Điểm xuất phát
Tại phiên họp lần thứ nhất của Ban chấp hành nhiệm kỳ I do Chủ tịch Đặng Văn Thân chủ trì đầu năm 1989, tôi được bầu làm Phó chủ tịch và được phân công phụ trách công tác Khoa học – Kỹ thuật của Hội. Trong đầu tôi đã hình dung ra những việc cần làm, nhưng để chắc chắn, tôi nghĩ vẫn cần có sự đóng góp trí tuệ của tập thể. Tôi đã trao đổi với anh Thân và đề xuất việc thành lập Hội đồng khoa học của Hội. Anh Thân tán thành, giao cho tôi đứng ra tổ chức và chủ trì. Hội đồng khoa học (về sau cũng trở thành Ban khoa học – kỹ thuật) đã nhanh chóng được thành lập gồm một số Ủy viên ban chấp hành công tác ở các mảng khác nhau như đào tạo, nghiên cứu, sản xuất, quản lý KHKT. Trong phiên họp đầu tiên vào tháng 3/1989 tại phòng họp Khoa Vô tuyến Điện tử & Thông tin trường ĐHBK-HN, Hội đồng đã trao đổi và thống nhất một số nội dung chính, định hướng cho hoạt động KHKT của Hội:
– Nhanh chóng thành lập tờ tạp chí của Hội, coi đây là cơ quan ngôn luận, đồng thời là công cụ tuyên truyền và phổ biến kiến thức KHKT cho hội viên và quần chúng;
– Tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo để trao đổi chuyên môn, đóng góp ý kiến với các cơ quan quản lý nhà nước những vấn đề về chủ trương, chính sách trong phát triển ngành;
– Tổ chức các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật;
– Tổ chức các cuộc triển lãm KHKT ;
– Và một số nội dung khác.
Sau cuộc họp đó, chúng tôi bắt tay ngay vào triển khai các việc theo thứ tự ưu tiên mà HĐKH đã kiến nghị.
Việc đầu tiên là thành lập tờ tạp chí .
Cũng lúc này anh Thân vừa gặp một tai biến nhẹ về mạch máu não phải đi điều trị tại cơ sở y tế của Tổng cục Bưu điện . Tuy nhiên, những việc cần cho Hội anh vẫn sẵn sàng bàn bạc, giải quyết. Vào thời gian đó, “Quyết định của Chủ tịch hội về việc thành lập Tạp chí Điện tử như một cơ quan báo chí của Hội, cử GS.TS Phan Anh làm Tổng biên tập, chịu trách nhiệm xây dựng tổ chức, bộ máy và xuất bản tờ báo” đã được anh ký và ban hành.
Tạm thời, chúng tôi nhờ nhà riêng của anh Ngô Đức Dũng tại số 278 Bà Triệu làm địa điểm giao dịch cho cơ quan Tạp chí của Hội.
Việc tổ chức bộ máy không khó vì rất nhiều anh em nhiệt tình, hăng hái tham gia, nhưng để ra được tờ báo cần có giấy phép của Bộ Thông tin. Và về các thủ tục “cần và đủ” lại phải có ý kiến đồng ý của Ban Văn hóa -Tư tưởng TW. Mọi việc tưởng đơn giản nhưng cũng không hề giản đơn vì Đảng và Nhà nước quản lý rất chặt chẽ mảng báo chí. Lần theo các đầu mối, tôi đến gặp anh Phạm Khắc Di đề nghị anh cộng tác, anh Di vui vẻ nhận lời. Tôi và anh Di cùng bàn bạc soạn thảo các tờ trình gửi Ban Văn hóa – Tư tưởng và đến gặp chị Thái Tuyết Mai (vợ anh Phạm Khắc Lãm) lúc đó đang công tác tại Ban này để nhờ chị tư vấn về cách thức thuyết minh, giải trình trong hồ sơ. Với sự giúp đỡ nhiệt tình của chị, mọi việc được cũng đã hoàn thành. Các thủ tục tiếp theo với Bộ Thông tin thì có thêm anh Thái Thanh Long phối hợp. Để hoàn thiện thủ tục cho việc cấp phép và xuất bản, Hội cũng đã có Quyết định do PCT/TTK Nguyễn Văn Ngọ ký ngày 8/12/1989 xác định tên gọi của tờ tạp chí là “Điện tử ngày nay” và Trụ sở chính thức tại số 50 Trần Quốc Toản (Xem Phụ lục) .
Sau gần một năm triển khai chúng tôi đã nhận được giấy phép số 57/BTT đề ngày 10/2/1990 của Bộ Thông tin cấp cho Tạp chí “Điện tử ngày nay” của Hội.
Tạp chí Điện tử của Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam (REV) đã chính thức được thành lập như một đơn vị có tư cách pháp nhân, có con dấu để giao dịch đối nội, đối ngoại và có giấy phép xuất bản do cơ quan quản lý nhà nước cấp.
Về mặt tổ chức của tờ báo, chúng tôi mời anh Hoàng Sước (kỹ sư VTĐ được đào tạo tại Pháp, tốt nghiệp TS ở Ba Lan, nguyên là Phó Hiệu trưởng Đại học Thông tin liên lạc của Tổng cục bưu điện) làm phó Tổng Biên tập, anh Nguyễn Đức Ánh làm Thư ký tòa soạn, anh Thái Thanh Long làm Trị sự. Trụ sở của tạp chí tại số 50 Trần Quốc toản chính là nhà riêng của anh Long. Chị Tạ Quỳnh Giao – vợ anh Long giúp đảm nhiệm thường trực tòa soạn.
Ngay lúc đó, chúng tôi cùng một số anh chị em của chi hội Đại học Bách khoa mà nhân vật rất tích cực là anh Quách Tuấn Ngọc đã bắt tay vào chuẩn bị cho số báo đầu tiên. Số 1 của Điện tử ngày nay đã ra đời vào tháng 4/1990.
Ban biên tập đầu tiên của “Điện tử ngày nay” gồm 12 người , trong đó có tôi (Phan Anh), Nguyễn Đức Ánh, Phạm khắc Di, Nguyễn Ngô Hồng, Thái Thanh Long, Nguyễn Văn Ngọ, Nguyễn Đình Ngọc, Quách Tuấn Ngọc, Hoàng Sước.
Với hai bàn tay trắng làm sao ra được tạp chí. Lúc đó hai anh Nguyễn Hà Hoạt (Phó Chủ tịch Hội) và anh Thái Quang Sa (Ủy viên Ban Thường vụ) là Trưởng và phó Ban tài chính của Hội đã quyết định hỗ trợ 1 triệu rưỡi /số để chi trả cho toàn bộ việc in ấn và nhuận bút. Chi phí làm chế bản điện tử thì anh Long ở cương vị là phó Giám đốc/Chủ tịch Chi hội VTĐT Viettronics Đống Đa hỗ trợ. Đây chính là những “cú hích ban đầu” rất đáng quý đối với tạp chí của Hội. Xin nói thêm, anh Nguyễn Hà Hoạt cũng là người đã đóng góp cái tên “Điện tử ngày nay” cho tờ báo.
Trong số báo đầu tiên, bức thư của PCT Hội /Tổng biên tập gửi các Hội viên có đoạn nêu rõ:
Hội VTĐT của chúng ta đã ra đời và đang triển khai hoạt động. Một trong các lĩnh vực hoạt động của Hội là thông tin KHKT và phổ biến kiến thức. Để xúc tiến các hoạt động này, Hội đã phối hợp với báo “Khoa học và Đời sống” mở Trang điện tử nhằm phổ biến các kiến thức điện tử cho quần chúng. Đồng thời , Hội quyết định xuất bản tờ tạp chí lấy tên là “Điện tử Ngày nay” .
“Điện tử Ngày nay”là cơ quan ngôn luận chính thức của Hội, là diễn đàn, là phương tiện thông tin và phổ biến kiến thức về vô tuyến điện tử và Kỹ thuật tin học cho hội viên và quần chúng yêu thích điện tử của cả nước ở các trình độ khác nhau.
“Điện tử Ngày nay”cũng dành vị trí thích hợp và tạo điều kiện để các nhà khoa học, kỹ thuật có thể công bố các công trình nghiên cứu lý thuyết cũng như ứng dụng về VTĐT ở mức độ học thuật cao.
“Điện tử Ngày nay”có trang giành cho việc giới thiệu các sản phẩm điện tử mới theo yêu cầu của các cơ sở sản xuất và nghiên cứu.”. . . . . . . .
Trong một thời gian dài, “Điện tử ngày nay” đã được duy trì khá đều đặn gần như mỗi tháng một kỳ, với đối tượng độc giả chủ yếu nhằm vào các kỹ thuật viên và quần chúng yêu thích điện tử, được phát hành trong cả nước, đặc biệt là ở khu vực phía Nam. Các cộng tác viên tích cực của báo thời kỳ này là các cán bộ của ĐHBK- HN như các anh Phương Xuân Nhàn, Kiều Vĩnh Khánh, Ngô Đức Dũng, Đoàn Nhân Lộ, Quách Tuấn Ngọc … Do kinh phí có hạn nên số bản in của mỗi số được định mức là 1000 bản, nhưng khi phát hành nếu thấy còn nhu cầu chúng tôi lại in thêm, có số in tới 3000 bản.
Tuy nhiên việc duy trì một tờ báo kỹ thuật không dễ vì đối tượng bạn đọc có hạn. Nếu không có được quảng cáo thì khó có thể hạch toán, mà muốn mời được quảng cáo lại phải tăng được số lượng in và phát hành, quả là “cái khó bó cái khôn”.
Khó khăn lại tăng thêm từ năm 1992 khi nhà nước có quyết định giải thể các công ty do các tổ chức xã hội thành lập nên Hội không có điều kiện hỗ trợ cho tờ báo như trước. Chúng tôi đã có những cuộc trao đổi với anh Nguyễn Văn Ngọ là Phó chủ tịch/Tổng thư ký hội lúc đó để cố gắng tìm ra giải pháp tài chính cho tờ báo, nhưng cũng không dễ dàng.
Do không phải là cơ quan báo chí chuyên nghiệp và không có nguồn tài chính ổn định nên trong quá trình xây dựng chúng tôi cũng luôn phải thay đổi đội ngũ Biên tập – Trị sự cho phù hợp : Anh Nguyễn Mạnh Quang (Cán bộ Viện Bảo hộ lao động của Tổng liên đoàn LĐ VN) thay trách nhiệm Thư ký tòa soạn khi anh Nguyễn Đức Ánh chuyển công tác vào Tp Hồ chí Minh; anh Hoàng Việt Dũng, Giám đốc Công ty Điện tử SEL, đảm nhiệm Trưởng ban trị sự thay anh Thái Thanh Long và có thời gian kiêm Phó tổng biên tập. Trụ sở của Tạp chí cũng chuyển từ số 50 Trần Quốc Toản đến 23 Nguyễn Đình Chiểu tại địa điểm của Ban Địa phương – Đài tiếng nói VN, chị Nguyễn thị Hiền- cán bộ của Ban giúp đảm nhiệm công tác phát hành và thường trực tòa soạn, v.v.
Nhằm thể hiện ý tưởng là tờ báo sẽ đi chuyên sâu hơn về kỹ thuật, từ năm 1993 tạp chí đã đổi tên thành “Điện tử” thay vì “Điện tử ngày nay”.
Cuộc “Nam tiến” của Tạp chí “Điện tử”, một bước ngoặt
Sau một thời gian xuất bản và phát hành báo, qua tìm hiểu chúng tôi thấy đối tượng bạn đọc chiếm đa phần là những người làm thực tế kỹ thuật mà chúng tôi gọi là “những người trực tiếp cầm mỏ hàn”. Đối tượng này chính là các cán bộ kỹ thuật, các sinh viên kỹ thuật và các thợ sửa chữa điện tử, là nhóm đối tượng quan trọng mà tờ báo nhắm phục vụ. Ở Hà Nội thì thị trường linh kiện điện tử phục vụ cho sửa chữa, lắp ráp tập trung ở Chợ Hòa Bình nên đây là đầu mối chính để phát hành ngoài việc phát hành qua mạng lưới bưu điện và các sạp. Ở Tp Hồ Chí Minh thì chợ Nhật Tảo là thị trường chính, thị trường này lớn hơn nhiều so với Hà Nội. Có lẽ đây là đặc điểm đã hình thành từ những ngày Sài Gòn trước giải phóng 1975: Xã hội miền Nam gần với nền sản xuất và dịch vụ hơn miền Bắc. Chúng tôi còn nhớ sau giải phóng, mỗi khi anh em chúng tôi có dịp vào miền Nam thường rất thích thú đi thăm những cửa hàng bán đồ điện tử và các linh kiện điện tử cũ, mới, những sạp sách báo bán các tài liệu về sửa chữa, các sơ đồ điện tử v.v với số người qua lại, giao dịch rất tấp nập. Điều đó giải thích vì sao số lượng phát hành báo của chúng tôi lại có sự chênh lệch rất đáng kể giữa hai miền Bắc và Nam. Chúng tôi cũng hiểu rõ tờ báo phải đáp ứng tốt nhu cầu của bạn đọc thì mới có điều kiện tồn tại. Bạn đọc chính là “môi trường sống” cho tờ báo . Vì thế để tạo điều kiện cho tờ báo tồn tại và phát triển chúng tôi đã cân nhắc và đi tới quyết định về cuộc hành trình “Nam tiến” cho tờ Tạp chí Điện tử của Hội. Đây cũng đồng thời là một giải pháp tình thế để vượt qua những khó khăn trước mắt mà tờ báo đang gặp phải.
Tôi liên hệ với anh Nguyễn Minh Đức lúc đó là PCT/Tổng thư ký hội Vô tuyến Điện tử thành phố Hồ Chí Minh (REH), mời anh Đức ra Hà Nội để trao đổi về tờ báo. Trước đấy, chúng tôi cũng đã biết anh Đức là người làm báo có nhiều kinh nghiệm, đã từng làm Phó tổng biên tập của tờ “Điện tử – Tin học”, một tờ báo có uy tín và có số lượng phát hành lớn khi Sài Gòn mới giải phóng. Trong buổi trao đổi với anh Đức có tôi (Tổng Biên tập), anh Hoàng Việt Dũng (Trưởng ban trị sự), anh Nguyễn Mạnh Quang (Thư ký). Chúng tôi đã nhanh chóng đi tới thống nhất việc chuyển giao tờ báo để anh Đức cùng với REH triển khai tiếp ở Tp HCM. Trong nội dung chuyển giao có kèm theo tập bản thảo của một số báo mới mà bộ phận biên tập ở Hà Nội đã chuẩn bị nhưng chưa kịp in. Đây là một bước thay đổi quan trọng, một bước ngoặt đối với tờ tạp chí của Hội.
Như vậy, từ năm 1994 tạp chí đã được biên tập và xuất bản tại Thành phố Hồ chí Minh, với tên gọi là “Điện tử”. Anh Nguyễn Minh Đức nhận trách nhiệm Phó Tổng biên tập kiêm Trị sự. Thư ký tòa soạn về phía Hà Nội lúc đầu anh Nguyễn Mạnh Quang vẫn đảm nhiệm, sau có anh Mai Thanh Thụ (VOV) tiếp nối, còn phía Tp HCM có thêm một số anh chị được bổ sung. Cũng từ đó đã hình thành bộ phận tòa soạn phía Nam của Tạp chí Điện tử.
Anh Đức đã tập hợp các anh chị em của REH để bàn việc xây dựng tờ báo theo một mô hình mới và trực tiếp điều hành công việc.
Để thuận tiện cho các việc biên tập, in ấn và phát hành, tháng 5/1998 Hội đã ký quyết định thành lập “Cơ quan đại diện phía Nam của Tạp chí Điện tử” tại thành phố Hồ Chí Minh như một đơn vị có tư cách pháp nhân, có trụ sở tại 74/1A Hai Bà Trưng và cử anh Nguyễn Minh Đức – Phó Tổng Biên tập làm Trưởng Đại diện.
Trong gần15 năm (1994 – 2007), với tinh thần làm việc không mệt mỏi, vượt khó của anh chị em ở cơ quan phía Nam, tạp chí Điện tử đã liên tục được cải tiến về nội dung và hình thức cho phù hợp với nhu cầu bạn đọc và thích ứng với sự phát triển của xã hội . Tạp chí cũng đã phấn đấu từng bước tăng thêm số trang, tăng thêm kỳ xuất bản hàng tháng với mỗi kỳ mang một chủ đề khác nhau để dễ phân biệt. Từ năm 2000 đã có 2 kỳ xuất bản trong tháng với tên là “Điện tử” (theo truyền thống) và một kỳ mới là “Computer Fan” giành cho các bạn đọc yêu thích máy tính. Từ năm 2005 với sự quyết tâm , nỗ lực của Ban biên tập và có sự cộng tác hiệu quả của hai anh Hoàng Nông, Phạm Ngọc Thắng, tạp chí đã mở thêm một kỳ xuất bản rất ấn tượng với tên là “Điện tử tiêu dùng” nhằm phục vụ lớp quần chúng rộng rãi trong cả nước đang hàng ngày sử dụng hay có nhu cầu mua sắm những sản phẩm Điện tử – Tin học, gọi chung là các sản phẩm “điện tử tiêu dùng”.
Tạp chí “Điện tử tiêu dùng” ra đều đặn hàng tháng, có nội dung phong phú, bổ ích cho nhiều đối tượng và được trình bầy đẹp, có thể nói là vào hàng những tạp chí đẹp nhất . Điện tử tiêu dùng đã dần chiếm được thị trường, có chỗ đứng vững vàng và một điều quan trọng là đã tự hạch toán được về mặt tài chính. Anh Nguyễn Minh Đức là Phó Tổng biên tập chịu trách nhiệm trực tiếp về nội dung tờ báo. Anh Hoàng Nông phụ trách khâu sản xuất, anh Phạm Ngọc Thắng phụ trách khâu phát hành. Về phía Ban biên tập chung, chúng tôi cử anh Mai Thanh Thụ (Hà Nội) là Trưởng ban Thư ký theo rõi và có ý kiến đóng góp kịp thời về cả nội dung lẫn hình thức cho mỗi số báo.
Trong giai đoạn phát triển cao nhất, có thời gian Tạp chí đã tăng tới 4 kỳ mỗi tháng, trong đó có một kỳ mang tên “Công nghệ Thông tin”, giành để giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ Công nghệ thông tin cho đối tượng độc giả quan tâm về lĩnh vực này.
Phải thừa nhận đây là quãng thời gian (1994-2007) mà Tạp chí Điện tử đã có những bước trưởng thành đáng ghi nhận và đạt tới đỉnh cao: có tổ chức thuộc loại quy mô, được điều hành một cách quy củ và có thành tích xuất bản cao. Để đạt được điều đó, chúng tôi rất hiểu là những cán bộ nhiệt huyết với sự nghiệp báo chí của Hội như anh Nguyễn Minh Đức và một số anh chị em khác đã kiên trì, nỗ lực, làm việc hết mình và cũng đã phải trả giá cho các kết quả này như thế nào.
Sự trở về của “Điện tử ngày nay” và bước đi tiếp của Tạp chí Điện tử
Sau thời kỳ “cao trào”, chúng tôi nhận thấy Tạp chí cần được củng cố để có sự phát triển ổn định, phù hợp với khả năng thực tế của Hội hơn . Vào lúc này (2007) anh Nguyễn Minh Đức đã trở nên rất bận rộn với công việc tại trường Cao đẳng Công nghệ thông tin HCM (Trường do Hội Vô tuyến Điện tử Tp HCM sáng lập) nên không thể giành nhiều thời gian cho Tạp chí như trước đây. Chúng tôi quyết định quy hoạch lại, chỉ để 2 kỳ xuất bản mỗi tháng với bố trí về nội dung và tên gọi sao cho hợp lý hơn :
– Điện tử tiêu dùng : Giới thiệu về các sản phẩm “điện tử tiêu dùng”, giành cho quảng đại quần chúng người tiêu dùng, tiếp tục được biên tập và xuất bản ở thành phố Hồ Chí Minh như thời gian trước đó.
– Điện tử ngày nay : Giới thiệu các vấn đề về Lý luận, Nghiên cứu, Thông tin Khoa học & Công nghệ trong lĩnh vực điện tử và truyền thông, giành chủ yếu cho các đối tượng Nghiên cứu và Quản lý về khoa học & công nghệ. Tên Điện tử ngày nay được khôi phục lại và công việc biên tập, xuất bản sẽ được chuyển ra Hà Nội.
Chúng tôi đã trao đổi chủ trương này với anh Phạm Như Thiết –Trưởng ban Tài chính – Kinh tế của Hội, đồng thời là Giám đốc “Trung tâm Đào tạo & Tư vấn Công nghệ Điện tử”- một tổ chức thành viên của Hội, được anh Thiết ủng hộ và nhất trí để Trung tâm đứng ra hỗ trợ cho việc xuất bản tờ báo.
“Điện tử ngày nay” đã xuất hiện trở lại như người đi xa nay trở về.
Về tổ chức, chúng tôi cử thêm một Phó tổng biên tập là anh Ngô Thái Trị (TS, Giám đốc Trung tâm Tin học – Đo lường của Đài THVN, một cây bút kỹ thuật có nhiều tiềm năng) đặc trách tờ Điện tử ngày nay . Anh Nguyễn Văn Nam (PGĐ Trung tâm Đào tạo & Tư vấn CNĐT) chịu trách nhiệm trị sự, anh Mai Thanh Thụ đảm nhiệm Trưởng ban thư ký. Hội đồng biên tập được thành lập gồm 10 ủy viên là những người có kinh nghiệm và uy tín trong ngành, đứng đầu là GS Nguyễn Văn Ngọ – Chủ tịch Hội. Trụ sở của Điện tử ngày nay được đặt tại số 41 phố Vũ Thạnh là cơ sở của Trung tâm Đào tạo & Tư vấn CNĐT. Anh Thiết đã cung cấp cho trụ sở tờ báo đầy đủ trang thiết bị kỹ thuật cần thiết cho việc lấy tin, biên tập và làm chế bản điện tử, đồng thời tuyển các nhân viên thích hợp cho các công việc này như cô Kim Khuyến (Thư ký chịu trách nhiệm bài vở), anh Nguyễn Hữu Quốc chịu trách nhiệm trình bầy, làm chế bản và một số nhân viên khác trợ giúp khi cần thiết.
Trong một thời gian dài (2007- 2011) Điện tử ngày nay đã được xuất bản khá đều đặn, với nội dung phong phú đúng như mục tiêu đã đề ra . Một thời gian, được sự hợp tác của tập đoàn truyền thông AVG và tiếp đó là công ty VNINCOM, tạp chí đã dần được nâng cấp về cả nội dung và hình thức.
Cộng tác với Điện tử ngày nay trong thời gian này là các các cán bộ nghiên cứu, giảng dạy và cán bộ kỹ thuật ở nhiều môi trường khác nhau như Đại học Công nghệ, ĐH Bách khoa, Đài truyền hình VN, Đài Tiếng nói VN v.v mà những người có nhiều đóng góp phải kể đến là các anh Trần Công Chí (VOV), Đinh Đắc Vĩnh (VTV), Chử Đức trình (ĐHCN) và một số anh chị ở Hội VTĐT như anh Nguyễn Văn Ngọ, Mai Thanh Thụ, Nguyễn Hồng Vũ, Hoàng Hồng Đức, chị Bùi Tuyết Lan v.v .
Việc đầu tư và nâng cấp cho ấn phẩm này là các bước đi cần thiết và quan trọng, song chúng tôi không cho rằng đây là cái đích cuối . Vì thế, ngay từ những ngày đầu đưa Điện tử ngày nay trở lại , song song với việc xây dựng, củng cố tờ báo, chúng tôi cũng đặt ra một mục tiêu lớn hơn cho Tạp chí Điện tử của Hội là phải tiến tới có được những ấn phẩm với tầm vóc lớn hơn, đáp ứng được cho việc hội nhập Quốc tế về khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực Điện tử và Truyền thông – một nhiệm vụ mà Hội đang hướng tới trên nhiều “mặt trận “ khác nữa.
Sự ra đời của REV JEC, bước đột phá của tạp chí Điện tử
Bắt đầu từ Hội nghị Vô tuyến Điện tử VN lần thứ 9 (REV 2004) và tiếp theo là lần thứ 10 (REV 2006) do Hội Vô tuyến Điện tử VN đứng ra tổ chức vào các năm chẵn, đã có bước chuyển biến quan trọng. Tuy là hội nghị Quốc gia nhưng tại các hội nghị này chúng tôi đã mời nhiều khách nước ngoài trong đó có nhiều Việt kiều là các bạn bè của REV đến dự và đọc các báo cáo chủ chốt. Ngôn ngữ hội nghị đã chuyển sang dùng tiếng Anh kể cả các bài đăng trong Proceeding và trình bầy tại các Session, thay vì dùng tiếng Việt như ở các hội nghị REV đầu tiên. Đây là bước thay đổi quan trọng về chủ trương, nhằm làm cho các hoạt động khoa học kỹ thuật của hội dần được quốc tế hóa và hội nhập. Qua hai hội nghị này, chúng tôi nhận thấy khả năng thích ứng của các nhà nghiên cứu VN cũng rất nhanh, còn các khách nước ngoài thì cảm thấy thoải mái hơn khi tham dự Hội nghị khoa học của chúng ta. Tiến thêm một bước, năm 2008 Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam (REV) đã cùng với Hội Truyền thông quốc tế (IEEE Communications Society) tổ chức thành công Hội nghị quốc tế lần thứ nhất về các Công nghệ tiên tiến trong Truyền thông ATC 2008 mở đầu cho loạt Hội nghị quốc tế ATC thường niên mà REV và IEEE sẽ tổ chức khiến chúng tôi củng cố được suy nghĩ là REV có thể xuất bản một tờ tạp chí bằng tiếng Anh để đáp ứng cho việc hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và mạnh mẽ.
Việc này đã được một số anh em chúng tôi ở trường Đại học Công nghệ, trong đó có có các hội viên của Chi hội là các cán bộ giảng dạy trẻ bàn bạc . Anh Nguyễn Linh Trung rất tâm đắc với ý tưởng này và chúng tôi đã trao đổi nhiều về các bước đi cũng như giải pháp để thực hiện. Anh Huỳnh Hữu Tuệ, nguyên GS của ĐH Lavan- Canada, một người bạn thân thiết của REV, cũng tán đồng khi chúng tôi trao đổi với anh về ý tưởng trên.
Sau khi thăm dò nhiều phương án và tham khảo ý kiến các ông Nim Cheung , Doug Zuckerman- Chủ tịch IEEE ComSoc , chúng tôi quyết định áp dụng mô hình của tờ tạp chí mà một số hội kết nghĩa với IEEE ComSoc đã thực hiện. Tờ tạp chí lấy tên là “REV Journal on Electronics and Communications” viết tắt là JEC do REV là chủ quản, với sự hợp tác của IEEE ComSoc VN Chapter. Lúc này IEEE ComSoc VN Chapter mới được thành lập do anh Trần Xuân Nam – Ủy viên BCH Hội làm Chapter Chair nên việc hợp tác rất thuận lợi.
Chúng tôi hiểu mấu chốt cho sự thành công của tờ báo là phải có một Tổng biên tập về mặt kỹ thuật (Technical Editor- in-Chief) là người có năng lực thực sự về chuyên môn và giỏi tiếng Anh, có uy tín trong giới học giả trong nước và quốc tế đảm nhiệm. Chúng tôi đã đề xuất với GS Huỳnh Hữu Tuệ lúc đó anh Tuệ đang giữ trách nhiệm Hiệu trưởng Đại học Quốc tế Bắc Hà, anh Tuệ đã vui vẻ nhận lời.
Nhằm đầu tháng 10 năm 2009 là lúc một số anh em ở các tỉnh xa về để chuẩn bị tham dự ATC 2009 lần thứ 2 tại Hải Phòng, chúng tôi quyết định triệu tập cuộc họp để xác định những bước đi quan trọng cho tờ JEC.
Cuộc họp đầu tiên đã được tổ chức ngày 10 tháng 10 năm 2009 tại phòng họp Khoa Điện tử – Viễn thông trường ĐH Công nghệ (nay đây đã trở thành trụ sở chính thức của tờ tạp chí) để tập hợp lực lượng, thành lập Ban biên tập, bầu các nhân sự chủ yếu và thông qua lộ trình cho việc ra tờ báo. Cuộc họp có sự tham gia của rất nhiều cán bộ khoa học của các trường Đại học chủ chốt trong nước như ĐH Công nghệ, ĐHBK Hà Nội, ĐHBK Tp HCM, Học viện KTQS, Học viện Công nghệ BC Viễn thông…
Trên cơ sở các kết quả đạt được của cuộc họp, Chủ tịch Hội – GS Nguyễn Văn Ngọ đã ký quyết định ngày 19/10/2009 chính thức thành lập Ban điều hành tạp chí chất lượng cao của REV gồm 20 thành viên, trong đó Ban Thường trực gồm 5 thành viên.
Ban Thường trực của JEC lúc đầu có tôi, anh Huỳnh Hữu Tuệ và các anh Nguyễn Linh Trung, Lê Vũ Hà, Trần Xuân Nam. Anh Tuệ đảm nhiệm Technical Editor-in-Chief, anh Linh Trung – Editorial Board Secretary, anh Hà – Publication, anh Nam phụ trách việc hợp tác với IEEE ComSoc còn tôi là General Editor với trách nhiệm Tổng biên tập tạp chí Điện tử của REV nói chung. Lúc này tôi cũng đang làm việc cho Đại học Quốc tế Bắc Hà nên tôi và anh Tuệ có điều kiện gặp nhau khá thường xuyên. Nơi đây cũng trở thành chỗ họp trao đổi công việc của Ban thường trực, công việc tiến triển rất thuận lợi.
Chúng tôi lên kế hoạch phấn đấu để đến dịp kỷ niệm 20 năm Tạp chí Điện tử (1990-2010), sẽ cho ra mắt số đầu tiên của REV JEC. Trách nhiệm về phía Hội là đăng ký lại với Bộ TT TT về hoạt động báo chí của Hội để xin giấy phép sửa đổi, bổ sung cho Tạp chí và xin mã số xuất bản cho tờ JEC. Anh Vũ Huy Quang (PCT Hội) đảm nhiệm việc này.
Tuy nhiên, đến 21 tháng 1 năm 2011chúng tôi mới nhận được mã số chuẩn quốc tế ISSN cho JEC và số đầu tiên của JEC cho quý I/2011 đã ra mắt vào cuối tháng 3/2011với nội dung và hình thức khá chuẩn.
Việc gọi bài, tổ chức phản biện và biên tập cho JEC cũng không đơn giản nhưng nhờ sự nỗ lực của anh em trong ban thường trực, về sau có thêm các anh Trần Xuân Tú, Trần Đức Tân, Trương Minh Chính được bổ sung đã khiến cho công việc được thuận lợi hơn.
Năm 2013 đánh dấu một bước thành công quan trọng của JEC : Tạp chí đã được Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước công nhận về chất lượng và đưa vào danh mục các tạp chí để tính điểm khi xét công nhận học hàm GS và PGS trong lĩnh vực Điện tử, Truyền thông và Tự động hóa với số điểm tối đa (1.0 điểm).
JEC đã thực sự tạo ra bước đột phá của tạp chí Điện tử trong việc nâng cao chất lượng , góp phần vào công cuộc hội nhập quốc tế trong lĩnh vực Điện tử – Truyền thông mà Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam phấn đấu.
Lời kết
Viết về những bước đường đáng ghi nhớ của Tạp chí Điện tử trong hơn 20 năm với một số trang ít ỏi , tôi biết chắc không thể tránh được thiếu sót khi không nhắc đến đầy đủ những người bạn và những tổ chức đã từng cộng tác làm việc, đóng góp xây dựng tờ tạp chí của Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam. Chúng tôi xin thành thật xin lỗi vì sự thiếu sót này.
Nhân đây chúng tôi xin chân thành cảm ơn các anh lãnh đạo của Hội qua nhiều thời kỳ mà nhiều anh trong số đó tôi chưa có dịp nhắc đến trong bài viết như anh Đỗ Trung Tá, Phó Chủ tịch Hội , người rất quan tâm đến vấn đề phát hành báo của Hội; anh Nguyễn Xuân Quỳnh- Phó Chủ tịch kiêm Chủ tịch Hội đồng khoa học của Hội đã có những ý kiến quý báu đóng góp cho việc đảm bào chất lượng của tờ tạp chí JEC và một số anh khác như các anh Mai Liêm Trực, Đào Duy Hứa, Thái Minh Tần, Nguyễn Hữu Xý, Trần Quang Vinh v.v đã có những ý kiến đóng góp cho việc xây dựng , phát triển tờ báo.
Chúng tôi xin cảm ơn các anh, chị ở Tập đoàn AVG (anh Trần Công Sở, chị Nguyễn thị Cẩm Lan), ở Công ty VNincom (các anh Lê Hồng Phương, Trần Quang Khánh, chị Dương Lệ Thu) đã có thời gian cộng tác và hỗ trợ cho tờ tạp chí.
Chúng tôi xin cảm ơn các đ/c lãnh đạo Tổng Công ty Viettel đã có sự hỗ trợ vật chất cho Hội để góp sức vào việc duy trì tờ báo.
Chúng tôi xin cảm ơn các đ/c lãnh đạo của Đại học Công nghệ đứng đầu là PGS Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Bình, lãnh đạo Khoa Điện tử Viễn thông – PGS Chủ nhiệm Khoa Trương Vũ Bằng Giang đã tạo điều kiện cho Hội được đặt trụ sở của tờ tạp chí JEC tại Trường.
Chúng tôi xin giành những lời cuối của bài viết để tưởng nhớ đến những đồng nghiệp đã góp công sức cho việc xây dựng tờ báo mà nay không còn nữa như anh Hoàng Sước- Phó Tổng biên tập đầu tiên, anh Nguyễn Đình Ngọc- Ủy viên Ban Biên tập, anh Kiều Vĩnh Khánh – Cộng tác viên đã đóng góp nhiều bài viết về kỹ thuật cho tờ báo vào thời kỳ đầu.
Tháng 8/2014
GS Phan Anh
Phụ lục : Quyết dịnh thành lập Tạp chí Điện tử Ngày nay tháng 12/1989