfolio-events.
Các kỷ yếu hội nghị được công bố trên IEEExlore, vd ATC 2008 được công bố tại: http://ieeexplore.ieee.org/xpl/mostRecentIssue.jsp?punumber=4723755;
Cùng với việc tổ chức hội nghị quốc tế hàng năm, Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam đã kết hợp với IEEE/ComSoc xuất bản một tờ tạp chí chuyên ngành bằng tiếng Anh với tên gọi là REV Journal on Electronics and Communications, viết tắt là JEC. Trước đấy, Việt nam chưa có tạp chí chuyên ngành chất lượng cao về Điện tử – Truyền thông xuất bản bằng tiếng Anh để giao lưu Khoa học Công nghệ giữa các nhà khoa học kỹ thuật Việt nam với quốc tế, giúp công bố các công trình nghiên cứu của các học giả, các nghiên cứu sinh tiến sĩ Việt nam ra quốc tế.
JEC là một tạp chí chuyên ngành, chất lượng được đảm bảo bởi một Ban Tư vấn Quốc tế, một Ban Biên tập và đội ngũ phản biện là những học giả có uy tín trong và ngoài nước do REV và IEEE ComSoc chỉ định.
Từ năm 2000, Chủ tịch ComSoc 2000-2001 Roberto de Marca có sáng kiến tổ chức cuộc họp hàng năm với Chủ tịch các hội kết nghĩa (IEEE/ComSoc Sister Societies Summit, gọi tắt là CSSS). Tùy theo năm, có thể họp toàn cầu hay chia ra làm đôi, họp ở 2 địa điểm khác nhau.
Năm 2000 các hội kết nghĩa ở Nam Á và Đông Nam Á họp ở Singapore, các hội ở Bắc Á, Đông Bắc Á, châu Âu họp ở Tokyo. REV được mời dự họp ở Singapore. Ở Nam Á và Đông Nam Á các hội kết nghĩa chính thức của ComSoc chỉ có Ấn độ (IETE), Đài loan (CIEE) và Việt nam (REV), nhưng hội Kỹ sư Singapore (IES), và cơ quan IEEE APO đều được mời. Mỗi thành viên tham dự đều có báo cáo giới thiệu về tổ chức và hoạt động của hội mình, Thú vị là hoạt động của Hội IETE (Ấn độ) và REV rất giống nhau, khác chăng chỉ là hoạt động của IETE ở quy mô lón hơn, và quyền lực của họ cũng lớn hơn (vd. Bằng do các cơ sở giáo dục của IETE cấp từ cao đẳng đến đaị học đều được nhà nước Ấn độ công nhận). Sau 2 ngày hội nghị chính (24~25/7/2000), GS Nguyễn văn Ngọ đã có buổi trao đổi kinh nghiệm với TS H. S. Sharma, chủ tịch IETE.
Hội nghị CSSS 2000 tại Singapore, phiên họp các hội Nam Á, Đông nam Á, và IEEE-APO
Cuộc họp CSSS năm 2002 ở Đài bắc (17~21/11/2002) có tính toàn câu, nhờ kết hợp với GLOBECOM 2002. Trong bài giới thiệu chung về tổ chức và hoạt động của hội mình, GS Nguyễn văn Ngọ nhấn mạnh về sự đề xuất và tham gia của REV vào các dự án lớn của nhà nước như: vệ tinh địa tĩnh quốc gia Vinasat, quy hoạch phát triển công nghệ Viễn thám của Việt nam giai đoạn 2001- 2010. Tại đây có một cuộc gặp gỡ cảm động giữa TS Phạm đắc Bi đoàn viên đoàn REV với thầy học cũ là GS Istvan Frigyes trưởng đoàn HTE (hôi Khoa học Thông tin- Truyền thông Hungari).
Hội nghị CSSS 2002 tại Đài bắc, phiên họp gần như toàn cầu (thiếu CIE và CIC)
Cuộc họp CSSS năm 2003 ở San Francisco (1~5/12/2003) cũng có tính toàn câu và là lần các hội bạn tham gia đông nhất, nhờ kết hợp với GLOBECOM 2003. Báo cáo của hội ta là “REVvới sự ứng dụng công nghệ vệ tinh ở Việt nam”. Tại cuộc họp nầy GS Nguyễn Văn Ngọ gặp lại những người bạn Liên xô, Hungari, Croatia (Nam tư) đã từng làm việc với nhau thời còn khối SEV, đặc biệt là GS Viện Sĩ thông tấn Yuri B. Zubarev, Viện trưởng Viện nghiên cứu Vô tuyến Liên bang Nga, Nhà khoa học công huân. Ông đã từng giúp đỡ GS Nguyễn văn Ngọ nhiều trong việc thực hiện một số công trình về vi ba ở Đài TNVN. Gặp lại bạn cũ ông mừng quýnh, trò chuyện vẫn bỗ bã, thân thiết như xưa! GS Ngọ giới thiệu ông với TS Alex Gelman, Phó Chủ tịch ComSoc, biết tiếng Nga và có nhiều kỷ niệm với nước Nga
Cuộc họp CSSS năm 2004 ở Paris (20/6/2004) Hội cử TS Vũ Duy Thắng, nguyên hội viên chi hội ĐHBK (lúc đó đang làm việc cho Orange, France Telecom ở Paris) làm đại diện đến đọc báo cáo từ trong nước gửi sang mang tên “Sự đóng góp của REV vào việc phát triển nguồn nhân lực cho Công nghệ TT-TT ở Việt nam”.
Cuộc họp CSSS năm 2006 ở Istanbul , Hội không có điều kiện tham dự.
Cuộc họp CSSS năm 2008 lúc đầu được dự kiến tổ chức tại Hà nội do REV đăng cai, kết hợp với ATC 2008 là hội nghị quốc tế mà Hội và IEEE ComSoc đồng tổ chức lần thứ 1. REV đã đề xuất ý tưởng này với ComSoc và được ComSoc hưởng ứng. GS Phan Anh và TS Roberto Saracco – Giám đốc phụ trách mảng các hội kết ngĩa của ComSoc đã bàn bạc khá kỹ lưỡng và thống nhất nêu chủ đề của CSSS năm đó để các đoàn tham luận là “ Phát triển thông tin vô tuyến băng thông rộng”. Tuy nhiên, cuộc họp đã không thành vì năm đó bắt đầu cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên một số hội kết nghĩa đã phải hủy các chuyến đi xa. Mãi tới năm 2012 dự kiến để REV đăng cai tổ chức CSSS tại Việt Nam (như sẽ nói ở phần dưới) mới được thực hiện. Tuy CSSS 2008 không tổ chức được nhưng Hội đã tận dụng cơ hội này để đưa chủ đề “ Phát triển thông tin vô tuyến băng thông rộng” cho phần Hội thảo REV của ATC-REV năm đó và qua đó đã có được những kiến nghị rất xác đáng gửi các cơ quan Đảng và nhà nước.
Hai cuộc họp CSSS 2009 và CSSS 2011 đều ở Tokyo, lãnh đạo Hội cử PGS TS Trần xuân Nam đi dự, báo cáo về các hoạt động của REV kể từ khi ký Hiệp định hợp tác với IEEE/ComSoc và đặc biệt là về các hội nghị ATC và tạp chí JEC do hai hội đồng tổ chức.
Hội nghị CSSS 2012 khu vực Châu Á-Thái bình dương tại Hà nội
Cuộc họp CSSS 2012 khu vực Châu Á-Thái bình dương tổ chức tại khách sạn Thắng Lợi, Hà nội nhân dịp ATC-REV 2012. Vì cả 3 hoạt động ATC 2012, REV 2012, và Asia Pacific CSSS họp đồng thời trên cùng 1 địa điểm nên bức ảnh kỷ niệm không hội đủ số đại biểu tham gia CSSS do một số đại biểu phải chia sẻ thời gian cho các phân ban (vd vắng GS Wenxun Zhang, đại biểu cho hội Truyền thông CIC và hội Điện tử CIE của Trung quốc)
REV cũng hỗ trợ tích cực Hội nghị toàn cầu về Cơ sở hạ tầng Thông tin (Global Information Infrastructure Symposium) gọi tắt là GIIS-2011, do IEEE/ComSoc hợp tác với Đại học UPEMLV (University Paris Est Marne la Valle) tổ chức trong các ngày 4~6/08/2011 tại trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng.
Đến dự GIIS-2011có các chuyên gia hang đầu trong lĩnh vực Điện toán và Cơ sở hạ tầng thông tin thuộc nhiều nước: Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (NIICS) Việt nam, Đại học Bách khoa Hà Nội, Manhattan College -Hoa Kỳ, Đại học Paris 13, Đại học Paris 6, Đại học Bourgogne -Pháp, Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn, Đaị học POSTECH-Hàn Quốc, Đại học Aegean-Hy Lạp; Đại học Liên bang Santa Catarina, -Brazil. Hội nghị gồm 2 phiên toàn thể (plenary session) và 5 phiên chuyên đề (technical sessions)
REV cũng hỗ trợ tích cực cuộc Du hành – Trình diễn (Roadshow) của IEEE/ ComSoc qua các nước Đông dương (Việt nam, Malaysia, Singapore).
Đoàn gồm Chủ tịch Doug Zuckerman , GS Byeong Gi Lee, TS Roberto Saracco, TS Bob Shapiro đến Hà nội được REV bố trí gặp lãnh đạo của:
– Bộ Thông tin và Truyền thông (MIC),
– Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV),
– Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT),
– Viện chiến lược quốc gia về Thông tin và Truyền thong (NIICS),
– Viettel Telecom,
– Tập đoàn truyền thông đa phương tiện Việt Nam (VTC),
– Vinaphone, Mobifone,
– Các trường Đại học tại Hà Nội
Ông Đoàn Quang Hoan, Tổng giám đốc Trung tâm Tần số VTĐ đồng thời là Phó Chủ tịch REV nồng nhiệt chào đón đoàn, nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa IEEE-COMSOC và Việt Nam.
Ở TP HCM đoàn cũng được ông Nguyễn Anh Tuấn la thủ trưởng cùng với các cấp lãnh đạo của Bưu chính Viễn thong thành phố chào đón và trao đổi vê những vấn đề có khả năng hợp tác.
Cho đến nay, dã có 6 vị Chủ tịch IEEE/ComSoc sang thăm REV.
4 vị sang thăm với tư cách Chủ tịch đương nhiệm là:
• Stephen Weinstein, Chủ tịch ComSoc 1996-1997
• Celia Desmond, Chủ tịch ComSoc 2002-2003
• Nim Cheung, Chủ tịch ComSoc 2006-2007
• Doug Zuckerman, Chủ tịch ComSoc 2008-2009
Chủ tịch Celia Desmond sang Hà nội ký Hiệp định Hợp tác IEEE/ComSoc – REV nhân dịp Hội nghị REV 2002 tại Hanoi
2 vị đã từng sang Việt nam dự Hội nghị sau trở thành Chủ tịch ComSoc là:
• Beyoug Gi Lee, Chủ tịch ComSoc 2010-2011
• Vijay Bhargava, Chủ tịch ComSoc 2012-2013
Ngoài ra còn TS Roberto de Marca, Chủ tịch ComSoc 2000-2001 là vị chủ tịch tôi được gặp nhiều lần vào các dịp hội nghị CSSS 2000, CSSS 2002, và CSSS 2003.
Bảy vị Chủ tịch trên, mỗi người đều để lại một dấu ấn khó quên trong quan hệ hợp tác IEEE/ComSoc – REV mà trong bài viết nầy tôi đã từng nhắc đến.
Stephen Weinstein Chủ tịch IEEE ComSoc đầu tiên thăm REV, mở đầu cho mối quan hệ REV-IEEE ComSoc
Thay cho lời kết, chúng tôi dành những dòng cuối của bài này để tỏ lòng biết ơn cố Thiếu tướng GS TSKH Nguyễn đình Ngọc, người đã nắm bắt thời cơ và tạo điều kiện ban đầu cho sự hợp tác IEEE – REV, và cũng là người mà trong những ngày cuối của cuộc đời, biết là không còn sống bao lâu nữa vẫn tham gia vào những hoạt động trù bị cho sự ra đời của IEEE Vietnam Section.
GS Nguyễn Văn Ngọ